Trần Quốc Việt
9-6-2020
Câu chuyện “Chuông thành Atri” có nội dung như sau: “Dưới thời vua Giovanni của Atri nhà vua ra lệnh cho treo một cái chuông rất lớn để cho những ai bị oan ức dùng đến, họ chỉ cần rung chuông thật to để kêu oan. Bấy giờ theo thời gian dây thừng đã mòn đi nhiều, cho nên người ta bện thêm vào những chùm dây leo để tiện cho người kéo chuông.
Ngày nọ một con tuấn mã già của một hiệp sĩ ở Atri, do không còn phục vụ được nữa, nên bị chủ đuổi để mặc đi đâu thì đi, đang lang thang gần đấy. Vì quá đói con chiến mã đáng thương giữ chặt dây leo trong miệng và kéo chuông khá nhịp nhàng.
Nghe tiếng chuông, hội đồng tức thì họp lại, như thể nghe tiếng kêu oan ức của con ngựa, mà bề ngoài của con vật dường như nói lên rằng nó đang đòi hỏi công lý. Sau khi xem xét trường hợp này, hội đồng liền phán quyết hiệp sĩ mà con ngựa đã phục vụ ông rất lâu từ lúc ông còn trẻ phải nuôi con ngựa già; và vị vua còn phạt tiền trong những trường hợp tương tự”.
Câu chuyện trên xuất hiện khoảng thế kỷ thứ mười ba và mười bốn, của một tác giả khuyết danh người Ý, đã và đang phản ánh ước mơ muôn đời của con người ở khắp nơi về công lý, lẽ phải và từ tâm. Trong biển đời thường đau khổ vì bao bất công và tàn bạo xưa nay, nó là ngọn hải đăng trong mơ của bao người dưới đáy xã hội, mong mỏi tuyệt vọng về công bằng và nhân ái.
Ánh đèn hải đăng ấy đã tắt trong giấc mơ đi tìm công lý của một người đàn ông nhảy lầu tự tử ở toà án Bình Phước, Việt Nam ngày 26/2. Mấp mé bên bờ tuyệt vọng, ông mơ về hy vọng thức tỉnh công lý ở một nước không bao giờ có công lý.
Nhưng ông đã thức tỉnh chúng ta khỏi ảo vọng về công lý và tình người dưới chế độ độc tài toàn trị, đã gần như tiêu diệt những giềng mối của xã hội nhân văn và nhân bản dựa trên công lý phổ quát.
Trong bối cảnh xã hội chó ngựa với tầng lớp cai trị, người không ra người, ngựa không ra ngựa này, công lý chỉ đứng về phía cường quyền và kim tiền, thay vì đứng về nỗi bất công của dân chúng.
Cho nên hôm nay, ta nhìn người mà mơ về ngựa xưa. Mơ người dân có được cái chuông để rung mà kêu oan ở thành Atri.
Cần gì ” nhiều chữ” mà vẫn hay.