Hoang Ngôn “để lại cho đời” (phần 10)

Trình Bút

8-12-2017

Mời đọc lại: Lời nói đầuPhần 1Phần 2Phần 3Phần 4Phần 5Phần 6Phần 7  —  Phần 8Phần 9

Phần 10: Lĩnh vực kinh tế, thương mại, dự án đầu tư

* Hoang ngôn: “Với tiềm năng sẵn có của các doanh nghiệp hiện nay, chỉ 20 -30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 40 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới”. 

* Tác giả: TS. Nguyễn Xuân Kiên – Viện trưởng Viện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam và Đông Nam Á

* Nguồn: Báo Kiến Thức, ngày 05/10/2009

* Tựa đề: “VN sẽ vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới”

* Trích đoạn nội dung:

Vậy xin ông cho biết, sắp tới Viện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam và Đông Nam Á có những kế hoạch gì để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược văn hóa kinh doanh?

Về phía Viện, trước mắt chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động của câu lạc bộ này, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với các chủ đề về vốn, chiến lược kinh doanh… Bên cạnh đó, Viện cũng đẩy mạnh hoạt động đào tạo cho các doanh nghiệp từ ngắn hạn đến dài hạn; tăng cường tọa đàm khoa học. Với tiềm năng sẵn có của các doanh nghiệp hiện nay, chỉ 20 -30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 40 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới…”

* Các bình luận:

– Ông này sinh ra dịp tết ngày xưa nghe pháo nổ rần trời đất, thấm vào người.

– Top 15 nền kinh tế thế giới, tính từ dưới lên.

– Ô! viện trưởng cả Đông Nam Á luôn. Vậy Việt Nam sẽ phát triển như vũ bão để sánh ngang với… Lào, Campuchia.

* Hoang ngôn: “Chính phủ đã có những chính sách, giải pháp với nỗ lực là kiềm chế lạm phát. Chúng ta đừng có bi quan hay nghi ngờ gì trước những giải pháp đó. Trách nhiệm của chúng ta là phải tin vào những chính sách, bởi như thế nào cũng phải chờ thời gian thực hiện trong cuộc sống đã”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Văn Giàu – thống đốc NHNN

* Nguồn: Hiệp hội Quỹ Tín dụng ND Việt Nam, ngày 01/04/2011

Tựa đề: Phiên họp báo chính phủ thường kỳ ngày 30 tháng 3 năm 2011

Trích đoạn nội dung:

Tại buổi họp báo, phần lớn các câu hỏi được báo giới đưa ra vẫn chủ yếu tập trung vào tính hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, vàng… trong thời gian qua. Sau khi nhận được những “phàn nàn” về thực tế diễn biến trên thị trường sau hàng loạt các giải pháp được đưa ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quả quyết, những chính sách đưa ra đã bước đầu có hiệu quả, những biến động trên thị trường tiền tệ, ngoại tệ, vàng đã giảm nhiệt khá nhiều.

“Chính phủ đã có những chính sách, giải pháp với nỗ lực là kiềm chế lạm phát. Chúng ta đừng có bi quan hay nghi ngờ gì trước những giải pháp đó. Trách nhiệm của chúng ta là phải tin vào những chính sách, bởi như thế nào cũng phải chờ thời gian thực hiện trong cuộc sống đã”, Thống đốc nói…”

* Các bình luận:

– Năm 2000, một tô cháo lòng hoặc một ổ bánh mì chỉ chừng 2000đ, năm 2012 đã 10.000đ, tăng có 5 lần thôi. Vậy mà lạm phát lúc nào cũng được kiềm chế. Kiềm chế như thế này đây: năm 2008 – Xe ôm thời vật giá leo thang (Nguồn: Báo VnExpress Online, ngày 12/1/2008), năm 2010 – Doanh nghiệp lo thưởng Tết thời giá cả leo thang (Nguồn: Báo VnExpress Online, ngày 24/12/2010), Năm 2015 – Cách tiết kiệm xăng dầu thời vật giá leo thang (Ngưồn: Báo Đất Việt Online, ngày 08/05/2015)… Leo thang là chữ “thường trực” của các báo và của bà con nói về vật giá.

– Dân “lạc quan” lắm chớ, có bi quan đâu(!)

– Khuyên dân lạc quan, còn quan lạc… đường, lầm lạc, hưởng lạc,…

– Cứ tin tưởng rồi chờ dài cổ cò. Mãi lấy dân ra làm thí nghiệm.

* Hoang ngôn: “Nhà nước luôn tôn trọng qui luật thị trường và chỉ điều tiết nó bằng công cụ của mình. Với những chính sách điều chỉnh thị trường hiện nay, tôi đảm bảo TTCK sẽ lên giá và có chất lượng hơn. Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi sẽ mua cổ phiếu”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Sinh Hùng – phó thủ tướng Chính phủ

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 07/03/2008

* Tựa đề: “Thắt lưng buộc bụng”

Trích đoạn nội dung:

Việc Chính phủ thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước để mua cổ phiếu có ý nghĩa gì, thưa ông?

– Chúng ta không xem động thái này là Chính phủ cứu TTCK, mà đây là Chính phủ sử dụng công cụ phù hợp với kinh tế thị trường để điều tiết TTCK theo hướng lành mạnh hóa nó.

Tương tự như vậy, việc Chính phủ tạm hoãn thời hạn phát hành cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước là chúng ta sử dụng công cụ, tức là sử dụng nguồn cổ phiếu của mình để điều tiết nguồn cung trên thị trường. Nhà nước luôn tôn trọng qui luật thị trường và chỉ điều tiết nó bằng công cụ của mình. Với những chính sách điều chỉnh thị trường hiện nay, tôi đảm bảo TTCK sẽ lên giá và có chất lượng hơn. Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi sẽ mua cổ phiếu...”

* Hoang ngôn: “Thị trường đã giảm đến đáy, nên trong điều hành Chính phủ quyết tâm không để giảm thêm. Thời điểm này, nếu nhà đầu tư nào bán tháo cổ phiếu thì sẽ thất bại, ngược lại ai có quyết định mua vào thông minh sẽ thắng“.

* Tác giả: Ông Nguyễn Sinh Hùng – phó thủ tướng Chính phủ

* Nguồn: Trang Ngành Điện, ngày 21/03/2008

* Tựa đề: Chính phủ không để TTCK tiếp tục đi xuống

* Trích đoạn nội dung:

Theo Phó Thủ tướng, thị trường đã giảm đến đáy, nên trong điều hành Chính phủ quyết tâm không để giảm thêm. Thời điểm này, nếu nhà đầu tư nào bán tháo cổ phiếu thì sẽ thất bại, ngược lại ai có quyết định mua vào thông minh sẽ thắng. Nguyên nhân sụt giảm của thị trường hiện nay có yếu tố tâm lý không lành mạnh của nhà đầu tư, nên cơ quan quản lý Nhà nước, các định chế trung gian… cần cung cấp thông tin chính xác, nhanh nhạy cho nhà đầu tư để tránh phản ứng tiêu cực…”

* Các bình luận:

– Tôn trọng thị trường sao lại can thiệp? Can thiệp là bình thường thì phân bua phân minh cái gì?

– Ý nghĩa là gì ư? là làm quân xanh, cò mồi lôi kéo những “con thiêu thân” gỡ gạt, nào ngờ đâm đầu vào chỗ chết.

– Đã đến đáy còn không để giảm thêm? đáy nào nữa, nhiều đáy lắm sao?

– Ông không phát biểu thì còn chầm chậm tuột điểm, ông phát biều 2 phát, ngay tức thì điểm số đang trung bình từ 600 rớt bung đáy còn chưa tới 250đ. Nghe lời ngon ngọt của ông, nhiều người làm người “thông minh” ôm một đống giấy lộn làm của nợ, tán gia bại sản.

* Hoang ngôn: “Như vậy nói chưa phá sản nhưng cũng có thể nói như là phá sản”.

* Tác giả: Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Kiên – Ủỷ viên UBKT của Quốc hội, phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

* Nguồn: Báo Lao Động, ngày 04/11/2010

* Tựa đề: Nói Vinashin không phá sản cũng là đúng  

* Trích đoạn nội dung:

Nhưng khoản nợ của Vinashin quá lớn, gấp 13 lần vốn chủ sở hữu, nhiều khoản nợ khó thanh toán khi đến hạn, nếu Chính phủ không chỉ đạo dãn, hoãn nợ, chuyển nợ đến các đơn vị khác thì chắc chắn hàng ngàn công nhân đã phải nghỉ việc và như vậy chắc chắn doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản?

– Như thế nào là đứng trước bờ vực phá sản? Thử hỏi có DN nào mà không phải đi vay ngân hàng?

Nhưng khoản vay nợ đó lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhiều khoản không trả được?

– Chính vì có những khoản nợ đến hạn không trả được, cho nên chúng ta đã để Vinashin phải tái cơ cấu nợ. Chúng ta nhìn nó là vấn đề hết sức bình thường, trong nền kinh tế thị trường có thể vay gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu, nhưng đạt yêu cầu vẫn được. Ngay nền kinh tế Mỹ cũng có những Cty đầu tư rủi ro, tức là anh chỉ có ý tưởng thôi, không có đồng vốn nào, anh mang ý tưởng đó đến ngân hàng để vay vốn. Như vậy lúc đó vốn vay gấp n lần vốn chủ sở hữu. Vậy nợ có thể nhiều, nhưng phải tùy thuộc khả năng trả nợ của doanh nghiệp đó…

Xin hỏi rõ hơn ý kiến của ông phát biểu rằng Vinashin đã phá sản,, sau đó lại nói là chưa phá sản, tức là nói phá sản cũng đúng mà chưa phá sản cũng đúng?

– Ở đây, mình nhận định thêm thế này. Chưa ai tuyên bố nó phá sản, nhưng để khôi phục, xây dựng lại một Vinashin mới thì những biện pháp chúng ta áp dụng như là biện pháp áp dụng với một doanh nghiệp đã phá sản. Như vậy nói chưa phá sản nhưng cũng có thể nói như là phá sản.

Tức là thay vì tuyên bố phá sản chúng ta tuyên bố cơ cấu tái thiết lại?

– Cân bằng sổ sách kế toán thì về kinh tế nó chưa phá sản. Nhưng ở đây với tư cách là chủ sở hữu, Chính phủ thấy đầu tư như thế và lường trước sẽ không có hiệu quả thì phải tái cơ cấu lại.

* Các bình luận:

– Xuôi ngược sao cũng nói được.

– Nói lòng vòng, đánh tráo khái niệm và hỏi thách đố.

– Ở Mỹ họ cho vay dễ dàng thật, chỉ cần có ý tưởng thôi. Tư bản “ngu” quá chẳng hề sợ rủi ro.

– Vinashin có ý tưởng tuyệt vời, mới được vay được gấp mấy lần tài sản sở hữu và… khó thanh toán nợ. Vậy cho vay tiếp thôi, tái cơ cấu thôi. Lo gì?

– Làm gì có cái bờ vực phá sản hả? còn ngân hàng mà(!) Trả không được… thì xù, chứ bắt nhảy xuống vực à?

* Hoang ngôn: “Khi Vinashin lâm vào tình trạng phá sản và chúng ta chọn phương án tái cơ cấu, đây là thời điểm hết sức khó khăn. Nhưng nếu không tái cơ cấu thì có nghĩa là cơ bản cơ sở vật chất đó trở thành đống sắt vụn, còn nếu tái cơ cấu thì nó sẽ phục hồi, phát triển và tự trả được nợ”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Sinh Hùng – phó thủ tướng Chính phủ

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 24/11/2010

Tựa đề: Tái cơ cấu để Vinashin phục hồi và phát triển

Trích đoạn nội dung:

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói như vậy khi kết thúc phần giải trình. Theo ông, VN phát triển ngành công nghiệp đóng tàu là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và Vinashin đã phát triển nhanh chóng về quy mô trong giai đoạn 2005-2006 – là thời kỳ hoàng kim của ngành hàng hải và ngành đóng tàu, nhưng “không ngờ rằng đến năm 2008-2009 Vinashin lâm vào tình trạng phá sản”.

“Khi Vinashin lâm vào tình trạng phá sản và chúng ta chọn phương án tái cơ cấu, đây là thời điểm hết sức khó khăn. Nhưng nếu không tái cơ cấu thì có nghĩa là cơ bản cơ sở vật chất đó trở thành đống sắt vụn, còn nếu tái cơ cấu thì nó sẽ phục hồi, phát triển và tự trả được nợ” – ông Hùng nói. Sau nửa năm tái cơ cấu và đặc biệt là ba tháng gần đây – theo Phó thủ tướng – các hợp đồng được hồi phục và công nhân đã có việc làm trở lại với thu nhập từ 2,8 triệu đồng/tháng trở lên...”

* Các bình luận:

– Khi người ta mua sắm máy móc thiêt bị, cơ sở vật chất, làm ăn phá sản, không cơ cấu lại thì máy móc thiết bị, cơ sở vật chất thành sắt vụn hết sao? không thanh lý, bán lại được hả? Tái cơ cấu nó mới được coi là máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất à?

– Đống sắt vụn, tái cơ cấu thành đống sắt phát triển… trả được nợ, thật “tuyệt chiêu”. Ông Hùng nhìn xa như “thần”, gần một năm sau, “đống sắt phát triển trả được nợ” đây: “… Ngày 1/11/2011 Vinashin đã chính thức bị Công ty Elliot VIN (Hà Lan) khởi kiện lên tòa án tại Anh, liên quan đến khoản nợ 600 triệu USD vay bằng trái phiếu. 60 triệu USD từ khoản vay này đã đến hạn trả nợ từ tháng 12/2010 nhưng Vinashin và các công ty con không có khả năng thanh toán… (Tập đoàn Vinashin: Những cột mốc đáng nhớ – nguồn: Báo Pháp Luật & Đời Sống Online, ngày 31/10/2013). Và gần 6 năm sau thì: “Trước thông tin ngân sách nguy cơ phải trả nợ thay khoản nợ 63.000 tỷ từ thời Vinashin, Chủ tịch Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC – tên gọi mới sau tái cơ cấu của Vinashin) cho rằng khoản nợ từ thời Vinashin sẽ do Bộ Tài chính đứng ra xử lý…” (Món nợ Vinashin 63.000 tỷ: Ai phải trả? – nguồn: Việt Nam Biz, ngày 04/03/2017). Tiền của bộ Tài chính từ đâu ra mà không từ tiền của dân? Đổ lên đầu dân hết.

* Hoang ngôn: “Vì chủ yếu nợ xấu là bất động sản nên chỉ có thơm lên thôi chứ không thối được. Nợ xấu cũng là nguồn dự trữ tốt cho tương lai”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Đức Hưởng – phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

* Nguồn: Báo Người Lao Động, ngày 31/10/2014

* Tựa đề: “Nợ xấu cũng là nguồn dự trữ tốt cho tương lai”

* Trích đoạn nội dung:

Ông Nguyễn Đức Hưởng phân tích cách thức xử lý nợ xấu mà NHNN đang áp dụng hiện nay là “lập ra VAMC để gom nợ xấu vào một cái kho để nhốt nợ xấu vào đó”. Làm rõ thêm, ông Hưởng cho rằng nếu để nợ xấu ở các NHTM thì phải tiến hành ngay đấu giá, hóa giá để thu hồi vốn kinh doanh. “Có điều tài sản nợ xấu trước 10 đồng bây giờ chỉ có thể thu 3-4 đồng và cũng khó bán trong tình hình hiện nay. Còn nếu để 5 năm sau giá nó sẽ khác, vì chủ yếu nợ xấu là bất động sản nên chỉ có thơm lên thôi chứ không thối được. Phần lớn nợ xấu là bất động sản nên VAMC mới mua. Tất nhiên, nếu thị trưởng bất động sản chưa hồi phục thì cũng phải xử lý dần và nếu vẫn còn nguồn thì phải giữ “ủ” chờ thời cơ. Nợ xấu cũng là nguồn dự trữ tốt cho tương lai” – ông Hưởng chia sẻ…”

* Các bình luận:

– Ông này dân cá độ chuyên nghiệp chắc luôn, biết kèo thơm kèo thúi hết trọi à.

