Những chuyện chưa quên (phần 7)

Hồ Phú Bông

Ảnh: Trại ‘học tập cải tạo’ Katum, Tây Ninh. Nguồn: x-cafe.org

Phần 7: Phía sau lưng

Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5phần 6

Nghiêm trong nhóm viết biểu ngữ và vẽ trang trí hội trường. Đây là công việc thuộc về mỹ thuật, tương đối nhẹ nhàng và làm việc ở trong nhà. Các ông cán bộ của tiểu đoàn không có việc, thường đến ngồi xem, thưởng thức và thăm hỏi. Tù khác đang đói thuốc, phải đi lượm dế về sao chế hút cho đỡ cơn ghiền nhưng nhóm Nghiêm thì đầy đủ thuốc điếu lẫn thuốc lào. Lại có cả nước trà!

Vừa ngồi vẽ, viết, vừa suy nghĩ. Chính mình viết, vẽ những biểu ngữ cho lớn, cho đẹp, để chửi lấy chính mình!

Yên nắn nót viết xong câu khẩu hiệu không có gì quý bằng độc lập tự do, lấy làm đắc ý lắm! Gật gù, thỏa mãn với nét viết của mình. Yên kéo một hơi thuốc lào thật sâu, nuốt hết cả khói vào trong. Tỏ vẻ ngất ngưởng, khoái lạc lắm. Yên đang đợi một tiếng khen của hai ông cán bộ mới bước vào. Trên nét mặt hai ông cán bộ cũng tỏ vẻ thán phục nghệ thuật viết chữ của Yên lắm. Nhưng một lúc sau, một ông đột ngột phát hiện:

– Không, thế nầy nà thế nào? Anh dám sửa chữ của nãnh tụ đấy à?

Yên ngỡ ngàng. Xanh mặt. Chưa biết bị sai chỗ nào. Chưa biết phải phản ứng ra sao. Ông cán bộ tiếp:

– Không thể nào bằng được. Phải hơn cơ!

Rồi ông nhấn mạnh:

Không có gì quý hơn độc nập tự do. Đấy nà nời của Hồ Chủ Tịch kính yêu. Đấy nà chân ný. Anh không thể nào sửa nại nời khác được.

Hơi thuốc lào tan biến mất. Yên toát mồ hôi. Tội sửa lại lời của lãnh tụ là nặng lắm. Vì có bao giờ tù quan tâm là viết hay vẽ cái gì đâu. Chỉ viết là viết. Vẽ là vẽ. Là thợ, thế thôi. Cũng may cho Yên, chữ bằng hoặc chữ hơn câu nói đều cùng nghĩa nên chỉ phải xóa và viết lại chứ nếu không thì chắc chắn phải lãnh hậu quả nặng nề.

Bản chất thực thà trong ngôn ngữ đã thể hiện rõ nét trong đời sống người miền Nam, nhưng cách dùng từ lươn lẹo, là cách dùng bình thường của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc. Cứ xem cái thông cáo về tập trung cải tạo sau ngày 30-4-1975 sẽ rõ ràng thôi.

Cũng vì thế, cho nên họ luôn luôn bất an về cách dùng từ của người khác. Họ luôn luôn muốn kiểm soát tư tưởng, ngôn ngữ của người khác và dễ dàng kết án tội xỏ xiên, dù chỉ là vô tình.  

Tâm bất chính, nên lòng luôn bất an.

Từ viết khẩu hiệu, vẽ trang trí, dần dần các ông cán bộ bắt đầu áp phe. Các ông thấy vẽ đẹp, viết đẹp, nên móc trong túi ra một tấm hình dúm dó của người thân, rồi nhờ họa lớn ra. Khi ông cán bộ nầy nhờ, luôn dặn dò, đừng cho ông cán bộ khác biết. Đến ông cán bộ khác nhờ, lại dặn đừng cho ông cán bộ kia hay.  

Chính các ông cán bộ lại sợ nhau!

Khi một ông đã nhờ được rồi thì thường ít lai vãng. Hình như sợ bị lộ bí mật. Chỉ thỉnh thoảng thoáng qua, hỏi đôi ba câu, như nhắc nhở khéo, cho chút thuốc lào hoặc thuốc điếu, rồi đi ngay. Chưa bao giờ giá cả nghệ thuật lại rẻ đến như vậy. Nhưng ngược lại, nhóm Nghiêm cũng cảm thấy thỏa mãn vì có cơ hội tiếp trợ chất khói cho tù bạn bè hoặc cho tù cùng lán.

Cứ sau mỗi buổi làm ở tiểu đoàn về, thế nào cũng có tù khác đón đợi chất khói. Trông như trông mẹ đi chợ về!

