Làm báo ở Việt Nam

FB Đỗ Cao Cường

20-6-2018

Hôm nay có rất nhiều tin nhắn gửi đến mình, tôi xin lỗi vì bận việc riêng nên không thể trả lời hết được. Cũng mong rằng đừng có ai chúc mừng, hay gọi tôi là nhà báo cách mạng, tôi chỉ dám nhận mình là người hoạt động báo chí độc lập tại Việt Nam.

Từ cách mạng được hiểu theo nghĩa là xóa bỏ cái cũ để thay bằng cái mới, nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa có cuộc cách mạng nào ra hồn, vẫn chỉ là một quốc gia nghèo nàn, tạm bợ, đứng trước nguy cơ vỡ nợ công, đi trước, đến sau, làm cách mạng chỉ thông qua cái mồm.

Gần 1.000 báo, đài trong nước chỉ dám đưa tin theo chỉ thị, trong khi báo chí (theo tiêu chuẩn quốc tế) chỉ cần có sự thật, có sự thật là có tất cả, chứ không phải thông qua ai. Muốn chứng minh, buộc tội thì xin mời dắt nhau ra tòa.

Các tổng biên tập cũng yên tâm một điều là không bao giờ, không có bất kỳ ai bắt các bạn phải chết lâm sàng, chết tập thể, cho đến khi có mệnh lệnh thì tất cả mới rủ nhau sống lại, rủ nhau lên đồng và tấn công các nạn nhân cho đến chết.

Có thể nói, sự kìm kẹp trong báo chí, trong văn học, trong ngôn luận, trong luật an ninh mạng… sẽ khiến cho đất nước Việt Nam ngày càng rơi vào cảnh lầm than, thông tin bị bưng bít, người dân càng trở nên khốn khổ, tư tưởng bị nhồi nhét…

…………………………

Mấy tiếng trước, anh Quang Trưởng – Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật Việt Nam có gọi điện cho tôi, tôi cũng đoán trước là có chuyện chẳng lành rồi nên không nghe máy.

Hôm nọ, một lãnh đạo VTC cũng nhắn tin cho tôi là nếu em không làm ở VTC nữa thì đừng lấy danh của VTC rồi đi làm việc khác. Tôi có trả lời với anh ấy rằng tôi không có nói với ai là mình đang làm cho VTC, và hiện nay tôi cũng không bảo với ai là mình đang làm cho báo Pháp luật Việt Nam.

Trước đó, anh ấy có gọi tôi tới tòa soạn để giao đề tài về đức chúa trời, trong khi tôi đang cùng với các “đức chúa” dân oan đi đòi quyền lợi, rồi tôi đọc được những bài viết từ nơi mình làm, về những trí thức, những người bất đồng chính kiến (mà họ coi như quân thù quân hằn) tự nhiên tôi cảm thấy rất buồn, buồn đến mức bỏ cả làm.

Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
(Trần Dần)

Trước khi làm báo, tôi có làm cò đất, cò du lịch, mở quán bán bún đậu mắm tôm, trà đá ngoài Hà Nội… lang thang nam bắc một mình và gom được một số tiền nho nhỏ, tôi chuyển sang làm báo.

Sau các bài viết về văn hóa (không hiểu sao hiện nay rất nhiều bài của tôi đã bị gỡ) tôi chuyển sang mảng điều tra, cũng được truyền thông của Cj (một trong những doanh nghiệp lớn nhất ở Hàn Quốc), Kim Phát, Trầm Bê, Đông Nam Á,… gọi điện muốn gặp riêng. Nhưng tôi không đến, nếu mà đến thì chắc là bây giờ giàu lắm.

Sau đó, tôi cũng bị họ gửi công văn tới tòa soạn dọa kiện, phải giải trình này nọ nhưng do pháp lý ổn nên không sao.

Tôi cũng từng được anh Viết Đoàn bên báo Nhân dân (nhà báo mà giàu ú ụ, hôm nào cũng thấy ngồi nhậu ở quận Bình Thạnh, thuê cộng tác viên viết bài mà vẫn thường xuyên được nhận giải A Báo chí toàn quốc) xúi trưởng đại diện phía Nam báo THCL tố cáo tôi tội ăn cắp tài liệu.

Và kết quả, vị trưởng đại diện phải rút lại những lời dọa nạt, trả lương sòng phẳng cho các phóng viên, hứa không được về Miền tây, Tây Nguyên làm tiền bà con, ngoài ra, phải xin lỗi tôi về việc tôi bị kẻ lạ mặt đâm xe, nằm gần một tuần ở Nhà Bè…

Miền bắc cũng không kém phần long trọng!

Khi ra miền bắc, tôi thấy có rất nhiều phóng viên đi xe sang, thấy bảo có cả xã hội đen đi làm báo. Cũng trong khoảng thời gian làm phóng sự về thép Hòa Phát, tôi có thực hiện một đề tài về cát tặc ở sông Lạch Tray, khi vừa trèo lên cây, giơ máy quay ra thì bác nông dân làm đồng gần đó rút điện thoại gọi cho cát tặc, khiến tôi chạy gần chết.

Còn vụ Hòa Phát, khi tôi về là lúc các báo đài mới đến, mấy anh em bên báo Giáo dục bảo vừa đến nơi đã bị côn đồ tấn công. Các lãnh đạo tòa soạn, doanh nghiệp, chính quyền thi nhau gọi điện dọa dẫm.

Vừa rồi, người nhà mượn xe tôi đi có việc, ai ngờ đâu lại vào đúng nhà xăng tặc. Họ nói là có ghi lại biển số xe, đuổi tôi tới Hải Dương nhưng sau đó tôi mất hút, ông sếp con của Tổng công ty xăng dầu bị đuổi việc nói với họ là nếu thấy tôi đi trên đường thì sẽ đâm chết.

Cuối cùng, họ muốn hối lộ tôi một khoản tiền nhưng tôi không nhận…

Còn rất nhiều điều muốn nói, nhưng giờ phải đi ăn cơm. Sắp tới, tôi sẽ thực hiện một số phóng sự điều tra độc lập, tôi cảm thấy rùng mình khi đối diện với các tổng biên tập, với nền báo chí hiện nay.

Chính nó, chính chúng nó đã khiến cho dân trí thấp, đất nước nghèo nàn, khiến cho các phóng viên đói khổ nên mới phải đi làm tiền doanh nghiệp.

Sáng nay, tôi cũng đã dậy sớm thắp hương cho chị đồng nghiệp tên Tuyền rồi, và con trai chị khác tên Vân. Hiện nay, chị Vân lúc say lúc tỉnh, lúc nhớ lúc quên, thôi thì sống ngày nào hay ngày ấy, đến đâu thì đến vậy.

Bình Luận từ Facebook