Đánh giá khả năng thay đổi nhân sự tại Hội nghị TƯ 7

Nghiên cứu Quốc tế

Lê Hồng Hiệp

26-4-2018

Ông Trần Quốc Vượng (hàng đầu, thứ hai từ phải qua). Ảnh: internet

Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) khóa 12 dự kiến ​​sẽ được triệu tập vào tháng 5 năm 2018. Hội nghị được cho là sẽ đưa ra các quyết định nhân sự lớn có tác động quan trọng tới triển vọng chính trị của Việt Nam, đặc biệt là Đại hội lần thứ 13 của Đảng được tổ chức vào năm 2021.

Một trong số các vấn đề nhân sự quan trọng nhất được quyết định tại Hội nghị TW 7 sẽ là sự thay đổi thành phần của Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng. Đại hội lần thứ 12 của Đảng năm 2016 đã bầu ra một Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên, nhưng kể từ đó 3 ủy viên đã phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe hoặc pháp lý khiến họ không thể hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ năm năm của mình.

Vào tháng 5 năm 2017, ông Đinh La Thăng, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đã bị loại khỏi Bộ Chính trị do các cáo buộc về tham nhũng và sai phạm trong quản lý kinh tế. Ông Thăng sau đó đã bị truy tố và xét xử. Vào tháng 8 năm 2017, Đảng cũng thông báo rằng một ủy viên cao cấp khác của Bộ Chính trị, ông Đinh Thế Huynh, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư, đã phải ngừng đảm nhiệm vị trí do sức khỏe kém. Cùng thời điểm đó, các báo cáo về tình trạng sức khỏe kém của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nổi lên. Ông Quang đã biến mất khỏi chính trường trong một thời gian kéo dài, được cho là để đi điều trị y tế tại Nhật Bản, trước khi xuất hiện trở lại trước thềm Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11 năm 2017. Do vấn đề sức khỏe, nhiều khả năng vị trí của ông Quang sẽ được thay thế tại hội nghị sắp tới.

Như vậy, ít nhất ba thành viên mới có thể được bổ sung vào Bộ Chính trị vào tháng tới. Hiện tại, các ứng viên nổi bật nhất là năm thành viên Ban Bí thư mà chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị. Những người này bao gồm Trung tướng Lương Cường (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam), ông Nguyễn Văn Nên (Chánh Văn phòng Trung ương Đảng), ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa án Tối cao), Ông Phan Đình Trạc (Trưởng Ban Nội chính) và ông Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Trong số năm người này, ông Nguyễn Văn Nên và ông Phan Đình Trạc, với tư cách là chánh văn phòng trung ương hoặc trưởng ban trung ương đảng, có thể có nhiều cơ hội được bầu vào Bộ Chính trị nhất.

Một vấn đề quan trọng khác sẽ được quyết định là việc tìm người thay thế Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, được cho là người nhiều khả năng nhất sẽ đảm nhiệm vị trí này. Nếu ông Nhân được thăng chức, ông Võ Văn Thưởng, từng là Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, có thể rời vị trí Trưởng Ban Tuyên Giáo hiện tại của mình để thay ông Nhân làm Bí thư TP Hồ Chí Minh. Nếu vậy, điều này sẽ mở ra cơ hội cho ông Nguyễn Xuân Thắng được bầu vào Bộ Chính trị và tiếp quản vị trí Trưởng ban Tuyên giáo mà ông Thưởng để lại.

Việc ông Nhân được thăng chức lên vị trí Chủ tịch nước nếu diễn ra cũng có thể có những tác động tới triển vọng chính trị của ĐCSVN. Hiện nay, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, đang được xem là ứng cử viên nặng ký nhất thay thế ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư vào năm 2021. Tuy nhiên, việc ông Nhân thăng chức Chủ tịch nước đồng nghĩa với việc ông Nhân có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng của ông Vượng, đặc biệt nếu xét đến truyền thống của Đảng trong việc bầu một người trong “Tứ trụ” của nhiệm kỳ trước vào vị trí Tổng bí thư của nhiệm kỳ sau.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ các tác động của những thay đổi  nhân sự cấp cao có thể diễn ra tại Hội nghị Trung ương 7 tới triển vọng chính trị Việt Nam. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ là một sự kiện quan trọng và thú vị đáng được giới phân tích và bình luận về Việt Nam theo dõi sát sao.

Lê Hồng Hiệp là Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore. Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentaries.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Một trong những kịch bản khả thể để Cộng Sản chuyển qua tư bẩn 1 cách êm thấm là các cá nhân thoái hóa về lý tưởng Cộng Sản có thể tụ họp lại thành 1 “nhóm lợi ích” chiếm lấy các ghế ảnh hưởng tới bầu cử trong Đảng . Sau khi chiếm lĩnh các vị trí bầu cử trong Đảng, nhóm này sẽ bầu cho 1 cá nhân có khả năng giải tán “Đảng của Bác Hồ”, aka giải tán chính quyền Cộng Sản.

    Rất lạc quan với phong trào “đốt lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng theo thiển ý của tớ, Tbt NPT đã quá xem thường đám củi thoái hóa về tư tưởng, lý tưởng Cộng Sản . Đúng, (chỉ có) 1 vài cá nhân trong đám thoái hóa về lý tưởng Cộng Sản của Bác Hồ đã bị khai trừ khỏi Đảng, nhưng việc khai trừ khỏi Đảng 1 số (rất ít) những cá nhân đó chỉ mang lại những ý nghĩa hoàn toàn không có lợi cho Đảng; bị khai trừ có nghĩa ý nghĩa “củi” cũng bị loại, chúng an toàn không sợ bị vất vào lò . Ngoài ra bọn chúng vẫn còn tự do tự tại, tha hồ cổ động cho những ý tưởng phi/phản/vô Bác Hồ/Cộng Sản .

    Trong khi đó, đám gây ra thiệt hại về kinh tế Đảng lại phải nhận những cái lò khá nghiêm khắc! Tbt Nguyễn Phú Trọng làm như thế tuy không phải đi ngược, nhưng hoàn toàn không thiết thực & không thực tế nếu Tbt NPT thật sự muốn làm trong sạch Đảng để Đảng Cộng Sản có thể mạnh hơn, nhằm lãnh đạo đất nước & dân tộc đến muôn đời . Thiệt hại hàng tỷ đô la ? Tbt NPT chỉ cần sai Thủ tướng Nguyễn Xuân Fook kiến tạo thêm vài thứ thuế mới (sucker’s tax, thuế đần), vài cái BOTs … nhớ gắn liền hình ảnh Bác Hồ và lý tưởng Chủ nghĩa Xã Hội, là thu lại ngay . Nhưng nếu không ngăn ngừa thoái hóa về tư tưởng/lý tưởng Cộng Sản ngay lập tức, âm mưu trên thành công trong 1 ngày đẹp (hoặc xấu, tùy cách nhìn) trời nào đó thì … có phải là ân hận lắm không!

    Đây là kiến nghị Cứu Đảng là cứu nước -bản quyền của nhà trí thức đáng kính Nguyễn Trung- của tôi . Mong Đảng tiến hành công cuộc nhất thể hóa nhanh & mạnh hơn nữa để Đảng có thể thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện đất nước & dân tộc . Mô hình Đảng là chính chủ của chính phủ đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của nó; kỳ vừa rồi đã cho ta 1 ví dụ khá sinh động khi Ô sin qua mặt, thậm chí ăn hiếp, chủ nhà . Đảng có thể sa thải ô sin của mình được rồi . Nhưng làm nhanh thì sẽ gây sốc . Thus, nhất thể hóa như 1 quá trình là 1 chiêu trên cả tuyệt vời . Cái thứ 2, trong khi chống thoái hóa về lý tưởng chưa được xem đúng mức như tầm quan trọng của chính nó, để ngăn trừ những “kịch bản” diễn biến hòa bình, Tbt Nguyễn Phú Trọng nên lắng nghe ước vọng của trí thức đem lại 1 số điều của thời Bác Hồ; Tbt Nguyễn Phú Trọng nên kiếm cách hợp thức hóa vị trí Tổng bí thư của mình cho tới vô tận . Chỉ có đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam mới đảm bảo được sự vững mạnh của Đảng .

    Với những điều cực kỳ khó khăn nhưng phải làm để Đảng Cộng Sản có thể vững mạnh, chắc chắn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo ra rất nhiều kẻ thù đang kiếm cách tập họp lại để nung nấu những âm miu cực kỳ hiểm độc . Để bảo vệ mình, tôi mong Tbt sẽ không chỉ củng cố lực lượng phe ta mà còn cần sự giúp đỡ tận tình của bạn bè thế giới Cộng Sản . Nhìn quanh quẩn, thấy không có ai ngoài Trung Quốc (không lẽ lại là Mỹ, điên à!). Tbt Nguyễn Phú Trọng cần chắt lọc tư tưởng Bác Hồ, tăng cường sự có mặt của Đảng bạn qua hình thức cố vấn, tham mưu về chính phủ cũng như quân sự … đề phòng nội loạn . Tôi biết có 1 lực lượng quân sự bảo vệ lãnh đạo, nhưng chắc Tbt sẽ không ngờ ngay cả những lãnh đạo có chế độ bảo vệ cũng có thể -tiếng Tây- “stab Tbt in the back”. Nói trắng phớ ra là nên có 1 lực lượng đặc nhiệm riêng chỉ bảo vệ chức vụ Tổng Bí Thư mà thôi . Nếu có cũng chỉ là theo quấc tế. Ở Mỹ này, chức vị Tổng thống được bảo vệ suốt đời . Ngay cả sau khi về vườn cũng có 1 nhóm nhỏ bảo vệ . Nói gì tới chức vụ Tổng bí thư cả đời .

Comments are closed.