Nhân Trần
29-10-2018
Thông tin Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật đang gây xôn xao trong cộng đồng trí thức Việt Nam. Tại sao GS. Chu Hảo bị kỷ luật? Việc kỷ luật này nói lên thực trạng gì về nhận thức, tri thức và lý luận của nhà cầm quyền? Kéo theo đó là một cuộc tranh luận về thế nào là trí thức? Trí thức kiểu Nguyễn Phú Trọng hay trí thức kiểu Chu Hảo?
Ngày 23/10/2018, Nguyễn Phú Trọng – đương kim Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam lên nắm quyền Chủ tịch nước thay thế Trần Đại Quang vừa mới qua đời (Lưu ý: cả hai vị Chủ tịch nước này đều mang học hàm, học vị Giáo sư-Tiến sĩ). Chỉ hai hôm sau khi lên ngôi, thông tin về việc kỷ luật GS. Chu Hảo – nguyên thứ trưởng bộ Khoa học công nghệ, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức được Ban kiểm tra trung ương đưa ra, làm chấn động cộng đồng mạng Việt Nam.
Trước hết, tôi muốn nói đến việc tại sao GS. Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật?
Đọc miết các trang báo được coi là chính thống tại Việt Nam, tôi chỉ thấy có báo Dân Trí (ngày 25/10) trích đoạn nguyên văn câu của Ủy ban kiểm tra TƯ “kết tội” giáo sư Chu Hảo: “Ông Chu Hảo đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.
Như vậy, GS. Chu Hảo có thể bị kỷ luật vì những nguyên nhân sau: 1) Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; 2) “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Và hệ quả là: 1) Làm ảnh hưởng đến tổ chức đảng và; 2) tác động xấu tới tư tưởng xã hội.
Thế nào là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”? Trên trang mạng của UBKTTW có dẫn “Từ việc chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm thần tốc, cả nhà làm quan; bao che, dung túng cho sai phạm, khuyết điểm, dẫn đến hệ lụy lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng, cán bộ lạm quyền, trình độ năng lực kém, vi phạm các quy định, quy chế làm việc; thậm chí là vi phạm pháp luật. Nhiều vụ việc diễn ra trong thời gian qua ở các tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị đã thể hiện điều này và là một trong những biểu hiện điển hình của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”. Như thế đã rõ, tôi không thấy GS.Chu Hảo mắc phải một lỗi nào trong các lỗi kể trên của UBKTTW. Thay vào đó trong đầu tôi chỉ nghĩ đến: Triệu Tài Vinh, Nguyễn Nhân Chiến, Trịnh Văn Chiến, Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Phạm Sĩ Quý…
Còn về “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”? Trên Tạp chí Cộng sản cũng có nêu “chúng ta có thể hiểu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là quá trình tự thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, từ đúng thành sai, từ tin tưởng đến hoài nghi, phủ định tính khoa học, tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để chuyển sang sùng bái, tin theo các luận điểm tư sản, sai trái, phản động”.
Như vậy, họ tự khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê nin là đúng đắn, là khoa học trong khi cả nhân loại đã xếp xó, bài trừ gần ba chục năm trước. Bên cạnh đó họ còn bắt các đảng viên phải “sùng bái” tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của đảng. Ai đi ngược lại, họ cho là sai trái, phản động. Tôi có thể chắc nịch rằng đến ngay cả ông (nguyên) trưởng ban lý luận Trung ương chưa chắc đã đọc hết Mác – Lê nin chứ đừng nói bắt đảng viên của ông tin theo. Những câu nói vừa rồi hoàn toàn mang tính chất cảnh cáo, đe dọa chứ không có ý nghĩa gì về mặt lý luận.
Thứ hai, việc kỷ luật này nói lên thực trạng gì về nhận thức, tri thức và lý luận của nhà cầm quyền?
Từ hai trích dẫn của UBKTTW và TCCS bên trên chúng ta có thể hiểu cơ bản về tri thức và lý luận của nhà cầm quyền như sau:
1) Họ đã nhận thức được một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên của họ có biểu hiện tham nhũng, sai phạm, phạm pháp, lạm quyền, năng lực kém, suy thoái về đạo đức, lối sống. Đó là vấn đề nan giải mà họ chưa giải quyết được. Tuy nhiên, thực tế họ cố tình bao che, dung dưỡng cho những cán bộ lãnh đạo vi phạm bởi họ còn có thể sử dụng được hoặc các vị đó nằm trong những phe nhóm chưa thể “nhổ cỏ” được.
2) Các câu từ lý luận diễn đạt (đoạn 2) phần lớn chung chung, hình thức, chủ yếu liệt kê các nhóm từ thiếu ý nghĩa: “tự thay đổi tư duy, nhận thức”, “từ đúng thành sai, từ tin tưởng đến hoài nghi, phủ định tính khoa học…”. Chỉ cần đặt ngược lại một câu hỏi: thế nào là tự thay đổi tư duy, nhận thức? Thế nào là đúng, thế nào là sai? Thế nào là tin tưởng, hoài nghi? Thế nào là tính khoa học? Thế nào là phản động?
Nếu đi đến tận cùng lý luận chúng ta sẽ thấy rõ một mớ khái niệm không có nội hàm và ngoại diên. Những khái niệm này phần lớn được đưa vào trong các khẩu hiệu phê bình, từ ngữ có ý nghĩa phán xét, quy chụp, đe dọa chứ ít khi được giải thích tường tận. Thậm chí người viết chúng còn không hiểu nội dung của nó là gì ngoài một ám thị nhất quán: ĐẢNG LUÔN LUÔN ĐÚNG. (Điều 1: Đảng luôn luôn đúng. Điều 2: Nếu hoài nghi, hãy xem lại điều 1).
(Còn tiếp)
– “Trí thức”?
– Một kẻ điên khùng thì đúng hơn. Có thể y không khốn nạn, mà lũ quần thần của y đính thị là những thắng lưu manh, khốn nạn.