Biến đổi khí hậu, cuộc chiến của Việt Nam ngày nay (Phần 2)

Trên các mạng xã hội đầy rẫy những thông tin như khúc video hồi tháng 4 năm 2017, chiếu thảm nạn sạt lở kinh hoàng với một loạt 14 ngôi nhà đã bị nhào xuống sông Vàm Nao chỉ trong vòng một phút. Cũng trên Facebook, các hành vi phá hoại môi trường ngày càng bị lên án gay gắt.

Nhưng bên cạnh các tiến bộ này trong ý thức của dân chúng, thì cũng vào tháng Tư năm đó, một tòa phúc thẩm đã tuyên bố y án 14 năm tù cho blogger Hoàng Ðức Bình, chỉ vì ông Bình đã quay phim một cuộc biểu tình phản đối của ngư dân đối với các hành động ô nhiễm môi trường của Formosa. Theo phán quyết của tòa án này thì ông Bình đã “lạm dụng quyền tự do dân chủ để phá hoại lợi ích công cộng”.

____

Phóng sự của đài truyền hình Arte

Tác giả: Laure Siegel, Luke Duggleby Hugo Leenhardt

Dịch giả: Nguyễn Văn Vui

1-9-2018

Tiếp theo Phần 1

Phần 2: Việt Nam giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi sinh

Cả châu Âu đang rên rỉ dưới cái nóng của mùa hè này, còn California thì phải chống chọi với những vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử của nó: Biến đổi khí hậu đang là đề tài bàn luận khắp nơi.

Từ năm 2009 WWF đã xác định rằng Việt Nam là một trong mười quốc gia phải đối mặt nghiêm trọng nhất với biến đổi khí hậu. Lý do là vì Việt Nam có một bờ biển dài vượt bực – đến 3.400 km- vùng ven hải chiếm 15% lãnh thổ quốc gia. Lý do khác là sự phụ thuộc quá cao của Việt Nam vào nông nghiệp và mức độ phát triển thấp kém của vùng nông thôn.

Sự khác biệt lớn về khí hậu, địa hình và rủi ro cụ thể trong cả nước khiến cho việc lập ra một chiến lược thống nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu trở nên nan giải. Tuy nhiên, trong một thập kỷ nay, Việt Nam đã thể hiện một mong muốn thực sự phải lưu tâm đến biến đổi khí hậu trong chính sách phát triển kinh tế của mình.

Với 6,7% trong năm 2017, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự phát triển nhanh chóng đó có cái giá của nó: Do việc dân nông thôn ào ạt bỏ ruộng vườn để lên các khu đô thị, nên các thành phố gặp các vấn nạn về giao thông mãn tính, ùn tắc khắp mọi nẻo đường và ô nhiễm môi trường đạt kỷ lục. Chính sách công nghiệp hóa vô kiểm soát đã làm cạn kiệt đất đai, làm chết các dòng sông vì rác rưới và nước thải, cũng như sự tăng trưởng quá nhanh của dân số – 95 triệu dân trong năm 2017 – đang phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái xung quanh.

Bà Hồng Hoàng đã đứng ra thành lập một tổ chức môi trường mang tên là “Change Vietnam” tại thành phố Hồ Chí Minh, một trong những tổ chức bào vệ môi sinh quan trọng nhất trong cả nước. Bà cho biết: “Biến đổi khí hậu là một kẻ thù, nó không đứng đối đầu với chúng ta, mà nó ở trong chính chúng ta. Chúng ta đang cứ làm những điều mặc dù chúng ta biết rất rõ rằng chúng sẽ làm tình hình tồi tệ hơn nữa”.

Tổ chức môi trường này đang chiến đấu trên ba mặt trận: chống buôn lậu động vật hoang dã, mà Việt Nam hiện nay là thị trường trao đổi chính; đấu tranh cho các nguồn năng lượng tái tạo, mà Việt Nam đã quá lơ là phát triển mặc dù có tiềm năng năng lượng mặt trời và gió rất cao; và đấu tranh để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu thông qua các chiến lược phát triển bền vững.

Nhu cầu điện ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần trong vòng 10 năm tới. Đất nước này phụ thuộc nặng vào than đá. Các rủi ro liên quan được một nghiên cứu của Đại học Harvard mô tả như sau: “Đến năm 2030, Việt Nam sẽ là nước ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tỷ lệ tử vong sớm do ô nhiễm từ nhà máy điện đốt than. Ước tính ô nhiễm than sẽ dẫn đến 20.000 ca tử vong mỗi năm, gấp năm lần so với năm 2011“. Ngày càng có nhiều người Việt Nam cảm nhận những hậu quả tiêu cực của kết hợp tai hại giữa sự biến đổi khí hậu và tốc độ công nghiệp hóa không kiểm soát.

Trên các mạng xã hội đầy rẫy những thông tin như khúc video hồi tháng 4 năm 2017, chiếu thảm nạn sạt lở kinh hoàng với một loạt 14 ngôi nhà đã bị nhào xuống sông Vàm Nao chỉ trong vòng một phút. Cũng trên Facebook, các hành vi phá hoại môi trường ngày càng bị lên án gay gắt.

Nhưng bên cạnh các tiến bộ này trong ý thức của dân chúng, thì cũng vào tháng Tư năm đó, một tòa phúc thẩm đã tuyên bố y án 14 năm tù cho blogger Hoàng Ðức Bình, chỉ vì ông Bình đã quay phim một cuộc biểu tình phản đối của ngư dân đối với các hành động ô nhiễm môi trường của Formosa. Theo phán quyết của tòa án này thì ông Bình đã “lạm dụng quyền tự do dân chủ để phá hoại lợi ích công cộng”.

Nhà nước Việt nam xem các cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường như là các hành vi đe dọa sự phát triển kinh tế nhanh chóng, mà Việt Nam đã quen bấy lâu nay. Nhưng bất chấp mọi rủi ro, gần đây phong trào bảo vệ môi trường đang dần dần lớn mạnh và công khai kêu gọi chính phủ phải giảm các chỉ tiêu phát triển ngắn hạn của mình lại.

44% dân Việt Nam đều trẻ dưới 24 tuổi. Bà Hồng đặt hy vọng ở giới trẻ: “Ai mà biết trong năm tới đây Ngân hàng Thế giới sẽ quan tâm đến chuyện gì? Tôi thì muốn dựa vào sức mạnh của chính mình, vào người dân tôi và huy động các công ty của chúng tôi để giải quyết các vấn đề môi trường ngay tại nơi đây. Không có nhà tài trợ nước ngoài nào sẽ ở lại lâu dài mãi đâu. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải tự giúp đất nước mình thích ứng và giảm thiểu những tác hại của biến đổi khí hậu, bằng cách tăng cường các phong trào môi trường tại địa phương”.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook