Cần một tầm nhìn mới: Tầm nhìn thế giới, nhân loại và thời đại (Phần 1)

Tạ Dzu

2-1-2020

Thẹn những bác i ô chi lải nhải

Mải sân Trình, cửa Khổng, mải Ba lê!

Mộng hầu quan tứ xứ lạc đường quê

Quê nước ở trong hồn người tự chủ.

(trích bài Quốc Sỉ)

Thái Dịch Lý Đông A[1]

Kể từ thời Nguyễn Gia Long, Việt Nam có thể xem như một quốc gia mới theo hai nghĩa. Một, là rời xa trung tâm thiên hạ trước kia là Trung Hoa; hai là tiếp thu làn gió văn minh mới từ phương Tây thổi đến.

Việt tộc, nếu tính từ khi lập quốc tại Phong Châu, trong vài ngàn năm tiến về phương Nam, hiện tiếp tục ra đi tới khắp các nẻo đường thế giới, đã tiếp cận hầu hết các nền văn minh nhân loại. Từ hậu Lê, suốt 500 năm biến động đầy sóng gió, với tình hình hiện nay, có thể xem như chúng ta đang ngày càng rời xa khỏi đạo thống Tiên Rồng trải từ thời Hùng Vương đến hai triều đại Lý-Trần, giờ lại còn bị đe dọa tiêu diệt bởi chủ thuyết Mác-Lê. Việt Nam tuy được xem như đã hội tụ hầu hết các tôn giáo và các nền văn minh lớn trên thế giới (Phật, Lão, Khổng, Cơ đốc; Hoa, Ấn, Tây), chúng ta vẫn chưa định hình được một nền văn hoá đặc thù làm nền tảng nhằm thoát Trung, bỏ Cộng để xây dựng đất nước.

Làn gió Âu thổi qua Việt Nam đưa đến cả cơ hội lẫn thách thức. Cơ hội phát triển với kỹ thuật và học thuật Tây phương, nhưng cũng đầy thách thức, dễ bị tụt hậu đưa đến kiếp sống nô lệ nếu không tạo được nền tảng văn hoá vững chãi mang tính thế giới và thời đại, vừa Việt trong giòng chảy quốc tế, vừa dân tộc trong đời sống nhân loại làm cơ sở cho một tầm nhìn mới: Đa nguyên trong nhất nguyên; nhiều dân tộc nhưng duy nhất một loài người.

Ba trăm năm qua, Việt Nam hết thoát Hán lại sa vào nạn thực dân. Thoát thực dân lại rơi vào vòng nội chiến, điều khiển bởi Nga-Mỹ, rồi lệ thuộc Hán cộng. Hán cộng là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sự tồn vong dân tộc trong suốt năm ngàn năm lịch sử.

Nếu thoát Trung được trong nay mai, Việt Nam sẽ đi về đâu hay lại lệ thuộc nối tiếp lệ thuộc, như cũ?

Việt Nam sẽ là gì trong thời đại toàn cầu hoá? Một tỉnh của Hán cộng hay thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ?

Thanh niên và trí thức cả trong lẫn ngoài nước, cần có nhiều cuộc thảo luận, kiểm thảo lại toàn bộ một cách nghiêm chỉnh vừa những gì đã đạt được, vừa  những nguyên nhân thất bại của Việt Nam suốt 500 năm qua nhằm tìm ra một tầm nhìn đột phá, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay, cùng nhân loại bước lên một mức tiến hoá mới. Nếu không, chúng ta hiện đang bị tụt hậu hàng trăm năm so với ngay cả những quốc gia trong vùng, sẽ càng lùi lại phía sau nhiều năm hơn nữa.

Rất nhiều người trong giới trí thức đã thất vọng với những hứa hẹn hão huyền của chủ nghĩa cộng sản, đang mơ về một nền kinh tế – chính trị kiểu Tây phương, đặc biệt là Mỹ, như giải pháp cứu tinh cho dân tộc.

