“Nhất Đái Nhất Lộ” – Vòng kim cô cho Việt Nam

Cali Today

Huệ Vũ

19-11-2017

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và TBT VN Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Reuters

Việt Nam – Cali Today News – Người Việt dù ghét cay, ghét đắng đi nữa cũng phải thấy thực tế là bài diễn văn của Tập Cận Bình đọc trong hội nghị APEC ở Đà Nẵng đã nhận được những tràng pháo tay của thính giả trong hội trường. Thính giả là người của 21 nước APEC, hầu hết tin tưởng vào sự thành công của tự do thương mại, các hiệp ước tự do mậu dịch. Các tràng pháo tay khác đã nổi lên khi họ Tập đề cập tới Diễn Đàn Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Forum-BRF) được tổ chức trong trung tuần tháng 5/17 ở Bắc Kinh. Họ Tập tuyên bố: “Sáng kiến này là từ Trung Quốc, nhưng nó thuộc về thế giới. Nó bắt nguồn từ lịch sử, nhưng nó định hướng cho tương lai. Nó tập trung vào Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, nhưng mở cửa cho các đối tác..” Ông ta tin tưởng Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ tạo ra một nền tảng rộng hơn và năng động hơn cho hợp tác Á Châu-Thái Bình Dương.

Trên 2000 năm trước, vào năm 138 trước Tây Lịch, Trương Khiên (Zhang Qian) nhận lệnh Hán Vũ Đế công du các nước Tây Vực và ông ta đã đặt được liên hệ ngoại giao với nhiều nước Trung Á. Khi trở về ông ta mang theo nhiều sản phẩm quý giá, và viết cuốn Triều Dã Kim Tài, tả lại sự giàu có của các nước đã đi qua. Từ đó người Hán bắt đầu mang lụa qua các nước Trung Á để trao đổi, hình thành con đường tơ lụa từ Trường An đi tới tận Ba Tư (Iran) và  La Mã. Vào đời Minh, con đường bộ Tơ Lụa chuyển qua đường biển.

Vào tháng 4/2012, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã tổ chức Diễn Đàn Con Đường Tơ Lụa Mới (New Silk Road) với sự tham dự của hầu hết nguyên thủ các nước Đông Âu, và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố dự án Cơ sở Âu Á sẽ nối liền 2 lục địa bằng đường bộ, đường tàu lửa và đường biển. Nhưng Sáng kiến “Nhất Đái Nhất Lộ”, Một Vành Đai Một Con Đường (One Belt One Road) gọi tắt là OBOR chia làm 2 nhánh gồm Vành Đai Kinh Tế Con Đường Tơ Lụa (SREB -Silk Road Economic Belt) và Đường Hàng Hải Tơ Lụa (MSR -Maritime Silk Road) đã được Tập Cận Bình giới thiệu lần đầu tiên trong chuyến viếng thăm Trung Á vào tháng 9 năm 2013 và viếng thăm Nam Dương (Indonesia) trong tháng 10 năm 2013. Vào giữa năm 2016, Tập Cận Bình đã chính thức gọi OBOR là Belt and Road Initiative (BRI).

Tính cho tới nay đã có 68 quốc gia tham gia BRI, chiếm gần 60% dân số và gần 40% Tổng sản lượng (GDP) toàn cầu. BRI có 6 hành lang (HL) chính: HL Cầu Đất Âu Á Mới (New Eurasian Land Bridge) chạy từ Hoa Tây tới Miền Tây Nga, đi xuyên qua Kazakhstan; HL Hoa-Mông-Nga chạy từ Hoa Bắc tới Đông Nga; HL Hoa-Trung Á-Tây Á, chạy từ Hoa Tây tới Thổ Nhĩ Kỳ; HL Trung Quốc- Đông Dương, chạy từ Hoa Nam tới Singapore; HL Hoa-Miến-Bagladesh-Ấn, chạy từ Hoa Nam tới Ấn Độ; HL Trung Quốc-Pakistan chạy từ Tây Nam Trung Quốc tới Pakistan; và đường hàng hải chạy từ các hải cảng Trung Quốc tới Địa Trung Hải qua kênh đào Suez đi tới Âu Châu.

Trước cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu (2007-2008), mức phát triển của Trung Quốc là 11%, nhưng sau đó suy giảm mạnh, con số thặng dư mậu dịch cũng giảm nhiều. Bắc Kinh đẩy mạnh BRI không chỉ là chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn kinh tế bắt đầu suy giảm, nhằm tiêu thụ xi măng, sắt thép đang dư thừa, và chuyển hướng dùng số tiền dự trữ mua công khố phiếu Hoa Kỳ có tiền lời rất thấp qua đầu tư có lợi hơn, mà Bắc Kinh còn nhắm cạnh tranh với Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ và Nhật lãnh đạo. Và dĩ nhiên đàng sau là tham vọng vô cùng lớn, mong mở rộng ảnh hưởng kinh tế trên 3 châu lục, thực hiện chủ nghĩa Đại Hán bằng kinh tế. Họ Tập tuyên bố BRI là hy vọng của thế kỷ!

