Quân đội Việt Nam cần phải cải tổ

Shephard Media

Tác giả: Wendell Minnick

Dịch giả: Vũ Thạch

2-8-2017

Hải quân Việt Nam. Ảnh: Shephard Media

[Quân đội] Việt Nam phải bắt đầu nghiêm chỉnh tiến trình hiện đại hóa và cải tổ cơ cấu nếu muốn cầm cự được trước sự kiểm soát Biển Hoa Nam (Biển Đông) ngày càng tăng của Trung Quốc. Để tìm hiểu thêm về việc này, báo Shephard đã tham khảo một loạt chuyên gia quốc tế xem họ có những đề nghị gì.

Nói cho công bằng thì nhiều nguồn dữ kiện cho thấy quân đội Việt Nam có liên tục hiện đại hóa từ năm 1975, tuy có những giai đoạn xao lãng.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua quân đội đã chuyên chú vào xây dựng khả năng, thẩm định lại đặc tính của các quan hệ chiến lược, cải tiến cách thức trong đó các dịch vụ xác định nhu cầu và lên kế hoạch mua sắm [vũ khí], huấn luyện và đào tạo, và cơ chế, chức năng của nhiều ban ngành quân đội.

Thí dụ thành công rõ nhất là Viettel, công ty điện thoại di động lớn nhất của Việt Nam, do Bộ Quốc phòng làm chủ và điều hành.  Viettel đã vượt qua những chướng ngại cực lớn để trở thành một công ty viễn thông tối tân ngang tầm thế giới.

Dù có một vài thành công, nhưng nhiều người vẫn tin phải gấp rút cải thiện hơn nữa. Đặc biệt về cơ cấu chỉ huy mà ông Paula Giarra, chủ tịch học viện Global Strategies and Transformation ở Washington, cho là phải “phá đi xây lại toàn diện”.

Việc chọn ông Ngô Xuân Lịch giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng năm 2016, “một chính ủy không có kinh nghiệm chỉ huy hay hành quân … là một chọn lựa thực sự không đáng phấn khởi trong lúc quân đội đang cần được hiện đại hóa nhanh chóng”. Đó là lời của ông Zachary Abuza, một chuyên gia về Đông Nam Á tại trường National War College ở Washington DC.

Chọn lựa đó cho thấy khá nhiều về cảm giác bất an của Việt Nam, và cũng cho thấy những tranh luận trong nội bộ quốc phòng về câu hỏi quân đội theo phép định phải trung thành với tổ quốc hay với Đảng.

Huấn luyện và đào tạo từ căn bản đến các sĩ quan cao cấp cũng phải được ưu tiên. Bao gồm cả việc gởi các sĩ quan và các cấp chỉ huy hải quân đến các nước tiên tiến để học quân sự, đặc biệt về hành quân phối hợp. Đó là ý kiến của Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc.

Ông Abuza nói, việc huấn luyện bộ binh vẫn tốt, nhưng chuỗi rớt máy bay trong 2 năm qua cho thấy [không quân] thiếu máy bay và giờ bay để luyện tập. Hải quân cũng vậy, tuy mua thêm nhiều vũ khí hơn mọi binh chủng khác “nhưng tôi không được thuyết phục là họ đã được huấn luyện đủ để sử dụng”, ông Abuza nhận xét.

Ông Thayer nói thêm rằng, Việt Nam nên khởi động một chương trình mở rộng tập trận song phương và đa phương với quân đội các nước ngoài để thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân Việt Nam trong các lãnh vực ưu tiên như phòng không và an ninh trên biển.

Ông Thayer cố vấn: “Hãy khai triển một chiến lược quốc phòng và an ninh toàn diện, toàn chính phủ để hướng dẫn từng binh chủng khai triển các nguyên tắc, chiến lược, chiến thuật và phối hợp liên binh chủng”.

Một trong những trở ngại trong huấn luyện là việc mua vũ khí từ Nga, vốn hay thiếu các gói bảo quản, và các chi phí bảo quản thường không được tính vào ngân sách quốc phòng dài hạn của Việt Nam, “đặc biệt trong vụ mua 6 tàu ngầm thuộc hạng Kilo của Nga”, theo lời ông Abuza.

Theo ông Collin Koh, một viện sĩ thuộc trường S. Rajaratnam về Khảo cứu Quốc tế tại Singapore, thì mặc dù việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam phần lớn dựa vào quan hệ với Nga, nhưng trong dài hạn, các viên chức quốc phòng Việt Nam ngày càng quan tâm đến 2 khía cạnh của mối quan hệ này.

Thứ nhất, Nga không chỉ cung cấp vũ khí cho Việt Nam, mà cả Trung Quốc nữa. Việc cấm vận của Tây Phương sau vụ khủng hoảng tại Ukraina càng đẩy Nga và Trung Quốc gần nhau hơn trong lãnh vực hợp tác công nghệ quân sự. Hiện nay, Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính yếu cho Việt Nam, và Hà Nội đã bất đầu thấy khó chịu rồi, ông Koh nhận xét như vậy.

