Đoạn 1 của “Show Trump” ở Nhà Trắng đã hạ màn: Cái giá mà nước Mỹ phải trả

Neue Zürcher Zeitung

Tác giả: Peter Winkle

Dịch giả: Nguyễn Văn Vui

02-11-2020

Biếm họa về Donald Trump

Thứ Ba này sẽ quyết định xem Donald Trump có được tái cử hay không. Những người ủng hộ Trump cho rằng, ông ta đã thực hiện các lời hứa hẹn. Nhưng liệu việc cai trị một nước có thể thay thế được bằng những màn trình diễn Reality-TV Show hàng ngày hay không, điều này đáng nghi ngờ lắm.

Trong chính trị người ta luôn luôn đặt câu hỏi: Điều nào là quan trọng hơn? Lúc mà tay tài phiệt ngành bất động sản và cũng là bầu chạy sô Reality-TV ở New York là Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ bốn năm trước đây, nhiều người bỏ phiếu cho ông thừa biết rằng, họ đã bầu cho một tay nói láo khét tiếng, một kẻ lừa đảo kỷ lục và một tên khoe khoang, khoác lác. Nhưng vì nhiều lý do khác đối với họ quan trọng hơn, cho nên họ vẫn cứ dồn phiếu cho ông ta, thay vì bịt mũi và quay lưng đi chỗ khác.

“Liên minh của Trump” đã thu lợi nhiều

Liên minh rộng rãi này bao gồm rất nhiều nhóm lợi ích trong xã hội: Đó là những người theo chủ nghĩa tự do, muốn giải phóng nền kinh tế khỏi vòng vây nghẹt thở của các quy tắc dân chủ và sưu cao thuế nặng. Đó là những người bảo thủ và ngoan đạo cổ hủ, muốn dùng các thẩm phán bảo thủ để xây dựng một bức tường thành chống lại những phát triển chính trị-xã hội mà họ cảm thấy bị đe dọa, như hôn nhân đồng tính, xóa bỏ ranh giới giới tính, phá thai. Đó là những người theo chủ nghĩa tự do, lúc nào cũng muốn hạn chế nhà nước trong những làn ranh thật hẹp. Đó là những người bị bỏ rơi lại phía sau bởi các thay đổi cơ cấu kinh tế và toàn cầu hóa, muốn được công nhận và coi trọng, cũng như muốn có một viễn tượng tương lai cho mình.

Và đó là những người chống đối di dân, những người theo chủ nghĩa bế môn tỏa cảng, chủ trưng đóng cửa biên giới và muốn tập trung lại sức mạnh của Mỹ vào nước của họ, bởi vì họ lo sợ rằng càng kéo dài, càng chia 5 xẻ 7 ra toàn thế giới, thì nội bộ Mỹ sẽ không thể phát triển hài hòa được với tiềm năng kinh tế của đất nước.

Các thành phần trong liên minh ô hợp này có một số lý do để nói rằng các nỗ lực của họ là xứng công, bởi vì họ đã thu rất nhiều lợi lạc trong bốn năm qua. Để có những kết quả này, thì việc họ bỏ phiếu cho Trump là quan trọng hơn những khiếm khuyết quá rõ ràng về tư cách và đạo đức của ông ta, quan trọng hơn sự bất lực về tài năng lãnh đạo đất nước của ông ta. Vấn đề là, khi tính sổ để tìm những lợi điểm đó, người ta phải chấp nhận khấu trừ khá nhiều những điều chính yếu thuộc về nguyên tắc.

Khó khăn trong việc kiểm điểm thành tích nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump nằm ở chỗ có quá nhiều kết quả trái ngược với nhau, nhiều điều chỉ có tính hời hợt hoặc thậm chí còn phản tác dụng về đường dài. Và hầu hết các thành quả – chắc chắn, Trump đã có một số thành quả – đều bị các thất bại kèm theo, to lớn hơn, nuốt chửng mất.

Cá tính của Trump đã bao trùm lên mọi thứ

Có người ví von, Trump hình như đã chuyển một hiện tượng cơ học lượng tử sang lãnh vực chính trị: Ông ta có thể cùng một lúc có mặt ở hai vị trí khác nhau, và có hai lập trường khác nhau cùng vào một thời điểm. Nói cách khác, đó là một loại tâm thần phân liệt về mặt chính trị, khi ông ta vừa muốn đứng ở vị thế cầm quyền và vừa muốn đứng ở vị thế của phe nổi dậy. Ngoại trừ công việc làm ăn của mình trong tập đoàn Trump Organization, thì Trump luôn thể hiện mình là một kẻ thích gây gổ và nổi loạn. Một cách thường xuyên và vô ý thức, ông ta đã thay đổi ý kiến và quan điểm của mình như chong chóng – đôi khi duy nhất chỉ vì muốn chống lại một người mà ông không hợp ý.

Trong trường hợp cá nhân Trump, cách hành xử này không có gì là mâu thuẫn cả, vì dường như ông ta không có bất cứ niềm tin nào cao hơn cái tôi của ông ta cả. Điều này lý giải tại sao ông ta vừa khẳng định một điều gì đó, nhưng ngay sau đó ông ta lại tranh luận ngược lại. Lối suy nghĩ và hành xử này được duy trì trong suốt nhiệm kỳ qua. Đa phần nó là nguyên nhân của sự hỗn loạn liên miên trong Nhà Trắng 4 năm qua, là lý do làm bạn bè bị hắt hủi, làm đối thủ bị gài bẫy và làm mất đi bao nhiêu người có năng lực và đầy cương nghị, không sớm thì muộn.

Đối với một tổng thống Mỹ điều này không phải là vô hại. Trump luôn tự nhận mình là một người bất nhất, không kiên định, và ông ta luôn luôn sống theo kiểu đó. Với phong cách làm việc này, ngay cả những liên minh và đồng minh xứng đáng cũng phải rút về vị trí hàng phía sau. “Nước Mỹ trên hết” có nguy cơ trở thành “Nước Mỹ đơn độc”, như bi kịch về thỏa thuận hạt nhân với Iran đã chứng minh rất rõ. Trump đã gộp các đồng minh Đức, Pháp và Anh vào chung một rọ cùng với Trung Quốc và Nga. Về lâu về dài điều đó không thể nào có lợi cho cường quốc Mỹ được.

Có rất nhiều ví dụ về việc bắt cá hai tay của Trump. Nhiều lần ông ta kể công đối với người da đen và người Latinh, khoe khoang các chính sách hỗ trợ của chính phủ mình cho họ, nhưng chỉ để liền sau đó là quy chụp hai nhóm dân cư này bằng những lời phỉ báng trực tiếp và gián tiếp mà thôi. Trump có thể vỗ vai ra vẻ bồ bịch với người Mỹ gốc Phi, nhưng đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với những kẻ thượng tôn da trắng, phân biệt chủng tộc và bạo động. Ông ta cũng có thể cứ chửi rủa người Mexico là những kẻ hiếp dâm và buôn lậu ma túy, nhưng đồng thời cũng có thể nhe răng cười và tuyên bố người Mỹ Latinh là quan trọng như thế nào trong cuộc tranh cử của ông ta.

Cá tính của Trump đã phủ một bóng đen dài lên mọi thứ mà ông ta đã làm trong nhiệm kỳ của mình. Ông ta rất nhanh nhậy với các chủ đề giật gân, những chuyện gây phân cực và không ngại ngùng dùng chúng cho những mục đích phô trương rẻ tiền của mình: Điều quan trọng là việc chính ông ta là người đang đưa ra các tin giật gân ấy. Trong cái bóng dài này người ta còn tìm thấy nhiều chuyện rất cần được xem xét kỹ hơn – như việc chống lại đại dịch coronavirus với những khiếm khuyết chết người của nó. Trump hiện đang coi dịch bệnh này là thủ phạm duy nhất cho tất cả các vấn đề của mình. Nhưng thật ra không phải vậy đâu. Thành tích mà ông ta thường tự phụ, thực ra đã bị trầy xước nặng nề trước cả đại dịch rồi.

Bắc Kinh và Moscow là bạn hay thù của Trump?

Công lao không nghi ngờ của Trump là ở Mỹ ngày nay – và ngày càng ở nhiều nước phương Tây – người ta nói về Trung Quốc khác với cách đây 4 năm. Đã đến lúc Mỹ phải nhìn nhận một sự thật phủ phàng là Trung Quốc không thèm đếm xỉa gì đến các luật chơi mà Mỹ đã đặt ra chung với các đồng minh và đối tác trong vài thập kỷ qua. Đó là cung cách mà Trung Quốc đối xử với các dân tộc thiểu số và các lực lượng đối lập, đó cũng là cách nó ứng xử trong thương mại thế giới. Với sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự, Trung Quốc muốn biến mình thành một trung tâm có thể định hình thế giới theo mô hình của Tàu. Nó dùng mọi phương tiện có được để giành lấy mục tiêu.

Từ lâu Trump đã có thái độ hoài nghi đối với Trung Quốc. Thậm chí ông ta còn cáo buộc Bắc Kinh gây ra đại dịch Covid-19 cho nhân loại là có chủ đích, mục tiêu cuối cùng là làm suy yếu nước Mỹ. Nhưng sự thật là nhiều quốc gia công nghiệp phát triển khác đã cho thấy rằng dịch bệnh có thể được đối phó tốt hơn đáng kể so với Hoa Kỳ. Và cách đây không lâu những lời của Trump về Tập Cận Bình và về Trung Quốc nghe ra rất khác với hôm nay: Năm 2017 Trump khen không ngớt lời “người bạn thân Tập” của mình, khi Tập đến thăm khu nghỉ dưỡng “Mar-a-Lago” của tập đoàn Trump ở Florida (được Trump mệnh danh là tòa “Bạch Ốc mùa đông”).

Và chỉ mới đầu năm nay, việc xử lý dịch bệnh của Tập Cận Bình còn được Trump ca ngợi tít mây xanh. Sau khi “chiến tranh thương mại” bùng nổ với Trung Quốc, Trump không ngừng nói bóng nói gió về một viễn cảnh thỏa hiệp sắp xảy ra với Bắc Kinh, đến nổi nhiều người nghi ngờ, liệu Trump có nghiêm túc giữ đường lối chống Tàu của mình hay không, hay là ông ta sẽ vứt bỏ mọi thứ để đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.

Trong khi đó, đối với ông chủ điện Kremlin là Vladimir Putin thì Trump đã bày tỏ một thái độ cuồng mê thô thiển và dễ dãi khó hiểu, trong khi Putin không hề bỏ qua một cơ hội nhỏ nhoi nào để gây bất ổn cho Mỹ và các đồng minh. Nhìn chung, không phải là Mỹ không có chính sách cứng rắn với Moscow. Nhưng chính Trump đã phá hoại chính sách đó, lần này quan lần khác, bằng những hành động và lời nói của mình. Cho đến nay, Trump vẫn không chịu thừa nhận sự thật rằng Putin đã giúp ông ta trong năm 2016 và sẽ giúp ông ta một lần nữa năm 2020 này, chỉ vì chính Putin muốn làm suy yếu nước Mỹ và nền dân chủ Mỹ.

Huyền thoại hòa bình ở Trung Đông

Một thành tích khác của Trump là việc đưa ra một huyền thoại cho rằng ở Trung Đông đang có tiến trình hòa bình. Trump huênh hoang tuyên bố đã tạo ra một bước đột phá trong cuộc xung đột mà tất cả mọi người trước ông ta đều thất bại. Đúng, việc thiết lập quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập là điều đáng hoan nghênh và cả thế giới sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu vết thương hằn sâu hơn 70 năm qua có thể lành lại qua một nền hòa bình được tất cả các bên yểm trợ. Nhưng đó rất tiếc không phải là trường hợp ờ đây. “Nền hòa bình” ở Trung Đông không được hình thành qua thương lượng, mà phần lớn là do mệnh lệnh, và điều này làm cho nó dễ bị tan vỡ.

