Tác giả: Joseph E. Stiglitz & Hamid Rashid
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
8-6-2020
Trong cú sốc ban đầu do COVID-19 gây ra, các chính phủ và ngân hàng trung ương ứng phó bằng những đợt bơm tiền mặt khổng lồ là chuyện có thể dễ hiểu. Nhưng hiện nay, các nhà hoạch định chính sách cần lùi một bước và xem lại các hình thức kích hoạt nào thật sự cần thiết và nguy cơ nào gây nhiều hại hơn lợi.
Các chính phủ trên khắp thế giới đang phản ứng mạnh mẽ với cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng cách ứng phó kết hợp về tài chính và tiền tệ, nó đã đạt tới 10% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, theo Cơ quan Kinh tế và Xã hội thuộc Liên Hiệp Quốc đánh giá tổng quát mới nhất, các biện pháp vực dậy này có thể không thúc đẩy cho tiêu dùng và đầu tư nhiều như các nhà hoạch định chính sách hy vọng.
Vấn đề đã được ghi nhận rộng rãi khi những bất ổn xã hội diễn ra sau cái chết của George Floyd có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng COVID-19 vốn dĩ đã là khẩn cấp. Nhưng kết nối theo hướng khác, từ trận đại dịch cho đến các cuộc biểu tình, đã không gây được sự quan tâm hơn.
Vấn đề là một phần lớn lượng tiền bơm đang được chuyển trực tiếp làm thành vốn đệm cho dự trữ, nó dẫn đến sự gia tăng trong bảng kết số dự phòng. Tình hình này gần giống như “bẫy tiền mặt” mà John Maynard Keynes lo âu trong cuộc Đại khủng hoảng 1930.
Các biện pháp kích hoạt hiện nay đã được khai triển trong vội vã, gần như trong hoảng loạn, đó là việc dễ hiểu, nhằm ngăn chặn hậu quả kinh tế do trận đại dịch. Trong khi cách chữa cháy này không nhắm đúng mục tiêu cũng không chính xác, nhiều nhà bình luận lập luận rằng, đó là lựa chọn duy nhất trong thời điểm này. Nếu không bơm tiền mặt ồ ạt trong tình trạng khẩn cấp, có lẽ đã có nhiều vụ phá sản lan ra, thất thoát vốn doanh nghiệp và thậm chí con đường phục hồi còn chông gai hơn.
Nhưng bây giờ đã rõ là trận đại dịch sẽ kéo dài lâu hơn một vài tuần như đã được giả định ban đầu khi ban hành các biện pháp khẩn cấp này. Điều đó có nghĩa là, tất cả các chương trình này cần phải được đánh giá một cách cẩn trọng hơn, quan tâm nó trong trường kỳ. Trong thời kỳ vô cùng bất trắc, vì lo sợ cho những gì sẽ xảy ra, các hộ gia đình và doanh nghiệp thường nắm giữ tiền mặt cho các khoản tiết kiệm dự phòng.
Cuộc khủng hoảng hiện nay không là một ngoại lệ. Phần lớn số tiền mà các hộ gia đình và doanh nghiệp nhận được dưới dạng chi phiếu hỗ trợ kích hoạt có thể sẽ không có tác dụng trong tài khoản ngân hàng của họ, do nhiều lo lắng về tương lai và tiết giảm cơ hội chi tiêu. Đồng thời, các ngân hàng có thể có tiền dư thừa, vì những người đi vay các khoản tiền mới không đáng tin cậy.
Không có gì đáng ngạc nhiên, trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, các ngân hàng ký thác của Mỹ đang có dư thừa dự trữ gần gấp đôi, từ 1,5 ngàn tỷ lên 2,9 ngàn tỷ. Để so sánh, mức dư dự trữ trong các ngân hàng trong cuộc Đại Suy trầm chỉ đạt đến 1 ngàn tỷ. Sự gia tăng ồ ạt này trong mức dự trữ của ngân hàng cho thấy, cho đến nay các chính sách kích hoạt được thực hiện đã có hiệu ứng theo số nhân là thấp. Rõ ràng, tín dụng ngân hàng, nếu huy động đơn phương, sẽ không đưa chúng ta ra khỏi bế tắc kinh tế hiện tại.
Tiền mặt dư thừa hiện nay có thể gây chi phí tốn kém cho xã hội, nó làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Ngoài những lo ngại thông thường về nợ và lạm phát, cũng có lý do chính đáng để lo lắng là tiền mặt dư thừa trong các ngân hàng sẽ được chuyển sang đầu cơ tài chính. Các thị trường chứng khoán vốn đã dao động mạnh hàng ngày, sự biến động này có thể kéo dài tình trạng bất ổn gia tăng, dẫn đến thái độ dự phòng nhiều hơn, không khuyến khích cho tiêu dùng và đầu tư cần thiết để phục hồi.