– Nhốt vào một cái kho, kiểu bỏ tù ấy mà, không đi lang thang ở ngoài quậy phá tạo thêm nợ xấu nữa. Khi ra tù đã được “phục hồi nhân phẩm” sẽ thơm lên thôi, thối đâu nữa mà thối.

– Bà con nhanh chân mua nợ xấu nào, 5 năm sau thôi nó thơm lừng, tha hồ… ngửi. Một tương lai sáng lạng ở phía trước.

– À, đây là cách làm ăn kiểu chờ sung rụng, chờ thời trên trời rơi xuống, biết đâu, biết đâu…

* Hoang ngôn: “Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay”.

* Tác giả: Ông Trần Đình Long – phó chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội

* Nguồn: TuanVietNam, ngày 28/05/2010

* Tựa đề: Phát ngôn ấn tượng: Vay nợ ư? lo gì, con cháu tài giỏi hơn sẽ trả!

* Trích đoạn nội dung:

Phải công nhận bộ trưởng nói đúng quá, trả được thì vay bao nhiêu mà không được? Vấn đề là ai dám chắc sẽ trả được? Chưa có đường sắt cao tốc mà dư nợ của chính phủ đến cuối năm 2009 đã là 41.9% GDP, trước mắt thấy hàng loạt dự án “xa xỉ”: nào quy hoạch Hà Nội 90 tỷ USD, điện hạt nhân 12 tỷ USD, giờ lại đường sắt cao tốc 56 tỷ USD, không hiểu phải lên đến bao nhiêu %?

Lại phải trích phát biểu của Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long: “Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay”. Nói dại, lỡ thế hệ con cháu không tài giỏi hơn thì phải làm sao nhỉ? Sao các bác, các chú cứ bắt con cháu phải là thiên tài như thế? Không chỉ phải tài cỡ đoạt giải Nobel mà phải có tài trả nợ thay cho các bác các cô các chú mà các bác các cô các chú lại chẳng cần biết con cháu có muốn hưởng thụ những gì các bác, các chú để lại không?

Hình như, đã muốn ủng hộ thì không khó khăn gì để đưa ra rất nhiều lập luận “tô hồng”, toàn những nhận định về tương lai xa thật là xa, đến lúc đó chẳng may có sai thì cứ xuống suối vàng mà tìm các bác các chú để trách cứ thoải mái...”

* Các bình luận:

– Xuống suối vàng phải đem vật chứng theo nhé, không thì các ông lại chối leo lẻo.

– “Đá bóng” giỏi lắm, đá tới thế hệ sau.

– Người ta lo cho thế hệ sau, để di sản cho con cháu không hết, các ông lại bắt gánh nợ và bắt phải giỏi.

– Nợ có bi nhiêu, chưa được… nửa GDP mà.

– Làm không được thì có tài sản gì ăn nấy đi, đừng vay, vay, đổ đống nợ lên đầu con cháu.

* Hoang ngôn: “Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Văn Bình – thống đốc NHNN

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 13/11/2012

* Tựa đề: Thống đốc Ngân hàng ‘xin nhận một nửa giải Nobel’

* Trích đoạn nội dung:

” ‘Tôi là người rất lạc quan, luôn nghĩ rằng chúng ta làm sao lấy lại niềm tin thị trường. Nhưng qua trình bày của Thống đốc, niềm tin, lạc quan của tôi giảm đi’, đại biểu nổi tiếng thẳng tính này nói.

Bình luận có phần chua chát của đại biểu Lịch xuất phát từ những nhận định, số liệu về tình hình nợ xấu ngân hàng được Thống đốc đưa ra xuyên suốt phiên chất vấn có vẻ hồng hào quá. “Thống đốc trả lời cho tôi cũng như các đại biểu khác thì dường như vấn đề không nghiêm trọng như vậy. Vậy, tại sao chúng ta lại đặt vấn đề nghiêm trọng, đặt cả vấn đề lập công ty mua bán nợ, Thống đốc bảo chúng ta không giải quyết được mà cần cả hệ thống chính trị…

… Dẫn lại lý thuyết “bộ ba bất khả thi” nổi tiếng trong kinh tế học (không thể đồng thời thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá cùng lúc), Thống đốc Bình cho rằng mọi chính sách, đặc biệt là chính sách vĩ mô thì không thể nào đáp ứng được mọi yêu cầu.  

“Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai”, ông nói…”

* Các bình luận:

– Quan trọng là ông có làm được gì đâu, ông làm được một, hai điều thôi, dân sẽ tặng ngay giải Nobel. Các ông chỉ giỏi tô hồng. Lập nhiều công ty đặng chia chác nhiều.

– Ông thống đốc xứng đáng được tặng… Ig Nobel.

– Nên đặt tên là Ngân hàng hệ thống chính trị VN. Phải có cả hệ thống, vậy ông chỉ là con rối đứng đầu ngân hàng.

* Hoang ngôn: “Trong thời gian qua, dù giá vàng thế giới có biến động mạnh, có những lúc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến 5-6 triệu đồng nhưng tỷ giá vẫn ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn tăng mạnh, kinh tế vĩ mô ổn định; đã ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhập lậu vàng”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Văn Bình – thống đốc NHNN

* Nguồn: Báo Người Lao Động, ngày 30/05/2013

* Tựa đề: Thống đốc: Chênh lệch cao giữ giá vàng trong nước ổn định

* Trích đoạn nội dung:

“… ‘Trong thời gian qua, dù giá vàng thế giới có biến động mạnh, có những lúc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến 5-6 triệu đồng nhưng tỷ giá vẫn ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn tăng mạnh, kinh tế vĩ mô ổn định; đã ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhập lậu vàng’ – ông Bình khẳng định.

Theo lý giải của Thống đốc, Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng nên để giá vàng trong nước sát hoặc bằng với giá thế giới, thị trường phải liên thông tuyệt đối hoặc tương đối với thị trường quốc tế. Muốn vậy, phải cho phép nhập hoặc xuất vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu.

“Mục tiêu làm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường. Chính chênh lệch giá cao đã giữ cho giá vàng và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của thị trường thế giới, làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ” – Thống đốc quả quyết...”

* Các bình luận:

– Cái gì cũng ổn định, lúc nào cũng ổn định. Phải, rất ổn định như thế này: Giá vàng trong nước có diễn biến thất thường (Nguồn: BáoMới.com, ngày 30/03/2013); Giá vàng giảm gần 12 triệu đồng/lượng trong năm 2013 (Nguồn: Báo Thanh Niên Online, ngày 31/12/2013); Bất thường giá vàng (Nguồn: Báo Người Lao Động Online, ngày 17/02/2014)…

– Giá vàng trong nước cao ngất ngưỡng so với thế giới thì đầy lùi được tình trạng nhập lậu vàng? Giá bằng hoặc cao hơn chút đỉnh thì dân lậu mới nhập về bán, lời chút cho vui chăng?

– Giới đầu cơ “hiền như bụt”, ngồi nhìn chơi, không chừng bắt tay với các ông buôn lậu ấy chứ. Các ông làm giá, giữ giá cao mà.

– Cái gì cũng của nhân dân, Báo ND, Công an ND, Quân đội ND, Tòa án ND, Viện kiểm sát ND, Nghệ sĩ ND,… chỉ có ngân hàng là nhà nước, thì các ông làm gì, nói gì mà chẳng được.

– Thống đốc vỏ… chuối (!) trượt té lên xuống như thị trường vàng.

* Hoang ngôn: “Lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn”.

* Tác giả: Hiệp hội Kinh doanh vàng VN

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 13/05/2016

Tựa đề: Việt Nam còn khoảng 500 tấn vàng trong dân

Trích đoạn nội dung:

“Hiệp hội Kinh doanh vàng VN cho rằng lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn và kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia.

“Thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Đặc biệt, thông qua Sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước…” – ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, nhấn mạnh…”

* Các bình luận:

– Hiệp hội đi rình từng nhà, có một phát hiện kỳ tích, chuẩn bị hốt.

– Sở… mắc dịc, phát hành những tờ giấy lộn, lừa như đã từng lừa thời mua “Công trái là yêu nước” và “Một bộ đội xuất ngũ làm thợ điện bậc 5/6 ngày xưa chắt chiu từng đồng lương gửi tiết kiệm vào 12 cuốn sổ với tổng giá trị bằng một căn hộ nhỏ nay giá trị chỉ còn ba tô phở. (Gởi tiết kiện 20 năm, một căn hộ còn ba tô phở – Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 10/03/2015)

– Chẳng quản lý được, xuất nhập lậu hà rầm, phóng lên lừa người nhẹ dạ, cả tin thôi.

– Dân nghèo chiếm đa số, họ có dư bao nhiêu mà mua vàng cất, vài ba chỉ để phòng thân là may lắm, không khéo lại bị lừa. Sao không huy động dân giàu, quan giàu đầy ra đó. Không dễ dụ phải không? dân giàu thì có sạn trong đầu, quan thì quỷ quyệt từ lâu.

* Hoang ngôn: “Việc xây công viên nghĩa trang giúp tỉnh phát triển bền vững.”

* Tác giả: Ông Nguyễn Văn Trì – chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

* Nguồn: Báo Đất Việt, ngày 16/05/2017

* Tựa đề: Yêu cầu rút kinh nghiệm vụ nghĩa trang lấn Tam Đảo

Trích đoạn nội dung:

Cùng đưa ra ý kiến, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rẳng, cứ nói đến xây dựng nghĩa trang, nhà máy rác là một bộ phận người dân lại chưa đồng tình. Hiện nay, người mất phải đưa đi Sơn Tây, Phú Thọ để an táng, trong khi tỉnh có điều kiện…

… “Dọc đường quốc lộ phải có đến vài chục điểm là nghĩa trang. Nếu Vĩnh Phúc xây đô thị mà toàn nghĩa trang thì không ổn. Việc xây công viên nghĩa trang giúp tỉnh phát triển bền vững”, ông Trì nói…”

* Các bình luận:

– Một thuyết về kinh tế mới ra đời. Đề nghị đưa đi dự giải Nobel(!)

– Các nơi nên học hỏi ông Trì, Vĩnh Phúc, cần tư duy chi cho mệt, cứ xây công viên nghĩa trang là phát triển bền vững thôi.

– Chủ tịch chơi với người cõi âm.

* Hoang ngôn: Tôi đã từng nói thẳng rằng: TPP không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì”.

* Tác giả: Ông Trương Đình Tuyển – cựu bộ trưởng bộ Thương mại

* Nguồn: Trí Thức Trẻ, ngày 21/11/2015

* Tựa đề: Ông Trương Đình Tuyển: TPP không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì

* Trích đoạn nội dung:

“Trong phiên thảo luận buổi chiều, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển mở đầu bằng bài tham luận Gia nhập Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

… Tôi đã từng nói thẳng rằng: TPP không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì“.

