Tác giả: Monika Bolliger
Vũ Ngọc Chi, lược dịch
11-5-2021
Biểu tình ở Jerusalem, đụng độ bạo lực, tên lửa từ Dải Gaza: Tranh chấp giữa người Palestine với Israel đang gia tăng. Các câu hỏi và câu trả lời quan trọng nhất về cuộc tranh chấp hiện tại.
Điều gì đã gây ra bạo động ở Jerusalem?
Trọng tâm các cuộc biểu tình của người Palestine là vì kế hoạch trục xuất sáu gia đình người Palestine khỏi khu phố Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem. Đây là những ngôi nhà từng là nơi sinh sống của những người Do Thái chạy trốn trong chiến tranh trước khi Israel được thành lập vào năm 1948. Khi vùng này bị Jordan chiếm đóng, các gia đình người Palestine đã chuyển đến sống tại đây. Một số đã từng là người tị nạn. Theo luật của Israel, người Do Thái sở hữu những ngôi nhà như vậy được quyền lấy lại nhà của họ. Ngược lại, không có quyền nào như vậy áp dụng cho những người Palestine bị mất nhà vào năm 1948.
Theo luật pháp quốc tế, người dân không thể bị cưỡng chế di dời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Một vài người Palestine trước đó đã tấn công người Do Thái Chính thống giáo ở Jerusalem khi một nhóm người Israel cực đoan cánh hữu diễu hành qua Đông Jerusalem và hô vang “Người Ả Rập hãy chết đi”. Việc hạn chế ra vào khu đất Nhà thờ Hồi giáo Aqsa trong mùa Ramadan cũng góp phần khiến người Palestine tức giận. Hậu quả kinh tế của đại dịch Corona và việc Tổng thống Mahmoud Abbas, người nắm giữ chức vụ này trong 15 năm, hủy bỏ các cuộc bầu cử ở Palestine, cũng gây ra thêm nhiều bất bình.
Một tòa án Israel cuối cùng đã hoãn lệnh trục xuất ở Sheikh Jarrah trước tình hình căng thẳng gia tăng, nhưng khi đó đã quá muộn. Hàng trăm người Palestine và hàng chục cảnh sát bị thương trong một cuộc đột kích của cảnh sát Israel vào Nhà thờ Hồi giáo Aqsa. Sau đó, Hamas bắt đầu tấn công Israel bằng tên lửa. Đáp lại, lực lượng không quân của Israel tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở Dải Gaza, khiến ít nhất 24 người Palestine thiệt mạng.
Tại sao Jerusalem lại quan trọng đối với người Palestine?
Nhà thờ Hồi giáo Aksa ở Jerusalem là thánh địa quan trọng thứ ba của đạo Hồi. Những gì đang diễn ra ở đó có tính biểu tượng mạnh mẽ, không chỉ đối với người Palestine, mà còn đối với nhiều người Hồi giáo trên khắp thế giới. Đối với những người Palestine theo đạo Thiên Chúa cũng vậy, Jerusalem với Nhà thờ Mộ Thánh và Via Dolorosa là một địa điểm mang tính biểu tượng.
Nhưng xung đột với Israel chủ yếu là về đất đai. Israel muốn một mình kiểm soát Jerusalem, trong khi người Palestine tuyên bố phần phía đông là thủ đô của một nhà nước trong tương lai. Cư dân Palestine ở Đông Jerusalem sống với sự phân biệt đối xử, quấy rối và hạn chế đi lại được thiết kế để khuyến khích họ di cư. Do tính biểu tượng tôn giáo của Jerusalem, các cuộc đấu tranh để tồn tại, các yêu cầu dân tộc chủ nghĩa và các yêu sách tôn giáo bị trộn lẫn với nhau. Tôn giáo cũng giúp huy động sự cảm thông của quốc tế, đặc biệt là trong giới Hồi giáo. Nhà thờ Hồi giáo Aqsa và ‘Dome of the Rock‘ với mái vòm vàng, đã trở thành trung tâm của bản sắc dân tộc Palestine.
Jerusalem có ý nghĩa gì đối với người Israel?
Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình. Trong Do Thái giáo, Jerusalem và Núi Đền ở trung tâm Thành phố Cổ có tầm quan trọng hàng đầu. Theo truyền thuyết của người Do Thái, hai ngôi đền cổ từng tọa lạc tại địa điểm có Nhà thờ Hồi giáo Aqsa và nhà thờ vòm đá. Bức tường Than Khóc không chỉ là thánh địa quan trọng nhất của đạo Do Thái, mà còn trở thành biểu tượng quốc gia cho Israel.
Tuy nhiên, xã hội Israel bị chia rẽ trong quan điểm của họ về Jerusalem:
– Nhiều người theo chủ nghĩa thế tục coi Thành phố linh thiêng này là địa điểm quan trọng về mặt tinh thần của những người sùng đạo và có xu hướng sẵn sàng chia sẻ ít nhất quyền kiểm soát các thánh địa.
– Tuy nhiên, những người Do thái chính thống quá khích đã phát triển trong nhiều thế kỷ một khái niệm về Jerusalem như một ý tưởng và địa điểm được khao khát – đối với họ, điều đó quan trọng hơn sự kiểm soát chính trị đối với thành phố trần gian.
– Trong nhiều năm, cái gọi là những người theo tôn giáo quốc gia đã dành được nhiều ảnh hưởng ở Israel, nơi mà phần lớn phong trào định cư thuộc về họ – và đối với họ, quyền kiểm soát chính trị đối với toàn bộ Đất Thánh là một lời hứa cứu rỗi quốc gia.
Ai kiểm soát Jerusalem?
Israel ngày nay kiểm soát cả phía Đông lẫn phía Tây của Jerusalem. Thành phố bị chia đôi bởi Israel trong Chiến tranh Sáng lập năm 1948, với việc Jordan chiếm đóng phần phía đông. Vào năm 1967 Israel chinh phục được Đông Jerusalem, nơi cũng bao gồm Thành phố Cổ với các Thánh địa, và sau đó sáp nhập nó vào nước mình. Tuy nhiên, quỹ Hồi giáo quản lý Nhà thờ Hồi giáo Aksa vẫn chịu sự giám sát của Jordan cho đến ngày nay. Năm 1980, Knesset tuyên bố Jerusalem “thống nhất” là thủ đô của Israel.
Hàng rào do Israel xây dựng làm cho Jerusalem bị ngăn cách với Bờ Tây và Chính quyền Palestine chỉ có quyền tiếp cận rất hạn chế. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế đã được thiết lập, Đông Jerusalem ngày nay vẫn được coi là bị chiếm đóng. Các sáng kiến ngoại giao đã hình dung Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai, với một cơ quan quản lý quốc tế đang được thảo luận về khu phố cổ với các thánh địa. Tuy nhiên, không bao giờ có một bước đột phá trong các cuộc đàm phán hòa bình. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phá vỡ sự đồng thuận quốc tế vào năm 2017 và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Rất ít quốc gia khác đã làm như vậy.
Tại sao Hamas lại tấn công Israel bằng tên lửa?
Tại Dải Gaza do Hamas kiểm soát, tình hình rất bấp bênh. Sự phong tỏa của Israel, hạn chế việc đi lại của Ai Cập, sự khốn cùng về kinh tế ngày càng tăng và gần đây nhất là đại dịch corona đang khiến cuộc sống của người dân ở đó ngày càng khó khăn hơn. Ban lãnh đạo Hamas gần đây tỏ ra lạc quan về cuộc bầu cử Palestine đã được công bố. Với tính hợp pháp dân chủ, họ có thể trở thành một phần của chính phủ mới, cho nên họ rất thực dụng và sẵn sàng đàm phán. Hamas rõ ràng hy vọng là sẽ thoát ra khỏi sự cô lập quốc tế. Israel, châu Âu và Mỹ coi Hamas là một tổ chức khủng bố.
Hiện các cuộc bầu cử đã bị hoãn vô thời hạn, và sự tức giận của người Palestine đối với nền chính trị Israel biến thành các cuộc biểu tình và đụng độ bạo lực ở Jerusalem và các khu vực khác. Với các tên lửa để đối phó với sự leo thang bạo lực ở Jerusalem, Hamas đóng vai trò là người bảo vệ người Palestine, trong khi Tổng thống Mahmoud Abbas đứng nhìn bất lực ở Ramallah. Hamas đã từng hành động tương tự trong quá khứ khi bạo lực leo thang ở Jerusalem. Điều bất thường lần này là lần đầu tiên họ ra tối hậu thư cho Israel, yêu cầu tất cả lực lượng cảnh sát phải rút khỏi Temple Mount và khu phố Sheikh Jarrah, cũng như thả những người bị bắt trong các cuộc đụng độ gần đây.
Vai trò của Thủ tướng Israel Netanyahu là gì?
Benjamin Netanyahu đã làm rất ít để ngăn chặn các hành động khiêu khích từ những kẻ cực đoan Do Thái hoặc để kiềm chế các hành động gây hấn của lực lượng an ninh. Ông ta đang hưởng lợi từ sự leo thang bạo lực gần đây, đặc biệt là vì các đối thủ của ông ta là Yair Lapid và Naftali Bennett sẽ khó thành lập liên minh chính phủ trong những trường hợp này. Đặc biệt, họ khó có thể trông chờ vào sự ủng hộ của các đảng Ả Rập sau khi họ lên tiếng ủng hộ một đường lối quân sự khắc nghiệt. Nhưng họ cần những đảng này để thành lập chính phủ sau khi Netanyahu không thực hiện được.
Có nỗ lực hòa bình nào không?
Các cuộc đàm phán giữa Israel và Chính quyền Palestine đã bị đình trệ trong nhiều năm. Trong khi đó, việc xây dựng khu định cư của Israel đang được tiến hành. Điều đó làm cho một giải pháp hai quốc gia trở nên không thực tế. Một sáng kiến hòa bình của Liên đoàn Ả Rập vào năm 2002 hứa hẹn bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy việc Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vào năm 1967. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã bình thường hóa quan hệ với Israel và từ bỏ nguyên tắc “hòa bình đổi lấy đất” của Ả Rập.
Thế giới đang phản ứng như thế nào?
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi “tất cả các bên” giảm leo thang. Dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, mối quan hệ với Israel và Netanyahu không còn đậm đà như thời Donald Trump. Tuy nhiên, không có sự thay đổi hướng đi thực sự nào, mặc dù một số đảng viên Đảng Dân chủ đã kêu gọi Biden có lập trường cứng rắn hơn.
Phản ứng rõ ràng đến từ thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út và Oman kêu gọi Israel tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền cầu nguyện hòa bình, ý là nói đến các hạn chế đối với việc đi lại đến Nhà thờ Hồi giáo Aqsa trên Temple Mount và các hành động của lực lượng an ninh Israel tại thánh địa.
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lợi dụng căng thẳng để hùng biện dân túy: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan nói về “sự khủng bố” của Israel, Ngoại trưởng Iran cáo buộc Israel đã bắn vào “những người cầu nguyện vô tội” ở Nhà thờ Hồi giáo Aqsa.
Kể từ chính quyền Yasser Arafat thế kỷ trước, Palestine và khối A rập nói chung đã theo đuổi chính trị sai lầm “thù địch sống còn và không thừa nhận tồn tại quôc gia Israel”. Thật ngông cuồng và ảo tưởng, chẳng khác gì phủ nhận sự tồn tại của tượng Sphinx.
Với bản năng sinh tồn giữa khối thù địch hàng trăm triệu dân và sức mạnh kinh tế khổng lồ của túi dầu mỏ Trung đông, Israel phải giữ động thái sẵn sàng chiến đấu, hung hăng và quyết đoán: vũ trang toàn dân, đáp trả tức khắc và gấp chục lần mỗi khi bị gây hấn.
Mối quan hệ cay đắng nầy, đặc biệt giữa Israel và Palestine, chỉ có thể giải quyết căn cơ khi chính Palestine tuyên bố thừa nhận quốc gia Israel, bỏ qua quá khứ trên mọi ý nghĩa, và nhận thức rằng quốc gia nhỏ bé nầy quá mạnh, quá dũng mãnh, không thể thắng được, và chỉ có thể cộng tồn hoà bình.
Nếu VNCH mà khôn sớm như Israel thì làm gì bắc việt chiếm được miền nam!
Con chó điên Erdogan nên nói về việc Bắc Kinh đàn áp người duy ngô nhĩ.
Đây là một chính trị gia lưu manh hoạt đầu, lừa thầy phản bạn. Nhưng y quá ranh ma, và đã gậy dựng một lực lượng quân sự đáng gờm; Nga còn phải dè chừng.