Biến đổi khí hậu, cuộc chiến của Việt Nam ngày nay (Phần 3)

Chúng tôi đã lấy tất cả những thứ gì chúng tôi tìm được để lót ra ngủ, rất nhiều người phải ngủ thẳng trên mặt đất. Nhưng hầu hết chúng tôi không ngủ được. Chúng tôi chỉ nằm đó mà khóc thôi. Nhà cửa chúng tôi đã mất sạch, những người thân yêu của chúng tôi đã mất biến không còn dấu tích, chúng tôi biết là chúng tôi đã mất tất cả. Toàn cơ thể tôi mệt rã rời, đầu óc tôi hoang mang. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những khổ đau này đây?

____

Phóng sự của đài truyền hình Arte

Tác giả: Laure Siegel, Luke Duggleby Hugo Leenhardt

Dịch giả: Nguyễn Văn Vui

1-9-2018

Tiếp theo Phần 1Phần 2

Phần 3: Đàm phán về một tương lai bền vững cho khu vực Mekong

Lối sống của 60 triệu người phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên của lưu vực sông Mekong đang bị đe dọa bởi việc xây hàng chục cái đập trên dòng chính và các dòng nhánh của nó. Các đập thủy điện này được lên kế hoạch nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng về điện và nước. Một dự án lớn với 11 cái đập trên hạ lưu sông Mekong hiện đang gây căng thẳng giữa các quốc gia ven sông.

Tổ chức “Sông ngòi Quốc tế”, internationalrivers.org

Năm 1995, Ủy ban sông Mekong (MRC) được thành lập với nhiệm vụ là phối hợp việc điều hành và sử dụng các nguồn tài nguyên của lưu vực sông Mekong. Sự cần thiết cho hợp tác xuyên biên giới trở nên rõ ràng khi Trung Quốc bắt đầu ngăn nước trên thượng nguồn sông Mekong, mà chẳng thèm tham khảo ý kiến ​​gì cả với các quốc gia vùng hạ lưu. Trong mười năm qua, các công ty Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp và đặc biệt là Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực.

Năm 2009, MRC đã ủy nhiệm chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện và hai mươi chuyên gia khác tiến hành một cuộc nghiên cứu về tác động môi trường của 11 kế hoạch đập nước trên hạ lưu của sông Mekong. Các chuyên gia đã đề nghị nên hoãn dự án khổng lồ này thêm mười năm nữa. Lý do là vì các kiến thức hôm nay không đủ để đưa ra một quyết định mà sẽ không còn đảo ngược được nữa, nhất là khi quyết định đó có thể phá sự đa dạng sinh học đến một mức độ không thể lường.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Các đập sông Mekong trên lãnh địa Trung Quốc đã làm giảm lượng phù sa ở vùng hạ lưu hơn một nửa, từ 160 triệu tấn năm 1992 xuống chỉ còn 75 triệu tấn vào năm 2014. Mười một con đập mới sẽ làm giảm thêm một nửa nữa. Việc thiếu phù sa sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng lên sự đa dạng sinh học: rừng ngập mặn sẽ biến mất, chất lượng nước sẽ giảm đáng kể, chim và cá chết hàng loạt“.

Tuy vậy tất cả các khuyến nghị đó coi như chỉ để gởi cho gió mang đi, vì trong MRC chỉ có mặt của các quốc gia vùng hạ lưu Mekong mà thôi (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) và vì Ủy ban chỉ đóng một vai trò tư vấn. Cho nên hai con đập trên dòng chính đang trong tiến trình xây dựng, và hàng chục con đập khác nữa đã được lên kế hoạch cho các dòng nhánh của Mekong. Chúng đe dọa sẽ biến dòng sông giàu có giống loài sinh học này trở thành một chuỗi hồ chứa nối tiếp với nhau.

Theo một nghiên cứu từ Thái Lan, nếu 40 đập thủy điện trên sông Mekong và các nhánh của nó được hoàn thành cho đến năm 2030, thì bốn nước thành viên của MRC sẽ chịu thiệt hại 6,4 tỷ Euro và dân chúng của họ sẽ nghèo thêm lên. Campuchia sẽ mất một nửa số phù sa là môi trường sống của cá, nếu 11 con đập được xây xong cho đến năm 2040 trên dòng chính sông Mekong -2 cái trên lãnh địa của mình và 9 cái tại Lào.

Suốt 20 năm qua, quốc gia nhỏ và khép kín là Lào đã dựa vào tiềm năng thủy điện của mình và đề ra mục tiêu trở thành “cục pin của Đông Nam Á” vào năm 2025, xem việc khai thác thủy điện như là nguồn thu nhập chính của mình. Một nửa số điện từ các nhà máy thủy điện này là để bán cho những nước lân bang. Chính phủ Lào thường ca ngợi đó là một vũ khí trong cuộc chiến chống đói nghèo của họ.

Tuy nhiên, một thảm họa gần đây có thể làm chết yểu cái chương trình khổng lồ xây dựng đập trên khắp Đông Nam Á. Vào ngày 23 tháng 7 2018 tỉnh Attapeu của Lào, một con đập thủy điện đang xây dựng đã bị vỡ sau những trận mưa to. Đập này do công ty Hàn Quốc Xepian-Xe Nam Noy xây. Năm tỷ mét khối nước đã tràn xuống ngập các làng xung quanh và gây ra lũ lụt tận đến nước láng giềng ở hạ lưu là Campuchia. Riêng tại Lào, 6.600 gia đình rơi vào tình cảnh mất nhà cửa do nước lũ, ở Campuchia 5.000 người khác cũng bị số phận tương tự. Hàng trăm người đã mất tích và tử vong.

Ông Nguyễn Hữu Thiện chỉ trích: “Đúng ra các cơ quan chức năng phải có kế hoạch cho các tình huống khẩn trương và kế hoạch sơ tán trong trường hợp vỡ đập. Đánh giá thảm họa đã xảy ra cho con đập Xepian Xe Nam Noy thì người ta thấy các kế hoạch như vậy đã không có. Sự thiếu an toàn của tất cả các đập này làm cho chúng tôi rất lo lắng. Nếu Campuchia thực sự sẽ xây đập Sambour, thì có một nguy cơ là nó sẽ bị vỡ nếu có một con đập khác ở thượng nguồn bị vỡ, y hệt các con cờ Domino. Đặc biệt, con đập Xayaburi là một hiểm họa lớn, vì về mặt địa chất nó lại nằm trên một đứt gãy (còn gọi là biến vị)“.

Sự đàn áp ngày càng tàn bạo đối với các phương tiện truyền thông ở Đông Nam Á mấy năm trở lại đây đã đưa đến một tình trạng bi thương khác: Những thảm họa tương tự như vậy đã xảy ra, nhưng tin tức bị ém nhẹm, không có nhân chứng và không có thông tin ra ngoài cho công luận biết. Tuy vậy, có hai phụ nữ trẻ người Lào đã vào được trong một khu vực bị quân đội canh phòng cẩn mật. Họ đã tìm thấy ở đó một vùng hoang vu vô cùng hỗn loạn, với nhiều xác người chết trong bùn lầy và gần đó là một số người sống sót bị bỏ mặc lây lất và cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Một trong số người thoát chết trong đường tơ kẽ tóc này là Yae, một phụ nữ trẻ đang mang thai và sống trong một trại bị binh lính bao vây và canh phòng, đã nói với họ: “Chúng tôi đã lấy tất cả những thứ gì chúng tôi tìm được để lót ra ngủ, rất nhiều người phải ngủ thẳng trên mặt đất. Nhưng hầu hết chúng tôi không ngủ được. Chúng tôi chỉ nằm đó mà khóc thôi. Nhà cửa chúng tôi đã mất sạch, những người thân yêu của chúng tôi đã mất biến không còn dấu tích, chúng tôi biết là chúng tôi đã mất tất cả. Toàn cơ thể tôi mệt rã rời, đầu óc tôi hoang mang. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những khổ đau này đây?

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á thì cho đến năm 2030 các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải cần tổng cộng 21 tỷ Euro, (nghĩa là bình quân 1,4 tỷ Euro mỗi năm), để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nếu các nước này muốn duy trì tăng trưởng kinh tế của mình, xóa đói giảm nghèo và thích nghi với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các dự án lớn như trên lại đe dọa đời sống của hàng trăm triệu người dân vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi, đói khó trong lưu vực sông Mekong.

Nhà nghiên cứu người Pháp Sophie Boisseau du Rocher đã mô tả tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này trong quyển sách “Đông Nam Á trong bẫy sập” như sau: “Làm thế nào để dung hòa được việc xây dựng xã hội và nền dân chủ lâu dài, với các áp lực ngắn hạn và khó tránh được của sự phát triển kinh tế với hậu quả là sự bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây