Lý do thực sự làm cho Trump không dám đánh Iran

Foreign Policy

Tác giả: Emily Meierding

Dịch giả: Jackhammer Nguyễn

18-9-2019

Lời dịch giả: Sáng thứ bảy 14/9/2019 hai khu lọc dầu của Arabia Saudi bị tấn công bằng hỏa tiễn tầm thấp và drone. Tổng thống Trump lên tiếng mạnh mẽ rằng quân đội Mỹ sẳn sàng tấn công Iran để trả đũa.

Chưa có cuộc tấn công nào xảy ra. Sáng thứ năm 19/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Washington muốn tìm giải pháp hòa bình. Trước đó một ngày báo Foreign Policy chạy bài “The real reason Trump won’t attack Iran”, của cây bút Emily Meierding, Phó Giáo sư trường đại học hải quân cao cấp (Naval Postgraduate School) chuyên về các vấn đề an ninh, cũng như là tác giả của quyển sách nghiên cứu về những xung đột liên quan đến dầu mỏ. Xin giới thiệu bài phân tích này với bạn đọc của Tiếng Dân.

***

Những người Iran đốt một hình ảnh TT Donald Trump trong một cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở của Đại sứ quán Hoa Kỳ trước đây ở Tehran vào ngày 9/5/2018. Nguồn: ATTA KENARE / AFP / Getty Images

Ai cũng cho rằng Iran là kẻ chủ mưu trong việc tấn công các cơ sở lọc dầu của Arab Saudi hồi cuối tuần qua. Vụ tấn công này làm giảm đến 5% lượng dầu thô cung cấp cho thị trường thế giới. Nếu nước Mỹ trả đũa, thì đây sẽ là cuộc chiến Trung Đông lớn nhất của Hoa Kỳ.

Nhưng, coi chừng như thế là một sai lầm lớn. Lợi ích về dầu mỏ ở đây lớn đến mức mà nó sẽ ngăn cản chiến tranh hơn là gây ra chiến. Một cuộc chiến ở vùng vịnh Ba Tư sẽ làm đổ sập hệ thống (mua bán sản xuất) dầu mỏ của cả thế giới.

Nếu chính quyền ông Trump tấn công Iran, cùng với đồng minh Saudi của Mỹ hay là tấn công một mình, thì những cuộc tấn công quân sự sẽ nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Iran, và như thế một lượng dầu thô sẽ không được đưa ra thị trường. Mặc dù sản lượng dầu của Iran đã giảm đáng kể từ khi Mỹ thực hiện cấm vận hồi năm ngoái, nhưng mỗi ngày nước này cũng sản xuất tới hai triệu thùng dầu, và xuất khẩu tới nửa triệu thùng sản phẩm dầu mỏ, cũng như khí đốt lỏng cho nhiều nước trên thế giới. Những cuộc không kích sẽ chận hết các sản phẩm này ra thị trường. Trong khi đó các quốc gia sản xuất khác hãy còn vất vả để bù vào sản lượng bị giảm bên Saudi.

Iran cũng sẽ trả đũa, tấn công các cơ sở dầu hỏa của Saudi, ngăn chận việc sửa chữa hai cơ sở bị tấn công vừa qua. Các cuộc tấn công vừa qua đã gây nhiều tổn thất [cho Saudi] hơn là dự báo. Dù có phải là Iran thực hiện các cuộc tấn công đó hay không, nhưng chắc chắn là vũ khí của họ đã được sử dụng, và với một độ chính xác rất cao. Họ sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngành dầu mỏ của Saudi. Saudi đã tăng cường phòng thủ không phận của mình, nhưng việc họ có ngăn chận được các drone và hỏa tiễn tầm thấp lại là một chuyện không chắc chắn.

Ngoài ra, Iran còn có thể tấn công vào việc vận chuyển dầu mỏ. Hải quân của Vệ binh cách mạng Hồi giáo vừa chận bắt các tàu chở dầu trong thời gian qua. Họ còn có thể gài thủy lôi trên biển nữa.

Tehran cũng có thể phong tỏa eo biển Hormuz (nối liền vịnh Ba Tư nhiều mỏ dầu và Ấn Độ Dương). Có thể họ không đủ mạnh để phong tỏa toàn bộ, hay dài lâu, nhưng chỉ việc phong tỏa đó thôi cũng đủ làm thị trường dầu mỏ thế giới rối loạn.

Chỉ nội từ tháng Năm đến tháng Chín năm nay, giá bảo hiểm các tàu chở dầu đã tăng gấp 10 lần. Nếu chiến tranh xảy ra thì nhiều phí tổn còn tăng lên nữa. Giá dầu sẽ tăng tỉ lệ thuận với những rủi ro về địa chính trị.

Chiến tranh leo thang không những gây ra tổn thất về của cải cho Saudi, họ mất tiền bán dầu, mà còn làm cho công ty nhà nước Aramco mất uy tín nữa. Sau cuộc tấn công vừa qua, Tổng giám đốc của Aramco, ông Amin Nasser phải lên tiếng trấn an là cơ sở dầu hỏa của họ sẽ được sửa chữa xong vào cuối tháng, và việc lên sàn chứng khoán (IPO) của Aramco sẽ đúng như kế hoạch.

Nhưng hiện nay sự ngờ vực đang dâng lên, và như vậy nếu có chuyện gì xảy ra nữa thì sẽ còn tồi tệ hơn.

Chuyện đó cũng sẽ phá kế hoạch IPO của Hoàng tử Salman. Ông này vốn muốn kiếm thêm nguồn vốn để đa dạng hóa nền kinh tế của nước Saudi, tránh lệ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ. Tình hình bất ổn sẽ làm cho Saudi có ít lựa chọn cho việc huy động vốn này. Ông Robin Mills của công ty Quamar Energy nhận định rằng: nếu bị tấn công thì sẽ chẳng làm gì được cả.

Chiến cuộc vùng vịnh Ba Tư cũng sẽ đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu và Trung Quốc.

Saudi là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Bắc Kinh, chiếm 17% dầu mỏ nhập khẩu của nước này. Trung Quốc cũng có mua một lượng dầu nhỏ của Iran, mặc cho có lệnh cấm vận của Mỹ. Châu Âu thì không còn mua dầu của Iran nữa, nhưng các thành viên của cộng đồng châu Âu lại mua dầu từ các nước vùng vịnh Ba Tư, vùng này cung cấp đến 13% nhu cầu dầu thô của họ. Xung đột tại đây sẽ làm họ không còn nguồn cung cấp, cũng như phá hoại vai trò hòa giải của họ muốn làm cho việc cung cấp dầu của Iran ra thị trường thế giới bình thường trở lại.

Thành ra không có gì ngạc nhiên khi cả châu Âu và Trung Quốc đều giữ thái độ thận trọng trước vụ khủng hoảng này. Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Bắc Kinh dù lên án vụ tấn công, nhưng nói là các bên nên tránh làm leo thang cuộc xung đột. Trung Quốc cũng tránh đề cập đến cụ thể là ai đứng đằng sau cuộc tấn công.

Cả bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, lẫn ông Thủ tướng Anh Boris Johnson, đều kêu gọi quốc tế lên án vụ tấn công, nhưng cả hai đều nói là các bên nên tránh để cuộc xung đột leo thang.

Trong tình hình hiện nay, nếu Mỹ đánh Iran, thì Mỹ đánh một mình. Mà chính quyền Trump cũng không muốn leo thang.

Mặc dù hiện nay Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhưng thị trường dầu mỏ lại là thị trường toàn cầu, khi chiến tranh xảy ra thì các nhà máy lọc dầu của Mỹ phải mua dầu thô đắt hơn, bất kể nó từ đâu, và dĩ nhiên người Mỹ cũng tốn tiền đổ xăng hơn.

Mà nếu dân Mỹ phải chi tiêu nhiều hơn vì giá xăng lên, thì ai mà bầu cho ông Trump nữa, trong khi sang năm là bầu cử rồi. Giá dầu lên sẽ đẩy nền kinh tế bước vào suy thoái.

Ông Trump có thể thuyết phục người Mỹ rằng: Này, chúng ta đánh nhau ở đó để bảo vệ dầu mỏ. Nhưng người Mỹ ngày càng ít muốn tốn tiền của và nhân mạng cho các chính thể ở Trung Đông, trong đó có chính thể Vương quốc Saudi đâu có tốt lành gì. Đám khủng bố 11/9 đa số là công dân Saudi, rồi chế độ hiện tại ở đây giết hại cả nhà báo công dân của chính họ nữa.

