Tác giả: Michael Schuman
Vũ Ngọc Yên, biên dịch
7-7-2020
Cũng như mọi người khác trong nước và trên thế giới, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có lẽ đang theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Hoa Kỳ và tự hỏi điều này có ý nghĩa gì đối với họ. Sau bốn năm lộn xộn với Donald Trump, Trung Quốc đang tính từng tháng, tuần, ngày và phút cho tới cuộc bầu cử tháng 11 với hy vọng một ứng cử viên Dân chủ (hoà dịu hơn) sẽ tiếp thu Toà Bạch Ốc.
Trump cũng tin chắc như vậy. Ông đã tweet “người Trung Quốc rất muốn Sleepy Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống để họ có thể tiếp tục lừa đảo nước Mỹ, như họ đã làm trong nhiều thập kỷ, cho đến khi tôi xuất hiện!”
Điều này không nhất thiết phải đúng sự thật. Theo quan điểm của Bắc Kinh, một tổng thống của đảng Dân chủ có thể tái lập một dạng ngoại giao Mỹ dễ dự đoán hơn, nhưng không hẳn phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Trung Quốc. Trên thực tế, thêm bốn năm nữa với Trump, dù có khả năng nhiều bực bội và tranh cãi nhưng Trump có thể tạo nhiều cơ hội hấp dẫn cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình ở Đông Á và thế giới.
Tất nhiên, chúng ta không biết chắc các cán bộ cao cấp Trung Quốc sẽ ưu tiên kết quả bầu cử nào, hoặc nếu họ thậm chí đồng ý với nhau. Không có ứng cử viên nào nên mong đợi sự xác nhận của nhật báo Nhân dân (People´s Daily). Dù vậy vẫn có những chỉ dấu.
Trong một bình luận rất bất thường, Long Yongtu, cựu đàm phán gia thương mại Trung Quốc theo các báo cáo, đã nói trong một hội nghị ở Thâm Quyến vào cuối năm ngoái, “chúng tôi muốn Trump được tái đắc cử; chúng tôi sẽ rất mừng khi thấy điều đó xảy ra”. Ông nói thêm những tweets của Tổng thống “làm cho chúng tôi cũng dễ hiểu và đó là sự lựa chọn tốt nhất cho một đối thủ để đàm phán”.
Vào tháng Năm, Hu Xijin, nhà báo cộng sản, chủ biên Hoàn Cầu Thời báo, đã tweet với Trump rằng, “người Trung Quốc mong muốn ông tái thắng cử vì ông có thể khiến nước Mỹ khác thường và thù hận thế giới. Ông góp phần giúp thúc đẩy sự đoàn kết ở Trung Quốc”.
Hu nói thêm rằng, cư dân mạng của Trung Quốc gọi ông là ‘Jianguo’ kiến quốc, nghĩa là ‘hỗ trợ xây dựng Trung Quốc’. Long và Hu có thể không nói thay cho lãnh đạo Bắc Kinh, nhưng không một viên chức hay nhân vật truyền thông nhà nước nào có thể mạo hiểm công khai cho ra những lời tuyên bố cấm kỵ trong vòng quyền lực nội bộ.
Nhiều người Mỹ tin (một cách sai lầm) rằng Trump là tổng thống đầu tiên đứng lên chống lại Trung Quốc. Chính quyền của ông đã áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trừng phạt một số công ty và quan chức quan trọng nhất của họ, và gây áp lực để Bắc Kinh giao dịch thương mại công bằng hơn và Trung Quốc muốn gì hơn? Chắc chắn, Bắc Kinh muốn tránh một cuộc đối đầu tốn kém với khách hàng lớn nhất của mình. Trump đã không tấn công khủng bố mạnh vào các cán bộ hàng đầu của Bắc Kinh như họ đã chờ đợi.
Giáo sư Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học Claremont McKenna College nói, Trump có một số cảm xúc đặc biệt mà Trung Quốc không thích, nhưng ông ấy cũng có các cảm xúc đặc biệt không làm Trung Quốc đáng bận tâm. Tổng Thống Trump thực sự không coi Trung Quốc là một kẻ thù ý thức hệ. Trump có thể bị thuyết phục nếu giá cả phù hợp.
Đây là chìa khóa đối với Trung Quốc. Mặc dù Trump đôi khi lên tiếng về các vấn đề chính trị và nhân quyền mà Bắc Kinh rất nhạy cảm và mới đây đã ký đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Trung Quốc về các hành động ngược đãi người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, nhưng cá nhân Trump tỏ ra không quan tâm, thậm chí tỏ thái độ bác bỏ.
