Trân Văn
29-11-2023
Vấn đề đầu tiên là hàng loạt trường hợp đột tử có liên quan đến việc khởi tố vụ án, song Kết luận điều tra (KLĐT) chỉ xác định gọn lỏn “đã chết”.
Nếu có và chịu khó dành thời gian đọc hết 300 trang “Kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động của ngân hàng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Tham ô tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan” mà ông Nguyễn Ngọc Lâm – Thiếu tướng Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) của Bộ Công an – ký ngày 12/11/2023, hẳn sẽ nhận ra nơi soạn và phát hành văn bản này chưa “xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ” như quy định tại Điều 15 của Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS) (1).
***
Vấn đề đầu tiên là hàng loạt những trường hợp đột tử có liên quan đến việc khởi tố vụ án song Kết luận điều tra (KLĐT) chỉ xác định gọn lỏn “đã chết”.
Theo trang 1 của KLĐT thì vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được khởi tố vào ngày 7/10/2022, năm người đầu tiên bị khởi tố là để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên sau đó chỉ hai ngày, một trong năm bị can đầu tiên là bà Nguyễn Phương Hồng đột tử trong trại tạm giam. Vào thời điểm thực hiện quyết định khởi tố và lệnh tạm giam, qua báo giới, công an xác định bà Hồng là “Trợ lý của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát” nhưng một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam, trong đó có VOA Việt ngữ tìm thấy những dữ liệu cho thấy thông tin về nghề nghiệp và nơi làm việc của bà Hồng không chính xác.
Chẳng hạn ngày 11/10/2023, Infonet – cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam – tố cáo “SCB bất ngờ gỡ bỏ toàn bộ thông tin giới thiệu các thành viên Hội đồng quản trị” và theo Infonet thì bà Hồng “có hơn 11 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại SCB như: Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh, Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định kiêm Giám đốc chi nhánh, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB”.
Tố cáo vừa kể vô tình xác định công an cố tình vi phạm Khoản 2, Điều 179 của Bộ Luật TTHS (chủ động khiến công chúng nhận biết sai về nhân thân bị can) nên đó có thể là lý do khiến Infonet… tự ý đục bỏ tố giác của chính mình (2). Ở trang 15 của KLĐT mới công bố, công an chính thức xác định bà Nguyễn Phương Hồng là một trong những “lãnh đạo chủ chốt của SCB” và “chết vào ngày 9/10/2023, khi đã khởi tố bị can”. Điều tra các vi phạm pháp luật nhưng chủ động vi phạm pháp luật khiến công chúng hiểu sai về thực trạng SCB và thản nhiên bỏ qua vi phạm này của chính mình thì có đáng tin về mức độ “khách quan, vô tư” chăng?
Cần lưu ý, việc bịa đặt chức vụ và nơi làm việc của bà Hồng nhằm giữ cho SCB không sụp đổ. Sự gian trá của công an và các viên chức cao cấp của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra một vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khác. Đây là tin báo chí Việt Nam từng loan và đó chính là bằng chứng: Cuối ngày 13/10/2022, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, nhiều khách hàng, người dân sau khi nhận được thông tin tư vấn, giải thích từ đường dây nóng của NHNN chi nhánh TPHCM đã yên tâm và gửi tiền lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Cuối ngày hôm nay lượng tiền gửi trở lại ngân hàng SCB đạt gần 12.000 tỉ, tăng gấp đôi so với hôm qua là 6.000 tỉ đồng (3).
Nếu đặt những thông tin vừa đề cập bên cạnh nhận định của công an tại trang 5 KLĐT: Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỉ đồng – tự nhiên sẽ thấy việc ngụy tạo chức vụ và nơi làm việc của bà Hồng nghiêm trọng, tàn tệ đến mức nào. Chưa kể, nhà nước pháp quyền XHCN còn cho phép công an càn rỡ đến mức “khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự” và từ tháng 10 đến tháng 12/2022 đã xử lý hàng chục người bình luận về SCB để răn đe dân chúng (4).
***
Ở Cộng hòa XHCN Việt Nam, con người chẳng là gì cả, bị can chết trong khi tạm giam được xem là chuyện bình thường, cũng vì vậy, không có bất kỳ cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc bà Nguyễn Phương Hồng đột tử, cũng không có bất kỳ cá nhân hữu trách nào yêu cầu báo cáo – xác định để bà Hồng đột tử, những ai phải chịu trách nhiệm, dân chúng cũng không được phép biết vì sao lại thế và vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, các đơn vị, tổ chức có liên quan không chỉ có một trường hợp bất đắc kỳ tử. Nếu chịu khó nhìn lại những trường hợp đột tử có thể tự nhận định KLĐT chỉ nhằm kết thúc một vụ án hay nhằm xác định sự thật của vụ án…
(còn tiếp)
Chú thích