Thất bại của TPP sau khi Hoa Kỳ rút lui tạo thêm thuận lợi cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc có khoảng trống để thúc đẩy BRI.  Các nước đang chơ vơ sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, quay về chủ nghĩa bảo vê, sẽ chỉ còn hy vọng BRI với số tiền đâu tư dự trù lên tới US $1600 tỷ của Bắc Kinh sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng và gia tăng thương mại. Phi Luật Tân là nước đang có tranh chấp với Trung Quốc về lãnh hải, một quốc gia đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, cũng đã trở thành một nước đặt nhiều hy vọng ở BRI.

Qua BRF ở Bắc Kinh trong tháng 5/17, Trung Quốc hứa hẹn trong vòng 10 năm tới đầu tư mỗi năm $150 tỷ. Tập Cận Bình cũng cho biết thương mại giữa Trung Quốc và các nước BRI từ năm 2014 tới 2016 đã lên trên $3000 tỷ và Trung Quốc đã đầu tư vào các nước trên $50 tỷ. Trong năm 2016, các công ty Trung Quốc đã mua tài sản ở hải ngoại trên $220 tỷ, họ mua bất cứ thứ gì, từ nhà hát cho tới các câu lạc bộ túc cầu ở Âu Châu. Trong năm nay, Trung Quốc đã ký 109 hợp đồng ở các nước BRI, so với 175 trong năm 2016 và 134 trong năm 2015. Hợp đồng lớn nhất trong năm nay là mua tập đoàn Global Logistics Properties của Singapore với số tiền $11,6 tỷ.

Trong năm 2013, Trung Quốc đã vận động thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu (Asian Infrastructure Investment Bank – AIIB), khi AIIB bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2016 đã có 63 nước tham gia, trong đó có nhiều nước Tây Âu. Số tiền vốn huy động của AIIB là $100 tỷ, là một trong những ngân hàng tài trợ cho các chương trình kiến thiết hạ hạ tầng cơ sở ở các nước BRI.

Tham vọng lớn của Bắc Kinh cũng đã và đang gặp nhiều trở lực và bất lợi từ dân chúng các nước, cho tới bối cảnh chính trị và gặp nhiều nghi ngại của các nước lớn khác.

Công ty COSCO đang làm chủ 67% hải cảng Piraeus của Hy Lạp đã bị công nhân bến tàu biểu tình nhiều lần vì sự lạm dụng sức lao động và trả lương thấp.

Hiện đang có trên 10.000 công ty Trung Quốc hoạt động ở Phi Châu và họ  đã đưa trên 250.000 công nhân qua Phi Châu làm việc, nhiều công ty Trung Quốc hoàn toàn không thuê người dân địa phương. Điều này đang gây tức giận cho người bản xứ và họ coi Trung Quốc là một nước Thực Dân Mới. Các nhóm Nhân Quyền cũng đang lên án điều kiện làm việc tại các công ty Trung Quốc ở Phi Châu.

Trong 3 năm qua, ít nhất 54 công nhân Pakistan làm việc trong các công trình BRI bị giết. Hải cảng Gwadar nằm trong tỉnh Balochistan là cái nôi của phong trào Tân Taliban chống chính phủ, các công trình của Trung Quốc trong tỉnh Balochistan đang phải đối diện với phong trào khủng bố và các công trình này trở thành mục tiêu của chúng.

Ấn Độ đang ngờ vực các công trình mở đường sá trong Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan. Trong tháng 7 năm nay, Tích Lan (Sri Lanka) cho công ty China Merchants Port Holdings thuê hải cảng Hambantoba 99 năm làm nhiều nhà bình luận Ấn Độ lên tiếng báo động Trung Quốc đang bao vây Ấn Độ. Lo ngại tham vọng của Trung Quốc đã làm cho Ấn Độ không gởi phái đoàn qua tham dự BRF ở Bắc Kinh. Để chống lại BRI, Ấn Độ còn đề nghi với Nga mở Hành Lang Giao Thông Quốc Tế Nam Bắc (International North-South Transport Corridor- INSTC) nhưng chưa được Nga đồng ý.

Trung Quốc đang tiến hành nhiều công trình ở Trung Á nhưng đang gặp chống đối rất mạnh của dân chúng. Theo kết quả các cuộc thăm dò, đa số người dân Kazakhstan và Kyrgyzstan coi Trung Quốc là mối đe dọa. Nhiều cuộc biểu tình phản đối các công ty Trung Quốc đối xử tệ bạc với công nhân bản xứ đã diễn ra. Trong năm 2015, công nhân người Kazakhstan và Trung Quốc đã đánh nhau tại một mỏ đồng do một công ty Trung Quốc khai thác.

Nga đang mạnh mẽ ủng hộ BRI, nhưng Nga và Trung Quốc có thể sẽ xảy ra tranh chấp ở Trung Á, vì xung đột quyền lợi giữa Liên Minh Kinh Kế Âu-Á đang do Nga lãnh đạo và mục tiêu BRI. Người Nga ở Miền Đông Nga cũng đang tỏ ra không ưa sự hiện diện của các công ty Trung Quốc.

Qua bài diễn văn ở BRF tháng 5/17, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh 5 điểm: Một là phải làm cho BRI thành con đường tiến tới hòa bình, Hai là con đường đi tới thịnh vượng, Ba là con đường đi tới mở cửa, Bốn là con đường đi tới canh tân, và Năm là con đường kết nối, trao đổi các nền văn hóa.  Tuy nhiên, lời nói của Tập Cận Bình có đi đôi với việc làm, các công ty Trung Quốc có làm cho người dân các nước cảm thấy Trung Quốc thân thiện và có thiện chí cùng tiến tới hòa bình thịnh vượng hay hay không, hay càng ngày họ cảm thấy Trung Quốc là mối đe dọa lớn lại là 2 điều khác nhau. Cảm nhận thứ nhất sẽ làm cho BRI thành công, cảm nhận thứ nhì sẽ làm cho BRI thất bại. Hòa Bình Trung Quốc –Pax Sinica trở thành giấc mộng.

Các nước Đông Nam Á đang là vùng giao thương lớn hàng thứ ba của Trung Quốc. Vào năm 2015, thương mại song phương lên tới $472 tỷ. Hai bên tin tưởng giao thương song phương sẽ lên $1000 tỷ vào năm 2020. Tuy nhiên, việc Trung Quốc chiếm đoạt các hải đảo Việt Nam, vẽ đường lưỡi bò ở Biển Đông đã làm cho dân chúng nhiều nước Đông Nam Á nghi ngại tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Mặc dù Luật Hành Xử (COC) của 2 bên đã được thi hành ở Biển Đông từ năm 2013, Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm và hành xử thô bạo trong vùng.

Đối với Việt Nam, Tập Cận Bình kêu gọi kết hợp BRI với sáng kiến “Hai Hành Lang –Một Vành Đai” của Việt Nam.

CSVN đã đưa ra sáng kiến “Hai Hành Lang –Một Vành Đai” vào năm 2004 nhằm mở rộng giao thương với phương Bắc. Hành lang thứ nhất là Quảng Tây- Quảng Ninh –Hải Phòng; hành lang 2 là Vân Nam-Lào Cai-Hà Nội- Hải Phòng. Vành đai gồm các tỉnh Hoa Nam và Bắc Việt. Tuy nhiên, vào năm 2006, “Hai Hành Lang Một Vành Đai” dưới áp lực của Bắc Kinh đã trở thành “Một Trục Hai Cánh”. Một Trục là từ Nam Ninh kéo tới Singapore. Hai cánh gồm Cánh Trái mở rộng cộng tác vùng sông Mekong, Cánh Phải mở rộng hợp tác vùng Vịnh Bắc Phần. VN đang là thị trường lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất lớn ở VN, trong đó có mua đất, lập khu chung cư.  Hiện giờ con số du khách Trung Quốc chiếm 50% con số du khách tới VN mỗi năm.  Số tiền Ngoại Quốc Đầu Tư Trực Tiếp (FDI) của Trung Quốc ở VN vào Đệ Nhất Tam Cá Nguyệt năm 2017 lên trên $800 triệu, chiếm 10.8% FDI đổ vô VN.  Hầu hết các công trình do FDI Trung Quốc tài trợ nhằm khai thác tài nguyên và công nhân rẻ hơn ở VN. Nhiều công trình của Trung Quốc đã tạo ô nhiễm môi trường nặng nề.

Kinh tế VN có thể nói là đang lệ thuộc Trung Quốc rất lớn. CSVN đã tự đặt vòng kim cô “Một Trục Hai Cánh” cho chính mình, và đang đội thêm vòng kim cô “Nhất Đái Nhất Lộ” của Bắc Kinh sẽ càng khó vùng vẫy.

Rất có thể để trấn an các nước Đông Nam Á, Trung Quốc sẽ có thái độ hòa dịu hơn ở Biển Đông, giảm bớt các hành động hung hăng, không quan tâm tới các chuyến hải hành FONOF (Freedom of Navigation Operations) của hải quân Hoa Kỳ (dù đã ngưng trệ), có thể sẽ có những nhượng bộ nào đó với Phi Luật Tân, nhưng khi chế độ CSVN không mạnh mẽ đặt vấn đề tranh chấp lãnh hải và hải đảo, thì Bắc Kinh sẽ không bao giờ đề cập tới vấn đề này. Chế độ tham nhũng, giới chức chính quyền từ trung ương tới địa phương của VN rất dễ dàng mua chuộc và giới thương gia, đầu tư Trung Quốc lại là những người rất khéo léo trong việc mua chuộc, cho nên khó biết VN đi về đâu với vòng kim cô “Nhất Đái Nhất Lộ”.

Tinh thần chống Trung Quốc của người Việt Nam dù đang rất cao, nhưng cứ bùng lên rồi tắt. Bắc Kinh hình như chỉ cần cứ tiếp tục nắm đầu Hà Nội là đủ.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây