Tin Trong Nước
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc ‘cắt lát xúc xích’ ở Biển Đông. Dẫn lời GS Alexander Vuving, thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, nói về chiến lược của TQ: “Các hoạt động xây dựng cơ sở, công trình và triển khai vũ khí, khí tài quân sự trên các vị trí mà Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn nằm trong chiến lược nhất quán của họ tại Biển Đông”, nhằm mục đích thống lĩnh vùng trời và vùng biển ở Biển Đông.
GS Vuving gọi tên chiến thuật này là “cắt lát xúc xích”, nghĩa là Trung Quốc không đi quá nhanh để tránh phản ứng mạnh mẽ của quốc tế, nhưng vẫn duy trì từng bước tiến vừa phải nhưng chắc chắn. Vị chuyên gia Mỹ cho rằng, “các công trình của Trung Quốc đã tạo thành một loạt tam giác chiến lược từ bắc đến nam khu vực Biển Đông, với đầy đủ sân bay, cảng biển, cơ sở hậu cần, năng lượng, thông tin và do thám”.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Mỹ kịch liệt lên án Trung Quốc quân sự hóa biển Đông. Chiến lược an ninh quốc gia (NSS 2017) của Mỹ đã mạnh mẽ chỉ trích TQ “xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn” trên biển Đông đang đe dọa “dòng chảy thương mại tự do, chủ quyền của các nước khác và làm suy yếu sự ổn định của khu vực”.
NSS 2017 lên án Bắc Kinh: “TQ đã tiến hành một chiến dịch quân sự hóa nhanh chóng với mục đích hạn chế khả năng tiếp cận của Mỹ đến khu vực và giúp TQ thêm rảnh tay tại đây”. Về các nước Đông Nam Á, Mỹ xem Philippines và Thái Lan là đồng minh, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore là đối tác an ninh.
Trang Diplomat đưa tin: Trung Quốc triển khai loại tàu hộ tống Type 054A có tên lửa dẫn đường và khả năng tàng hình. Nhà báo Franz-Stefan Gady cho biết, loại tàu hộ tống mới có khả năng tàng hình này có thể phóng tên lửa phòng không tầm trung, tên lửa đối hạm và tên lửa chống tàu ngầm. Nó cũng được trang bị pháo tàu tự động AK-630 do Liên Xô sản xuất.
Tàu này cũng có khu chứa máy bay cỡ nhỏ để triển khai máy bay không người lái và máy bay trực thăng. Về vai trò của loại tàu chiến này với hạm đội Nam Hải, nhà báo Gady cho biết, tàu Type 054A sử dụng tên lửa dẫn đường, thường được giao nhiệm vụ hộ tống các tàu chiến lớn và thực hiện tuần tra trên Biển Đông.
Mời đọc thêm: Trung Quốc đẩy mạnh giám sát Biển Đông (TN). – Hoa Kỳ có thể củng cố sức mạnh hải quân ở châu Á để đáp trả Trung Quốc ở Biển Đông (Sputnik). Bản dịch của bài báo trong bản tin Tiếng Dân hôm qua: Vì sao căng thẳng lại gia tăng ở Biển Đông? (Forbes/ TD). – Mỹ đưa thêm tàu chiến sang Châu Á để kiềm chế Trung Quốc? (TT). – Đại sứ VN tại Indonesia sẽ dự phiên xử các thuyền trưởng Việt (RFA).
Quan hệ Việt Trung
VOA có bài của nhà báo Bùi Tín: Ông Trọng đưa Việt Nam đến gần Trung Quốc ra sao. Ông Bùi Tín cho rằng, có sự phân biệt đối xử khi đón tiếp hai vị lãnh đạo hàng đầu, Trung Quốc và Mỹ. Ngoài các nghi thức ngoại giao của VN dành cho Tập Cận Bình khác xa Trump, trong khi trà đàm với lãnh đạo TQ, ông Trọng còn khen “trà Việt ngon nhưng không bằng trà Trung Quốc”, một phát ngôn đã bị nhiều người lên án, cho rằng ông Trọng làm “nhục quốc thể”.
Blogger Phương Thơ có bài: Khi nền kinh tế VN phá kỷ lục tổng xuất-nhập khẩu lớn hơn 200% của GDP. Mặc gần nửa nội dung bàn chuyện kinh tế, nhưng hơn nửa sau bài viết giải thích rõ những biểu hiện kinh tế cho thấy Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc ở một mức độ nguy hiểm như thế nào.
Đầu tiên, tác giả ghi nhận một hiện tượng lạ của nền kinh tế Việt Nam: Tổng xuất nhập khẩu của VN sẽ vượt con số 410 tỷ Mỹ kim, nghĩa là lớn hơn 200% GDP hiện tại. Theo tác giả, “thành quả” như vậy nghe có vẻ “kỳ tích”, vì ngay cả những cường quốc xuất khẩu như Đức, Mỹ, Nhật cũng không làm được.
Tuy nhiên, bản chất của thứ “kỳ tích” ấy không hề tráng lệ như vẻ ngoài: “VN dồn tổng lực xuất khẩu và nhập khẩu hao tổn lớn hơn con số 400 tỷ Mỹ kim trong 11 tháng của năm 2017 thì đạt thặng dư thương mại được 3,17 tỷ Mỹ kim. Nhưng lại bị thâm hụt thương mại với TQ tới con số 21,6 tỷ Mỹ kim dù có giảm dần”. Điều đó có nghĩa là chính quyền Việt Nam đang vắt kiệt tài nguyên đất nước, khí lực nhân dân để làm giàu cho Trung Quốc!
Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm
Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin: Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố. Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ông Đinh La Thăng, còn có sáu người khác là các cựu lãnh đạo PVN, cũng như OceanBank cũng bị truy tố, như: Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức. Như vậy, sau gần 2 tuần bị khởi tố và bắt tạm giam, những người từng gọi ông Thăng là “đồng chí” đã quyết định truy tố ông và các đồng phạm, sau khi lột bỏ sạch sẽ gần như tất cả áo mũ cân đai mà ông Thăng có được từ ngày theo Đảng.
Các tờ báo trong nước cũng đưa tin: Khởi tố cựu Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực, cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 165 Bộ luật Hình sự. Dùng bị khởi tố, nhưng ông Phùng Đình Thực hiện vẫn chưa bị bắt, mà chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ông Thực làm Tổng Giám đốc PVN từ năm 2008-2010.
Thông tin ông Thực bị khởi tố đã được TTXVN và các cơ quan truyền thông trong nước đưa tin ngày 9/12/2017: “Khởi tố bị can đối với hai nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu“, nhưng các tờ báo này đã phải đồng loạt đính chính và cáo lỗi, sau khi có thông báo của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an, rằng tin đó không đúng.
Vậy là sau 11 ngày, Bộ Công an Việt Nam tuyên bố một thông tin sai sự thật và “đề nghị kiểm tra, xử lý những cá nhân” chịu trách nhiệm đưa tin, bây giờ một phần thông tin ấy đã trở thành sự thật: ông Phùng Đình Thực chính thức bị khởi tố. Phía công an cũng không nói gì chuyện “xử lý” người đưa tin “sai sự thật” nữa.
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Điều tra ông Thăng chỉ trong 12 ngày có đúng luật? Đây không phải là câu hỏi để truy vấn nghiêm túc đội ngũ nhóm lò của bác Tổng, bởi việc xử lý ông Thăng và đồng phạm theo cách chưa từng có tiền lệ. Tác giả cũng đã trả lời câu hỏi của mình nêu ra: “Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định thời hạn điều tra tối thiểu kể từ lúc khởi tố cho đến khi có kết luận điều tra là bao nhiêu ngày. Vì vậy cứ điều tra xong là cơ quan điều tra có quyền ra kết luận điều tra, đề nghị VKS ra cáo trạng truy tố”.
Tác giả viết, “có thể nhiều ý kiến cho rằng thời gian này diễn ra quá nhanh là điều bất thường, nhưng theo luật cơ quan điều tra không sai”. Báo chí “cách mạng” khác với báo chí tự do, các nhà báo tình nguyện làm người phát ngôn cho lãnh đạo đảng và nhà nước, thay vì điều tra nguyên nhân vì sao mọi việc diễn ra quá nhanh, như cư dân mạng đồn rằng bác Tổng và đội ngũ nhóm lò đang gấp rút hoàn tất vụ án này trước năm 2017 kết thúc. Ngược lại, các vụ án chính trị diễn ra quá chậm chạp, có người bị bắt suốt 19 tháng mới bị khởi tố, như trường hợp LS Nguyễn Văn Đài.
Báo Người Lao Động có bài: Ông Đinh La Thăng khai báo chưa thành khẩn, né trách nhiệm. Tác giả dẫn nguồn từ Cơ quan CSĐT, cho biết: “Trong quá trình điều tra, ông Đinh La Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra”.
Có vẻ như, cơ quan CSĐT của Bộ Công an đang phải làm việc cật lực, điều tra một cách “thần tốc”, để hoàn thành hồ sơ theo sự chỉ đạo của những người nhóm lò, dù vụ án của cựu Bí thư Thành ủy TPHCM liên quan đến một rừng sai phạm chính trị – kinh tế, dính dáng với bao nhiêu quyền lực ẩn sâu trong nội bộ Đảng, trong đó có liên quan tới một đường dây của một cựu “chính khách quyền lực nhất Việt Nam” giai đoạn 2006 – 2016.
Về đường dây quyền lực mà bác Tổng đang cố khui ra, trang BBC đặt vấn đề: PVN: Sau Phùng Đình Thực và Đinh La Thăng đến ai? Trả lời phỏng vấn BBC, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, cho biết: “Từ vụ ông Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình, ông Đinh La Thăng bị bắt đến việc ông Phùng Đình Thực bị khởi tố đều có một điểm chung là đưa ra các quyết định hoặc có những hành vi làm thất thoát tiền PVN”.
Phương hướng “chọn củi” để đưa vào lò của bác Tổng càng lúc càng rõ, vì “tính đến ngày 20/12, đã có 26 lãnh đạo PVN bị khởi tố trong quá trình điều tra các sai phạm xảy ra tại tập đoàn này”. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan đã từng là “niềm tự hào” được tô vẽ hết mức của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2006-2016. Bây giờ những sai phạm và “đóng góp” của PVN vào số tiền thất thoát khổng lồ của ngân sách đã trở nên quá rõ, đấy cũng là lý do có phần “chính danh” để bác Tổng vừa làm việc công, vừa giải quyết việc tư trong lúc nhặt củi.
Về tiến độ “thần tốc” của lực lượng an ninh, công an phụ trách hồ sơ ông Đinh La Thăng, nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, dẫn nguồn từ ông Vũ Phi Long, cựu Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM, cho biết “từ khi có quyết định khởi tố bị can cơ quan CSĐT mới có quyền điều tra và thu thập các chứng cứ để chứng minh tội phạm. Trong vòng 10 ngày như vậy là việc không thể; như lấy lời khai của các bên liên quan, tài liệu để chứng minh thất thoát; các lời khai về kế toán, thu chi… Nếu như vậy thì vi phạm rất lớn, bất chấp quá trình tố tụng. Hoàn toàn không ổn về tính pháp lý của một đại án!”
Mời đọc thêm: Ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm bị đề nghị truy tố (TP). – Cựu tổng giám đốc PVN đã sai phạm gì? (VNE). – Quy trình tố tụng với ĐBQH như ông Đinh La Thăng thực hiện ra sao? (DV). – Vì sao ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm bị đề nghị truy tố? (TP). – Việt Nam : Thêm một cựu lãnh đạo PetroVietnam bị khởi tố (RFI). – Ông Phùng Đình Thực đã ký, nhận xét gì về Trịnh Xuân Thanh? (DT) – Bốn đời Chủ tịch Tập đoàn Dầu Khí vướng vòng lao lý (VNN).
Thêm chuyện lò và củi
Về một số “khái niệm lạ” xuất hiện trong đợt nhặt củi tháng 12/2017 của bác Tổng, RFA có bài: Những từ ngữ lạ tai trong ngôn ngữ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tác giả điểm danh hai “khái niệm lạ” đang khá nổi bật là “nâng đỡ không trong sáng” và “xóa tên khỏi danh sách đảng viên”. Nhà báo Võ Văn Tạo nói rằng, cách sáng tác từ ngữ như vậy “không phải là mới”, mà nó đã có từ lâu dưới sự cai trị của ĐCS. Còn ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng: “Đảng Cộng sản dùng tự lạ tai như vậy để giảm nhẹ lỗi lầm của đảng viên, hay những sai lầm của đảng”.
Nói thẳng ra, ĐCS có thể tiến hành một chiến dịch “đánh tham nhũng” để xoa dịu lòng dân, nhưng họ sẽ không để cho lớp vỏ hào nhoáng, tráng lệ, đạo đức gắn liền với tính “chính danh” của một nền chính trị đơn nguyên bị suy suyển. Vậy nên, nhặt củi thì nhặt củi, Ban Tuyên Giáo vẫn luôn chú ý “sáng tạo” những khái niệm duy trì gương mặt nửa thực nửa hư, bởi nếu không còn gương mặt ấy thì người dân phải chứng kiến một gương mặt trần trụi, xấu xí. Đảng không hề muốn điều đó, bởi Đảng muốn dân vẫn tin yêu Đảng.
Trường hợp ông Ngô Văn Tuấn, khúc củi to ở Thanh Hóa vừa “vào lò”, trang VietNamNet cập nhật: Cách chức vụ trong Đảng, PCT Thanh Hóa vẫn ký quyết toán tiền tỷ. Mặc dù ông Ngô Văn Tuấn hoàn toàn vắng bóng trong lịch công tác của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa từ ngày 18 đến ngày 24/12, ông Tuấn vẫn ký quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành công trình làm mô hình quy hoạch Công viên văn hóa xứ Thanh với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 2.400 tỷ đồng.
Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh xác nhận, đến nay địa phương chưa có quyết định cụ thể nào đối với ông Ngô Văn Tuấn, các công việc vẫn diễn tiến bình thường. Đấy là một trường hợp điển hình của hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” vẫn đang diễn ra trong nội bộ Đảng Cộng sản. Cũng khó cho bác Tổng vì bác đang dồn hầu hết phần thực trong “sự tích lò và củi” vào vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm.
Mời đọc thêm: Gây thiệt hại 26 tỷ đồng, mức án cao nhất chỉ 3 năm tù treo (TTVN). – Phát hiện sai phạm hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ xử lý… rút kinh nghiệm! (DT). – Làm gì làm, phải ‘nắm’ cho được Công An (VOA). – ‘Tử huyệt’ của Nguyễn Phú Trọng ở đâu? (VOA). – Cử tri nghi vấn có bảo kê, cản trở khi xử lý Tập đoàn Mường Thanh (TN). – Đà Nẵng cần minh bạch thông tin đất đai để ổn định dư luận (VTV). – Vụ án có 241 người liên quan: Mức án cao nhất chỉ 3 năm tù treo (DT). – Dân chủ cho dân hay cho ai nghe Đảng? (RFA)
Khi thương hiệu Việt vào tay người Thái
Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà có bài: Chuyện tình Việt – Thái. Tác giả nhắc lại sự kiện Vietnam Beverage, trong đó ThaiBev sở hữu 49%, đã mua trọn lô cổ phần Sabeco từ Bộ Công Thương với tổng giá trị gần 5 tỉ USD (mức giá 320.000 đồng/cổ phần) vào ngày 18/12/2017. Vậy là tỉ phú Thái Lan, ông Sirivadhanabhakdi đã thâu tóm xong thương hiệu Sabeco vì sở hữu 53,59% vốn của doanh nghiệp này. Bà Trà đánh giá: “Đây cũng là thương vụ thoái vốn có giá trị lớn nhất của Nhà nước từ trước tới giờ”.
Giữa rất nhiều tình tiết lắt léo để hợp thức hóa thương vụ khiến một nhãn hiệu Việt Nam rơi vào tay người Thái, tác giả nhấn mạnh một tên tuổi: ông Don Lam, “nhà tư vấn thoái vốn nhà nước số 1 hiện nay”. Bà Trà cho biết, “hai thương vụ mua bia và sữa” của tỷ phú Thái Lan trong năm 2017 diễn ra trót lọt cũng nhờ sự tư vấn của CEO Tập đoàn VinaCapital, ông Don Lam, cũng là “phó ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của Thủ tướng Phúc”. Nhờ vị này mà bên thu gom thương hiệu và bên đang lo vơ vét bù đắp ngân khố đều thuận mua vừa bán.
Mời đọc thêm: Nói tiếp về người Thái sở hữu thương hiệu Sabeco mà Bộ Công thương VN vừa lật đật cải chính là VN vẫn kiểm soát Sabeco (Blog Phương Thơ). – Tham vọng “đế chế” thực phẩm của tỷ phú Thái vừa thâu tóm cổ phần Sabeco — Thủ tướng: Bán cổ phần Sabeco thành công lớn vì yếu tố niềm tin (VnEconomy). – Thương vụ thâu tóm Sabeco trị giá 5 tỷ USD: Thực lực của ‘người khổng lồ’ ThaiBev ra sao? (VietTimes/ VNBiz). – Gần 5 tỉ USD bán ‘người đẹp’ Bia Sài Gòn dùng làm gì? (PLTP). – Tỷ phú Thái chiếm thị phần: ‘Nguy cơ hay cơ hội’? (BBC).
Môi trường Việt Nam
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Khói bụi mù mịt tại bãi xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. Trả lời báo giới trong ngày 20/12/2017, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa làm việc với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 2 về tình hình khắc phục bụi phát tán do gió lốc xoáy gây ra vào hai ngày 16 và 17-12 “khiến bầu trời tại Vĩnh Tân xám xịt”.
Cụm từ “quả bom môi trường” xuất phát từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, là một trong những dự án mà các đồng chí “16 chữ vàng” ưu ái dành tặng Việt Nam. Tai tiếng gây ô nhiễm môi trường của dự án này đã vang vọng từ cuộc biểu tình của người dân địa phương năm 2015.
Tuy nhiên, sau chừng ấy thời gian, thay vì tìm cách chấm dứt hoạt động của cụm nhà máy này để bảo vệ sức khỏe người dân, các lãnh đạo huyện Tuy Phong quyết định… đổ cho ông trời: “do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió mùa Đông Bắc nên vào hai ngày 16 và 17-12, tình hình thời tiết tại huyện Tuy Phong và khu vực xã Vĩnh Tân diễn biến rất phức tạp, xuất hiện tình trạng gió lốc lớn, gây ra tình trạng phát tán bụi”.
Báo Dân Việt đưa tin: Lại phát hiện Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh xử lý rác trái phép. Tác giả dẫn thông tin từ Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh: tối ngày 19/12/2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản đình chỉ việc đốt rác thải trái phép của Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh.
Không chỉ mang tiếng “nhận tiền chứ không xử lý rác”, Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh từ lâu đã dính líu với Formosa Hà Tĩnh trong vấn đề xử lý chất thải trái phép. Đối với hai doanh nghiệp có rất nhiều tai tiếng và “kinh nghiệm” đầu độc môi trường này, chính quyền địa phương vẫn dung dưỡng cho họ bao lâu nay. Thay vì giải quyết vấn đề từ gốc là dứt khoát chấm dứt hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, cũng như Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh, các lực lượng chức năng và cơ quan hữu trách chỉ chấp nhận giải pháp phần ngọn là phát hiện, xử lý, lập biên bản, rồi… đâu lại vào đấy.
Trang Infonet đưa tin: Những hình ảnh nhức nhối tại nơi ô nhiễm nhất TP.HCM. Tác giả cho biết, Rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km, xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, đang ngập trong rác thải, “hàng nghìn hộ dân sống xung quanh con rạch đang phải ăn chung, sống chung với mùi hôi thối và các loại rác”. Một người dân địa phương cho biết: “Tôi sống ở đây 50 năm rồi. Trước đây dòng kênh này sạch lắm, nước trong vắt và tắm được. Nhưng nhiều năm nay, nước trở nên đen sì, đục ngầu, hôi thối”.
Tình trạng ô nhiễm và mùi hôi của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cũng như những kênh, rạch có liên quan, đã ám ảnh người dân ở đây từ lâu. Quá trình cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc đã được khởi động từ năm 2003. Đầu năm 2017, lãnh đạo TP HCM tuyên bố “khởi công dự án vệ sinh môi trường hơn nửa tỷ USD”. “Thành quả” đạt được là sự lãng phí số tiền đầu tư tương đương với số tiền Formosa bồi thường cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung, cùng với mùi hôi và tình trạng ô nhiễm vẫn không thay đổi.
Mời đọc thêm: Vụ đổ trộm chất thải tại Mễ Trì: UBND phường kiến nghị xử lý — Báo động tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng bên bờ sông Đô Tỏa (MT&ĐT). – Quảng Bình: Khẩn trương chi trả gần 28 tỷ đồng hỗ trợ sự cố môi trường biển (TN). Formosa sẽ kinh doanh tro bay, xỉ, thạch cao (MT&ĐT).
Nỗi buồn kiếp công nhân
Báo Người Lao Động đưa tin: Công nhân môi trường Hà Nội “đòi” hơn 1,5 tỉ đồng trợ cấp thôi việc. Trao đổi với báo Người Lao Động, gần 100 công nhân từng làm việc tại Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Từ Liêm (Công ty MTĐT Từ Liêm) cho biết, họ phải nghỉ việc từ tháng 4-2017 đến nay do không có việc làm, nhưng công ty vẫn chưa chi trả chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định của Nhà nước.
Lý do “không có việc làm”: Từ ngày 1/3/2017, TP Hà Nội chủ trương đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường, “tới thời điểm này, Công ty MTĐT Từ Liêm đã trượt thầu”, nên toàn bộ công nhân của đơn vị không có việc, nhiều công nhân đã phải xin các công việc khác ở bên ngoài để mưu sinh.
Hợp đồng “chấm dứt lao động” do Giám đốc Ngô Xuân Hiếu ký vào tháng 4/2017, đã xác nhận rõ điều khoản được hưởng trợ cấp thôi việc theo thâm niên, “hầu hết các công nhân được hưởng mức trợ cấp từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng/công nhân”. Có lẽ ban lãnh đạo công ty này quên rằng, đã ký xong thì phải thực hiện những gì mình ký. Bân giờ khi năm 2017 sắp kết thúc, các công nhân vẫn chưa thấy bóng dáng của số tiền trợ cấp thôi việc.
Mời đọc thêm: Về “Tài sản quốc gia” ở Sơn La: Công ty CP Cao su Sơn La nói gì? (DT) – Đồng Nai: Gần 200 công nhân ngộ độc do ăn canh nấu dọc mùng (SGGP).
Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Luật Khoa có bài: 9 điều cần biết về tử tù Hồ Duy Hải. Vì bị nghi là thủ phạm chính trong vụ giết hai nhân viên bưu điện Cầu Voi cách nay đã gần 10 năm, anh Hồ Duy Hải hai lần bị tuyên án tử hình, rồi được hoãn thi hành án tử vào giờ chót và vẫn đang tiếp tục kêu oan. Tác giả điểm mặt 9 điều còn khuất tất trong vụ anh Hồ Duy Hải bị an ninh, công an, tòa án, viện kiểm sát lập bằng chứng khống và ép anh nhận tội giết người.
Hầu hết các điểm khuất tất này xoay quanh việc phía tòa án và viện kiểm sát đã làm sai quy trình tố tụng mà chính họ đề cao: Cáo trạng không nêu rõ thời gian chết của hai nạn nhân; cơ quan điều tra dùng đồ mua ở chợ để thay thế tang vật vụ án; chứng cứ ngoại phạm của Hải chưa được xem xét kỹ; dấu vân tay ở hiện trường không phải của Hải… Ở các nước văn minh dân chủ với thể chế tam quyền phân lập, chỉ riêng hành động làm giả chứng cứ đã đủ để các nhân viên điều tra thế chỗ anh Hải trong nhà đá.
Facebook Thanh Niên Công Giáo đưa tin: Việt Nam thuộc 5 nước đàn áp nhà báo mạnh nhất. Phúc trình mới nhất của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố ngày 19/12/2017: Việt Nam tiếp tục được điểm mặt trong danh sách các nước có tình trạng tồi tệ nhất về tự do thông tin năm 2017, trong 326 nhà báo bị giam cầm vì đưa tin, hơn phân nửa số này đến từ 5 nước là Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran, Trung Quốc và Việt Nam.
Bài viết cho biết: “Việt Nam có ít nhất 19 nhà báo, phóng viên bị cầm tù và bị áp đặt nhưng bản án nặng nề như blogger Mẹ Nấm, 10 năm tù giam, phóng viên Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam 5 năm quản chế mới bị xét xử gần đây”.
Mời đọc thêm: Sau sơ thẩm Nga vẫn không được gặp gia đình (Facebook Trịnh Kim Tiến).
Xung đột ở Giáo xứ Kẻ Gai
Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có bài: 10 điểm cốt lõi trong giải quyết mâu thuẫn cho vấn đề Công giáo tại Nghệ An. Tác giả cho biết, sau khi đăng bài Chia rẽ tôn giáo là phản quốc, đã có một số độc giả đặt câu hỏi, nếu có người có tình lợi dụng tôn giáo để kích động bạo lực thì không lẽ để yên. 10 vấn đề cần lưu ý để các bên liên quan giải quyết mâu thuẫn ở Giáo xứ Kẻ Gai cũng là câu trả lời dành cho dạng câu hỏi như vậy.
Theo tác giả, dùng bạo lực với dân không bao giờ là giải pháp, người Công giáo cũng là đồng bào, sử dụng pháp luật công bằng và lộ trình đối thoại-lắng nghe mới là cách giải quyết vấn đề.
Trang tin của Giáo hội Công giáo Á châu (UCAN) phiên bản Việt Nam có bài tổng hợp: Giáo dân bị nhóm ‘cờ đỏ’ tấn công. Khởi sự của vụ xung đột giữa an ninh và giáo dân ở Giáo xứ Kẻ Gai ngày 17/12/2017, tác giả đưa tin, “những kẻ côn đồ có quan hệ gần gũi với chính quyền đã tấn công một nhóm người Công giáo đang đào mương thủy lợi trên vùng đất tranh chấp giữa Giáo hội và chính quyền địa phương”.
Bài viết dẫn lại thông tin do linh mục chánh xứ Kẻ Gai, Nguyễn Đức Nhân chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do: trong khi người dân đang làm thủy lợi, người của chính quyền đến ngăn cản, rồi “tự nhiên có hai xe khách chở một số người mặc thường phục khoác cờ đỏ sao vàng lao xuống dưới ruộng đánh đập người dân”, ở hiện trường lúc ấy có cả chủ tịch và trưởng công an xã trực tiếp chỉ đạo. Những người này thậm chí đã lệnh cho nhóm cờ đỏ đánh phụ nữ của giáo xứ.
Hồ sơ Đồng Tâm
Facebook Lê Đình Công chia sẻ video về cuộc họp của người dân Đồng Tâm trong ngày 20/12/2017. Trong clip này, người dân xã Đồng Tâm, họp bàn về công cuộc chống tham nhũng:
Cuộc họp DÂN của bà con ĐỒNG TÂM về công cuộc CHỐNG THAM NHŨNG.Ngày 20/12/2017.nhân dân cả nước hãy chia sẻ cho chúng tôi.xin cảm ơn mọi người.
Publié par Công Lê sur mercredi 20 décembre 2017
Tin quốc tế
Cải tổ thuế ở Mỹ: Lấy của nhà nghèo, chia cho nhà giàu
VOA: Trump: Luật cải tổ thuế thông qua là chiến thắng lịch sử. Ông Trump nói: “Trọng tâm của dự luật này làm giảm gánh nặng rất nhiều cho giới trung lưu. Mọi người sẽ bắt đầu thấy kết quả vào tháng 2. Dự luật này có nghĩa là thu nhập đem về nhà nhiều hơn, đây là món quà Giáng Sinh tuyệt vời cho những người Mỹ làm việc chăm chỉ”.
Những điều Trump nói không đúng sự thật. Truyền thông Mỹ cũng như các nhà phân tích cho biết, những thành phần được lợi chủ yếu từ luật cải tổ thuế này là những người giàu có như Trump và gia đình ông ta, giới tài phiệt Mỹ và các đại công ty. Những người thiệt hại nhiều nhất là những thành phần nghèo khổ, những người già, những người bệnh cần mua bảo hiểm…
Một bài phân tích của đài NPR cho biết: Giới trung lưu, cũng như thành phần thu nhập thấp sẽ phải trả thuế cao hơn. Những gia đình có thu nhập từ 75.000 Mỹ kim/ năm trở xuống sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, trong khi những gia đình có thu nhập cao, từ nửa triệu Mỹ kim trở lên, sẽ được khấu trừ thuế nhiều hơn. Tóm lại, luật cải tổ thuế này chẳng khác nào sự phân chia tài sản: Lấy của dân nghèo chia cho người giàu.
Chưa kể dự luật cải tổ thuế này sẽ cắt giảm thuế 1.500 tỷ Mỹ kim trong 10 năm tới. Ngân sách sẽ bị thâm thủng 1.500 tỷ, bắt buộc chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu, nhưng chính phủ sẽ cắt những khoản nào? Họ sẽ cắt các khoản chi tiêu dành cho những thành phần nghèo, là những người đã tin và bỏ phiếu cho Trump. Chính thành phần này sẽ là những người bị thiệt hại nhiều nhất, bởi các chương trình trợ giúp của chính phủ sẽ bị cắt giảm, như trợ cấp nhà ở, y tế, Medi-Cal, Medicare, Medicaid… dành cho những người nghèo, người già, bệnh tật.
Cho nên luật thuế này đã bị 49% dân Mỹ chống, chỉ có 29% dân chúng ủng hộ, đài CNBC cho biết.
Kinh tế gia Vũ Quang Việt có bài trên Diễn Đàn: Trump, luật thuế mới và tương lai kinh tế ở Mỹ. Tác giả viết: “Không biết đã có lúc nào chính trị Mỹ phân liệt như hiện nay? Đảng Cộng Hòa đã đóng cửa bàn với nhau về dự thảo luật thuế, và chỉ đưa ra bản dự thảo vài giờ trước khi bỏ phiếu ở Thượng viện. Và ngay lúc đó nhiều điều vẫn còn được thêm vào, bỏ đi, hay sửa chữa để có đủ phiếu, và dân chuyên nghiệp đang lo sợ là những chồng chéo mâu thuẫn trong các mục có thể gây vấn đề trong tương lai. Đảng dân chủ coi như bị bịt miệng.
Tình hình như thế cho thấy luật thuế này có lẽ cũng không thể dài lâu vì Đảng Dân chủ sẽ kiếm cách xóa nó khi họ nắm đa số. Luật thuế như thế sẽ khó lòng tạo sự ổn định và nâng sự tin tưởng của dân chúng vào nó. Người đầu tư sẽ nhìn dài hạn để tính toán, chứ không chỉ nhìn vào tỷ lệ thuế được giảm, nếu họ đánh giá là luật này có thể bị xóa trong tương lai“.
Mời đọc thêm: Dự luật thuế trở lại Hạ viện, chiến thắng trong tầm tay TT Trump — Mỹ cải cách thuế, thị trường chứng khoán không thay đổi (VOA).
Thùng thuốc súng Jerusalem
RFI đưa tin: Mỹ hăm dọa các nước bỏ phiếu nghị quyết LHQ về Jerusalem. Dự định ngày 21/12/2017, Đại Hội Đồng LHQ sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án Washington công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Mỹ đã có hành động cảnh cáo, răn đe các nước tham gia cuộc bỏ phiếu này.
Bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại LHQ đã chỉ trích việc Đại Hội Đồng cho bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Bà Haley hăm dọa trên twitter: “Thứ Năm, sẽ có cuộc bỏ phiếu chỉ trích sự lựa chọn của chúng tôi. Hoa Kỳ sẽ ghi lại những cái tên (nước bỏ phiếu)”.
Phụ họa thêm với bà đại sứ Haley trong vụ Jerusalem: Trump dọa cắt viện trợ nước nào chống lại Mỹ. Ông Trump phát biểu trước báo giới tại Tòa Bạch Ốc: “Họ đã hưởng hàng trăm triệu đô la, thậm chí hàng tỷ đô la, rồi bây giờ họ bỏ phiếu chống lại chúng ta. Chúng ta sẽ theo dõi sát các lá phiếu này. Cứ để họ biểu quyết chống lại chúng ta đi. Chúng ta sẽ tiết kiệm được bộn tiền. Chúng ta không màng“. Con rể Trump gốc Do Thái, nên Trump quyết công nhận Jerusalem là thủ đô nước này, bất chấp làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Thêm tin về Mỹ: Ông Trump đề cử người phụ trách ngoại giao Đông Á (VOA). – “Ấn Độ-Thái Bình Dương”: Trọng tâm Chiến Lược An Ninh mới của Mỹ (RFI).
Trung – Hàn – Đài
VOA có bài: RSF: Trung Quốc là nhà tù lớn nhất giam cầm ký giả. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói rằng, Trung Quốc là nhà tù lớn nhất thế giới giam cầm ký giả’. Theo phúc trình hàng năm của RSF, hiện có 52 nhà báo bị giam cầm ở Trung Quốc. Phúc trình viết, “chính quyền không còn kết án tử hình những người chống đối, nhưng thay vào đó, làm cho sức khỏe của những người này suy kiệt trong các nhà tù cho đến khi họ qua đời”.
RFI đưa tin: Hàn Quốc bắn 249 phát súng cảnh cáo để đẩy lùi tàu cá Trung Quốc. Hôm 19/12/2017, phía Nam Hàn phát hiện 44 chiếc tàu đánh cá Trung Quốc đã vào đánh bắt ở vùng biển của Nam Hàn. Một chiếc tàu tuần duyên Nam Hàn dùng loa phóng thanh yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi, nhưng đã bị những chiếc tàu TQ xông vào tàu của Nam Hàn, buộc tàu này phải bắn súng cảnh cáo.
Tuần duyên Nam Hàn cho biết, họ đã phải “bắn đến 249 phát súng cảnh cáo để đẩy lùi một đội tàu cá Trung Quốc gồm hàng chục chiếc, đã xông vào bao vây một chiếc tàu tuần tra Hàn Quốc trong lãnh hải Hàn Quốc“.
RFA đưa tin: Bắc Kinh lên án điều tra đảng đối lập của Đài Bắc. Đài Loan đang điều tra Tân Đảng, một đảng đối lập nhỏ ở đảo quốc này, ủng hộ Trung Quốc. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết, “các nhà điều tra Đài Loan đã tiến hành khám xét nhà của bốn thành viên Tân Đảng, một đảng hiện nay không có thành viên nào tại Quốc hội Đài Loan. Lý do của biện pháp khám nhà được cho biết vì nghi ngờ họ vi phạm Đạo luật An ninh Quốc gia“.
Mời đọc thêm: Đài Loan điều tra một đảng thân Bắc Kinh, Trung Quốc lên án gay gắt (RFI). – Không quân Trung Quốc lại quần thảo sát Đài Loan (RFI).
Một số tin quốc tế đáng chú ý: Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ bị từ chối nhập cảnh Miến — Miến: Cuộc điều tra hai phóng viên Reuters sắp kết thúc (RFA). – Mỹ, Canada tổ chức Thượng đỉnh 16 nước về hạt nhân Triều Tiên (VOA). – Khách Trung Quốc vẫn du lịch Bắc Hàn bất chấp lệnh cấm (RFA). – Đi nước cờ hiểm, Mỹ “chiếu tướng” cả Triều Tiên và Trung Quốc? (VnMedia). – Tấn công tin học, trận tuyến mới của Bắc Triều Tiên — Seoul đề nghị hoãn tập trận với Mỹ trong kỳ Thế Vận mùa đông 2018 (RFI). – “Nhát dao” của Trung Quốc vào sân sau của Mỹ (Soha).
– Brexit : Liên Hiệp Châu Âu muốn giai đoạn quá độ kết thúc cuối 2020 (RFI). – Philippines: Hưu chiến với quân Maoist nhân Giáng Sinh — Tư lệnh Hải quân Philippines bị cách chức (RFA). – Iran phản đối việc bị Mỹ cáo buộc cung cấp vũ khí cho Yemen (VOA). – Nhựa thải ra biển chui vào…bao tử con người (VOA).