Trong trường hợp này, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cái bẫy và vấn đề gay góc về lượng tiền mặt: Cung ứng tiền tệ gia tăng ồ ạt trong khi các hộ gia đình và doanh nghiệp chỉ sử dụng hạn chế. Các biện pháp vực dậy được phác hoạ cẩn trọng có thể giúp ích khi trận COVID-19 được kiểm soát. Nhưng chừng nào đại dịch vẫn còn hoành hành, không thể có vấn đề quay trở lại tình trạng bình thường.
Mấu chốt cho vấn đề hiện nay là làm giảm rủi ro và tăng khích lệ cho chi tiêu. Cho đến bao lâu mà các doanh nghiệp lo lắng nền kinh tế sẽ vẫn còn suy yếu, từ sáu tháng hoặc một năm kể từ bây giờ, họ sẽ hoãn đầu tư, do đó, trì hoãn phục hồi. Chỉ có nhà nước mới có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Các chính phủ phải tự chịu trách nhiệm trước các rủi ro hiện nay bằng cách bồi thường cho các doanh nghiệp trong trường hợp nền kinh tế không phục hồi trong một thời điểm nhất định.
Đã có một mô hình để thực hiện cho việc này: Chứng khoán Arrow-Debreu (được đặt tên theo các nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Kenneth Arrow và Gérard Debreu), nó sẽ có thể dùng để thanh toán trong một số điều kiện được định trước. Ví dụ, chính phủ có thể bảo đảm, nếu ngày hôm nay một hộ gia đình mua xe hơi và khúc tuyến dịch bệnh vẫn duy trì ở một điểm nhất định trong sáu tháng tới, các phí khoản thanh toán hàng tháng cho xe của họ sẽ được đình chỉ. Tương tự như vậy, các khoản vay và thế chấp tùy thuộc vào mức thu nhập có thể được sử dụng để khuyến khích mua nhiều loại hàng tiêu dùng, bao gồm cả nhà ở. Các điều khoản tương tự có thể áp dụng cho các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư thật sự.
Chính phủ cũng nên cân nhắc việc phát hành chứng phiếu chi tiêu để kích thích chi tiêu cho gia đình. Điều này đã xảy ra khi chính quyền địa phương trên 50 thành phố ở Trung Quốc phát hành chi phiếu theo kỹ thuật số, nó có thể được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ khác nhau trong một khoản thời gian nhất định. Ngày hết hạn dùng làm cho các chứng phiếu này trở thành kích thích tố mạnh mẽ của tiêu dùng và tổng cầu trong thời gian ngắn, khi biện pháp này là cần thiết nhất.
Khi trận đại dịch dường như sẽ kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, nhiều biện pháp kích hoạt hơn còn cần thiết. Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, mặc dù đã chi ra 3 ngàn tỷ đô la cho các hình thức hỗ trợ khác nhau, mà không cần nhiều hơn, người ta hy vọng, nếu không có các biện pháp được phác hoạ cẩn trọng thì tiền trợ cấp sẽ chỉ lo kéo dài cho sinh hoạt trong vài tháng, thay vì thật sự cứu doanh nghiệp.
Một phương sách đã vận hành ở một số quốc gia là cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp với điều kiện là họ giữ lại công nhân, hỗ trợ trả tiền lương và các chi phí khác tương xứng với việc giảm doanh thu. Tại Hoa Kỳ, dân biểu Pramila Jayapal, một nữ dân biểu của quốc hội tiểu bang Washington, đề ra một dự thảo luật theo đường lối này, có nhiều nghị sĩ cũng làm như vậy.
Các chương trình kích hoạt được phác hoạ thô sơ không chỉ không hiệu quả mà còn có tiềm năng gây nguy hiểm. Các chính sách tồi tệ có thể góp phần vào sự bất bình đẳng, gieo mầm cho sự bất ổn và làm suy yếu sự hỗ trợ chính trị cho chính phủ trong khi ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài là cần thiết. May mắn thay, có những lựa chọn thay thế. Nhưng liệu các chính phủ sẽ áp dụng hay không, chúng ta còn cần phải chờ xem.
______
Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel về Kinh tế học, Giáo sư Đại học Columbia, nhà kinh tế trưởng tại Học Viện Roosevelt, Cựu Phó chủ tịch, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Cuốn sách mới nhất của ông là “People, Power, and Profits: Progressive Capitalism for an Age of Discontent“.
Hamid Rashid, là cựu Tổng Giám đốc về các vấn đề kinh tế đa phương tại Bộ Ngoại giao Bangladesh, cố vấn cao cấp tại Cục Chính sách Phát triển của UNDP, Trưởng phòng Giám sát Kinh tế Toàn cầu của Cơ quan Kinh tế và Xã hội thuộc Liên Hiệp Quốc.