Các đối thủ chính trị của ông Trump cũng đã lên tiếng. Thượng nghị sĩ dân chủ Tim Kaine nói rằng, lao vào cuộc chiến với Iran sẽ là một sai lầm lớn.

Chính quyền Trump có lẽ đã nhận ra cái giá chính trị của cuộc chiến. Ngay sau cuộc tấn công cuối tuần xảy ra, Trump tuyên bố lực lượng Mỹ sẵn sàng cả rồi, thế mà sang ngày thứ Hai ông ta không nêu đích danh Iran là thủ phạm. Ông ta cũng nói với các phóng viên, rằng không muốn có thêm chiến tranh, nếu Saudi muốn đánh nhau thì phải trả tiền! Ông ta kêu gọi cấm vận Iran mạnh mẽ hơn nữa, nhưng thế thôi, chứ chả có hành động quân sự.

Như vậy là cả đám đều lừng khừng, châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Saudi. Kẻ nào chủ mưu vụ tấn công vừa qua bình yên vô sự.

Các quốc gia sản xuất dầu khác cũng chẳng làm gì được. Chiến tranh xảy ra đụng tới lợi ích của họ. Những cản trở đó làm cho Iran tha hồ hành động.

Mặc dù có thể họ không phải là tác giả vụ tấn công vừa qua, nhưng từ đây họ có thể thúc đẩy nhiều chuyện của họ.

Thứ nhất là họ có thể gây tổn hại cho kẻ thù của họ ở vùng vịnh Ba Tư là Saudi, thấy yếu điểm các cơ sở dầu mỏ của Saudi, cản trở việc lên sàn IPO của Aramco.

Thứ hai, nếu Mỹ tấn công họ, một mình hay cùng với Saudi, thì họ sẽ thành công trong việc cô lập ngoại giao nước Mỹ.

Thứ ba, họ cột giá dầu vào rủi ro địa chính trị, cho nên có thể thuyết phục cộng đồng thế giới bỏ cấm vận đối với họ.

Các viên chức Mỹ có thể không thích chuyện không trả đũa, chuyện nới cấm vận, vì nó giống như tạo điều kiện cho những vụ tấn công hiếp đáp của Iran. Nhưng mà tấn công Iran hay là cấm vận dầu mỏ đều không giải quyết được vấn đề.

Nếu tăng cường cấm vận thì kinh tế Iran càng khủng hoảng, chế độ hiện hành sẽ tuyệt vọng, và khi bị dồn vào chân tường như vậy nó sẽ làm mọi cách để thoát ra.

Chúng ta đã thấy chuyện tương tự xảy ra hồi năm 1990. Kinh tế Iraq lâm khủng hoảng, thu nhập từ dầu mỏ giảm, làm cho Saddam Hussein xâm lăng Kuwait. Saddam nghĩ rằng Mỹ luôn muốn tấn công Iraq và lật đổ ông ta, và chiếm Kuwait là con đường để ông ta sống còn.

Nếu chế độ Iran hiện nay bị dồn vào tường thì họ cũng có thể có hành động tương tự Iraq năm xưa. Và những cuộc tấn công trong tuyệt vọng đó sẽ tàn khốc hơn trận không kích cuối tuần qua. Cho đến khi mà các quốc gia vẫn còn lệ thuộc vào dầu mỏ, hay thu nhập từ dầu mỏ, thì Iran vẫn còn có thể đưa ra thùng dầu để dứ trước mặt họ.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Lý do thật sự Trump không dám đánh Iran là vì bố Putin không cho. Bị Iran bắn rơi cái Drone ở eo biển Hormus, Trump nhẩy lên như nước sôi đổ háng, ra lệnh tấn công Iran nhưng bố Putin ho một tiếng, Trump co vòi hủy bỏ lệnh tấn công trả đũa chỉ 10 phút trước khi F-18, F-22.. cất cánh rồi bào chữa rằng không tấn công nữa chỉ vì sẽ giết hại 150 người dân Iran.

    Trump là tổng thống nhân đạo nhất nước Mỹ.

  2. Mỹ đánh Iran là rơi vào bẫy của Tầu cộng.Đừng lên lớp “bình loạn”
    lung tung xèng trong khi không phải là người trọng cuộc !
    Nếu Mỹ đánh Iran thì Biển Đông hoàn toàn bị Tàu cộng khống chế !

Comments are closed.