Nhà nước ta không Tam Quyền Phân Lập (Phần 1)

Nghiêm Huấn Từ

8-7-2020

LTS: Chúng tôi nhận được bài viết sau đây của tác giả Nghiêm Huấn Từ,  viết nhân dịp Việt Nam sắp diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, cũng như qua câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Phú Trọng, phát biểu năm 2012: “Nhà nước ta không tam quyền phân lập“. Bài viết dài hơn 11.500 từ, được chia làm nhiều phần. Sau đây là phần đầu của bài viết:

I. Kiên định

Trải ngàn năm tồn tại hợp lý, chế độ phong kiến (đặc trưng bằng sự tập quyền vào tay vua) bước vào thời kỳ cáo chung. Thời điểm là từ năm 1789 ở châu Âu và từ 1911 ở châu Á. Tuy nhiên, ở mỗi nước, quá trình chuyển đổi từ tập quyền sang phân quyền diễn ra sớm hay muộn, nhanh hay chậm, tùy thuộc vào dân trí (do tốc độ công nghiệp hóa chi phối). Dẫu vậy, bước vào thế kỷ XXI, thời gian đã đủ dài để hầu hết các nước xóa bỏ chế độ tập quyền, thiết lập thể chế phân quyền – đồng nghĩa với chuyển từ phong kiến, độc tài sang dân chủ, đa nguyên.

Rủi thay, Việt Nam và số ít quốc gia khác cho tới nay vẫn thuộc nhóm còn rơi rớt, lạc lõng. Tới tận năm 2012, trước thế giới và 100 triệu đồng bào, mà giới cầm quyền Việt Nam vẫn chính thức đưa ra Tuyên Ngôn (nguyên văn): “Nhà Nước ta không tam quyền phân lập“. Đây là một thông điệp nói lên sự kiên quyết, kiên định, kiên trì một chế độ chỉ còn thích hợp với quá khứ từ vài thế kỷ trước.

II. Không tam quyền phân lập: Đó là phong kiến, độc tài

Nghĩa là vua nắm mọi quyền, từ đó vua chiếm giữ mọi tài sản của đất nước, kể cả đất đai và mạng sống của toàn dân.

1- Xin kể những quyền cụ thể của vua

Quyền vua cô đọng trong 5 chữ, rất quen thuộc với chúng ta: “Toàn diện và tuyệt đối”. Câu nói “độc tài như vua”, do vậy, ai cũng có thể kể vua có hàng chục quyền; ví dụ, quyền áp lệnh, quyền sinh-sát, quyền chiếm đoạt, quyền thưởng-phạt theo ý riêng…

Chi tiết hơn chút nữa, có thể kể thêm: Quyền có vô số vợ, quyền bắt cả nước kiêng “húy”, quyền đặt ra phong tục, lễ lạt, quyền hỏi tội nước khác…

Vua có toàn quyền cai trị, kể cả… tùy hứng. Ví dụ, cùng một tội, có khi bị giam, có khi bị giết, tùy theo mức độ giận dữ của vua. Dám can vua là hành vi can đảm, nhưng cũng nguy hiểm nếu vua không hài lòng…

2- Xin hãy nói gọn: Quyền vua gồm những gì?

– Có hai nhà khoa học từ thế kỷ 18, được hậu thế tôn xưng hiền triết và được nhân loại biết ơn, nhưng bị vua chúa (và sau này là đám độc tài) căm ghét, sợ hãi. Đó là cụ John Locke (tìm ra vua có 2 quyền cơ bản); và cụ Montesquieu (tìm nốt ra quyền thứ ba của vua, cả thảy tam quyền).

Đến nay, từ kết quả nghiên cứu của hai Cụ, chúng ta có thể dùng lời lẽ thông thường, dễ hiểu, để trả lời vắn tắt: Vua có trăm quyền cụ thể, nhưng tất cả có thể gói gọn vào tam quyền cơ bản: Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp.

– Nói rõ hơn: Vua có quyền đặt ra pháp luật (để phục vụ lợi ích riêng), thi hành pháp luật (theo ý mình) và trừng trị bất cứ ai không tuân theo pháp luật. Tóm lại, khi cai trị dân, vua nắm cả 3 quyền, chính nhờ vậy mà một triều đại có thể tồn tại lâu dài, cha truyền, con nối.

Hỏi: Một người (một nhóm) đang cầm quyền, muốn trở thành vua, phải làm gì? Dễ ợt! Chỉ cần thâu tóm được cả ba quyền cơ bản, sẽ thành vua.

4- Vua tập thể thời nay

Thông thường, vua là những cá nhân. Thời nay, đa phần là vua tập thể. Thường, đó là nhóm chóp bu trong một đảng chính trị đang độc quyền cai trị cả nước. Ba quyền cơ bản rơi vào tay nhóm này.

Hiếm gặp, nhưng “vua tập thể” đã từng xuất hiện trong lịch sử và ngay ở nước ta. Ví dụ, anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng làm vua được 6 năm. Hai Bà Trưng cũng vậy “ba năm gánh vác sơn hà”. Thời Trần, hai cha con cùng làm vua. Nghe nói, dưới âm phủ có 10 vua cùng cai trị (Thập Điện Diêm Vương).

– Cũng thời nay, ông Nguyễn Văn An – nguyên là chủ tịch quốc hội – nói (ý) rằng: Cần đề phòng sự xuất hiện “vua tập thể“…

Tuy nhiên, tới lúc này, chúng ta đủ hiểu biết để trả lời bằng ba chữ “nếu”:

– Nếu Nhà Nước ta đúng là tam quyền phân lập, chẳng cần đề phòng gì…

– Nếu xuất hiện dấu hiệu tập quyền: Cần đề phòng âm mưu làm vua.

– Nếu “Nhà Nước ta KHÔNG tam quyền phân lập”: Dân ta đang sống dưới chế độ độc tài trá hình.

III. Cách mạng triệt để nhất là cách mạng xóa bỏ tập quyền

1- Nổi dậy chưa phải là cách mạng

Trong xã hội bị áp bức, không thiếu các cuộc nổi dậy. Một cuộc nổi dậy có thể phế bỏ một ông vua, hoặc một nhà độc tài cụ thể; nhưng chưa thể gọi là xóa đi một chế độ độc đoán.

Trong lịch sử nước ta, nhiều triều đại bị lật đổ, nhưng sau đó vẫn là chế độ phong kiến. Các nhà sử học macxit nước ta gán cho cuộc nổi dậy Tây Sơn là “cách mạng nông dân”, thực ra, vẫn chỉ là các thế lực phong kiến giành giật nhau quyền cai trị. Quang Trung vẫn là vị vua, nếu ngồi lâu trên ngôi báu vẫn cai trị bằng tập quyền.

Việc cần làm và phải làm để một chế độ phong kiến, độc tài, chết tiệt nọc, không thể tái sinh, tái lập, là tách bạch ba quyền nói trên, giao cho 3 cơ quan độc lập phụ trách. Ba quyền cân bằng nhau (đối trọng) và kiềm chế nhau. Đó chính là nội dung cốt lõi của tam quyền phân lập – rất dễ tìm hiểu trên mạng.

2- Cuộc nối dậy năm 1789 ở Pháp

– Nếu nó không xóa bỏ tập quyền, thiết lập phân quyền, thì vẫn chỉ là cuộc “nổi dậy lật đổ vua”. Nay, nó vinh dự được lịch sử nhân loại coi là cuộc cách mạng mở đầu kỷ nguyên xóa bỏ chế độ phong kiến trên toàn cầu… chính là vì nó xóa bỏ tập quyền, thực hiện phân quyền. Tại châu Âu, trình độ phát triển cao giúp dân trí cao, do vậy, ảnh hưởng của cách mạng Pháp lan nhanh. Các cuộc nổi dậy ở đây hầu hết lập ra Nhà nước phân quyền.

Ở các nước lạc hậu, thường không như vậy. Đó là ở châu Á, như Nga, Trung, Việt… Cũng do vậy, ảnh hưởng của cách mạng Tân Hợi (1911) không thể lớn, vì nó không thể thành công ngay ở chính quốc. Tại châu Á, hóa ra, cách mạng 1789 có ảnh hưởng sâu sắc hơn.

– Cách mạng “vô sản” 1917 là ví dụ. Nó cũng lật đổ chế độ phong kiến ở Nga, nhưng nó vẫn tái lập chế độ “không tam quyền phân lập”. Cứ đọc lại Hiến pháp Xô Viết (điều 6: khẳng định ĐCS cầm quyền vĩnh viễn), đủ rõ. Đánh giá nó, chỉ nên nói rằng nó lập đổ một chế độ phong kiến đặc trưng, để thay bằng một chế độ độc tài khoác áo dân chủ.

– Cách mạng ở Việt Nam (1945) chủ yếu là giành độc lập từ tay Pháp (vì triều Nguyễn chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa). Năm sau, VN có Quốc Hội đa đảng và Hiến Pháp đa nguyên (1946) cho thấy ban đầu nó có xu hướng tam quyền phân lập, nhưng điều này không thể thành hiện thực, vì từ năm 1951 ĐCS trở lại nắm quyền.

Hiến pháp đầu tiên (1945) ghi “đoàn kết toàn dân không phân biệt giai cấp, tôn giáo”, nhưng cái thứ hai (1960) đã coi Công, Nông là nền tảng của xã hội. Đó là xu hướng chung của mọi cuộc “cách mạng vô sản” dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác.

(Còn tiếp)
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Không là tiếng nói đối lập gắt gao mà là những lời đối thoại chân tình ,nồng ấm.
    ..“ …độc đảng là sai,
    đa nguyên là tiến bộ,
    dân chủ tự do là quyền cơ bản Con người.
    phản bội lẽ này,
    chúng ta sai.
    nhận đi!

    đừng nói với tôi,
    về Dân chủ tự do.
    khi nói thật,
    vẫn phải ngoái đầu nhìn lại.

    đất nước mình không có Tự do.

    nếu có một bức tường Hà Nội,
    như Béc-lin,
    ta sẽ xô đổ,
    Hà Nội sẽ vẫn còn.

    như Béc-lin,
    bức tường đã đổ.
    họ cũng như mình,
    họ cũng đã từng sai. NĐK

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây