Các thủ thuật trong chính sách thương mại của Trump

Project Syndicate

Tác giả: Dani Rodrik

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

9-3-2018

Thực ra, cho đến nay, lời lẽ quát tháo thô bạo của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về chính sách thương mại là khó khả thi. Nhưng điều này có thể thay đổi. Vào tháng Giêng, ông đã tăng thuế đối với máy giặt và thiết bị nhận năng lượng mặt trời nhập khẩu. Hiện nay, ông đã ra lệnh áp dụng thuế cao quá mức đối với thép và nhôm nhập khẩu (25% cho thép và 10% cho nhôm), đó là một động thái theo một ngoại lệ hiếm hoi vì lý do an ninh quốc gia dựa theo luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nhiều nhà bình luận đã phản ứng gay gắt đối với khả năng của mức thuế quan này, họ dự đoán là một “cuộc chiến thương mại” sẽ xảy ra và còn tệ hơn nửa. Một chuyên gia gọi mức thuế quan dành cho thép và nhôm là những hạn chế thương mại quan trọng nhất kể từ năm 1971, khi Tổng thống Richard M. Nixon áp đặt phụ thu 10% thuế nhập khẩu để đáp ứng với tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ và dự đoán rằng “Nó sẽ có những hậu quả trầm trọng đối với trật tự kinh doanh toàn cầu.” Tờ Wall Street Journal đã viết rằng biểu thuế của ông Trump là “chính sách lầm lạc lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống” – một tuyên bố đáng chú ý dựa theo chiều hướng về những sai lầm của chính quyền ông Trump đối với các vấn đề Nga, FBI, Bắc Hàn, nhập cư, thuế, chủ nghĩa dân tộc của người da trắng và nhiều vấn đề khác.

Thực ra, cho đến nay, các biện pháp thương mại của ông Trump là vụn vặt. Đặc biệt hơn, nếu so với quy mô và phạm vi của các chính sách bảo hộ của chính quyền thời Tổng thống Ronald Reagan trong những năm 1980, thì chúng kém quan trọng hơn. Reagan gia tăng biểu thuế quan và các hạn chế đối với nhiều ngành công nghiệp, bao gồm hàng dệt, ô tô, xe máy, thép, gỗ, đường và điện tử. Ông nổi tiếng là đã gây áp lực Nhật Bản để chấp nhận những hạn chế “tự nguyện” về xuất khẩu xe hơi. Ông đã áp đặt 100% thuế cho một số sản phẩm chọn lọc về điện tử của Nhật Bản khi cáo buộc Nhật Bản là không kiềm giá cao cho các linh kiện điện tử xuất khẩu.

Cũng giống như các chính sách của ông Trump, dù không phải là vi phạm  trong các điều khoản chi tiết, mà chính ra là vi phạm về ý nghĩa tinh thần của các hiệp định thương mại hiện nay, các hạn chế thương mại của Reagan đã khai thác các sơ hở trong các thoả thuận hiện hành. Các vi phạm này xa rời những thực tiễn đã áp dụng phổ biến vì lo sợ về một “chủ trương bảo hộ mới” đã trở nên lan rộng. Một luật sư chuyên về thương mại viết: “Có một nguy cơ lớn là hệ thống sẽ đổ vỡ, hoặc nó sẽ sụp đổ trong sự tái diễn khủng khiếp của những năm 1930.”

Những lời cảnh giác này gây hốt hoảng không cần thiêt. Nền kinh tế thế giới không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự đi ngược hướng tạm thời trong những năm 1980 đối với xu hướng tự do hóa thương mại. Thực ra, thậm chí các nền kinh tế có thể đã hưởng nhiều lợi thế. Chủ thuyết bảo hộ của Reagan đóng vai trò như một nồi thoát hơi an toàn để tránh các sức ép chính trị. Do đó, nó ngăn được những tác hại to tát hơn.

Một khi nền kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ được cải thiện, tốc độ toàn cầu hóa sẽ tăng nhanh đáng kể. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), WTO (đã công khai cấm sử dụng hạn ngạch xuất khẩu “tự nguyện” mà Reagan đã làm) và sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc, tất cả đều theo sau trong những năm 1990, nó cũng giống như việc loại bỏ các hạn chế còn tồn động đối với hoạt động trong lĩnh vực tài chính xuyên biên giới.

Chủ thuyết bảo hộ của ông Trump có thể có những hậu quả dị biệt; lịch sử không cần tự nó phải lặp lại. Có một điều là mặc dù tác động chung của các hậu quả này vẫn còn hạn chế, các biện pháp hạn chế thương mại của ông Trump có tính chất đơn phương và theo mặt nổi nhiều hơn. Phần lớn chủ thuyết bảo hộ của Reagan được đàm phán với các đối tác thương mại và được soạn thảo để làm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các nhà xuất khẩu.

