Trân Văn
10-2-2023
Scandal mà ông Nguyễn Phúc Hải tạo ra không chỉ liên quan đến Chi cục Hải quan Nội Bài hay Tổng cục Hải quan Việt Nam và chắc chắn không phải chỉ là “vụ việc mang tính chất cá nhân trong giao tiếp xảy ra ngoài khu vực làm nhiệm vụ”.
Đã tròn nửa tháng tính từ ngày ông Nguyễn Phúc Hải – Đội phó Đội Thủ tục hành lý xuất khẩu của Hải quan ở phi trường Nội Bài (Hà Nội) xông vào chiếc phi cơ chuẩn bị cất cánh, buộc một phụ nữ… “trót dại” kể điều không hay về ông trên Facebook và hơn một tuần tính từ ngày Tổng cục Hải quan tuyên bố đã… “thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định, đảm bảo giữ vững kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức ngành Hải quan” (1) nhưng chưa có thông tin nào mới…
Đêm 28 rạng sáng 29/1/2023, chị Thúy Nguyễn kể trên trang Facebook OFFB (còn có tên khác là “Hóng biến Hà Nội”) rằng, trong khi chờ chuyến bay số hiệu VJ932 của hãng hàng không VietJet đưa ba mẹ con từ Hà Nội – Việt Nam sang Narita – Nhật thì các con của chị cần dùng nhà vệ sinh. Lúc ra, hai đứa trẻ – năm tuổi và sáu tuổi – chạy đến chỗ ông bà của chúng đang làm thủ tục… thì có một cán bộ hải quan đưa người nhà vào làm thủ tục trực tiếp chứ không xếp hàng như mọi người – quát, đuổi bà của hai đứa trẻ ra khỏi hàng… Chị Thúy đã góp ý với cán bộ hải quan này cả về thái độ lẫn lối ăn nói và được… “công bộc” tên Hải dạy lại, đại ý… chị thuộc loại mà anh ta không cần lịch sự…
Điều ông Nguyễn Phúc Hải không ngờ là ngay sau đó chị Thúy Nguyễn đưa cả ảnh của ông lẫn câu chuyện vừa xảy ra có liên quan tới ông lên OFFB – nhóm có tới 1,1 triệu thành viên trên Facebook (2). Còn điều mà chị Thúy Nguyễn không ngờ là sau khi biết chuyện, ông Hải sai một nhân viên của Cảng Hàng không Nội Bài lên phi cơ, yêu cầu chị Thúy Nguyễn và hai đứa trẻ mang hành lý rời khỏi phi cơ để… kiểm tra lại hành lý. Do phi hành đoàn yêu cầu lập biên bản vì đã sát giờ khởi hành, có thể khiến chuyến bay cất cánh trễ nên đích thân ông Hải vào khu vực hạn chế đến tận cửa ra vào phi cơ để “trao đổi” với chị Thúy Nguyễn, yêu cầu chị xóa những gì đã post trên OFFB (3)…
***
Lúc câu chuyện vừa kể mới vừa bùng lên, lãnh đạo Chi cục Hải quan phi trường Nội Bài khẳng định: Đó là việc của hai cá nhân, không liên quan đến quy trình thực hiện thủ tục hải quan của chi cục đối với hành khách xuất cảnh. Bởi nhận định, “đây là vụ việc mang tính chất cá nhân trong giao tiếp xảy ra ngoài khu vực làm nhiệm vụ” nên Chi cục Hải quan phi trường Nội Bài cho rằng việc “nhắc nhở, nghiêm khắc chấn chỉnh vì ông Hải đã có sơ suất trong giao tiếp” là đã… “đủ” (4).
Chỉ đến khi cả công chúng lẫn báo giới công khai bày tỏ sự bất bình, Tổng cục Hải quan mới tuyên bố “thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc trên tinh thần không bao che và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có)”! Với diễn biến và những tình tiết như đã biết, có cần phải… “thành lập đoàn thanh tra” mới có thể… “kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc”? Năng lực “đoàn thanh tra” này thế nào mà cả tuần vẫn chưa thể… “kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc” vốn hết sức đơn giản như vậy?
Từ tuyên bố “vụ việc mang tính chất cá nhân trong giao tiếp” đến việc phải “thành lập đoàn thanh tra” để… “kiểm tra” nhằm xác định hành vi của ông Hải có… “theo quy định, đảm bảo giữ vững kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức ngành Hải quan” chẳng lẽ chưa đủ để xác định có… “bao che” hay không? Vấn đề không chỉ là chuyện ông Hải lạm quyền đến mức càn rỡ và Chi cục Hải quan phi trường Nội Bài cố tình giảm nhẹ bản chất vụ việc và Tổng cục Hải quan muốn mua thời gian…
Cần lưu ý, hàng không là lĩnh vực yêu cầu sự tuân thủ nghiêm ngặt cả về thủ tục lẫn quy trình kiểm tra, giám sát để bảo đảm an ninh cả cho hành khách lẫn các phi cảng nơi phi cơ đi và đến. Tại sao một nhân viên hải quan có thể tùy tiện ra lệnh cho một nhân viên của phi trường yêu cầu hành khách đã hoàn tất các thủ tục cần thiết và đang an vị trên phi cơ phải rời khỏi phi cơ đang chuẩn bị khởi hành? Chính sự tùy tiện này đã khiến phi hành đoàn của chuyến bay VJ932 đòi lập biên bản đúng với qui định vận chuyển hàng không. Một chuyến bay bị trễ không chỉ ảnh hưởng đến hành khách của chuyến bay đó mà còn ảnh hưởng đến những chuyến bay khác, các hãng hàng không khác và phi trường khác.
An ninh hàng không của phi trường Nội Bài ở đâu, làm gì mà để cho ông Nguyễn Phúc Hải – chỉ là cán bộ hải quan, chỉ có trách nhiệm đối với hành lý, hàng hóa xuất cảng, nhập cảng – có thể vào tận cửa phi cơ để… “vời” chị Thúy Nguyễn ra… “trao đổi”? Không phải tự nhiên mà việc mở một đường bay đến đâu đó luôn gặp đủ loại thử thách. Không phải tự nhiên mà cả ICAO (Hiệp hội Hàng không dân dụng quốc tế) lẫn nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ kiểm tra cả chất lượng kỹ thuật của phi cơ, năng lực của phi hành đoàn lẫn trang bị, năng lực và quy trình kiểm soát an ninh hàng không của phi cảng trước khi gật đầu cho mở đường bay đến phi cảng thuộc quyền kiểm soát của họ (5).
Scandal mà ông Nguyễn Phúc Hải tạo ra không chỉ liên quan đến Chi cục Hải quan Nội Bài hay Tổng cục Hải quan Việt Nam và chắc chắn không phải chỉ là “vụ việc mang tính chất cá nhân trong giao tiếp xảy ra ngoài khu vực làm nhiệm vụ”. Đó còn là câu chuyện liên quan đến ý thức, năng lực bảo đảm an ninh hàng không của bộ phận quản lý – điều hành phi trường Nội Bài và Cục Hàng không Việt Nam nhưng không hiểu vì sao cả hai nơi này im lặng, xem như không phải chuyện của họ. ICAO hay những cơ quan kiểu như TSA (cục An ninh vận chuyển) của Mỹ sẽ không xem đó như… “sơ suất trong giao tiếp” khi thẩm định theo định kỳ. Lúc đó, thần thế ông Hải cỡ nào, không biết có… “đỡ” được không?
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/photo?fbid=727998685516988&set=pcb.6192075067526992
(3) https://www.facebook.com/groups/OFFB.VN/posts/6192075067526992/
(5) https://www.viags.vn/lam-gi-de-hien-thuc-hoa-giac-mo-bay-thang-toi-my