Có thể nói văn minh ngày nay là văn minh cơ khí lẫn kim tiền đặt căn bản trên triết Hy Lạp, luật La Mã, tiếng La tinh, và Cơ đốc giáo, phát xuất và thống lĩnh bởi Tây phương qua nhiều đợt cách mạng kỹ thuật suốt bốn trăm năm qua. Riêng nền chính trị dân chủ Tây phương, lúc đầu qua đại diện của giai cấp quý tộc, thương nhân, tu sĩ, trong quá trình hiện đại hoá đã trở thành nền dân chủ hiện đại (representative democracy)[2], dựa trên tranh chấp quyền lợi đảng phái chứ chưa mang tính chính trị toàn dân, của dân, do dân và vì dân thực sự.

Nền kinh tế – chính trị này hiện đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng nội bộ, đòi hỏi một sự cải tổ rộng lớn nhằm đáp ứng các vấn nạn mang tính cốt lõi của những giá trị cổ điển, đã được một số học giả phương Tây nêu ra nhưng chưa có giải pháp nhằm giảm chênh lệch giầu-nghèo ngày càng tăng, và để toàn dân tham gia trực tiếp vào việc quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày của họ, chứ không chỉ gián tiếp qua các tranh chấp đảng phái.

Samuel Hungtington trong cuốn sách nổi tiếng, Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh (The Clash of Civilizations), nhận xét: “… hình ảnh của một nền văn minh [phương Tây] đang suy thoái, miếng bánh kinh tế, chính trị và quân sự của nó trên thế giới đang giảm xuống so với các nền văn minh khác. Chiến thắng của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh không mang lại vinh quang mà là một sự mệt mỏi. Phương Tây ngày càng phải quan tâm đến các vấn đề và nhu cầu nội bộ khi phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm, dân số dậm chân tại chỗ, thất nghiệp, thâm hụt ngân sách chính phủ khổng lồ, suy giảm đạo đức nghề nghiệp, tỉ lệ tiết kiệm thấp. Phân rẽ xã hội, ma tuý và tội phạm xuất hiện ở nhiều nước, kể cả Hoa Kỳ.”[3] Ông lập luận, “Sự bành trướng của phương Tây [ra khắp thế giới] có phần thuận lợi nhờ tính tổ chức, kỷ luật và việc huấn luyện quân đội của họ, cộng với ưu việt về vũ khí, vận tải, hậu cần – kết quả của Cách mạng Công nghiệp. Phương Tây chinh phục địa cầu không phải vì tính siêu việt của ý tưởng hay giá trị hoặc tôn giáo, mà nhờ vũ lực được tổ chức tốt. Người phương Tây thường quên điều này.”[4] Nhận định đó cho thấy, nhờ kỹ thuật siêu đẳng, sức mạnh quân đội và vũ khí ưu việt mà họ chinh phục cả thế giới – trước kia bằng quân sự, ngày nay bằng kinh tế.

Năm 1992, trong cuốn The End of History and the Last Man, Francis Fukuyama cho rằng lịch sử đã kết thúc với chiến thắng của nền văn hoá phổ quát Tây phương. Phải chăng, thế giới sẽ tiếp thu hình mẫu kinh tế, giáo dục phương Tây mà văn hoá phương Tây sẽ thành phổ cập? Huntington cho rằng các quốc gia thuộc các nền văn minh khác muốn hiện đại hoá, nhưng không muốn Tây phương hoá. Chẳng hạn, “Hồi giáo và hiện đại hoá không xung đột nhau. Những tín đồ Hồi giáo ngoan đạo có thể theo đuổi khoa học, làm việc ở nhà máy hay sử dụng những công cụ hiện đại. Hiện đại hoá không đòi hỏi một hệ tư tưởng chính trị hay hệ thống thể chế nào: bầu cử, ranh giới quốc gia, các hiệp hội dân sự, những dấu ấn của đời sống phương Tây không nhất thiết bắt buộc phải có để kinh tế phát triển.”[5] Hay “Khả năng các xã hội khác chấp nhận sự chỉ đạo hay tuân theo những lời giáo huấn của phương Tây đang ngày càng mất đi nhanh chóng, cũng như sự tự tin và mong muốn thống lĩnh của phương Tây.”[6]

Huntington cho rằng Fukuyama đã kết luận quá sớm. Ông nhận thấy sau khi Liên Xô sụp đổ, dân chủ tự do chiến thắng, nếu kết luận các nước thuộc văn minh Hồi, Ấn, Hoa sẽ ôm chầm lấy chủ nghĩa tự do của phương Tây, là một quan niệm sai lầm. Ngược lại, các nền văn minh được phân biệt bằng lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống, và quan trọng nhất là tôn giáo, đang có những va chạm với nhau. Ông cho rằng nguồn gốc của những mâu thuẫn trong thế giới mới (sau Chiến tranh Lạnh) sẽ không chủ yếu xoay quanh vấn đề hệ tư tưởng hay kinh tế, mà sự chia cách lớn của xã hội loài người và nguồn gốc cơ bản của mâu thuẫn sẽ nằm ở yếu tố văn hóa… Khác biệt văn minh sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong tương lai và thế giới sẽ được sắp xếp thông qua tương tác giữa tám nền văn minh lớn: Phương Tây, Khổng Tử, Nhật Bản [ông cho Nhật là văn minh thuộc về một quốc gia], Hồi Giáo, Hindu, Chính thống, Mỹ La tinh, và có thể cả văn minh châu Phi[7]. Khó có thể có một nền văn minh thuần nhất, phổ quát như phương Tây mong muốn.

Huntington nhận định rằng mâu thuẫn quan trọng nhất trong tương lai sẽ diễn ra ở ranh giới phân chia các nền văn minh vì những nguyên nhân sau:

“Thứ nhất, khác biệt trong các nền văn minh không chỉ tồn tại thực, mà còn rất cơ bản… Con người thuộc các nền văn minh có cách nhìn khác nhau về Thượng đế và con người, cá nhân và nhóm, công dân và nhà nước, cha mẹ và con cái, chồng và vợ, những nhìn nhận về tầm quan trọng của quyền lợi và trách nhiệm, tự do và luật pháp, bình đẳng và cấp bậc. Những khác biệt là sản phẩm của nhiều thế kỷ lịch sử, sẽ không sớm biến mất. Những khác biệt này cơ bản hơn nhiều so với những khác biệt về hệ tư tưởng và bộ máy chính trị. Những khác biệt không nhất thiết có nghĩa mâu thuẫn, và [dù] mâu thuẫn không nhất thiết mang nghĩa bạo lực. Mặc dầu vậy, qua nhiều thế kỷ, những khác biệt văn minh đã tạo ra những mâu thuẫn bạo lực kéo dài chưa từng có.

“Thứ hai, thế giới đang trở nên chật chội hơn. Những tương tác giữa con người thuộc các nền văn minh khác nhau ngày càng tăng, nhấn mạnh đến ý thức văn minh, sự khác biệt giữa các nền văn minh và tương đồng của các nền văn minh. Người Bắc Phi di cư đến Pháp tạo ra sự thù địch của người Pháp và cùng lúc tạo ra sự chấp nhận của những người theo đạo Thiên Chúa châu Âu ‘tốt bụng’. Người Mỹ phản ứng tiêu cực hơn nhiều với đầu tư của Nhật Bản so với đầu tư từ Canada và châu Âu.

“Thứ ba, các quá trình hiện đại hoá kinh tế và thay đổi xã hội trên thế giới đang tách con người khỏi những đặc điểm địa phương đã tồn tại từ lâu đời. Những quá trình này cũng làm suy yếu các quốc gia với vai trò là nguồn gốc tạo ra sự đa dạng. Trên thế giới, tôn giáo đang dần san lấp khoảng trống này, thường là dưới dạng phong trào nền tảng (Fundamentalist). Những phong trào như vậy xảy ra đối với đạo Cơ đốc, đạo Do Thái, đạo Phật, đạo Hindu, và cả đạo Hồi.