Ông chỉ ra “ít nhất bộ binh và không quân đang dần dần chuyển sang các nguồn không phải Nga, tuy nhiên cả quân đội nói chung vẫn dựa vào Moscow để mua các hệ thống vũ khí lớn”.

Thứ nhì, kinh nghiệm cho thấy Nga là một “con buôn vũ khí đổi ý bất thường”. Thí dụ như việc họ nói chỉ hứa chuyển giao công nghệ cho Việt Nam về loại tàu chiến hạng Gepard nếu Việt Nam mua tối thiểu từ 6 chiếc trở lên. Trong lúc Việt Nam đã ngao ngán về vận tốc đóng các tàu Gepard quá chậm.

Ông Koh nói “Trên đường dài, Việt Nam có thể chọn 2 con đường đáng tin cậy khác. Một là các nguồn không phải Nga, đặc biệt là Hà Lan, một nước mà Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã có quan hệ gần gũi qua ông Damen. Hai là tự chế tạo bằng cách gia tăng các chuyển giao công nghệ từ Nga rồi xây thêm khả năng đóng tàu”.

Ông Abuza đồng ý: Việt Nam sẽ làm tốt việc tự sản xuất theo giấy phép nhượng quyền hơn bất kỳ nước nào ở Đông Nam Á, và như thế giá thành sẽ rẻ hơn nhiều.

Một điểm yếu khác cần chỉnh sửa là lãnh vực chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, theo dõi và trinh sát (viết tắt là C4ISR). Theo ông Thayer, Việt Nam nên cách mạng hóa lãnh vực quân sự C4ISR này bằng cách bảo đảm khả năng phối hợp giữa không quân và hải quân qua các công nghệ được chuyển giao, cùng sản xuất và một nền kỹ nghệ quốc phòng vững chắc.

Ông Koh đồng ý và nhận xét rằng Việt Nam cho tới nay gặp khó khăn trong việc mở rộng khả năng tình báo, theo dõi, và trinh sát (ISR) trên biển, đặc biệt đối với Trung Quốc tại biển Hoa Nam. Một lãnh vực ISR lớn trên biển là phải tuần tra bằng tàu và trinh sát bằng máy bay tốt hơn trong tương lai.

Sáu thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter do Canada chế tạo tuy hiện đại nhưng tầm bay quá ngắn và sức chứa quá nhỏ để bao trùm vùng biển Hoa Nam bát ngát.

Ông Koh đề nghị Việt Nam nên duyệt xét nhiều chọn lựa, kể cả các phi cơ P-3C Orion tái tạo của Hoa Kỳ, hay phi cơ Airbus C-295 cải tiến, hay phi cơ CASA CN235 có gắn hệ thống ISR. Ông nói: “Lý tưởng thì đích điểm nhắm tới nên là một hệ thống liên hợp giữa các bộ phận ISR có người điều khiển và không người điều khiển, cũng như hệ thống ghi nhận từ xa (remote sensing) để bao quát cả vùng biển Hoa Nam”.

Ông Abuza nói: “Có vẻ như hiện nay, quân đội không thực sự có bài bản nguyên tắc gì. [Ít ra là] họ không có gì cho hải quân và không quân, và quá hạn công bố Bạch Thư [Quốc Phòng] đã 2 năm rồi”.

Ông Koh tin rằng, Việt Nam nên tiến đến việc thay đổi bài bản nguyên tắc để tản quyền chỉ huy và kiểm soát (C2) rộng hơn, và giao thêm thẩm quyền cho các cấp chỉ huy bên dưới. Khác với quá khứ, khi mà Hà Nội dựa vào các chiến dịch đánh du kích với phần lớn là quân lính gốc nông dân, hiện nay và trong tương lai các cuộc chiến đều sẽ ngắn, công nghệ cao, và mãnh liệt trước các kẻ thù đã được dự kiến, tức chính Trung Quốc chứ chẳng ai khác.

Nếu Trung Quốc đã chuyển sang hướng đó rồi thì không lý gì Việt Nam lại không chuyển theo. Ông Koh nói: “Nhu cầu phải biến đổi theo Trung Quốc còn có lý do xa hơn thế nữa. Để bù vào sự thua kém nhân lực và vật lực đối với Trung Quốc, phía Việt Nam càng cần phải mạnh dạn cải tiến hệ thống chỉ huy và kiểm soát (C2)”.

Ông nói thêm rằng sự cải tổ này bắt buộc phải có sự nhượng bộ của hệ thống chính trị, nơi vẫn giữ truyền thống tập quyền theo kiểu cộng sản, và chính trị nắm chặt quân đội. Nếu Việt Nam tiếp tục giữ nguyên trạng, họ sẽ đánh mất cơ hội ngay cả bắt theo Trung Quốc một cách khập khiểng.

Ông Koh kết luận: “Không có cách gì Hà Nội có thể bù lấp vào khoảng cách này bằng số lượng nhân lực và vật lực, ít nhất họ có thể vượt hơn Trung Quốc về tản quyền chỉ huy và kiểm soát (C2), và cho các cấp chỉ huy quân sự bên dưới nhiều thẩm quyền hơn”.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây