Tin Biển Đông: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Việt Nam

BTV Tiếng Dân

18-10-2019

Vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sắp tới thăm Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác nhận tin này tại buổi họp báo chiều hôm qua. Báo Pháp Luật TPHCM có bài: Ông chủ Lầu Năm Góc đến Việt Nam với thông điệp biển Đông? Vẫn không rõ ông Esper sẽ tới thăm Việt Nam ngày nào, cũng như mục đích của chuyến đi, nhưng trong bối cảnh này, quả là nhiều người đang chào đón sự hiện diện của ông ở Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Photo Courtesy

Thông tin về chuyến đi Việt Nam, cũng như mục đích chuyến đi này của ông Mark Esper, đã được cây bút của trang Tiếng Dân là ông Jackhammer Nguyễn, phân tích kỹ trong một bài viết mà chúng tôi đăng tải đúng một tuần trước: Thấy gì qua chuyến đi sắp tới của ông Esper tới Hà Nội?

Diễn biến mới trên Biển Đông: Nhiều tàu chiến Mỹ tập trận gần quần đảo Trường Sa, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Arman Balilo, người phát ngôn lực lượng cảnh sát biển Philippines, thông báo, tuần duyên hạm bờ biển USCGC Stratton (WMSL-752) của lực lượng tuần duyên Mỹ đã tới đảo Palawan hôm 16/10 để tham gia đợt diễn tập Sama-Sama. Khu vực này nằm khá gần quần đảo Trường Sa trên biển Đông.

Sama-Sama là cuộc diễn tập thường niên, được Mỹ và Philippines tổ chức nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên biển của hai nước, năm nay lần đầu tiên có Nhật Bản tham gia. “Ba nước tham gia lần này sẽ thực hiện các diễn tập về bảo vệ lực lượng trên biển, vô hiệu hóa thiết bị nổ, tác chiến chống phục kích trên cạn, trên không và theo dõi tàu đối phương”.

Tàu Hải Dương 8 đang ở đâu?

Ông Phạm Thắng Nam vừa đưa tin sáng nay: Hải Dương 8 đã hoàn tất đường khảo sát 17 và bắt đầu đường khảo sát thứ 18. Ông Nam cho biết, lúc 21h22’ ngày 17/10 giờ Việt Nam, tàu Hải Dương 8 của TQ đã hoàn tất đường khảo sát thứ 17. Lúc 6h20’ sáng 18/10, tàu Hải Dương 8 hoàn tất khoảng 1/2 chiều dài đường khảo sát thứ 18. Đường khảo sát này nằm tại vĩ tuyến N 14° và ở vị trí ngang với thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Ông Nam dự đoán, chỉ còn lại khoảng 2 đường khảo sát nữa là Hải Dương 8 sẽ hoàn tất vùng biển Nam Trung Bộ, mà ông đặt tên cho khu vực khảo sát IV. Còn tàu Khanh Hoa 01015 của Việt Nam sau một thời gian cố gắng theo dõi, bám sát Hải Dương 8, hiện đã cập bờ. Nhiều khả năng để tiếp tế nhiên liệu và nhu yếu phẩm.

Vào lúc 6h22’ sáng ngày 18/10, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã đi được gần một nửa chiều dài đường khảo sát thứ 18 ở vĩ tuyến ngang với thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Nguồn: FB Phạm Thắng Nam

Về giàn khoan Hải Dương Thạch Du, nhà nghiên cứu Đặng Sơn Duân viết: “Mọi người cứ ấn tượng với tên Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) nên nghe đến giàn khoan Hải Dương, chẳng hạn Hải Dương 982, thì lo ngại. Vì thế, khi có tin Hải Dương 982 được triển khai xuống Biển Đông thì rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, Trung Quốc còn một giàn khoan đáng ngại hơn cũng được triển khai ở Biển Đông thời gian qua là giàn khoan Lam Kình I.

Cần phân biệt giàn khoan Lam Kình I (Blue Whale I) với tàu cần trục Lam Kình mà VOA từng đưa tin khi tàu này di chuyển vào lãnh hải VN hồi đầu tháng 9/2019. Lam Kình là tàu cần trục lớn nhất thế giới, một công cụ trợ giúp hạ đặt giàn khoan, còn Lam Kình I là sản phẩm của tập đoàn công trình biển Yên Đài CIMC Raffles ở tỉnh Sơn Đông. Lam Kình 1 là giàn khoan biển sâu loại “bán tiềm” (nửa nổi nửa chìm) lớn nhất thế giới với trọng lượng 42.000 tấn, chiều cao từ đáy đến đỉnh là 118 m, tương đương tòa nhà 37 tầng.

Ông Duân so sánh, giàn khoan Hải Dương 982 chỉ hoạt động đến độ sâu 1.500 mét và khoan sâu tối đa 9.000 mét, còn Lam Kình I có khả năng hoạt động ở vùng biển có độ sâu 3.658 mét và khoan sâu tối đa 15.240 mét. “Nhờ khả năng hoạt động ở độ sâu nên giàn khoan Lam Kình thường được dùng để khai thác băng cháy ở Biển Đông”.

Ông Duân cảnh báo: “Giàn khoan Lam Kình I hiện ở vị trí 17.73N/111.146E, cách Hải Dương 982 khoảng 45 hải lý về phía đông. Và cũng như Hải Dương 982 (17.62N/110.35E), Lam Kình I hiện ở phía đông nam thành phố Tam Á và nằm bên kia đường trung tuyến giả định ngoài cửa vịnh Bắc Bộ”.

Cả hai giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 và Lam Kình I của Trung Quốc đều đang ở vùng biển phía nam đảo Hải Nam, tại vị trí có thể sẵn sàng áp sát lãnh hải Việt Nam. Nguồn: FB Đặng Sơn Duân

***

Về vụ tàu ngầm Trung Quốc nổi lên ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa: Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sợ vướng lưới ngư dân Việt Nam? RFI đặt câu hỏi. “Việc chiếc tàu ngầm phải nổi lên giữa những con tàu của một quốc gia khác là điều bất thường, cho thấy có một tình huống trầm trọng đã xảy ra” buộc con tàu phải tạm thời ngừng hoạt động ngầm và lộ diện trước ngư dân Việt Nam hồi cuối tháng 9/2019.

Theo RFI, tàu ngầm là phương tiện do thám và tấn công lén lút rất lợi hại trong hải chiến, nhưng đôi khi lại có thể bị khắc chế chỉ vì… lưới của ngư dân. “Hồi năm 1984, một tàu ngầm Liên Xô đã bị dính vào lưới của một tàu đánh cá Na Uy. Sau nhiều giờ vùng vẫy mà không thoát, chiếc tàu ngầm đành phải trồi lên mặt nước, bị lộ tẩy là đang hoạt động ở ngoài khơi các nước NATO”.

***

Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở Biển Đông bị nghi liên quan đến dân quân biển, theo báo Thanh Niên. Nghiên cứu của AMTI vừa công bố, cho thấy, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Gem-Ver 1 ở khu vực bãi Cỏ Rong tối 9/6, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trước khi họ được một tàu cá Việt Nam cứu, có thể là một phần của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.

“Tuy không thể chứng minh tàu Yuemaobinyu 42212 hoạt động như tàu dân quân biển, AMTI kết luận, tàu này không phải là một tàu cá thông thường và cho hay tình trạng này gợi lên câu hỏi là liệu vụ va chạm với tàu Gem Ver 1 có phải là cố ý hay không”.

Ngoại trưởng Malaysia nói cần ‘chuẩn bị cho xung đột’ Biển Đông, VnExpress đưa tin. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah phát biểu trong phiên chất vấn của quốc hội Malaysia ngày 17/10: “Các chiến hạm hải quân Malaysia hiện nay nhỏ hơn cả tàu hải cảnh Trung Quốc. Chúng tôi không muốn xung đột xảy ra, nhưng các lực lượng cần được nâng cấp để có thể quản lý vùng biển tốt hơn khi nổ ra xung đột ở Biển Đông”.

_______

Mời đọc thêm: Mỹ liên tiếp tập trận trên biển Đông chỉ trong hai tháng (PLTP). – Tàu tuần duyên Mỹ tập trận cùng Nhật và Philippines gần Trường Sa (Zing). – Phản ứng của ASEAN về tình hình Biển Đông tại hội nghị với Trung Quốc (LĐ). – Học giả Thái Lan: “Cưỡng ép” ở Biển Đông khiến uy tín Trung Quốc bị tổn hại (TĐ). – Biển Đông: Trung Quốc lại kêu gọi đối thoại sau khi bị Việt Nam tố cáo

Những thủ đoạn truyền bá lắt léo, tinh vi về “đường lưỡi bò” phi lý (HQ). – “Lưỡi bò” trong phim Abominable: Trung Quốc bị gậy ông đập lưng ông (RFI). – Malaysia cắt cảnh “đường 9 đoạn” phi pháp khỏi phim hoạt hình (SGGP). – Đóng tàu sân bay ‘khủng’, Trung Quốc hướng tới tham vọng trở thành cường quốc hải quân số một thế giới (VietTimes).

Malaysia cứng giọng về Biển Đông giữa quan ngại gia tăng về TQ (Zing). – Biển Đông: Malaysia thấy cần phải dự trù tình huống xấu nhất (RFI). – Malaysia gia tăng sức mạnh hải quân giữa lúc có căng thẳng Biển Đông (RFA). – Tàu dân quân Trung Quốc bị nghi đội lốt tàu cá trong vụ đâm tàu Philippines (DT).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “bị lộ tẩy là đang hoạt động ở ngoài khơi các nước NATO”

    Seriously, Trung Quốc có cần phải “hoạt động bí mật” ở vùng biển của Việt Nam để phải “bị lộ tẩy” hay không ? Với dàn tàu đang cày ngang dọc thía kia, i doubt it.

    “Theo RFI, tàu ngầm là phương tiện do thám và tấn công lén lút rất lợi hại trong hải chiến, nhưng đôi khi lại có thể bị khắc chế chỉ vì… lưới của ngư dân”

    Hahahihi, tàu ngầm kiểu đó xưa dzồi Diễm ui, không có chiện đó nữa đâu . Tàu ngầm bây giờ đi phá băng ở Bắc-Nam Cực, hổng còn “bị khắc chế chỉ vì… lưới của ngư dân” nữa.

    Deduction: Chiện tàu ngầm Trung Quốc hiện lên chính là anh Tập cho xứ giao chỉ thấy lực lượng thật sự của giải phóng quân Trung Quốc hiện diện ở trong vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền . Cho thấy rõ mặc dù VN có chủ quyền nhưng Trung Quốc mới thực sự là người quản ní kiêm nãnh đạo .

    Việt Nam nên đáp trả bằng cách cho máy bay nhào xuống biển . Trung Quốc sẽ tưởng VN có máy bay biết lặn đầu tiên trên thế giới .

Comments are closed.