* Các bình luận:

– Còn hơn là ngông cuồng (!)

– Việt Nam là “đàn anh” của tất cả rồi.

– Chắc ông nghĩ cái gì Việt nam cũng nhất, nên không có Việt Nam thì coi như đi tong các “nền kinh tế tư bản què quặc”, nào ngờ cái gì mình cũng đứng vào hàng chót. Đi xin xỏ, thiếu điều lạy lục người ta chưa cho vô, khinh bỉ ra mặt mà nổ như pháo bông.

– Nguyên bộ trưởng… đi bộ, người ta đi lên cung trăng rồi. À, không có Việt nam sao họ “rước lên”, ý nghĩa gì nữa.

– Ông này “giỏi” hơn ông thủ tướng Abe của nước Nhật hùng mạnh luôn, ông Abe còn phải nói: “TPP vô nghĩa khi không có Mỹ.” – “Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ vô nghĩa nếu Mỹ không tham gia hiệp định này” (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 22/11/2016)

* Hoang ngôn: “Bộ KHĐT đã làm tròn nhiệm vụ trong vấn đề Vinashin, chúng tôi không có trách nhiệm gì mà phải chịu trách nhiệm”.

* Tác giả: Ông Võ Hồng Phúc bộ trưởng bộ Kế hoạch & Đầu tư

* Nguồn: Báo Dân Trí, ngày 24/11/2010

* Tựa đề: “Không thể nói Bộ KH-ĐT vô can trong vụ Vinashin”

* Trích đoạn nội dung:

Được chủ toạ mời phát biểu trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, theo quy định, bộ này có nhiệm vụ tham mưu với Chính phủ quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển Vinashin và bộ đã “làm tròn nhiệm vụ”…

Lý giải về việc không kiên trì theo đuổi quan điểm của mình để có thể tránh cho Vinashinh không rơi vào tình cảnh hiện nay, ông Phúc cho rằng, do… vướng luật. Theo ông Phúc, luật Doanh nghiệp 2003 quy định quyền hạn rất lớn cho Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và nếu bộ có ý kiến can thiệp sẽ trái luật nên “bộ phải chấp nhận”.

“Mình kiên trì đến đâu nhưng đưa luật ra thì mình chịu. Bộ KH-ĐT đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong vấn đề Vinashin. Chúng tôi không có trách nhiệm gì mà phải chịu trách nhiệm.”, ông Phúc phát biểu.

Câu nói của ông Phúc làm cả hội trường rộ lên tiếng cười, nhưng người đứng đầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư vẫn tiếp tục phân tích khía cạnh luật “sai” và theo ông mỗi đại biểu Quốc hội cũng có trách nhiệm khi đã bấm nút thông qua luật trên…

… Kết lại lời phát biểu ông Phúc nhìn nhận, Vinashin là bài học chung cho cả Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thí điểm xây dựng tập đoàn và từ nay cần chỉnh đốn để làm tốt hơn, nhất là xây dựng, ban hành luật.

… Theo ông Thuận, lẽ ra khi Bộ Chính trị cho thí điểm về tập đoàn, Chính phủ và bản thân cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp là Bộ KH-ĐT phải trình ra Quốc hội việc sửa luật Doanh nghiệp hoặc trình ra Quốc hội một nghị quyết về tổ chức và hoạt động của tập đoàn. Vì thế, Bộ KH-ĐT không thể vô can…”

* Các bình luận:

– Ông Võ… Vô Phúc, Võ vô trách nhiệm(!)

– Làm tròn nhiện vụ là tham mưu tạo ra một đống nợ.

– Luật bảo ăn c. cũng ăn cho hoàn thành nhiệm vụ. Đường đường là ông bộ trưởng mà không dám can thiệp để ông “Tổng, ông Hội” làm gì thì làm.

– Ống dưới đá lên ông trên, ông trên chụp chọi xuống ông dưới, lọt lưới là một đống hậu quả thì dân nhận hết. Ông nào cũng vô can, hết trách nhiệm.

– Ông này về vườn là cái chắc. Dám thọt vô “ổ kiến lửa”, đụng hết từ Chính phủ, Quốc hội tới ông “trùm” – đảng Cộng sản VN.

* Hoang ngôn: “Chưa thấy dự án nào vay ODA phải nhượng bộ về chính trị nhưng có ràng buộc về kinh tế vì chúng ta bú sữa hàng xóm nên không giành tự quyết được”; “Không thể không làm” (đường sắt cao tốc).

* Tác giả: Ông Nguyễn Sinh Hùng – phó thủ tướng Chính phủ

* Nguồn: Báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 13/6/2010

* Tựa đề: Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “Không thể không làm đường sắt cao tốc”

Trích đoạn nội dung:

Chuyện vay vốn ODA cũng làm các ĐB không yên tâm. ĐB Dương Trung Quốc hỏi: Bao giờ thì chúng ta cai được vốn ODA? Nước cho vay vốn này có ràng buộc gì về chính trị?

Ông Nguyễn Sinh Hùng cho hay: “Chưa thấy dự án nào vay ODA phải nhượng bộ về chính trị nhưng có ràng buộc về kinh tế vì chúng ta bú sữa hàng xóm nên không giành tự quyết được. Xét lợi ích tổng hợp thì ODA là hiệu quả. Ta phải tranh thủ ODA càng dài càng tốt. Nước nghèo thì họ hỗ trợ, mình giàu lên thì phải trả lãi” – ông nói.  

Với dự án đường sắt cao tốc, Phó Thủ tướng cho biết là ông rất yên tâm vì không thể không làm. “Còn làm thế nào, dài hay ngắn thì Đảng, Chính phủ, Quốc hội sẽ tính. Tôi không lo chuyện không có tiền để làm như các đồng chí lo lắng…”. Ông dự báo: Hiện GDP của Việt Nam là 106 tỉ USD, năm 2020 sẽ gần 300 tỉ, năm 2030 sẽ là 700 tỉ và năm 2040 sẽ là 1.000 tỉ. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200, đến năm 2040 sẽ đạt 20.000 USD.

“Đây là quyết tâm mang tầm chiến lược để đến năm 2020 chúng ta thành nước công nghiệp” – Phó Thủ tướng nói...”

* Hoang ngôn: Dứt khoát là phải làm”.

* Tác giả: Ông Hồ Nghĩa Dũng – bộ trưởng bộ GT-VT

* Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 03/01/2011

* Tựa đề: Sẽ trình lại dự án cao tốc

* Trích đoạn nội dung:

– Chính phủ vẫn quyết tâm xây ĐSCT?

Dứt khoát là phải làm. Nhưng mà thời điểm như thế nào thì phải tính kỹ, phải theo đúng thủ tục, quy định, rồi phải báo cáo Quốc hội. Chính phủ quyết tâm để chuẩn bị dự án chứ không phải là Chính phủ cứ làm mà không báo cáo Quốc hội như mọi người ngộ nhận.

– Chính phủ quyết tâm lập dự án này thì cũng đã dự định thời điểm trình lại Quốc hội?

Bây giờ nếu làm báo cáo dự án này cũng phải mất từ 2 – 3 năm. Rồi còn xem tính khả thi của nó đến đâu đã rồi mới trình chứ không phải làm xong là trình. Có thể dự án khả thi nhưng cũng phải cân nhắc thời điểm đó nguồn lực của đất nước như thế nào, tình hình kinh tế của đất nước thế nào nữa.

– Bộ trưởng lo ngại nhất điều gì khi làm ĐSCT?

Nguồn lực. Cơ bản vẫn là nguồn lực của đất nước. Bản thân của dự án một phần nhưng còn phải xem sức chịu đựng của nền kinh tế…”

* Các bình luận:

– Không lo không có tiền sao còn đi bú sữa hàng xóm? Thói quen đi ăn chực à?

– Quyết làm thôi, có mấy lý do nho nhỏ cản trở hà. Một không tự quyết được bởi thiếu sữa phải đi bú lang hàng xóm, hai là nguồn nhân lực, ba là sức chịu đựng của nền kinh tế. Ba lý do này mới chiếm sơ sơ chừng 90% chứ mấy. Nên làm, 10% là quyết tâm(!)

– Không làm lấy gì chia chác?

– Cứ làm dự án, khả thi hay không tính sau, trình hay không trình tính sau, quá dễ. Người ta có ý tưởng, nghiên cứu khả thi mới lập dự án, mình thì làm bừa, chỉ làm dự án thôi cũng có tiền đống mà.

– Nước nghèo, bú sữa hàng xóm mà cứ xài đao to búa lớn, tính toàn siêu dự án. Dự báo vĩ đại, không bào giờ tính tới nợ nần, đổ bể ra cả một đống. Đổ cho dân gánh hết năm này qua tháng nọ.

* Hoang ngôn: “Làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện hiện nay thép thế giới thừa không nói thừa hay thiếu mà phải nói khả năng cạnh tranh”.

* Tác giả: Ông Trương Thanh Hoài – vụ trưởng vụ Công nghiệp nặng ( bộ Công thương )

* Nguồn: Báo Dân Trí, ngày 13/12/2016

* Tựa đề: Đại diện Bộ Công Thương: ‘Làm thép, dứt khoát là phải làm’

* Trích đoạn nội dung:

Trao đổi với báo chí về việc phát triển các dự án thép, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng ( Bộ Công Thương ) nhấn mạnh rằng: “Làm phải làm sòng phẳng, làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện hiện nay thép thế giới thừa không nói thừa hay thiếu mà phải nói khả năng cạnh tranh”.

Ông Hoài cho biết, về năng lực cạnh tranh, hiện nay thép Trung Quốc cạnh tranh được với thép của Anh hay Mỹ do giá nhân công thấp trong khi đó giá nhân công của Việt Nam còn thấp hơn Trung Quốc, thời gian vừa qua vì giá nhân công rẻ có doanh nghiệp đã có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam“.

*Hoang ngôn: “Quý vừa rồi lời đến 2.000 tỉ đồng từ thép mang lại thì ‘ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư'(!)”

* Tác giả: Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Hoa Sen (HSG)

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 06/09/2016

* Tựa đề: Chủ tích tập đoàn Hoa Sen: “Ngu gì không làm thép”

* Trích đoạn nội dung:

“… Theo tờ trình HĐQT HSG gởi đến cổ đông, ban giám đốc công ty đề xuất nhà đầu tư thông qua chủ trương triển khai đầu tư tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận…

… Tiếp tục khẳng định dự án là mục tiêu chiến lược, là dự án tối ưu nhất giúp tập đoàn sản xuất khép kín, hướng tới mục tiêu là doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu trong thời gian tới, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT HSG tiếp tục lập lại quan điểm “vị trí đặt dự án được đánh giá là tốt nhất để làm thép trên thế giới hiện nay”. Đồng thời khuyên nhà đầu tư “nên nhìn xa trông rộng về những ưu điểm, thuận lợi mà dự án có thể mang lại trong tương lai”.  

Ông Vũ cũng cho rằng nếu nhìn thấy Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát – PV) quý vừa rồi lời đến 2.000 tỉ đồng từ thép mang lại thì “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”(!).

Trấn an nhà đầu tư về dư luận đề cập về dự án thép HSG đang dự tính thực hiện, ông Vũ cho rằng ‘những gì dư luận thể hiện trong thời gian, có không ít trong đó chỉ muốn ném đá, thọc bánh xe, đố kỵ với HSG’…

* Các bình luận:

– Năng lực cạnh tranh đây thưa các ông: Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Report) 2016-2017. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (25), Thái Lan (34), Indonesia (41) và Philippines (57). (Nguồn: Báo điện tử VnExpress 28/09/2016)

– Công nghệ lạc hậu, vốn liếng không bằng mà đòi làm sòng phẳng, cạnh tranh. Các ông bán lương tâm mình cho ông bạn “vàng” xảo quyệt chuyên mua chuộc, vì tư lợi cá nhân, tham lam, ích kỷ,…

– Thấy tiền là mờ mắt hết.

– Xong vùng biển tuyệt đẹp, hoang sơ Cà Ná, nơi ít dân xa mặt trời “thuận tiện” cho các ông phá.

– Những Chu Xuân Phàm ngông cuồng: “Chọn thép hay chọn ca tôm?” lại xuất hiện. Khổ nổi trên chính đất Việt.

– Các ông khôn lắm, rất khôn lõi, tham lam tàn phá sạch môi trường. Nhãn tiền là tập đoàn Formosa. Dân chúng tôi thà ngu mà giữ môi trường cho mình, cho con cháu.

– Tàn ác như các ông, người ta không thọc gậy bánh xe mới lạ.

* Hoang ngôn: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

* Tác giả: Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam

* Nguồn: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, khoản 1, điều 51

* Các bình luận:

– Nền kinh tế có đuôi.

– Nền kinh tế bị tròng cái thòng lọng.

– Nền kinh tế độc nhất vô nhị nên “được ban” cho tình cảnh dở khóc dở cười và “đạt thành tích chói lọi” (mới tính “thành tích” các dự án lớn, còn không biết bao nhiêu nữa):  

. Cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – GS Nguyễn Đức Bình: “Kinh tế thị trường có thể hiểu được, chỉ cần ra đường là thấy nhưng định hướng XHCN chẳng thấy đâu.” (Cần làm rõ khái niệm: “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nguồn: VietNamNet, ngày 23/09/2009)

. Nhiều người hỏi bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu! làm gì có thứ đó mà tìm.” (Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải. Nguồn: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 03/05/2014)

. “… Theo thống kê, năm 2015, tổng sản phẩm GDP của Việt Nam đạt hơn 188 tỉ USD (tương đương 4.192.900 tỉ đồng), tỷ lệ nợ công 63,8% GDP tương đương 120 tỉ USD (khoảng 2.675.070 tỉ đồng). Chia trung bình 90 triệu dân, mỗi người Việt đang phải gánh khoản nợ công gần 29 triệu đồng. Đây là con số nợ công cao nhất từ trước đến nay.

Số liệu này cho thấy nợ công của Việt Nam hiện đang gia tăng khá nhanh. Sau 2 năm con số nợ công của Việt Nam đã tăng 16,1 tỉ USD (hơn 358.905 tỉ đồng). Nếu tính mốc từ năm 2010, sau 6 năm, con số nợ công của Việt Nam đã tăng thêm 49,4 tỉ USD (khoảng 1.101.237 tỉ đồng) từ 45,39 tỉ USD (khoảng 1.011.845 tỉ đồng) năm 2010…” (Mỗi người dân đang gánh 29 triệu đồng nợ công. Nguồn: Báo Đất Việt, ngày 13/04/2016)

. “Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm thâm hụt gần 5.000 tỉ đồng vốn của Nhà nước, nguy cơ lỗ thêm khoảng 8.500 tỉ đồng, nợ phải trả khi bị thanh tra lên tới trên 86.000 tỉ đồng… Đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành chính sách pháp luật tại Vinashin…” (Vinashin lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Nguồn báo Tuổi Trẻ Online, ngày 03/06/2011)

. “Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã xác định 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương để xem xét, đánh giá gồm: (1) Nhóm 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và DAP số 2 – Lào Cai; (2) Nhóm 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH): Nhà máy NLSH Quảng Ngãi, nhà máy NLSH Phú Thọ và nhà máy NLSH Bình Phước; (3) Nhóm 2 dự án đầu tư sản xuất thép: Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên; (4) Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); (5) Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); (6) Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.  Trong số 12 dự án/nhà máy trên, tới thời điểm hiện nay, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón; DQS và Nhà máy thép Việt Trung); 3 Dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ – PVTex).

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là: hơn 43.673 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: hơn 63.610 tỷ đồng (tăng 45,65%). Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là: hơn 16.126 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là: hơn 3.985 tỷ đồng.” (Nguồn: Báo điện tử Thể Thao & Văn Hóa, ngày 29/04/2017) Tổng tài sản của 12 nhà máy là: 57.679,02 tỉ đồng; Tổng nợ phải trả là: 55.063,38 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là: 10.633,43 tỉ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 4.299,83 tỉ đồng. (Bộ Công thương công bố hướng xử lý 12 dự án thua lỗ – Nguồn: Báo điện tử Lao Động, ngày 03/05/2017).

Bình Luận từ Facebook