Thư ngỏ gửi ông Bá Tân

Thạch Đạt Lang

26-3-2018

Thưa ông Bá Tân! Đọc bài Bác Trọng, Hãy Tạo Thêm Tiền Lệ của ông đăng trên Tiếng Dân, tôi có phần “bức xúc” về những điều ông viết, nên thấy có vài chuyện cần thưa với ông. Xin được mạn phép trao đổi một số điểm ông viết trong bài nói trên.

1. Ông viết: “Khen-chê. Đề cao-hạ thấp. Kính phục-coi thường… Đó là những ‘cặp phạm trù’ đối nghịch – ngược chiều, thường xảy ra khi người đời nhận xét đánh giá lẫn nhau”.

Lời bình: Đồng ý với những cặp phạm trù này. Tuy nhiên, để đánh giá một cá nhân, một tổ chức, một đảng phái, hội đoàn… người ta cần có sự quan sát, nhận định, tổng kết qua một thời gian lâu dài về cách xử sự, tính tình, những thành quả, việc làm… của cá nhân hay tổ chức, hội đoàn đó trong nhiều năm tháng. Không thể chỉ lấy một vài thành quả nhỏ nhôi, nặng tính cách trình diễn hoặc chỉ để thỏa mãn một số yêu cầu trong một mục tiêu ngắn hạn, thổi phồng lên thành một thành công rực rỡ, to lớn và qua đó có kết luận tổng quát.

Đồng thời, việc đánh giá cần phải nhất quán, thông suốt, có hệ quy chiếu rõ rệt.

2. Ông viết: “Ít nhất đến thời điểm này, ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư đầu tiên tạo ra tiền lệ chưa từng có trong lịch sử ‘đảng ta’.

Lần đầu tiên có một ủy viên Bộ Chính trị bị đưa ra xét xử, nhận mức án hơn 10 năm tù. Ủy viên Bộ Chính trị được coi là tinh hoa của đảng. Khi tinh hoa của đảng vào tù, dân chúng hả hê, và họ đón nhận tin ấy y như là khi biết tin diệt được ác ôn trong thời địch chiếm đóng. Dân không quá khích, không cực đoan. Thái độ ấy của dân là câu trả lời đanh thép dành cho những kẻ, những thế lực coi thường dân, mỵ dân, quen thói đè đầu cưỡi cổ dân”.

Lời bình: Nguyễn Phú Trọng thật ra chẳng tài giỏi hay có sáng kiến gì để “dám” tạo ra tiền lệ cho một ủy viên bộ chính trị “nhập kho” 13 năm. Đây chỉ là thủ đoạn bác Trọng của ông, học hỏi từ quan thầy Tập Cận Bình, nhằm thanh toán những đối thủ chính trị, đồng thời trả những mối hận thù trong quá khứ, mếu máo khóc trước các đồng chí.

Hơn thế nữa, từ tiền lệ này, nghĩ đến tiền lệ bác Trọng chơi bạo (lấy tiếng ngu) trước đó, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt trầm trọng, tác động, ảnh hưởng làm thiệt hại nặng nề cho kinh tế Việt Nam. Chỉ vì cần tìm đầu mối, bằng chứng, lời khai… kết tội Đinh La Thăng, ông Trọng đã bất chấp hậu quả ê chề mà người dân, đất nước phải gánh chịu. Một lãnh đạo có tâm, có tầm, khôn ngoan sẽ không hành động như vậy.

Ngoài ra phải tự hỏi, tại sao dân chúng hả hê, vui sướng khi tinh hoa của đảng vào tù? Thế lực nào (dám) coi thường dân, mị dân, quen thói đè đầu cưỡi cổ dân ngoài đảng CSVN, cán bộ, quan chức, đảng viên, công an, cảnh sát cơ động của chế độ CS? Người dân hả hê, thích thú, vui sướng không phải vì tinh hoa của đảng vào tù mà vì họ nhìn thấy cuộc đấu đá trong nội bộ đảng đang diễn ra ác liệt, dữ dội. Họ hi vọng cuộc đấu đá quyết liệt sẽ dẫn đến sự sụp đổ, tan rã của đảng và chế độ CSVN.

3. Ông viết: “Đảng sinh ra từ dân. Đảng cũng có thể đối nghịch với dân, gây ra thảm kịch… hai con dê qua cầu. Cái có thể ấy nếu xẩy ra, hình như đang bắt gặp đâu đó, không do dân mà là do đảng. Đảng lãnh đạo toàn diện, lãnh đạo dân. Làm gì có chuyện ngược lại, cho dù dân là gốc, dân là lực lượng hùng mạnh nhất, dân là trí tuệ sinh ra trí tuệ”.

Lời bình: Đoạn này ông viết sai. Ông Hồ Chí Minh sinh ra đảng, không phải dân. Và đảng đã coi rẻ người dân ngay từ ngày khi mới thành lập. Chủ trương, mục đích của đảng từ lúc được ông Hồ Chí Minh du nhập vào VN không hề đem lại cơm no, áo ấm, độc lập, tự do, hạnh phúc, công bằng xã hội cho toàn dân. Đảng chỉ lợi dụng sự ngây thơ, nhẹ dạ của người dân VN, dùng những chiêu bài đó để gây chiến tranh, cướp chính quyền và xô đẩy đất nước vào thảm họa ngày hôm nay.

Dân là trí tuệ, đảng thì không. Đảng là đứa con què quặt, bệnh hoạn, là quái thai trong cuộc hôn nhân của ông Hồ và cộng sản quốc tế, gây ra tai họa cho dân.

4. Ông viết: “Giá mà cái tiền lệ có từ thời bác Trọng được tạo ra sớm hơn. Mong ước thể hiện lòng dân, nhưng làm được việc ấy là vô cùng khó. Tiêu diệt địch là vô cùng khó, trừ khử nguyên là đồng đội của mình còn gian khó hơn nhiều. Chưa nói xa xưa, chỉ so với người tiền nhiệm, kể cả giá như người đó ôm ghế 10 nhiệm kỳ cũng không thể làm được cái chuyện ‘động trời’ như thời bác trọng.

Người ta có thể ‘ném đá’ về động cơ, mục đích với cái tiền lệ chỉ có được từ thời bác Trọng. Miệng thế gian ai cấm được họ. Tuy nhiên mọi người, cũng như dư luận xã hội, có chung đích đến: nói phải củ cải cũng nghe”.

Lời bình: Lịch sử không có chữ “Giá Mà”, không có chữ “Ngẫu Nhiên”, “Nếu”… tất cả đều xảy ra theo một tiến trình có thứ tự. Ở một nước dân chủ, tự do với tam quyền phân lập rõ rệt và tự do báo chí, việc một nguyên thủ quốc gia bị cách chức, truất phế, đưa ta tòa là một việc bình thường, chẳng có ai ca ngợi, nâng bi là tạo được tiền lệ, vô cùng khó khăn… khi những bằng chứng phạm tội rõ rệt, không thể chối cãi.

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị bắt giữ, kết án vì gian lận tài chánh, cựu tổng thống Nam Hàn Park Guen Hye bị còng tay đưa ra tòa…là những thí dụ rõ ràng nhất. Chẳng người dân Pháp, Nam Hàn nào ném đá về động cơ, mục đích bắt giữ, truy tố những vị cựu nguyên thủ quốc gia này.

5. Ông viết: “Bác Trọng còn có thể đi tiếp nước cờ ‘độc’ hơn, với tầm cao hơn cái tiền lệ đã làm. Ấy là mời, thậm chí là triệu tập Ba Dũng. Không phải ý muốn chủ quan. Không vì phe cánh. Đó là đòi hỏi của pháp luật, vì sự sống còn của đảng, của đạo đời.

Qua một số đại án vừa xử và sẽ còn xử tiếp, người ta không khó nhìn thấy bàn tay Ba Dũng. Sẽ công bằng hơn, dân sẽ tâm phục khẩu phục, nếu bác Trọng, thông qua ban bí thư, chỉ đạo cơ quan chức năng mời, thậm chí triệu tập Ba Dũng để làm rõ những vấn đề liên quan, dẫn đến các đại án”.

Lời bình: Ông Bá Tân không cần thiết phải vẽ đường cho hươu chạy. Bác Trọng của ông chẳng phải là hươu, ông Trọng là con sói già khôn ngoan, thâm hiểm, gian ác, xảo quyệt, biết nhẫn nhục chờ thời, biết tiến, biết lùi, biết nắm thời cơ, biết nhắm vào ai để triệt hạ trước, ai tiêu diệt sau, những kẻ vừa là đồng chí vừa là kẻ thù của mình.

Ông Bá Tân quên mất ông Ba Dũng là con Mối Chúa. Diệt mối chúa mà không diệt đàn mối con thì cũng như không, vì chỉ một thời gian ngắn sau, sẽ có con mối chúa khác xuất hiện. Đề cao, ca ngợi ông Trọng cũng được đi, nhưng sao ông không nói đến ổ mối Formosa và nhiều ổ mối lớn, nhỏ khác tràn lan trên đất nước? Bắc Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Sơn La, Đà Nẵng…chỗ nào không có ổ mối?

Các đại án dưới thời Ba Dũng rất nhiều, đếm không xuể, kể không hết. Nếu khui ra hết, cả nước sẽ thối hoăng lên, bình bị vỡ, liệu ông Trọng có dám?

6. Ông viết: “Có thể bác Trọng đã nghĩ đến nhưng còn rất phân vân. Vấn đề không phải lý mà là tình. Khổ lắm, nhiều khi chỉ vì cái tình xuề xòa mà làm hỏng đại cuộc. Đó là vì đảng, vì dân, vì nước chứ không phải quan hệ cá nhân. Mong bác Trọng cùng các chiến hữu mạnh tay lên, đừng để tái diễn như cái lần bác nhòa lệ, sụt sùi trên diễn đàn sau khi để cho Ba Dũng chạy thoát”.

Lời bình: Ông Trọng phân vân, ngần ngại không phải vì tình đồng chí trong đảng. Giữa Ba Dũng và Tổng Trọng nói riêng, đảng CSVN nói chung, làm gì có tình. Nếu có tình thì Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ… và hàng chục đồng chí khác trong lịch sử đảng CSVN đã không đang sống đột ngột chuyển sang từ trần, tương tự như Dương Bạch Mai, Lâm Đức Thụ, tướng Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái… Ông Trọng phân vân vì không chắc có đủ lực, đủ khả năng để đốt lò Ba Dũng không. Biết chắc chắn đủ sức, ông Trọng sẽ không ngần ngại.

Nếu quả thật có tình giữa Tổng Trọng – Ba Dũng thì đó chỉ là … tình địch! Ông Trọng và “các chiến hữu” chưa chắc đã dám mạnh tay hơn nữa, bởi tình thế cho thấy, chỉ cần mạnh tay chút nữa là … sẽ vỡ bình, đàn chuột lúc nhúc trốn trong bình sẽ bung ra cắn người đập chúng. Chính bác Trọng của ông đã phải thú nhận rằng: “Chống tham nhũng là ta tự đánh ta”.

Biếm họa về chuột và bình quý. Ảnh: internet

7. Ông viết:Cuộc sống đương thời đang ủng hộ bác Trọng từ những việc nóng hổi mang tính thời sự. Cùng thời điểm, cựu tổng thống Pháp Sarkozy vừa bị khởi tố. Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak vừa bị tòa án Hàn Quốc ra lệnh bắt.

Pháp, Hàn Quốc, thế giới văn minh nói chung, đất nước không hề lung lay mà còn vững mạnh hơn khi tổng thống, thủ tướng bị bắt giam hoặc cho vào tù vì có sai phạm. Đảng cầm quyền có thể mất quyền lãnh đạo, do đảng khác xứng đáng hơn lên nắm quyền, nhưng chế độ của họ không thể sụp đổ”.

Lời bình: Ở Pháp, Nam Hàn… khi các cựu nguyên thủ quốc gia bị bắt, đưa ra tòa vì sai trái, vi phạm luật lệ… chế độ dân chủ, tự do ở các nước này không bị lung lay, sụp đổ vì chính quyền được xây dựng theo hệ thống tam quyền phân lập và tự do báo chí.

Đảng thành lập chính quyền nhưng vẫn bị chính quyền chi phối, xét xử theo hiến pháp, bởi vì đảng và chính quyền là hai thực thể riêng biệt, độc lập với nhau. Do đó đảng có thể mất quyền lãnh đạo và chế độ vẫn tiếp tục đứng vững.

Khác với Việt Nam, bởi đảng lãnh đạo toàn diện, ngồi xổm lên hiến pháp, điều khiển chính quyền, cai trị dân bằng chế độ công an, nhà tù, tra tấn, bắt giữ… nếu đảng mất quyền lãnh đạo, chế độ sụp đổ ngay tức khắc.

8. Ông viết: “Đảng cầm quyền ở Việt Nam vừa tạo ra tiền lệ gây chấn động dư luận: lôi cổ ủy viên Bộ Chính trị vào tù. Tiếp bước đà ấy, thời bác Trọng đã chín muồi, yếu tố cần và đủ để tạo thêm tiền lệ là mời hoặc triệu tập nguyên thủ tướng Ba Dũng ra tòa, để đối chất với các ‘đồng chí’ bị cáo, với luật sư có mặt tại tòa. Chưa nói chuyện tù tội, chỉ cần nguyên thủ tướng hiện diện tại tòa, nếu được thực hiện, sẽ là một tiền lệ vô cùng cần thiết với chế độ, với đảng cầm quyền”.

