Nghiêm Huấn Từ
9-7-2020
Tiếp theo phần 1
IV. Tam quyền phân lập: Nhà nước của thời đại
1- Sự hoàn chỉnh và phổ biên
Học thuyết phân quyền do những bộ óc lớn xây dựng và phát triển từ 2-3 thế kỷ trước, trong đó cao nhất và hoàn chỉnh nhất, là lý thuyết tam quyền phân lập – đã và đang được áp dụng thành công ở hầu hết các nước trên khắp thế giới. Đó là những nước dân chủ, văn minh, giàu có.
Một hình thức khác, gọi là chế độ đại nghị, thực chất cũng là phân quyền, đang được áp dụng ở Anh, Đức…, cũng là những nước thịnh vượng và dân chủ bậc nhất địa cầu.
Ngược lại, chế độ tập quyền trở thành cực kỳ thiểu số và bị chính nhân dân mình phản kháng. Do vậy, để tiếp tục độc tài, giới cầm quyền ở đây buộc phải giả danh phân quyền, đeo cái mặt nạ dân chủ.
2- Xã hội được quản lý bằng 3 quyền và chỉ cần 3 quyền
Tuy vậy, những gì nói ở trên chỉ là cách diễn đạt giản đơn cho dễ hiểu về tam quyền cơ bản. Google cung cấp vô số tư liệu (tiếng Việt, rất dễ tìm kiếm) giúp ta hiểu một cách có hệ thống hơn và sâu sắc hơn về Tam quyền, với hai dạng: Tập quyền và phân quyền, khác nhau như đen và trắng, như độc tài và dân chủ. Xin mời mọi người tìm đọc, vì rất thú vị, bổ ích.
– Bất kỳ một xã hội nào (dù sơ khai hay văn minh), thì Nhà nước (độc tài hay dân chủ) cũng phải có đủ ba quyền để quản lý. Và chỉ cần 3 quyền là đủ. Ngay ở xã hội “con ong, cái kiến” cũng như vậy.
Trước hết, đó là quyền làm ra Luật. Điều này dễ hiểu (đã nói ở trên). Chỉ cần nhớ rằng: Người có quyền làm luật tất nhiên sẽ dùng luật để tạo ra mọi quyền cho mình, càng nhiều càng tốt. Không đời thuở nào, vua làm ra luật để hạn chế lợi ích của chính mình.
– Khi dân giành được quyền làm luật cũng phải như vậy. Lúc này, câu “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân” tuy đúng tuyệt đối, nhưng sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu không có cách biến nó thành hiện thực. Do vậy, nhân dân phải chọn ra những đại diện giỏi nhất (về khả năng soạn luật và rà soát luật) để làm việc này. Họ chính là những đại biểu quốc hội (nghị sĩ). Cũng do vậy, sợ nhất là chọn lầm những người không xứng đáng, đưa vào quốc hội. Chế độ độc tài giấu mặt cũng có quốc hội (như ai) nhưng chứa tay chân của giới độc tài.
Thứ hai, Luật phải được ban hành và thực thi (nó không phải mớ giấy nháp). Đây chính là cách biến lợi ích ghi trên giấy thành lợi ích hiện thực. Dưới chế độ phân quyền, việc này giao cho chính phủ. Đây là cơ quan hành pháp.
Thứ ba, mọi hành vi trái Luật phải bị tòa án trừng trị (đừng đùa với Luật). Đó là cơ quan tư pháp.
3- Phát hiện vĩ đại
Ngày nay, những điều nói trên là đơn giản, dễ hiểu, cứ như đương nhiên là thế. Nhưng cách nay 2-3 thế kỷ lại là phát hiện vĩ đại. Và, hệ quả rút ra cũng vĩ đại không kém. Nếu một người (một nhóm người) nắm cả ba quyền sẽ thành độc tài, thì cách duy nhất xóa bỏ độc tài là thay thế tập quyền bằng phân quyền. Đồng nghĩa với thiết lập nền dân chủ.
4- Công trình hoàn chỉnh nhất của tiền bối
Đó là lý thuyết tam quyền phân lập.
Cụ Lock chỉ nói tới 2 quyền, cụ Montesquieu (sinh sau) nhận ra quyền thứ ba. Và những người kế tục đã nghiên cứu và áp dụng lý thuyết, khiến nó được nâng cao và hoàn chỉnh thêm. Đến nay thể chế tam quyền phân lập là phổ biến trên thế giới, khiến những quốc gia nào nghiêm chỉnh ứng dụng sáng tạo thuyết này đều trở thành thịnh vượng và văn minh.
Ba quyền được tách ra, trao cho 3 cơ quan hoạt động độc lập với nhau:
Xin nhắc lại điều đã nói ở trên:
– Quốc hội: Soạn luật, rà soát luật và kiểm tra sự nghiêm chỉnh thi hành luật. Sản phẩm bao trùm nhất của Quốc hội là bản Hiến Pháp (luật mẹ). Như vậy, QH là cơ quan Lập Pháp; cũng là cơ quan thay mặt dân, soạn ra luật để “mọi quyền lực thuộc về nhân dân“.
– Chính phủ: Thi hành mọi luật do QH soạn ra. Có thời ở nước ta, chính phủ được ví như “đầy tớ” của dân (chữ gốc là công bộc = đầy tớ công).
– Tòa Án: Xét xử, kết tội những hành động phạm luật.
Như vậy, các cơ quan nói trên hoạt động độc lập, cân bằng nhau (đối trọng), kiềm chế nhau. Đó là nội dung cốt lõi của tam quyền phân lập.
Hiến pháp tam quyền phân lập của Hoa Kỳ từ khi ban hành tới nay không cần viết lại; sự thay đổi chỉ ở mức “tu chính”. Ở thái cực ngược lại, có những nước soành soạch thay hiến pháp, nhưng vẫn cứ nghèo và thiếu dân chủ. Đó là do thay Hiến Pháp, nhưng hiến pháp “mới” vẫn không phân quyền.
5- Những câu nói sáng tỏ thêm tam quyền phân lập
Kế tiếp và phát triển tư tưởng của hai cụ (nói trên) nhiều nhà lý luận tiến bộ từ các thế kỷ trước cũng tổng kết công trình của mình bằng những câu nổi tiếng, làm sáng tỏ thêm thuyết tam quyền phân lập.
Ví dụ: Xu hướng của quyền lực là lạm quyền, nếu không bị kiềm chế.
Ví dụ khác: Quyền lực có xu hướng tha hóa (thối nát). Quyền lực tuyệt đối, tha hóa cũng tuyệt đối. Suy ra: Quyền lực “toàn diện và tuyệt đối” chắc chắn dẫn tới tha hóa.
Còn rất nhiều câu khác nói về quyền lực để chúng ta tham khảo (và tự đánh giá mức độ cách mạng của chúng). Xem ở trang này.
6- Những câu nói trái chiều: thể hiện sự độc tài
– Khó hiểu, vì những câu phát ngôn muộn hơn, nhưng lại lạc hậu hơn. Nhưng dễ hiểu, ở chỗ chúng dùng để biện minh cho chế độ độc tài thời nay (thế kỷ XX và XXI). Việt Nam vinh dự, vì có đóng góp một số câu. Ví dụ: khi nói về quyền của Đảng (tức sự lãnh đạo), người ta sử dụng các tính từ không úp mở: Toàn diện, Tuyệt đối; hoặc câu: “Nhà nước ta (dứt khoát) không tam quyền phân lập“; hoặc câu: Đảng lãnh đạo (dân), Nhà nước quản lý (dân); dân làm chủ…
7 – Chỉ cần 60 phút
Là đủ để môn Giáo Dục Công Dân dạy cho học sinh phổ thông những hiểu biết tối thiểu về tam quyền phân lập. Do vậy, có dạy hay cố ý không dạy… là tiêu chuẩn để biết một nền giáo dục là khai trí hay ngu dân.
V. Dân trí thấp là miếng đất màu mỡ của độc tài
1- Cơ sở để độc tài ra đời và tồn tại lâu dài là dân trí thấp
Điều này giải thích vì sao cách mạng phân quyền ở châu Á muộn hơn châu Âu. Đó là vì dân trí ở châu Á thấp hơn. Vắn tắt, dân trí là trình độ hiểu biết của người dân trong một vùng, một nước. Về mặt chính trị, dân trí là sự hiểu biết thấu đáo về quyền hạn hợp pháp của mình, tới mức tự tin và dám sử dụng nó.
Một Hiến Pháp (trá hình dân chủ) cũng phải nói “dân có quyền tự do ứng cử”, nhưng dân vẫn rất ngại ngùng và lo sợ sử dụng quyền này… Đó là dân trí chưa cao. Chính do vậy, nâng cao dân trí (về chính trị) là cách cơ bản để người dân dám đứng lên sử dụng quyền, nếu bị ngăn cán, dám phản đối. Nói cách khác, dân trí cao tới đâu, dân khí sẽ mạnh đến đấy.
Để thay đổi một chế độ độc tài, sự nghiệp nâng cao dân trí cần kiên nhẫn, bền bỉ, ôn hòa… để “mưa nhỏ, thấm sâu” và để tránh bị đàn áp. Ngu dân và đàn áp là chính sách đặc trưng của mọi chế độ độc tài.
Mới thấy, Phan Châu Trinh đi trước thời đại, khi cụ chủ trương ôn hòa nâng cao dân trí. Cụ nói: Dẫu giành được độc lập nhưng dân trí vẫn thấp, thì nhân dân vẫn là cái lưng của con ngựa để tên chủ mới cưỡi lên.
2- Nếu dân trí chưa đủ cao, một chế độ ban đầu “không độc tài” cũng rất dễ biến thành độc tài. Có thể gặp điều này trong hai trường hợp:
– Nếu chế độ rơi vào tay kẻ tham vọng. Ví dụ: Chế độ phát xít của Hitler;
– Do những người cách mạng theo đuổi những chủ thuyết sai lầm. Ví dụ: Khi cụ Trần Phú phế bỏ Cương Lĩnh tháng 2-1930 thay bằng Cương Lĩnh tháng 10-1930 do chính cụ soạn ra (mới tìm hiểu trên mạng internet).
3- Sự thích nghi của chế độ độc tài khi nó bị chán ngấy
– Ngu dân, đàn áp là chính sách đương nhiên của chế độ độc tài, trên đã nói. Mục tiêu chung vẫn chỉ là kìm hãm dân trí. Nếu không kết quả, chế độ độc tài buộc phải phải trá hình dân chủ, tự ngụy trang bằng bộ mặt (ra vẻ) pháp quyền và phân quyền, nhưng vẫn không thể từ bỏ chính sách ngu dân và đàn áp.
– Không khó để lột cái mặt nạ. Ví dụ, chế độ này vẫn có bầu cử, nhưng cấm cản đến cùng quyền tự do ứng cử. Nó vẫn có quốc hội, nhưng rặt những đảng viên và hẩu lốn cả 3 quyền trong đó (không phân quyền). Trong chương trình phổ thông, vẫn có môn Giáo Dục Công Dân, nhưng không dạy về tam quyền phân lập, mà nhấn mạnh sứ mạng lịch sử của đảng, “công ơn” của giới cầm quyền và nhấn mạnh “nghĩa vụ” người dân. Cả một “đội ngũ” trí thức được dùng để phục vụ chính sách ngu dân. Vô xiết kể các ví dụ.
4- Nước nông nghiệp, càng khó nâng cao dân trí
– Khi nông dân chiếm đa số, dân trí càng thấp và càng khó nâng cao. Do vậy, sẽ tới lúc (khi bị thế giới chỉ trích, cô lập) chế độ độc tài chẳng cần ngụy trang lâu, mà lộ diện trắng trợn.
Ví dụ, nó công khai đưa đảng viên của nó nắm giữ mọi chức vụ trong cả ba nhánh quyền lực. Ngay cơ quan (danh nghĩa là) đại diện của dân, cũng rặt những đảng viên là đảng viên. Tình trạng này xảy ra ở Liên Xô khi cụ Stalin nắm quyền “toàn diện và tuyệt đối”; ở Trung Quốc khi cụ Mao phế bỏ thành công chức chủ tịch nước của cụ Lưu Thiếu Kỳ.
– Ở nước ta, khá ngoạn mục khi quan sát sự hoán đổi giữa hai con số 4% và 96%. Ngoài xã hội, dân thường chiếm 96%; đảng viên vẻn vẹn 4% dân số. Nhưng trong Quốc Hội (cơ quan đại diện dân) thì ngược lại, đảng viên chiếm 96%, dân được bố thí 4% số ghế đại biểu. Đó là con số tồn tại từ 2016 tới nay. Câu hỏi: Liệu cuộc bầu QH khóa 15 (2021) tỷ lệ này thay đổi?
Thậm chí, ĐCS nói công khai: Đòi tam quyền phân lập là phản động (!). Với loại trí thức dở dở, ương ương, cũng có những bài thích hợp để giáo dục. Tác giả của bài cũng khoe học hàm học vị… như ai. Ví dụ, bài: Nhập khẩu thuyết “Tam quyền phân lập” hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực (Tạp chí Cộng sản năm 2019).
Nhưng công khai nhất, là lời Tuyên Ngôn từ cấp cao nhất: Nhà nước ta KHÔNG tam quyền phân lập. Dân trí phải thế nào, mới dám tuyên bố như vậy.
(Còn tiếp)
Không là tiếng nói đối lập gắt gao mà là những lời đối thoại chân tình ,nồng ấm.
..“ …độc đảng là sai,
đa nguyên là tiến bộ,
dân chủ tự do là quyền cơ bản Con người.
phản bội lẽ này,
chúng ta sai.
nhận đi!
đừng nói với tôi,
về Dân chủ tự do.
khi nói thật,
vẫn phải ngoái đầu nhìn lại.
đất nước mình không có Tự do.
nếu có một bức tường Hà Nội,
như Béc-lin,
ta sẽ xô đổ,
Hà Nội sẽ vẫn còn.
như Béc-lin,
bức tường đã đổ.
họ cũng như mình,
họ cũng đã từng sai. NĐK