“Thứ tư, sự tăng cường ý thức văn minh được củng cố bởi vai trò kép của phương Tây. Một mặt, phương Tây đứng trên đỉnh quyền lực. Mặt khác, xu hướng trở về cội nguồn đang xảy ra ở những nền văn minh phi phương Tây. Càng ngày chúng ta càng nghe nhiều những điều hướng nội như ‘Châu Á hoá’ ở Nhật Bản, ‘Hindu hoá’ ở Ấn Độ, sự thất bại của tư tưởng phương Tây về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, và do đó là sự tái sinh của chủ nghĩa Hồi giáo ở Trung Đông… Phương Tây đang đối mặt với mong muốn lập lại trật tự thế giới theo cách phi phương Tây ở những nơi khác [ngoài phương Tây]…

“Thứ năm, đặc điểm và những khác biệt văn hoá càng ít biến đổi và do vậy càng khó thỏa hiệp và giải quyết hơn so với những đặc điểm chính trị và kinh tế. Trong Liên bang Xô Viết cũ, người thuộc phe cộng sản có thể trở thành người thuộc đảng dân chủ, người giầu có thể thành người nghèo, nhưng người Nga không thể biến thành người Estonia, và người Azeria không thể biến thành người Armenia. Trong mâu thuẫn về tầng lớp và hệ tư tưởng, câu hỏi chủ đạo là, ‘Anh thuộc phe nào?’. Người ta có thể chọn và thay đổi phe mình muốn. Nhưng trong mâu thuẫn về văn minh, câu hỏi là, ‘Anh là cái gì?’… Thậm chí cao hơn vấn đề chủng tộc, tôn giáo phân biệt rất sâu sắc giữa người với người. Một người có thể mang nửa dòng máu Pháp, nửa Ả-rập và cùng lúc là công dân của cả hai quốc gia. Nhưng rất khó để vừa theo đạo Cơ đốc, vừa theo đạo Hồi.

“Cuối cùng, chủ nghĩa khu vực kinh tế ngày càng phát triển. Tỉ lệ thương mại nội khối từ năm 1980 đến 1989 tăng lên từ 51% lên 59% ở châu Âu, tăng từ 33% lên 37% ở Đông Á, và từ 32% lên 36% ở Bắc Phi. Tầm quan trọng của các khối kinh tế có xu hướng gia tăng trong tương lai. Một mặt, chủ nghĩa khu vực kinh tế thành công sẽ đẩy mạnh ý thức văn minh. Mặt khác, chủ nghĩa khu vực kinh tế sẽ chỉ thành công nếu xuất phát từ nền văn minh chung. Cộng đồng châu Âu tồn tại dựa vào sự tương đồng văn hóa và Cơ đốc giáo phương Tây. Thành công của Khu vực tự do Thương mại Bắc Mỹ phụ thuộc vào sự hội tụ văn hóa của Mexico, Canada và Mỹ. Nhật Bản, trái lại, đang phải đối phó với những khó khăn khi xây dựng một thực thể kinh tế ở Đông Á bởi vì Nhật Bản là một xã hội và nền văn minh độc nhất…”

Những nhận định của Hungtington về sự va chạm hay xung đột giữa các nền văn minh có những điểm đáng chú ý, được in nghiêng bên trên:

  1. Phương Tây chinh phục thế giới không phải vì tính siêu việt của ý tưởng hay giá trị hoặc tôn giáo, mà nhờ những điều khác như biết cách tổ chức, tiến bộ kỹ thuật và vũ lực ưu việt.
  2. Con người thuộc các nền văn minh luôn có cái nhìn khác nhau, từ thượng đế đến con người và xã hội, ngay cả những nhìn nhận về tầm quan trọng của quyền lợi và trách nhiệm, tự do và luật pháp, bình đẳng và cấp bậc. Qua tương tác với nhau, người ta nhận ra sự khác biệt và tương đồng giữa các nền văn minh.
  3. Những khác biệt về văn hoá, nhất là những văn hoá ít biến đổi, khó thoả hiệp và giải quyết với nhau hơn so với khác biệt về chính trị và kinh tế.
  4. Xu hướng trở về cội nguồn hay hướng nội đang diễn ra ở những nền văn minh phi phương Tây.
  5. Chủ nghĩa khu vực kinh tế đang lớn mạnh.