Trong một cuốn sách mới xuất bản, John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, quả quyết, Trump đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bữa tiệc tối ở Osaka rằng, việc Bắc Kinh đang xây dựng các trại giam kiểm soát cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ là đúng. Trump gần đây cũng thừa nhận là ông trì hoãn các lệnh trừng phạt đối với các viên chức Trung Quốc liên quan đến các trại giam nhằm dễ dàng thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc về một Hiệp định thương mại mà ông ao ước.
Trump đã có thái độ tương tự đối với Bắc Kinh qua việc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Tổng thống hứa sẽ trừng phạt nghiêm khắc để phản đối những hành động mới nhất của Bắc Kinh khi áp đặt một đạo luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông nhằm tiêu diệt phong trào phản kháng. Mike Pompeo, Ngoại trưởng của Trump đã đưa ra những tuyên bố và lời đe dọa cường điệu đối với hành động này. Nhưng sự can dự của Trump, cho cuộc đấu tranh tại Hồng Kông thường không mặn mà.
Năm ngoái, khi hàng triệu người biểu tình trong thành phố, Trump đã không ủng hộ, thậm chí có lúc tuyên bố rập khuôn đường lối của Đảng Cộng sản [Trung Quốc], bằng cách gọi các cuộc biểu tình là bạo loạn và là một vấn đề hoàn toàn của Trung Quốc.Vào tháng 8 năm ngoái ông còn lên tiếng. “Đây là vấn đề giữa Hồng Kông và Trung Quốc, bởi vì Hồng Kông là một phần của Trung Quốc”.
Ngay cả thương mại, chủ đề nổi bật nhất trong các tweets, Trump đã tỏ ra yếu đuối. Các nhà đàm phán Trung Quốc đã khéo léo thuyết phục ông dời các cuộc thảo luận về các vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn các chương trình nhà nước bao cấp mạnh cho các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, vào giai đoạn hai của cuộc đàm phán, (vẫn chưa kết thúc). Thay vào đó, Trump tán thành một thỏa thuận giai đoạn một hẹp hơn, và đã ký hồi tháng 1, chủ yếu chỉ tập trung vào việc Trung Quốc mua nhiều nông sản của Mỹ, nhưng không ép Bắc Kinh phải thay đổi cách đối xử phân biệt trong quan hệ thương mại. Ngoài ra, Trump không hề đưa ra biện pháp ngăn chặn sức phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trên thế giới.
Sự miệt thị của chính quyền Trump đối với các tổ chức quốc tế đã góp phần làm tăng ảnh hưởng cho Trung Quốc, đặc biệt qua thông báo gần đây về việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới. Trong khi Pompeo nhiều lần tố cáo Sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng “vành đai và con đường”, là một cái bẫy nguy hiểm đưa ra quyến rũ các quốc gia nghèo, thì chính quyền Trump lại không bận tâm tìm cách đề xuất một giải pháp thay thế.
Tuy Trump lên tiếng bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bằng cách gia tăng các chiến dịch hải quân trong vùng biển tranh chấp để duy trì tự do hàng hải, nhưng ông đã không theo đuổi một chính sách ngoại giao nhất quán ở Đông Nam Á, và chính cá nhân ông nói chung thường sao lãng vấn đề này.
Patrick Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế ở Washington, cho rằng “giới lãnh đạo Trung Quốc rất tự tin dù nay chưa đạt chiến thắng ở Biển Đông, nhưng rồi họ chắc chắn sẽ chiến thắng” và Poling đã nói thêm: “Để ngăn chặn điều đó cần phải có một nỗ lực quốc tế chung do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng chuyện này chắc sẽ không xảy ra dưới thời chính quyền Trump”.
Đây là lý do chính khiến Bắc Kinh không bận tâm đến một nhiêm kỳ Trump nữa: Phong cách đối ngoại của Trump đơn phương, cá nhân hóa và cố định về các vấn đề tài trợ đã làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống liên minh truyền thống của Mỹ.
Trong khi Tổng thống Barack Obama đã tìm cách chuyển trục sang châu Á, Trump chỉ thỉnh thoảng lưu tâm đến khu vực, ngoài vấn đề thương mại và tranh chấp với Triều Tiên – Kim Jong Un. Bắc Kinh chắc chắn đã nhận ra, Trump làm căng thẳng mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật-Hàn, hai đồng minh thân cận nhất trong khu vực qua những cuộc tranh cãi dai dẳng và nhỏ nhặt về thương mại và chi phí cho các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại các quốc gia này. Sự kiện đó phù hợp với Bắc Kinh.
Khi Washington lùi lại, Trung Quốc tìm cách tiến lên. Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong quá trình nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc đang tận dụng khai thác phản ứng thất vọng của Trump về đại dịch virus corona để chế nhạo tổng thống và nền dân chủ Mỹ, làm dấy lên nghi ngờ về sự lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ và đưa ra hình ảnh Trung Quốc đang trở thành một cường quốc thế giới có trách nhiệm hơn.
Dựa vào những lỗi lầm trong cách xử lý bất nhất của Trump, Hoàn Cầu Thời báo của Hu đăng tải hàng ngày các bài chế bai Trump không biết làm thế nào để kiểm soát dịch bệnh. Hu đã tweet về Trump vào tháng Sáu: “Nếu Mỹ quốc cau có là một người trong cuộc sống, thì người ấy thật tồi tệ như thế nào”. Trong một Tweet khác, Hu đơn giản tuyên bố “Washington gần như đần độn”. Chính quyền Trung Quốc, với kỹ năng ngăn chặn virus vượt trội, đã “củng cố niềm tin quốc tế trong việc đánh bại virút”. Liu Xiaoming, đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh gần đây đã lập luận. (Mặc dù không rõ liệu những bình luận này có tác động đến dư luận toàn cầu hay không, nhưng nhiều nhà ngoại giao và viên chức của Trung Quốc chắc chắn nhận thấy chúng có hiệu quả).
Theo quan điểm của Trung Quốc, Trump không phải là người cứng rắn. Các tổng thống trước đây luôn tìm cách gây sức ép Trung Quốc tuân thủ các quy định của trật tự toàn cầu hiện tại. Trump thích hành xử ngoài hệ thống đó. Chẳng hạn, những người tiền nhiệm của Trump đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt vấn đề thương mại không công bằng của Trung Quốc và đã nộp 21 đơn khiếu nại từ năm 2004 đến đầu năm 2017 (với kết quả nhiều thành công). Chính quyền Trump, luôn công khai chê bai WTO và chỉ gửi hai đơn khiếu nại, một trong số đó là phản hồi về các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đối với áp thuế quan của chính quyền Trump. Trong khi các tổng thống trước đó đã tìm cách thuyết phục các cường quốc khác, đặc biệt ở châu Âu và Đông Á, với lợi ích tương tự, buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy định.
Toà Bạch Ốc của Trump lần này đã làm phần lớn Liên minh châu Âu xa lánh qua những đe dọa áp thuế nặng nề, chỉ trích Minh ước NATO và mạ lỵ cá nhân một số nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của phương Tây. Tại châu Á, Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước nhằm củng cố mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh.
Một vị tổng thống có chính sách đối ngoại của Mỹ bình thường hơn, qua đó Washington làm việc chặt chẽ với thân hữu, đổng minh và hỗ trợ các chuẩn mực và thể chế quốc tế sẽ là dấu hiệu không tốt cho Trung Quốc. Ứng cử viên Dân chủ Joe Biden hứa sẽ thành lập một liên minh các quốc gia để cô lập và đối đầu với Trung Quốc. Joe Biden lập luận rằng “Khi chúng ta cùng liên kết với các chế độ dân chủ khác, sức mạnh của chúng ta sẽ tăng lên gấp đôi. Trung Quốc không thể chống lại hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu”. Chính lý do này, chứ không phải Trump sẽ là cơn ác mộng cho Trung Quốc.
Bất cứ ai thắng trong tháng 11, chính sách đối với Trung Quốc có lẽ sẽ không giảm bớt. Một sự đồng thuận vượt qua dị biệt chính kiến gần như đã hình thành ở Washington. Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược đối với Hoa Kỳ và không thể quay ngược đồng hồ trở về những ngày thanh bình cho sự kiên nhẫn can dự của Mỹ. Ông Poling, của tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, cho biết: “Còn rất ít chim bồ câu, thậm chí ở bên trái… Một ứng viên Dân Chủ đến từ bây giờ sẽ không phải là người dân chủ Obama khi bàn tới Trung Quốc và xét về mặt chính trị, chuyến đó không còn có thể”.
Giáo sư Pei của Claremont McKenna phỏng đoán, một số người ở Bắc Kinh vẫn có thể thích chiến thắng của Biden hơn, dù chỉ hy vọng sự căng thẳng tạm dừng vì đảng Dân chủ, ít nhất là lúc đầu, tập trung vào các ưu tiên chính trị trong nước. Nhưng Pei nói, người Trung Quốc cũng có thể hối tiếc: “Dân phò Trump tin rằng chỉ Hoa Kỳ mới có thể giáng cho Trung Quốc một đòn chí mạng”. Ông Pei nói thêm “Đảng Dân chủ có thể liên kết với các đồng minh để thành lập một mặt trận đoàn kết hơn chống Trung Quốc. Nếu đảng Dân chủ thành công, Trung Quốc về lâu dài sẽ ở trong tình trạng khó khăn hơn nhiều”.
____
Michael Schuman là tác giả của hai cuốn sách “Superpower Interrupted: The Chinese History of the World” và “The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth“.