Lời bình: Dường như ông Bá Tân, một là đang nằm mơ, hai chỉ là kẻ xu thời. Phiên tòa xử Đinh La Thăng là phiên tòa Kangaroo (Kangaroo court), bởi chánh án, hội đồng xét xử gạt bỏ, không quan tâm cứu xét nhiều lời khai của nhân chứng, chứng từ, lời bào chữa của luật sư… Thế thì có mời Ba Dũng đối chất, làm nhân chứng ở tòa cũng chỉ mang nặng tính trình diễn và nếu có xẩy ra, cũng chỉ là một sự bỉ mặt, hạ nhục Ba Dũng mà thôi.

9. Ông viết: “Nếu được mời hoặc bị triệu tập ra tòa, Ba Dũng nên coi đó là nghĩa vụ công dân. Nếu cứ vênh váo với cái danh đã vùi sâu dưới bùn đen, thiên hạ họ chửi cho ngập đầu”.

Lời bình: Người dân trong một chế độ tự do, dân chủ, khi nhận được giấy mời của tòa án, phải có bổn phận xuất hiện trước tòa án theo đúng ngày, giờ trong giấy mời, vắng mặt phải có lý do bất khả kháng như bệnh hoạn, đang được điều trị trong bệnh viện, đang bận công vụ… Rất ít trường hợp được miễn trừ, kể cả các cựu nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia.

10. Ông viết: “Cứ đi rồi sẽ thành đường. Con đường bác Trọng cùng các chiến hữu đang đi đầy chông gai, tràn ngập thuốc độc và đủ thứ cám dỗ. Còn lâu mới đến đích nhưng chặng đường vừa qua đã tạo được tiền lệ có tính mở đường cho đời sau”.

Lời bình: Đúng boong! Cứ đi rồi sẽ thành đường, nhưng quan trọng là con đường đó sẽ đưa đảng CS của ông Trọng đi về đâu? Quan trọng và nguy hiểm hơn nữa là tương lai đất nước, vận mệnh quốc gia sẽ ra sao trên con đường mà chính ông Trọng đã xác nhận rằng, không biết đến cuối thế kỷ 21 này, VN có tiến tới được CNXH không?

Chúc ông ngày vui, luôn khỏe mạnh.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. 02.04.2018 16:53:28
    Cảm ơn Tác giả vì bài viết công phu, chi tiết.
    Góp nhận xét ngắn từ bài gốc:
    01.04.2018 16:26:21
    Bá Tân là Bá Tân nào?
    Xưa ca *) đã ngọt, nay gào cũng to:
    Rằng khen „nhóm lửa, đốt lò“,
    Rằng than: Sâu nhỏ, sâu to kết bầy.
    Bọ, sâu phá nát nước này, **)
    Cái „bình quý – đảng“ chứa đầy trứng sâu! ***)
    (còn tiếp)
    =====
    *) Từng nghe câu này:
    „Thôi đi cái khẩu hiệu:
    Còn đảng thì còn mình;
    Nếu ngày mai đảng chết,
    Chẳng lẽ mày quyên sinh?“
    **) Xác nhận của Trương Tấn Sang
    ***) THAM là QUAN, mà QUAN là ĐẢNG

  2. Bá Tân là Bá Tân. Thạch Đạt Lang là Thạch Đạt Lang.
    Người nọ không thể biến người kia thành… mình. Dạy dỗ người khác để người ta thánh… mình là điều không tưởng.
    Tất cả các lực cùng chiều cần hợp lại.

  3. Nói và làm khác nhau lắm lắm! Đinh là Thăng chỉ là uv Bộ chính trị,con 3 Dung từng làm thủ tướng 10 năm liền,quyền lực ,tiền bạc thì khỏi phải nói ,trong thời gian làm thủ tướng ,3 Dũng từng đề bạt biết bao tướng công an ,bộ đội và cất nhắc một dàn đàn em trong chính phủ,trong số những tướng tá công an ,bộ đội vẫn có người sống tình nghĩa ,nhất là những dân miền nam , họ có thể xả thân nếu 3 dũng bị hiểm nghèo, Trọng lú hiểu red line nằm ở chỗ nào,trong trường hợp nguy hiểm 3 Dũng có thể chơi xả láng,trạng chết chứa cũng băng hà,Trong lú có thể mất mạng hoặc mất cả chế độ không chừng ,ông ta hiểu rất rõ điều này,với lại Trong lú năm nay trên 70 tuổi không có cái gan của thanh niên và không có cái chịu chơi của dân nam bộ,nói như câu nói của thủ tướng
    Phạm vẫn Đồng,”cho kẹo Trong lú cũng không dám đụng đến 3 Dũng”

  4. Tôi học triết học thời VNCH mà mấy ông cho là ” Mỹ Ngụy”, nhưng tôi thấy nó đa diện và không một chiều như mấy ông học ở miền bắc xhcn. Nên tôi rất dị ứng với cái từ triết học của mấy ông dùng; cái từ “phạm trù”…

Comments are closed.