Ví dụ như các nước xuất khẩu đã điều hành được các biện pháp tự nguyện hạn chế xuất khẩu trong thập niên 1980 về ô tô và thép. Điều này cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu thông đồng tăng giá xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Thật vậy, thậm chí các doanh nghiệp này có thể còn thu lợi nhiều hơn nhờ các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ. Có rất ít cơ hội để các nhà xuất khẩu máy giặt của Hàn Quốc hay các nhà xuất khẩu các thiết bị nhận năng lượng mặt trời của Trung Quốc cũng sẽ thắng lợi như vậy trong hiện nay. Chủ trương đơn phương của ông Trump sẽ gây ra nhiều giận dữ hơn cho các đối tác thương mại. Do đó, nó sẽ tạo ra biện pháp trả đũa.

Một sự tương phản khác với các biện pháp trong thời của Reagan là chúng ta đang sống trong một giai đoạn thăng tiến của toàn cầu hóa, và những vấn đề song hành với trào lưu này là lớn hơn. Đẩy mạnh tiến trình toàn cầu hoá tăng tốc vào những năm 1990 đã tạo ra tình trạng phân hoá sâu xa giữa những người thành đạt trong nền kinh tế toàn cầu và chia sẻ những giá trị và những người thất bại. Kết quả là các lực lượng của chủ trương theo tinh thần dân tộc và kỳ thị địa phương có lẽ mạnh hơn bất cứ lúc nào kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.

Trong khi các chính sách của ông Trump nhằm khôi phục lại sự công bằng trong thương mại toàn cầu, nhưng nó lại gây trầm trọng hơn là cải thiện các vấn đề này. Như Jared Bernstein và Dean Baker đã chỉ ra rằng, biểu thuế của ông Trump có thể sẽ làm lợi cho một số ít công nhân trong các ngành công nghiệp được bảo vệ, mà phần lớn các công nhân khác ở các ngành công nghiệp liên hệ và các nơi khác phải trả bằng một cái giá. Tình trạng bất quân bình và bất bình đẳng do nền kinh tế toàn cầu tạo ra không thể giải quyết bằng cách là bảo vệ một vài ngành công nghiệp có quan hệ chặt chẻ với chính trị, mà chính quyền dùng các cân nhắc về mặt an ninh quốc gia hiển nhiên như là một cái cớ. Chủ thuyết bảo hộ như vậy là một thủ thuật quảng cáo, không phải là một nghị trình nghiêm túc cho các cải cách thương mại.

Bernstein và Baker lập luận là một nghị trình cải cách nghiêm túc sẽ không giới hạn trong việc bảo vệ các doanh nghiệp dược phẩm và các chuyên gia lành nghề như các bác sĩ. Nó sẽ giải quyết những quan tâm về việc xuống giá các chi phí xã hội và quyền chủ động trong chính sách bằng cách tái thương thuyết các luật lệ của cơ quan WTO qua phương cách đa phương. Nghị trình này sẽ nhắm mục tiêu vào những lĩnh vực mà lợi ích từ thương mại vẫn còn rất lớn, chẳng hạn như tình trạng di chuyển công nhân quốc tế, thay vì hướng về các lĩnh vực chỉ có một số lợi ích đặc biệt.

Nhưng phần lớn công việc cần phải cải cách là nằm trong phạm vi nội địa. Tu chỉnh hợp đồng xã hội trong nước đòi hỏi hàng loạt các chính sách xã hội, thuế và canh tân để làm cơ sở cho một phiên bản giống như New Deal nhưng phù hợp cho thế kỷ XXI. Nhưng với việc giảm thuế cho doanh nghiệp và bãi bỏ các quy định, ông Trump đang đi ngược hướng. Sớm hay muộn gì thì bản chất tác hại của nghị trình trong nội địa của ông Trump sẽ trở nên là một bằng chứng hiển nhiên cho ngay cả các cử tri của ông. Vào thời điểm đó, một cuộc chiến thương mại kiểu củ có vẻ như không thể tránh, nó sẽ làm phân tán việc quan tâm và yểm trợ chính trị.

***

Dani Rodrik là Giáo sư Khoa Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Công Quyền học John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả các cuốn sách: The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World EconomyEconomics Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science. Sách mới nhất của ông là Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy.

Nguyên tác: Trump’s Trade Gimmickry

Bình Luận từ Facebook