Hồ Phú Bông
Phần 12: Giá của tự do
Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần 7, phần 8, phần 9, phần 10 và phần 11
Nghi phân vân quá. Phải chọn lựa một con đường. Nên tiếp tục nín thở qua sông như tình trạng nầy hay lại phải sắp xếp một chuyến vượt thoát. Sự chia tay Chẩn trong đau đớn là một dấu ấn trong đời. Là một thúc đẩy phải tìm sự sống. Phải có quyết định dứt khoát trong những ngày tới, không thể lần lữa. Có nên gợi ý với Tố Nga hay không? Là một câu hỏi quan trọng. Phải tìm câu trả lời.
Buổi tối Nghi gặp Nghiêm ở ngoài sân như tình cờ, nhưng cả hai đã hẹn trước để tránh tình trạng theo dõi của ăng ten. Nghi, Nghiêm và Chẩn đã có ý định trốn trại từ lâu nhưng mọi việc chuẩn bị chưa kịp thì bị chuyển trại liên tục. Do đó khi về trại nầy Nghi và Nghiêm ít nói chuyện với nhau để đánh lạc hướng ăng ten. Cuộc tình của Nghi và Tố Nga, toán cưa xẻ đều biết nhưng chi tiết thì chỉ có Nghiêm.
Nghi lên tiếng trước:
– Mày tính sao? Ở thì cũng chết và đi thì cũng chết. Tỉ lệ đi thoát thì gần như không có.
– Phần mày có tin được Tố Nga không?
– Tao tin, nhưng sợ cái vụng dại của đàn bà làm hỏng chuyện mà thôi.
– Mày yêu thật?
– Thân tàn ma dại như thế nầy mà nó yêu tao tha thiết, nên tao nghĩ là thật.
– Cuộc tình rồi sẽ đi về đâu?
– Chắc khó có câu trả lời.
– Nếu sắp xếp chu đáo thì phải có Tố Nga nhập cuộc, tao nghĩ vậy.
– Bây giờ còn chút sức khỏe nên có người bên ngoài hỗ trợ thì hy vọng sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn. Tao cũng nghĩ vậy.
– Mày thử gợi ý với Tố Nga, còn tao sẽ gợi ý với Lân, nó thế Chẩn.
– Phải thực hiện càng sớm càng tốt kẻo lại chuyển trại thì mọi việc phải trở lại từ đầu.
Nghiêm không ngủ được. Bao nhiêu câu hỏi cứ tràn về. Nghĩ đến chuyện trốn trại thì cùng lúc phải nghĩ đến cả trăm vấn đề có thể xảy ra. Nếu vượt thoát thì sẽ phải qua hướng Trung Quốc vì thời điểm nầy về chính trị rất thuận lợi. Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch Quốc hội Cộng sản Việt Nam đã đào thoát sang Trung Quốc như vậy thì không lo đến việc bị giao trả trở về. Không khí chính trị đang căng thẳng giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam ngày một rõ ràng hơn. Mới hai năm trước, khi còn ở trong miền Nam, những bài báo trên tờ Nhân Dân và Sài Gòn Giải phóng thường được đọc tại lán, trong giờ nghe đọc báo trước khi đi ngủ, bao giờ cũng ra rả tình hữu nghị Việt Trung môi hở răng lạnh Một điều đồng chí Mao Trạch Đông kính mến, hai điều đồng chí Châu Ân Lai, rồi sau đó là đồng chí Hoa Quốc Phong… nhưng với lịch sử thì chỉ như một cái chớp mắt, bây giờ lại là bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh, bọn Sô vanh nước lớn…
Tình nghĩa thầy trò từ môi hở răng lạnh đến sớm đầu tối đánh giữa hai đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam đã nói lên tính cách bất lương của chế độ vì chỉ có bọn bất lương mới thay đổi thái độ và ngôn ngữ xoành xoạch như sự sấp ngửa của một bàn tay.
Nếu đến được Trung Quốc trong giai đoạn nầy thì rất nhiều hy vọng sẽ có cơ hội được sang các nước tự do. Đấy là giấc mơ! Nhưng từ đây đến biên giới Trung Quốc bao xa, không biết địa hình, trong tay lại không có chút thực phẩm, thuốc men và núi rừng trùng điệp không thể định hướng, liệu có thoát được hay không? Chỉ mấy tháng trước đây khi vừa ra đất Bắc ở trại 5 thuộc nông trường trà Trần Phú đã có hai cuộc trốn trại bất thành.
Cuộc trốn trại thứ nhất do hai anh Lê Duyên Ngẩu và Hoàng Thao, thực hiện ba tuần sau khi đến Hoàng Liên Sơn.
Ngày hôm trước, anh Thao được biểu dương về lao động tốt trước trại, tối hôm sau hai anh trốn. Hơn hai mươi ngày biền biệt tưởng đã thành công, nhưng hai anh Thao, Ngẩu bị lạc hướng trong núi sâu và cạn cả thực phẩm đành men ra rẫy ăn cắp sắn. Anh Thao, người Nùng, bị giết chết tại đó. Anh Ngẩu bị đánh tả tơi, bầm dập rồi bị dân quân giao nộp về lại trung đoàn. Khi toán rau xanh cử người đi khiêng về, anh Ngẩu chỉ còn như một xác chết. Thương tích đầy người. Râu tóc dài. Cơ thể mỏng như phiến lá dính vào chiếc cáng không thể nhận ra. Anh bị biệt giam, cùm riêng nơi phòng kỷ luật. Hôm sau khi cán bộ từ trung đoàn xuống làm việc, anh được mở xích cả tay chân, nhưng không thể đi được. Anh đã phải bò từ nhà kỷ luật đến nhà làm việc, cách xa gần ba trăm mét, trên con đường đất sỏi lởm chởm ven theo triền của hai sườn đồi khác nhau, với các bậc tam cấp lúc xuống, lúc lên, cao như đụng vào mũi. Đây là một hoạt cảnh không thể nào quên cho thân phận người tù của chế độ Cộng sản Việt Nam: một ông vệ binh tay cầm súng AK, đi sau một con vật người bò lệch bệch trên đất sỏi, bằng hai đầu gối và hai cánh tay. Cứ bò được năm ba bước lại gục đầu trên đất nghỉ mệt. Không phải chỉ có Nghiêm, mà bao nhiêu tù đang lao động trồng sắn và phá rừng trên các đồi quanh đó đều thấy rõ. Rất rõ. Có thể đây là mục đích của bộ chỉ huy trại! Họ muốn báo trước cho những tù có ý trốn trại nhìn cái gương của hai anh Thao, Ngẩu.
Tự do vô giá, nên cái giá của tự do phải trả bằng máu hoặc chính mạng sống, tù vẫn tìm cách ra đi.
Hai tuần lễ sau, đêm 19-8-1976, bác sĩ Nguyễn Hữu Thường và Đệ lại trốn. Gần hai tuần lễ sau đó, Đệ bị bắt và được giao trả về trại bình yên. Đây là một nghi vấn thật lớn. Sau thời gian bị giam cùm cách ly với mọi tù khác, Đệ được cho trở về lại lán. Đệ đã giữ yên lặng hoàn toàn chuyện trốn trại một cách khó hiểu. Mọi người trở nên e dè với Đệ. Mãi về sau, gạn hỏi, Đệ cho biết bác sĩ Thường đã được cộng sản Lào bắt đi. Thời gian sau đó, Đệ lại bảo bác sĩ Thường bị té núi gãy chân, nhưng không cho biết thêm chi tiết nào khác.
Bác sĩ Thường đã một lần tìm cách trốn trại ở trong Nam nhưng bất thành khi đang giả dạng làm đàn bà tại nơi hố đái của đàn ông lúc thân nhân đến thăm nuôi và bị bại lộ.
Bác sĩ Thường có quyết tâm trốn trại dù đã ra ngoài Bắc nhưng điều kiện thể chất không khỏe mạnh, lại không có kinh nghiệm về mưu sinh thoát hiểm, nên dù đã âm thầm hợp tác với một số tù khác nhưng bất thành. Cuối cùng bác sĩ Thường trốn với Đệ.
Khi đến trại 5, lần đầu tiên kiểm nghiệm, tù bất ngờ, nên bị trại tịch thu rất nhiều thuốc men và giao cho bác sĩ Thường giữ một số tượng trưng để làm nhiệm vụ y tế cho tù. Lợi dụng dịp cán bộ dẫn đi lên các triền núi cao, tiếp xúc và chữa bệnh cho các viên chức người Mèo, bác sĩ Thường làm quen và tìm hiểu địa hình, rồi sau đó cùng Đệ trốn trại. Một cuộc trốn như vậy coi như đã có chuẩn bị khá tốt, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Bác sĩ Thường đã chết, nhưng cái chết không rõ ràng. Có thể bị bắn, có thể bị phản bội hoặc tự sát bằng thuốc độc cyanide mà bác sĩ Thường luôn luôn cất giữ trong người. Cyanide là một loại thuốc để tự vẫn của các chiến sĩ biệt kích nhảy toán, vì bác sĩ Thường đã chuẩn bị việc tự sát chứ không để bị bắt trở lại.
Phan, người thứ năm, tìm cách nghiên cứu địa hình để trốn trại. Trong khi đi lao động, anh men theo con suối, đi ngược dòng nước, tìm lên các đỉnh cao để xác định phương hướng. Khi chiều xuống, anh đóng vai đi lạc nên ra ngoài đường lớn đón xe nhờ chở về trại. Một chiếc xe quân đội chở anh rồi giao cho dân quân xã canh giữ, rồi thông báo về trại. Ông trung úy Đinh trưởng ban hậu cần được lệnh đi bắt Phan về.
Trời tối, Phan được thảnh thơi ngồi ngoài sân của một gia đình người Tày. Mấy người bên trong nhà đang lo bữa ăn tối trong ánh đèn dầu tờ mờ. Một cô bé và một chú bé, có lẽ con chủ nhà, tò mò đứng nhìn Phan rồi đem nước cho Phan uống. Những ánh sao trời dần dần hiện rõ. Trong triệu triệu vì sao ngôi sao nào là của Phan? Một ngôi sao đang lạc loài trong bóng đêm của cuộc đời và đang ngồi đợi bị dẫn dắt về lại trại giam!
Ông trung úy Đinh đến. Ông không nói gì, chỉ nhìn Phan rồi đi vào bên trong nhà. Họ chào hỏi và nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ Tày. Phan nghe xi xô to nhỏ, nhưng không hiểu gì. Hình như họ đang dùng chung bữa ăn tối muộn màng. Ăn vừa xong thì đám con nít cỡ 12,13,14 tuổi trong xóm kéo đến mỗi lúc một đông. Chúng nhìn Phan khá chăm chú nhưng Phan không nhìn lại. Cơn đói triền miên lại đến, thêm cái lạnh của đêm chớm về nên Phan cố thu người cho nhỏ lại giữ ấm. Đám con nít lòng vòng quanh Phan rồi tản ra. Chúng không biểu lộ gì thù hận, chỉ hiếu kỳ.
Trời tối đã lâu. Phan có chút ngạc nhiên sao chưa thấy ông cán bộ dẫn về trại. Bên trong nhà lại nghe tiếng Tày xi xô với đám nhỏ. Bỗng một giọng Việt hơi lớn hơn, vọng ra:
– Còn chần chờ gì nữa!
Nghe vậy, đám con nít vây lấy Phan và bắt đầu tấn công. Những đòn đánh không thù hận, không nguy hiểm. Chúng chỉ đánh cho có lệ. Phan ngồi yên chịu trận, hai tay ôm lấy đầu và cố bảo vệ khuôn mặt. Phan bình tĩnh và đủ sáng suốt để nghe ngóng tình hình chung quanh. Bỗng một tiếng dội của một thanh củi hoặc một thanh gỗ nào đó, được ném ra từ bên trong nhà cho đám trẻ. Một cú đánh chớp nhoáng, phang ngay vào mặt Phan, Phan chỉ kịp kêu lên một tiếng ối rồi bị ngất đi…
Khi tỉnh dậy, dòng máu tươi còn loang trên mặt. Trán Phan đã bị một vết thương nặng, lõm vào và tóe máu. Vết thẹo nầy là dấu vết không thể nào phai. Chắc chắn dấu vết nầy sẽ lưu lại mãi mãi trên khuôn mặt Phan và trong ký ức suốt cuộc đời còn lại, cùng với lời của ông trung úy Đinh nói với Phan sau đó:
– Anh biết đấy, các anh đã gây nợ máu với nhân dân, đến con trẻ cũng căm thù các anh. Cũng may cho anh là tôi đã can thiệp kịp lúc.
Cộng Sản nổi tiếng với chiến thuật du kích, tạo bất ngờ, đánh lén, rồi rút êm không để lại dấu vết, nhưng chắc chắn đây không phải là đòn du kích. Đây là một bài bản. Cán bộ đã sắp đặt với người dân và đặt biệt cho trẻ con, đối với tù từ miền Nam ra.
Tuổi thơ của con trẻ vốn không hận thù nhưng cán bộ đứng đàng sau dạy chúng thù hận và cung cấp vũ khí để chúng thực hiện. Đây là sự ném đá giấu tay của chế độ!
Bóng tối của chế độ không nằm trong chiến thuật nhưng trong chiến lược giáo dục và đào tạo tuổi thơ mang hận thù. Cung cấp vũ khí để chúng đánh đòn thù dù đối tượng của chúng chỉ là những con người bình thường nhưng bị Đảng tô vẽ như những bóng ma, ác quỷ. Khi chúng biết cười tươi trước máu đổ thì bản chất người, bản chất hiền lành, lương thiện của chúng đã mất rồi!
Đấy là kế hoạch trăm năm trồng người của ông Hồ Chí Minh!
Tương lai của chúng, của gia đình và xã hội sẽ đi về đâu trong thù hận giả tưởng chất ngất khôn nguôi? Phải chăng đây là con người vừa hồng vừa chuyên , là con người mới Xã hội Chủ nghĩa trong thiên đường Chủ nghĩa Xã hội mà đảng Cộng sản Việt Nam đang ra sức đào tạo?
_____
[1] Lời ông Mao Trạch Đông.
[2] Anh Lê Duyên Ngẩu, về sau chết bất đắc kỳ tử tại trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa sau khi được con gái anh, mới 14 tuổi, một mình lặn lội từ miền Nam ra Bắc tìm thăm cha. Một cuộc thăm nuôi đầy xúc động.
[3] Năm 2000, người viết được biết, thân nhân của BS Thường đã cải táng mộ anh về miền Nam.