Cộng sản đã đổi đời con người thật nhanh. Nấc thang xã hội, trèo lên, phải vắt cả tim óc và mồ hôi, nhưng tuột xuống, thì chỉ trong nháy mắt. Giông bão làm bật gốc cây cối nhưng rêu cỏ thì lại vươn cao.

Một buổi chiều, trời đang nắng nóng, bỗng dưng mây đen vần vũ. Rồi từng cơn gió mang hơi nước ẩm ướt, lành lạnh tràn về. Cảm giác con người cũng mang mang. Buồn buồn. Nỗi buồn như se lại. Hắt hiu. Rồi cơn mưa ập đến. Nghiêm dời chỗ vẽ ra xa khung cửa, nhưng từng giọt mưa từ mái tôn đổ xuống, là từng giọt buồn, thánh thót rơi trong tâm hồn. Cái cọ chấm sơn không buồn nhúc nhích. Những hơi thuốc được kéo dài. Phổi có ấm nhưng không thể nào ngăn được những tiếng thở dài cứ theo nhau, như lượng trời mưa.  Sài Gòn-Tây Ninh, không gian sao vời vợi!

Một ông cán bộ đội mưa bước vào làm Nghiêm trở về thực tại. Ông đứng ở ngưỡng cửa vung vung thân người cho văng bớt nước. Cái xắc cốt da nâu, ướt nước nên đậm hơn, cũng được ông lúc lắc. Ông bước vào bên trong không mạnh dạn, tự nhiên như những ông cán bộ khác đối với tù. Ông nhìn Nghiêm, ý ông muốn hỏi mượn cái điếu cầy. Nghiêm lên tiếng và ra dấu xin mời:

– Dạ.

Lần đầu tiên Nghiêm thấy một cử chỉ văn minh nơi một ông cán bộ. Biết hỏi mượn đồ vật của người khác, mà lại của tù! Điều nầy làm Nghiêm để ý ngay. Men chiến thắng, men anh hùng, men Đảng ta, chưa thấy trong con người nầy. Ông mân mê bi thuốc lào như gửi gắm vào đấy chút suy nghĩ. Ông cời cời cái nõ điếu với chút khoan thai. Cái đóm đang có lửa được ông giấu trong lòng bàn tay, tránh gió thật kín. Ông tiêm tí lửa, bập bập mấy cái, mân mê sửa lại bi thuốc, rồi mới kéo một hơi dài thật sâu làm cái nõ điếu kêu rít lên, rồi đột ngột tắt hẳn. Ông không nuốt khói, chỉ nén giữ giây lát, rồi từ từ thở ra. Khuôn mặt ông hơi ngước lên, được vây phủ bởi làn khói trắng như tiêu diêu vào cõi xa xăm. Cách sử dụng điếu cầy của ông có nét nghệ thuật. Ông mở đầu câu chuyện khi nhìn Nghiêm:

– Buồn nhỉ.

– Dạ, trời chợt mưa, cái lạnh chợt đến nên cảm giác con người cũng dịu vợi đôi chút.

– Anh đã lập gia đình chưa?

– Dạ.  Vợ hai con.

– Trông anh còn trẻ hơn tuổi gia đình của anh. Vợ con anh đang ở đâu?

– Dạ, Sài Gòn.

– Tôi vừa ở Sài Gòn lên.

Vừa nghe ông cán bộ nói ở Sài Gòn lên, lòng Nghiêm như thắt lại. Nơi đó có gia đình và vợ con Nghiêm. Trời Tây Ninh đang mưa, liệu Sài Gòn có đang mưa không? Khung cửa sổ trên lầu, nơi mà mỗi lần mưa Nghiêm thường ngồi nhìn qua cây xoài bên nhà hàng xóm. Ngày đó, Hoàng thường đứng ở phía sau, vòng hai tay qua cổ Nghiêm thì thầm. Hoàng có cái gì đó như nhỏ nhoi. Như yếu đuối. Liệu Hoàng có qua nỗi cơn sóng gió nầy không? Nghiêm thở dài. Từ Tây Ninh về lại Sài Gòn phải tốn bao nhiêu thời gian? Thời gian sẽ tính bằng tháng, bằng năm hay sẽ không bao giờ? Nghiêm muốn kéo dài câu chuyện về Sài Gòn, nên hỏi ông cán bộ:

– Cán bộ đi công tác ở Sài Gòn?

– Vâng.

– Sài Gòn, cán bộ thấy như thế nào?

– Sài Gòn lớn và văn minh hơn tôi nghĩ trước kia.

– Dạ, theo cán bộ, Sài Gòn trước kia và thực tế có khác nhau lắm không?

Ông cán bộ có chút suy nghĩ:

– Một đêm khi tôi cùng đơn vị nằm chờ lệnh tiến công, chúng tôi cứ nhìn vô Sài Gòn như là thành phố của ánh sáng. Tôi không tưởng tượng được sự to lớn của nó. Và đặc biệt, tiếng ô tô rầm rập không ngừng. Tôi không nghĩ Hà Nội có thể nhớn hơn, nhưng trong đời tôi, lần đầu tiên tôi thấy được cái ánh sáng to nhớn đó là của Sài Gòn.

Nghiêm cố gợi thêm:

– Thưa cán bộ, theo đài thì Sài Gòn chỉ có bên ngoài.  Phồn vinh giả tạo mà thôi.

– Vâng. Nhận xét của trên là vậy. Nhưng đi giữa Sài Gòn tôi thấy Sài Gòn có chất sống. Ý tôi muốn nói, nó như có cái gì ấm cúng chứ không khô cứng và lạnh. Hà Nội thì khác hẳn. Hà Nội và con người chịu kham khổ với nhau và lại cắn đắn với nhau.

– Thưa cán bộ, ý cán bộ muốn nói, đi giữa Sài Gòn có vẻ thỏa mái hơn về tinh thần?

– Cũng có thể là vậy.

– Thưa cán bộ, còn mức độ văn minh?

– Sài Gòn có quá nhiều nhà cao tầng hiện đại và tôi không hiểu xe ở đâu mà nhiều lắm thế.

Nghiêm không muốn câu chuyện đi xa hơn nên quay qua đề tài khác:

– Thưa cán bộ chắc đã có gia đình?

Ông chợt yên lặng. Cái yên lặng của ông không có nghĩa là không đồng ý câu hỏi về đời tư của ông, nhưng cái yên lặng trong khoảnh khắc nầy như câu hỏi vô tình đụng vào nơi sâu thẳm và hoang vắng nhất trong tâm hồn ông. Ông nén lại một vết thương. Nén lại một tiếng thở dài.

– Vâng, tôi còn độc thân, nhưng sự độc thân không trọn vẹn.

Nghiêm biết ông sẽ nói tiếp, nên kiên nhẫn chờ đợi.

– Tôi đã có người yêu và chúng tôi cùng trên đường vô Nam nhưng người yêu của tôi đã chết trong trận bom Mỹ oanh kích ở Trường Sơn. Chúng tôi ở hai đơn vị khác nhau, nên mãi mấy tháng sau tôi mới nhận được tin buồn nầy. Chúng tôi đã có những ước mơ thật bình thường của tuổi yêu đương. Nhưng tiếc là những cái bình thường nhất của đời sống, trong chiến tranh, lại là những cái phải mơ ước! Và cái mơ ước trong tình yêu đó của chúng tôi không còn bao giờ đến nữa. Giá bây giờ người yêu tôi còn sống.

– Xin lỗi cán bộ, vô tình tôi đã khêu dậy một vết thương.

– Không sao. Tôi đã hỏi anh về gia đình thì anh cũng đã hỏi lại như vậy. Không có gì, chỉ có khác là hoàn cảnh riêng mà thôi.

Nghiêm thấy có chút bình đẳng và tự nhiên trong cách nói chuyện của ông cán bộ. Từ lúc ông bước vô, cho đến bây giờ, nếu ông cán bộ không mặc đồ bộ đội, không mang dép râu, xắc cốt thì có thể nghĩ ông là một người bạn bình thường khi nói chuyện với nhau. Không có cái khô cứng trong ngôn ngữ, không có cách biệt trong giao thiệp và cái chất tình cảm rất là người, không bị o ép, khuôn đúc như hầu hết các ông khác.

Nghiêm nghĩ nếu ông cán bộ nầy đi nói về chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội gì đó thì may đâu bài học có chút sinh khí để bàn cãi.

Ông hỏi Nghiêm:

– Vào trại tập trung anh có mang theo hình ảnh của gia đình không?

– Dạ có.

– Hẳn những lúc mưa buồn như thế nầy, nhìn vào đấy, để thấy tha thiết phải không?

Nghiêm trả lời có chút bài học:

– Phải khắc phục thôi, cán bộ.

– Điều đó tốt thôi, nhưng hy vọng anh không tự dối lòng. Tôi đã chia tay với người yêu và tôi đã mất người yêu trong chiến trận. Tôi hiểu sự đau đớn nầy. Mất mát là mất mát. Là vĩnh viễn không còn tìm lại được. Đất nước là đất nước. Đất nước là để con người sinh sống, nhưng khi con người mất đi thì đất nước để làm gì? Dĩ nhiên là cho người khác, cho thế hệ nối tiếp, nhưng trong chỗ riêng tây mình cũng cảm thấy hụt hẫng. Trái tim không còn chút tình cảm riêng tây thì trái tim đó đã chết. Cho nên, nếu nói mình vì mọi người hoàn toàn, tôi thấy câu nói không có nhiều thuyết phục. Chỉ là những đóa hoa kết thêm trên tà áo cưới cô dâu nhưng lòng dạ không phải vậy.

– Thưa cán bộ, cách mạng đang chiến thắng. Đang đạt được những gì mong muốn và cũng phải có cái giá để trả.

– Vâng, tôi hiểu ý anh. Song thời gian mới thật sự là câu trả lời. Người miền Nam di tản nhiều quá! Nếu chỉ là số ít thì có thể họ sai lầm, nhưng không lẽ đông người sai lầm đến như vậy. Trong lúc đài kết án họ là phường đĩ điếm, ma cô. Đó chính là câu hỏi lớn hiện tại. Còn sự phồn vinh của miền Nam tôi nghĩ là thật, chứ không phải giả tạo.

Nghiêm nghe và yên lặng. Không dám có thêm gợi ý gì. Ông cán bộ tiếp:

– Cách mạng bây giờ có thể kể trên các anh hàng trăm thứ tội nhưng chắc gì bên trong các anh chấp nhận. Đôi khi các anh nghĩ có tội chỉ vì các anh là người chiến bại. Cái khó là trong thâm tâm chúng ta, tìm hiểu nhau và có chấp nhận nhau được không.

Thấy ông cán bộ nầy rất cởi mở và thẳng thắn nên Nghiêm muốn nhân dịp nầy tìm hiểu chút tin tức về học tập mà có rất nhiều tin đồn đãi khác nhau:

– Thưa cán bộ, tôi biết học tập để biết đường lối chính sách, rất cần thiết, nhưng thưa cán bộ khoảng bao lâu sẽ hoàn tất?

Ông có chút suy nghĩ trong câu trả lời.

– Tôi cũng không biết. Kế hoạch đều do trên cả!

– Thưa cán bộ, có nhiều tin nói rằng học xong mười bài sẽ được cho về?

Ông cán bộ không trả lời thẳng câu hỏi nầy.

– Theo tôi, cách tốt nhất là chuẩn bị cho chính mình. Không chuẩn bị tốt thì cho dù hoàn cảnh nào cũng khó thể vượt qua.

Qua đối thoại, Nghiêm thấy ông cán bộ khá thành thật trong chỗ riêng tư nhưng lại né tránh chuyện liên quan đến tù. Ông cũng mù mờ về đường lối chính sách của Đảng. Sự tráo trở trong ngôn ngữ không chỉ đánh lừa người dân nhưng cũng đánh lừa ngay trong hàng ngũ cán bộ. Đến giai đoạn nào, thì giải thích theo giai đoạn đó. Mọi việc không đặt trên nền tảng chân thật, nên mọi người phải linh động theo từng diễn biến. Sự linh động giải thích nầy dần dần biến thành thói quen, nói để vừa lòng người nghe chứ không phải nói sự thật. Mọi người đều lừa dối nhau, từ gia đình, cha mẹ, con cái, bè bạn, chỉ vì Bác và Đảng đang đứng ở sau lưng!

Con người ông cán bộ có hai thế giới. Thế giới riêng tư, âm thầm và khép kín, nhưng sôi bỏng. Thế giới công tác, thì nói và làm theo lệnh trên, mù mờ, nhưng không dám đối diện sự thật. Nhưng cái mù mờ, không thật nầy, lại quyết định đời sống từng cá nhân như ông.  

Có thể tâm tình của ông, ông không thể san sẻ cùng đồng đội vì có thể bị làm công tác tư tưởng nên có dịp, lại sẵn sàng cho nó thoát ra với người khác, như Nghiêm, người tù mới của chế độ.

Đảng và công việc, như chiếc áo phải khoác vào khi đi ra khỏi cửa, nhưng thế giới riêng tư thì lại mâu thuẫn với những cái gì hàng ngày phải nói hoặc phải làm. Cuộc tranh chiến dai dẳng nội tâm, tạo nên một bộ mặt mới, bộ mặt hư ngụy!

Một xã hội lại được xây dựng bởi những bộ mặt hư ngụy thì tương lai sẽ đi về đâu?

_____

[1] Dế: tiếng lóng để gọi mẩu tàn của thuốc điếu.

Bình Luận từ Facebook