Trong một thỏa thuận tam giác, vài quốc gia Ả Rập đã nhận được thứ gì đó từ Mỹ để bỏ rơi Palestine và ủng hộ Israel. Việc này được các bên chấp thuận trong bối cảnh địa-chính trị hiện nay, trong đó Iran là kẻ thù chung của nhiều tác nhân khác nhau. Nhưng thỏa thuận này để lại tại địa điểm xung đột chính – xung đột giữa người Israel và người Palestine – một tình huống làm cho người ta phải liên tưởng đến hoàn cảnh của người Bantustans dưới chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi trước kia. Ý tưởng tạo các biệt khu cho những công dân hạng hai có thể có sự hấp dẫn nào đó trong ngắn hạn, nhưng nó không thể tồn tại về lâu về dài được.

Đảng Cộng Hòa từ bỏ các nguyên tắc không được ưa chuộng

Trong nội bộ nước Mỹ, Trump đã kích hoạt một sự dịch chuyển các mảng kiến ​​tạo, mà người ta chưa thấy kết thúc. Cho dù sự đắc cử của ông ta năm 2016 chỉ nhờ một kết quả ngẫu nhiên của vài chục nghìn lá phiếu, nhưng việc đi lên của ông ta không phải là một sự ngẫu nhiên. Trong số hàng loạt các ứng cử viên tổng thống, Trump là người duy nhất cảm nhận được nỗi tức giận, sự cay đắng và tình cảm chán chường của hàng triệu cử tri Mỹ và biến họ trở thành đối tượng trọng tâm của chiến dịch tranh cử và nhiệm kỳ tổng thống của mình. Đảng Cộng Hòa (GOP) lâu nay là đảng của doanh nghiệp, của phe làm kinh tế, nay theo một cách nhìn nào đó, nó đang trở thành đảng của những người dân bị thiệt thòi.

Nhưng điều đó cũng có cái giá của nó. Theo quy luật của đảng Cộng Hòa trước thời Trump, nợ nần là thứ gì rất quỷ quái. Họ luôn luôn chống lại sự thâm hụt ngân sách, không những dưới thời Obama mà còn dưới thời chính quyền Bush nữa. Họ vô cùng lưu tâm đến các khoản chi cố định, chẳng hạn như chi phí cho an sinh xã hội. Theo quan điểm chung của đảng Cộng Hòa, thì các cơ sở phúc lợi xã hội này trước sau gì cũng sẽ lao vào vực thẳm tài chính và kéo theo cả ngân sách nhà nước. Các thế hệ tương lai sẽ không những bị lừa bởi những hứa hẹn chăm sóc tuổi già và chăm sóc sức khỏe mà thôi, họ còn phải hứng chịu cả núi nợ nần, đè dẹp mọi triển vọng của họ về thịnh vượng và sáng kiến kinh doanh.

Hàng hàng lớp lớp các kinh tế gia và lý thuyết gia đã củng cố các lời răn đe này trong nhiều năm trời. Nhưng chỉ trong mấy tháng qua, tòa nhà lý thuyết đồ sộ này đã sụp đổ cái rụp. Bỗng nhiên các khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục được phất tay cho qua, như thể chúng không là cái gì cả. Trump đã lý luận với những người Cộng Hòa rằng nếu mấy bạn muốn thắng cử, thì mấy bạn phải dẹp bỏ bớt những nguyên tắc không được ưa chuộng đó.

Những người Cộng Hòa đã học được bài học này và cũng áp dụng trong việc phê chuẩn thẩm phán mới vào Tối cao Pháp viện. Họ đã nuốt lời nói của chính mình trước đây 4 năm, đạp lên những nguyên tắc đạo đức chính trị mà chính họ đã đưa ra để từ chối không phê chuẩn ứng viên Merrick Garland, được TT Obama bổ nhiệm 8 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống 2016. Trong tuần qua, trong một nỗ lực không có tiền lệ, nhằm ảnh hưởng lên quyền tài phán trong nhiều năm tới, Trump và phe Cộng Hòa đã dùng mọi sức để đẩy quy trình phê chuẩn bà Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện 9 người, nâng tỉ lệ các thẩm phán bảo thủ so với tiến bộ, lên 6:3. Qua hành động này Trump và phe Cộng Hòa không che giấu việc muốn biến quyền tài phán của Tối cao Pháp viện thành một trò chơi chính trị. Điều này chắc chắn không giúp ích chút nào cho một cơ quan tư pháp độc lập, một cơ quan tối cao của quốc gia.

Trump đã phát hiện “những người bị bỏ rơi”…

Trước thời Trump ra ứng cử, nền công nghiệp của Mỹ từ lâu đã trên đà thoái hóa và co cụm lại do hệ quả của quá trình toàn cầu hóa và tự động hóa, tuy nhiên việc này đã được mọi người nhún vai chấp nhận, xem đó như là hậu quả bất khả kháng. “Mọi người” ở đây ám chỉ không những các doanh nghiệp và đảng Cộng Hòa thân cận của họ, mà còn chỉ nguyên cả phe tả khuynh, đã từ bỏ lối sống “trung lưu Mỹ” từ lâu rồi. Những người này tự xem mình là thành phần dân toàn cầu, với một tương lai đầy hứa hẹn. Bị bỏ rơi dọc đường là những thành phần vô vọng, phi chính trị và những người mà các công đoàn cố gắng yểm trợ mấy chục năm qua, đứng phía sau là đảng Dân Chủ.

Sự đi xuống của khu vực công nghiệp Mỹ, những tác động tàn phá đối với dân số bị ảnh hưởng cùng với các vấn nạn lan tràn lâu nay – như béo phì, lạm dụng opioid, tình trạng sống rã rời, thiếu triển vọng kinh tế, tuổi thọ giảm trong khu vực “Heartland” của Mỹ – tất cả đều không làm cho những người bảo thủ cũng như phe khuynh tả lâu nay quan tâm chút nào cả.

Chính Trump đã có công «phát hiện» ra những người đứng phía sau những bi kịch này như một lực lượng chính trị và đặt thành chủ đề vận động tranh cử của mình. Ông ta đã cho thấy những “người bị lãng quên” trong một nền dân chủ, có thể phản ứng lại và tạo ra nhiều thay đổi lớn. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng ông ta đã công cụ hóa tập thể này và trong 4 năm qua chẳng cải thiện một tí gì cho số phận của họ cả.

… và đã lừa dối họ

Trump đã cho những “kẻ bị lãng quên” đó một khuôn mặt và một tiếng nói, nhưng đồng thời cũng đã phản bội họ. Hầu hết mọi thứ mà ông ta khởi xướng để giúp đỡ cho họ về cơ bản là lạc hậu. Trong những tiếng reo hò của họ, Trump đã hứa hẹn sẽ khôi phục lại than đá và dầu hỏa như hồi xưa, mặc dù thị trường từ lâu đã đưa ra các điểm mốc mới – từ bỏ những nguồn năng lượng gây ô nhiễm này rồi.

Trump cũng hứa trăng hứa cuội rằng các khu công nghiệp thép của Mỹ sẽ tỏa sáng lại như thời huy hoàng xưa cũ, mặc dù thế giới đã phát triển đi quá xa. Không ai còn muốn sống trong không khí đầy than bụi mù mịt hoặc bên những dòng sông chết vì các chất thải rực cháy như những thập kỷ trước đây. Những tình trạng khủng khiếp này là lý do ra đời của hàng loạt điều luật bảo vệ môi sinh, bảo vệ không khí và nguồn nước. Nhưng Trump đã hủy bỏ hoặc nới lỏng hết điều luật này đến quy định khác. Ông ta từng biện minh cho việc rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris rằng ông ta đã được bầu ra để đại diện cho công dân của Pittsburgh, chứ không phải của Paris. Nhưng thật không có gì trớ trêu hơn, khi vị thị trưởng thành phố của Mỹ đã từ chối giải pháp của Trump và tuyên bố: Pittsburgh thích gắn bó với Paris hơn.

Dưới thời Trump, đảng Cộng Hòa dường như muốn dốc toàn lực để chạy ngược về quá khứ thay vì đối mặt với các thách thức của ngày mai. Họ chối từ giải quyết các vấn đề của tương lai bằng các phương pháp bền vững và cũng quên rằng thành phần dân số ở Hoa Kỳ đang thay đổi. Khi đưa ra các giải pháp cổ hủ, lỗi thời, đảng Cộng Hòa nhắm vào thành phần cử tri da trắng, nam giới và nông thôn, và phụ thuộc ngày càng nhiều vào thành phần này. Trong khi đó, họ mất dần sự ủng hộ của thành phần đông đảo phụ nữ ở các khu vực thành thị cũng như dân số gia tăng của giới trẻ và các sắc tộc thiểu số. Với những thay đổi không thể tránh khỏi trong thành phần dân số, đây là một trò cá cược cao của đảng Cộng Hòa, mà cơ may thắng là rất thấp.

Reality-TV như một hình thức cai trị

Sau gần bốn năm cầm quyền, Trump đã gây ra ở trung tâm quyền lực của Hoa Kỳ nhiều cơn lốc hơn cả những mùa bão dữ dội nhất từ trước tới nay. Khi nhìn lại nhiệm kỳ của Trump, nhiều người cảm thấy uể oải hoặc thậm chí kiệt sức. Vở kịch mỗi ngày là chương trình chính của màn Reality-TV, mà nhờ đó Trump đã nổi tiếng trên toàn quốc và cố gắng giữ số khán giả của mình. Có nhiều lý do chính đáng để chúng ta nghi ngờ, liệu đó có phải là hình thức cai trị phù hợp cho cường quốc kinh tế và quân sự số một thế giới hay không.

Hiện nay chúng ta chưa thể ước lường được các thiệt hại thực sự của nhiệm kỳ Trump, chẳng hạn chưa thể định lượng được các thiệt hại to lớn về uy tín cho các tổ chức và cơ sở chính quyền sau qua những cách hành xử thô lỗ, ăn nói láo lếu, thiếu lễ độ và thiếu sự tương kính giữa những người dân chủ với nhau trong các tranh luận chính trị. Cũng chưa ai biết được là những gì sẽ xảy ra trong đêm bầu cử và những ngày sau đó.

Nhiều người dân Mỹ đang cực kỳ lo lắng, đó là điều rất rõ. Lần đầu tiên trong đời, họ cảm nhận được mối lo âu sẽ có những đụng độ hoặc xô xát bạo lực.

Một phần lớn có lẽ là do không khí hoảng loạn nói chung, nhưng một phần khác, đó là hậu quả trực tiếp của cung cách mị dân của Trump, không ngừng kích động dân chúng về cái gọi là màn “gian lận bầu cử” của các đối thủ chính trị của mình, đồng thời lại ve vãn các nhóm “nhân dân tự vệ” có vũ trang, sẵn sàng ra tay cứu chúa.

Cuộc bầu cử kỳ này thật sự đã gây nhiều xúc động lớn trên tâm tư cả một dân tộc, điều mà ai cũng thấy rõ qua con số đi bầu sớm cao kỷ lục vừa qua. Vì vậy và cũng vì một nền dân chủ Hoa Kỳ – mà chúng ta từng biết và trân quý – rất mong là họ sẽ có một kết quả chóng vánh và rõ ràng vào ngày thứ Ba này.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.