Những nhận xét này rất quan trọng vì chúng nêu rõ được các nguyên nhân tạo ra xung đột giữa các nền văn minh, và phần nào gợi ý hướng giải quyết.

Sự phân chia một cách đơn giản các quốc gia thời Chiến tranh Lạnh thành ba khối – thế giới thứ nhất, thứ hai và thứ ba không còn phù hợp nữa, mà là nhiều nền văn minh chung đụng và va chạm nhau, có thể trở thành xung đột lớn nếu nền văn minh phương Tây tiếp tục thống lĩnh thế giới, cho mình là thượng đẳng, tìm cách truyền bá chủ nghĩa tự do phương Tây (chủ nghĩa cá nhân, chính trị đảng tranh) và nền kinh tế tư bản dựa trên lợi nhuận tối đa bằng lòng tham, bất chấp sự khác biệt cần được tôn trọng từ các nền văn minh phi phương Tây như Huntington nhận định.

Các cuộc khủng bố sẽ vẫn tiếp tục và ngày càng man rợ, khốc liệt hơn nhắm vào Tây phương. Làn sóng di dân bằng chân từ các nước nghèo sang các nước giầu sẽ không có hướng giải quyết triệt để. Không thể để cảnh Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965, bất chấp chủ quyền và sự chấp thuận của chính phủ Nam Việt Nam tái diễn. Huntington viết, “Năm 1919, Woodrow Wilson, Lloyd George và Clemanceau cùng nhau thống lĩnh thế giới. Ngồi tại Paris, họ quyết định nước nào sẽ tồn tại, nước nào sẽ diệt vong, nước nào mới sẽ được tạo ra, biên giới của nó thế nào và ai sẽ cai quản chúng, và phương cách phân chia Trung Đông và các khu vực khác của thế giới giữa những kẻ chiến thắng. 100 năm sau đó, sẽ không có một nhóm nhỏ các nguyên thủ quốc gia nào có thể có được những sức mạnh tương tự…”[8]

Cũng vậy, thế giới không thể chung sống hoà bình nếu Trung cộng tiếp tục cho mình là trung tâm, nước lớn, khinh thường các nước nhỏ, hoặc quấy nhiễu các nước khác qua ưu thế vũ lực hay lừa đảo qua bẫy nợ kinh tế. Họ bành trướng thế lực quốc tế không qua giao thương bình đẳng nhưng bằng mua chuộc, lũng đoạn, dọa nạt. Trung cộng phải trả lại quyền tự quyết cho các dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Tạng và dẹp bỏ lá cờ năm sao của mình. Dù là các nước nhỏ, Trung cộng cũng phải tôn trọng, không thể xâm lăng bằng võ lực như trước kia hay ngày nay bằng kinh tế, đồng thời phải ngưng bành trướng qua chính sách diệt chủng và đồng hoá, đưa người Hán sang sinh sống ở những vùng mà họ chiếm đóng.

Khi các nền văn minh có cái nhìn khác nhau về các vấn đề của cuộc sống, của xã hội và khó có thể thoả hiệp với nhau, điều đó có nghĩa nhân loại phải tôn trọng những khác biệt đó, không thể hành xử theo tư duy lối sống của ta là đúng, của người là sai, rồi tìm cách mở rộng ảnh hưởng bằng quân sự hay kinh tế, hoặc kêu gọi thiết lập thế giới đại đồng bằng cách loại bỏ biên giới dân tộc. Tất cả các cách trên đều bị phản ứng, nếu không thấy được thế giới đa chủng tộc, đa văn minh nhưng duy nhất một loài người. Ai cũng được quyền sống và tôn trọng như nhau. Cách hành xử nước lớn hay đàn anh đều bị chống đối. Chương cuối cuốn sách, ông kết luận, “Trong kỷ nguyên sắp tới, va chạm giữa các nền văn minh là mối đe dọa lớn nhất cho nền hoà bình thế giới. Một trật tự quốc tế dựa trên các nền văn minh là một bảo đảm chắc chắn nhất chống lại chiến tranh thế giới.”

Một nhận định khác nữa Huntington nêu ra là phong trào trở về nguồn và kinh tế khu vực đang lớn mạnh. Sau khi bị tuyên truyền xây dựng thế giới đại đồng kiểu cộng sản, một nửa nhân loại đã thức tỉnh, chối bỏ phương thức này để quay lại với những giá trị cổ truyền bị đứt quãng trong giai đoạn cộng sản cai trị. Họ nhận thấy rằng không thể hy sinh những giá trị truyền thống dày công xây dựng của tổ tiên cho mơ ước một đại đồng viển vông.

Cũng vậy, sau khi khối cộng sản sụp đổ, Mỹ trở thành cường quốc duy nhất, một vài trí thức Hoa Kỳ tin rằng chủ nghĩa tự do đã thắng, nhân loại sẽ ôm chầm lấy nó mong hiện đại hoá nhanh chóng cho giống Tây phương. Huntington cho rằng đây là quan điểm sai lầm. Văn minh phương Tây đang bị các nền văn minh khác cưỡng lại, một phần vì nó tràn vào như nước vỡ bờ qua các thương nhân tìm kiếm lợi nhuận khắp nơi, phá vỡ nếp sống bình dị truyền thống ngàn đời của các dân tộc không thuộc văn minh phương Tây.

Ông nhận xét, “Thông tin liên lạc toàn cầu là một trong những biểu hiện của sức mạnh đương thời của phương Tây. Sự bá chủ này của phương Tây tuy thế đã khuyến khích các chính trị gia đại chúng ở những xã hội ngoài phương Tây lên án chủ nghĩa đế quốc, văn hoá phương Tây và tập hợp dân của họ để bảo vệ sự sống còn và toàn vẹn văn hoá của họ.”[9] Họ muốn hiện đại hoá nhưng vẫn giữ lấy văn hoá cổ truyền của mình.

Ông viết, “Đâu đó ở Trung Đông, vài thanh niên mặc quần Jeans, uống Coke, nghe nhạc rap, vẫn hành hương đến Mecca và đang chế tạo bom để làm nổ tung máy bay hành khách của phương Tây. Trong thập niên 1970 và 1980, người Mỹ mua hàng triệu ôtô, TV, máy ảnh và hàng điện tử của Nhật mà vẫn không bị ‘Nhật hoá’, ngược lại, đang đối địch với Nhật lúc đó. Chỉ có sự ngạo mạn ấu trĩ mới khiến người phương Tây nghĩ rằng những người ngoài phương Tây sẽ bị ‘phương Tây hoá’ một khi dùng hàng hoá phương Tây. Thế giới nghĩ gì về phương Tây nếu người phương Tây xác định bản sắc văn minh của mình bằng những thứ nước làm người ta quay cuồng, bằng những chiếc quần mài bạc thếch và bằng những món ăn làm người ta mập phì?”[10]

Việt Nam phải nhanh chóng nhìn thấy xu hướng chung đó mà chối bỏ chủ thuyết Mác-Lê lỗi thời, trở về nguồn với đạo thống Tiên Rồng như các quốc gia khác để xây dựng nội lực, mới mong có thể tiến ra biển lớn, tranh đua cùng thiên hạ.

______

[1] https://thangnghia.org

[2] Samuel Huntington (1996), The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, Simon and Schuster, trang 37 của bản dịch tiếng Việt online, Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh, Nguyễn Phương Sửu thay mặt nhóm dịch giả.

[3] Samuel Huntington. Sách đã dẫn, trang 44.

[4] S. Huntington. Sđd, trang 23. Những chỗ in nghiêng không có trong sách, chúng tôi in nghiêng là để nhấn mạnh.

[5] S. Hungtington. Sđd, tr. 41.

[6] S. Hungtington. Sđd, tr. 44.

[7] S. Hungtington. Sđd, tr. 20.

[8] S. Hungtington. Sđd, tr. 51.

[9] S. Huntington. Sđd, tr. 28.

[10] S. Huntington. Sđd, tr. 28.

Bình Luận từ Facebook