VOA gỡ bài viết làm Thủ tướng Việt Nam xấu hổ

Washington Post

Tác giả: Paul Farhi

Dịch giả: Dương Lệ Chi

15-11-2022

Một bài viết về những lời bình luận không mang tính ngoại giao của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bị thu được khi ông nói chuyện qua micro đã lan truyền nhanh chóng — trước khi hãng tin [VOA] do Hoa Kỳ tài trợ, đã bị gỡ bỏ sau khi có khiếu nại từ đại sứ quán của ông ta.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Biden gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia, tuần trước. Nguồn: Kith Serey/ EPA-EFE/ Shutterstock

Trong khi chờ gặp ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ở Washington hồi mùa xuân này, thủ tướng Việt Nam và cấp dưới của ông đã nói vài điều thiếu tính ngoại giao.

Trong những lời bình luận vô ý được Bộ Ngoại giao [Mỹ] phát trực tiếp qua video, phái đoàn [Việt Nam] đã tự hào thảo luận việc họ phản đối yêu cầu của Mỹ về một tuyên bố lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. “Chúng tôi đã khiến họ phải lùi lại”, một quan chức nói trong tiếng cười. Có lẽ gây sốc nhất là Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã nhiều lần sử dụng ngôn từ thô thiển để mô tả cuộc gặp trước đó với Tổng thống Biden và các quan chức Hoa Kỳ khác tại một bữa tiệc tối ở Nhà Trắng.

Nhận xét này nhanh chóng được đưa vào một bài viết do ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đăng tải, và cái nhìn trần trụi hiếm có về các nhà lãnh đạo này được quản lý theo giai đoạn một cách cẩn thận của Việt Nam, nhanh chóng lan truyền cả ở Việt Nam lẫn ở cộng đồng hải ngoại trên toàn thế giới.

Và rồi nó biến mất.

VOA không đưa ra lời giải thích công khai nào về những gì đã xảy ra với bài viết này và tại sao đột nhiên nó không còn trên trang web, trang Facebook và kênh YouTube của VOA. Thay cho đoạn phim bị mất, một thông báo bằng tiếng Việt trên trang web của họ chỉ đơn giản cho biết, đoạn phim không còn tồn tại sau khi xem xét.

Thật ra, các email mà Washington Post có được, cho thấy VOA đã có hành động sau khi một quan chức từ đại sứ quán Việt Nam ở Washington phàn nàn rằng, đoạn phim nóng vi phạm quyền riêng tư của ông Chính. Trong một email ngày 20 tháng 5 gửi tới VOA, một quan chức — Khanh Nguyễn, tùy viên văn hóa và báo chí của đại sứ quán — nói rằng, việc phát hành đoạn phim là “lỗi” của Bộ Ngoại giao [Mỹ].

Cuộc trò chuyện không có gì đặc biệt”, ông Nguyễn viết cho bà Yolanda Lopez, quyền giám đốc VOA, yêu cầu gỡ bỏ bài viết. “Hành động lan truyền [thông tin về] một người mà ông ta không có nhận thức, không biết và không có sự đồng ý của ông ta là không thể chấp nhận được vì nó vi phạm nguyên tắc tôn trọng quyền riêng tư, cũng như tính chuyên nghiệp và đạo đức của tờ báo [sic]. Hơn nữa, việc đưa tin của VOA đã bị lạm dụng và bóp méo cho các mục đích chính trị”.

VOA đã gỡ bỏ video này ba ngày sau khi nhận được email của ông Nguyễn.

Quyết định này đã khiến các nhà báo trong ban Việt ngữ VOA khó chịu, họ phản đối việc gỡ bỏ trong một cuộc họp với các biên tập viên cấp cao ngay sau đó, nhưng không nhận được lời giải thích.

Một nhân viên thất vọng mô tả, đó là sự phản bội các giá trị và sứ mệnh của tổ chức. Một nhân viên yêu cầu giấu tên để tránh bị trừng phạt, cho biết: “Điều đó gây bất lợi cho tiếng tăm của chúng tôi với tư cách là một hãng tin. Khẩu hiệu của chúng tôi là ‘Tự do báo chí là quan trọng’. Điều này thật mỉa mai”.

Sự xuất hiện của áp lực từ một chính phủ nước ngoài là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm tại VOA, được thành lập theo sắc lệnh liên bang vào năm 1942 để chống lại tuyên truyền thời chiến của nước ngoài. Kể từ đó, VOA đã phát triển thành một tổ chức tin tức độc lập nhưng được chính phủ tài trợ, phát sóng và đưa tin bằng 48 ngôn ngữ. Nó thường cung cấp tin tức ở những đất nước có chính phủ hạn chế truyền thông. Nó cũng ghi lại các trường hợp kiểm duyệt báo chí ở các nước khác, gồm các cuộc đàn áp gần đây ở Iran, Somalia, Congo và Ai Cập.

Phản ứng công khai đầu tiên của VOA về vấn đề này, nữ phát ngôn viên Bridget Serchak hôm thứ Hai nói rằng, video bị gỡ bỏ không phải vì áp lực của Việt Nam, mà vì ngôn ngữ mà các quan chức Việt Nam sử dụng trong đó “phản cảm”, và vi phạm tiêu chuẩn của VOA. Cô [Serchak] so sánh ngôn ngữ được sử dụng với “những từ được FCC coi là tục tĩu”, mặc dù một số người nói tiếng Việt cho rằng, ngôn ngữ đó chỉ thô tục chứ không có tính xúc phạm rộng rãi.

Đài Á châu Tự do — một tổ chức tin tức cùng kiểu với VOA — cũng đưa tin về các bình luận của phái đoàn trên cả hai trang web tiếng Anh và tiếng Việt, sử dụng đoạn phim do Bộ Ngoại giao cung cấp.  Bài viết và video của RFA vẫn còn trên mạng. Phát ngôn viên Rohit Mahajan cho biết, tổ chức này không nhận được bất kỳ yêu cầu gỡ bỏ nào.

Cùng ngày, đại sứ quán [Việt Nam] chính thức khiếu nại về đoạn video, Steve Springer, biên tập viên tiêu chuẩn tin tức của VOA, đã viết thư cho các nhân viên rằng, ông không để ý về vấn đề ngôn ngữ và lẽ ra [ông] khuyến nghị rằng VOA nên “cho tiếng beep chồng lên những từ thô tục” trước khi đăng nó.

Thay vào đó, ông đề nghị gỡ bỏ video hoàn toàn. Ông viết: “Câu chuyện đã đăng tải được một tuần. Nó đã được [mọi người] thấy và đọc”.

Mặc dù phái đoàn Việt Nam có thể không biết rằng các camera đang ghi lại cuộc thảo luận của họ, nhưng việc phát sóng trực tiếp của Bộ Ngoại giao là một phần của hồ sơ công khai, nghĩa là các cơ quan báo chí được tự do sử dụng. Springer thừa nhận điều đó trong email của mình, nói rằng ông không biết bất kỳ chỉ thị nào từ Bộ Ngoại giao [Mỹ] cấm sử dụng nó.

Nhưng ông nói thêm, “Và xin nhắc lại rằng, không một chính phủ nào có thể đưa ra chính sách hay quyết định biên tập cho VOA”. Springer đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ăn nói lưu manh, ngôn ngữ đầu đường xó chợ, văng tục, chửi bậy là nét văn hóa đặc thù của quan lại cộng sản xuất thân từ thợ thuyền, bần cố nông. Kể cả những kẻ không có thói quen ăn nói cục súc, nhưng khi đã ngoi lên làm ông nọ bà kia chúng cũng cố tình nhiễm cho được thói xấu ấy, để chứng tỏ rằng ta xuất thân từ đám vô sản thứ thiệt.

    Cả một xã hội bị băng hoại vì cái “giai cấp tính” của lũ giòi bọ ấy.

  2. Phạm Minh Chính cũng là một thu hoạch từ kế sách trồng người của Hồ mà.

Comments are closed.