Miến Điện: Trong – ngoài/ mặt nổi – mặt chìm

Nguyễn Đan Quế

26-4-2021

Bên trong Myanmar

Quân đội đảo chánh lên nắm quyền và ban hành lệnh khẩn cấp trong vòng một năm, kể từ ngày 1-2-2021. Vài ngày sau, phong trào bất tuân dân sự với các cuộc biểu tình bất bạo động đã liên tục xảy ra tại nhiều thành phố trên cả nước. Quân đội hết sức mạnh tay đàn áp nhưng vẫn không dập tắt được.

Nhiều thành phần xã hội tham gia: Đi đầu là giới trẻ sinh viên – học sinh, dùng mạng xã hội phát động, được quần chúng ủng hộ, dưới nhiều dạng sáng tạo, từ xe cộ bấm còi, đập xoong chảo khua vang, treo áo quần đàn bà ngang đường, đến các cửa hàng đóng cửa, các bác sĩ – y tá bệnh viện không đi làm, các nghiệp đoàn kêu gọi đình công, các nhà sư xuống đường…

Nền kinh tế chựng hẳn lại. Lực lượng vũ trang thô sơ của những sắc dân thiểu số ủng hộ phe biểu tình chống tàn sát dân lành, không một tấc sắt trong tay. Đến nay, sau gần 3 tháng rối loạn, hơn 700 người chết, hơn 3000 ngưởi bị bắt, và hơn 300 ngàn người chạy sang lánh nạn ở các nước lân bang.

Mặt nổi: Phe quân nhân không ổn định được tình thế. Phong trào quần chúng bất tuân dân sự vẫn tiếp tục, không có dấu hiệu chùn bước. Chưa thấy tia sáng nào le lói cuối đường hầm. Nguy cơ nội chiến là có thể.

Mặt chìm: Thua đậm trong kỳ bầu cử quốc hội tháng 11-2020, phe quân nhân cho là có gian lận qui mô lớn, đứng lên lật đổ chính quyền. Thật ra là họ sợ mất thế và quyền làm ăn ‘không rõ ràng’ liên quan đến buôn bán thuốc phiện, ma túy, ngọc trai, gỗ lậu, khí giới, tham nhũng trong đầu tư với nước ngoài, chẳng hạn như làm các đập thủy điện với Trung Quốc, phối hợp thiết lập mạng viễn thông Viettel với quân đội Việt Nam…

Còn phong trào bất tuân dân sự với các cuộc biểu tình bất bạo động vững mạnh suốt gần ba tháng qua, chưa có vẻ gì suy giảm trước sức đàn áp dã man với đủ loại vũ khí sát thương của cảnh sát – quân đội, gây thán phục cho dư luận các nước trong vùng cũng như trên thế giới.

Động lực bất tuân dân sự kỳ này ở Miến khác những phong trào quần chúng đấu tranh ở Thái hay Hồng Kông trước đây. Lý do thâm sâu là vì Cách mạng Số đang diễn ra như vũ bão trên toàn cầu thì bỗng nhiên đầu năm 2020 dịch Covid lây lan nhanh làm chậm hẳn lại mọi hoạt động xã hội, con người trầm lắng xuống, có dịp trở lại gần với bản chất thật của mình. Đến cuối năm, bồi thêm ‘hiện tượng Donald Trump’ ức thất cử, phản ứng lung tung gây khủng hoảng niềm tin vào tư bản chủ nghĩa, vẫn được ca ngợi là lý tưởng mẫu mực cho các nước khác noi theo, giống khủng hoảng niềm tin vào ‘thiên đường cộng sản’ khi Liên Xô sụp trước đây. Thế là không ai bảo ai, không đảng phái nào đầu têu, người dân bình thường thường khắp nơi trên thế giới tự động lột xác, vứt bỏ mọi tuyên truyền của cả hai hệ thống chính trị đã điều kiện hóa nặng nề nếp suy nghĩ của họ.

Covid và ‘hiện tượng Donald Trump’ trên nền Cách mạng Số khai mào cho Cao trào Nhân Bản Hóa toàn cầu. Chính Số Hóa và Cao trào Nhân Bản Hóa là điều kiện cần và đủ để đưa nhân loại đi vào nền văn minh mới Nhân Bản. Đương nhiên hạ tầng mới sẽ quyết định hình thành những thượng tầng mới có tính hợp tác cao hơn thời chiến tranh lạnh rất nhiều. Có thế mới giải quyết hữu hiệu mâu thuẫn chính giầu – nghèo trên thế giới, cùng những thách thức thời đại như thay đổi khí hậu, nước biển dâng cao, sử dụng không gian, khai thác đáy biển, mạng toàn cầu internet, vấn đề nhân quyền hiểu theo quan niệm mới về con người…

Bên ngoài Myanmar

Mặt nổi: Rất sớm LHQ, các nước Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada… lên tiếng yêu cầu ngưng ngay đàn áp. Một số như Mỹ, Anh riêng lẻ thi hành các biện pháp trừng phạt. Trong khi Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Việt Nam cho rằng, Miến là vấn đề nội bộ, ngoài chỉ nên tạo điều kiện để trong giải quyết. Asean cũng bị ràng buộc bởi nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp nội bộ của Khối.

Sau vụ thảm sát người biểu tình ngày 27-3, ít nhất 153 người chết và ngày 9-4 có 82 người chết. Hội đồng Bảo An LHQ đã họp khẩn nhiều lần. Tuy chưa đưa ra được phương hướng giải quyết nào hay đồng ý được phương cách trừng phạt chung nào, nhưng sự lên án càng lúc càng gay gắt hơn và cho thấy LHQ ủng hộ tìm giải pháp qua ngả Asean.

Asean khẩn cấp đứng ra tổ chức hội nghị thủ lãnh 10 nước thành viên ngày 24-4 ở thủ đô Jakarta – Indonesia. Thái, Lào và Philippines chỉ gửi bộ trưởng ngoại giao tham dự. Người cầm đầu phe quân đội, tướng Min Aung Hlaing có đến.

Theo phát biểu từ Chủ tịch Brunei của ASEAN, sau hội nghị ngày 24-4: “Các nước đạt được đồng thuận về năm điểm – chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, đặc phái viên ASEAN giúp xúc tiến đối thoại, chấp nhận viện trợ và một chuyến thăm của đặc phái viên này tới Myanmar. Việc thả các tù nhân chính trị không được nhắc tới trong phát biểu”.

Mặt chìm: Mỹ – Trung – Nga – Nhật – Đức là những siêu cường Số, đều cùng nằm trong diện Cao trào Nhân Bản Hóa Toàn cầu, đương nhiên tiếng nói mạnh nhất trong sinh hoạt chính trị thế giới, đang chuyển sang nền Nhân Bản Kỹ Trị. Hiện mặt nổi công kích chửi bới nhau, trừng phạt nhau… chỉ là chuyện nhỏ, không phải là những vấn đề cốt lõi, có thể cắt xén, vứt bỏ để phù hợp tình thế mỗi nước khi xoay chuyển vào thế Hợp tác Liên Hoàn.

Chuyển động đó là: (1) Xoay vào bàn tròn nhìn mặt nhau, không còn mâu thuẫn ý thức hệ CS – TB. Cao trào Nhân Bản Hóa toàn cầu đã và đang giúp rất nhiều vấn đề này. (2) Về quân sự tương đối ngang bằng, không phải để xung đột nhau. Mà đang được bố trí lại nhằm phục vụ thế mới (3) trong thế mới Hợp tác Bắc – Nam: các nước nghèo trở thành gánh nặng cho các nước giầu, được ổn định cơ bản bằng chuyển giao Cách mạng Kỹ Nghệ Hóa. Đây mới là phương cách cạnh tranh ảnh hưởng giữa 5 Siêu cường Số trên khối Nam, qua 5 tổ chức hợp tác vùng: Đông Nam Á – Thái Bình Dương, tiểu lục địa Ấn Độ, Phi Châu, Trung Đông, Châu Mỹ La Tinh. Asean là thí điểm đầu tiên và quan trọng nhất.

Hội nghị khẩn cấp Asean là mặt nổi. Ở mặt chìm, Mỹ – Trung – Nhật – Đức – Nga đang vừa vận động các nước Asean thuộc ‘cánh hẩu’ vừa xoay mình vào thế Hợp tác Liên Hoàn.

Bao quát bên trên cả trong lẫn ngoài, cả trên lẫn dưới, hướng thế giới vào Thế chiến lược toàn cầu mới Hợp tác Bắc – Nam, nắm vững ý đồ các cường quốc Số, tổng thư ký LHQ có trách nhiệm khéo léo thúc đẩy tiến trình từ trên xuống dưới và cả từ dưới lên trên, thông qua hội nghị khẩn cấp Asean ở Jakarta 24-4-2021.

Dĩ nhiên là khó khăn và phải có thời gian. Nhưng tương lai của thế giới, của các tổ chức hợp tác vùng như Asean, của cuộc đấu tranh đáng ngưỡng mộ từ người dân Myanmar đang hy sinh là đáng để mọi nước, mọi xã hội dân sự, mọi người chúng ta đóng góp vào giải quyết hồ sơ Myanmar.

Bs Nguyễn Đan Quế, Cao trào Nhân Bản

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Đúng như tác giả Nguyễn Đan Quế viết: “Đến nay, sau gần 3 tháng rối loạn, hơn 700 người chết, hơn 3000 ngưởi bị bắt…”. Cầm súng bắn vào dân mình, chính quyền quân phiệt Miến cho thế giới thấy rõ họ là ai. Chưa kể, họ có thể bị truy tố “Tội ác chống lại loài người” (Crimes against humanity).

  2. Trích:
    “…trước sức đàn áp dã man với đủ loại vũ khí sát thương của cảnh sát – quân đội, gây thán phục cho dư luận các nước trong vùng cũng như trên thế giới./.

    Có lẽ ông đã dịch từ tài liệu, báo chí nào đó trong ấy có chữ exclamation (Pháp/Anh đều cùng spelling)
    *Exclamation: sự cảm thán (ngạc nhiên; thú vị; giận dữ, ta thán)
    *Tôi nghĩ ông dịch “gây thán phục” là phản cảm.

    “Sau vụ thảm sát người biểu tình ngày 27-3, ít nhất 153 người chết và ngày 9-4 có 82 người chết. Hội đồng Bảo An LHQ đã họp khẩn nhiều lần. Tuy chưa đưa ra được phương hướng giải quyết nào hay đồng ý được phương cách trừng phạt chung nào, nhưng sự lên án càng lúc càng gay gắt hơn và cho thấy LHQ ủng hộ tìm giải pháp qua ngả Asean”

    *những con số không được cập nhật, quá mỉa mai khi tính đến nay đã trên 700 người bị giết, hàng nghìn người bị thương, và hàng nghìn người khác bị giam cầm, tra tấn…chết cũng không ai biết, làm giảm giá trị tính thời sự của bài viết.
    Như một chuyện đời xưa kể lại một cách hời hợt. Chỉ để lý luận cao siêu trên mây, vô ích!

    *Nhắc đến tình hình đàn áp dã man tại Myanmar không thể không nói đến sự phẫn nộ về thực trạng bất lực của LHQ.
    Nói LHQ bất lực không thể không tố cáo sự lạm quyền phủ quyết của 2 thành viên HĐBA cộng sản và cựu cs, mà cả thế giới đều quen mặt ác của họ.
    Ông tránh né cái nầy thì bài đi mây về gió nầy không ai đọc cho đến nay, ngoài tôi.
    Và sau tôi, tại vì tôi, có thể sẽ có người khác lên tiếng để bác bỏ ý tôi.
    Nếu không ai nữa, càng chứng tỏ bài nầy nên “rút kinh nghiệm” lần tới.

    “Chuyển động đó là:
    (1) Xoay vào bàn tròn nhìn mặt nhau, không còn mâu thuẫn ý thức hệ CS – TB. Cao trào Nhân Bản Hóa toàn cầu đã và đang giúp rất nhiều vấn đề này.”

    *Với TQ, VN…thì cái nầy giống như tự chuyển hoá, tự chuyển biến. Ngu mới làm,

    “(2) Về quân sự tương đối ngang bằng, không phải để xung đột nhau. Mà đang được bố trí lại nhằm phục vụ thế mới”
    *Cái nầy TQ, Bắc Triều Tiên đã lo từ lâu: giấu hết lực lượng chủ lực xuống hầm đào sâu trong núi.
    Ai tin nổi mà thoả thuận được món nầy?

    “(3) trong thế mới Hợp tác Bắc – Nam: các nước nghèo trở thành gánh nặng cho các nước giầu, được ổn định cơ bản bằng chuyển giao Cách mạng Kỹ Nghệ Hóa.”
    *Nguyên tắc lợi nhuận, thị trường, cạnh tranh có còn trong kinh tế học không?
    Họ sản xuất bán cho ai?
    Máy móc, kỹ thuật, công nghệ lạc hậu ai mua, tiêu thụ?
    Chất thải của họ xuất về đâu?

    • Tôi xin huỷ bỏ đoạn văn bình luận, từ *những con số không được cập nhật…hời hợt.
      Tôi xin lỗi tác giả. Tuổi già sớn sác.

  3. Cao trào Nhân Bản Hóa toàn cầu;
    nền văn minh mới Nhân Bản;
    nền Nhân Bản Kỹ Trị;
    thế Hợp tác Liên Hoàn;
    thế mới Hợp tác Bắc – Nam;
    thế chiến lược toàn cầu mới Hợp tác Bắc – Nam….
    Quả thật là nghe quá xa vời với Cao trào của Bs., Cao trào này có thể áp dụng cho hệ thống toàn trị VN được không?
    Việc Min Aung Hlaing mang tội ác chống lại loài người có mặt không cải thiện được tình thế, việc VN, một thể chế cầm quyền có được do đi cướp chính quyền có mặt đồng hành với bọn cướp chính quyền Min Aung Hlaing cũng giống kẻ cắp đi khuyên nhủ kẻ cướp.
    (Lê Quang) Trên thực tế, đây là thứ khó có thể chấp nhận. Một chính thể nào đi nữa cũng cần được dựng lên thông qua dân bầu. Nếu không phải là một nhà nước dân bầu thì .,..

  4. Marcuse trích Hegel

    Níu thực tế hổng phù hợp với lý thuyết, mặc kệ thực tế

  5. Thật sự mà nói, tôi chẳng hiểu cái gọi là ” cao trào nhân bản”
    Hãy nhìn kỹ để mà hiểu vì đây là cõi người không phải cõi Thánh. Thay vì cố công đi tìm hiểu ” cao trào nhân bản” tôi tìm hiểu đạo Phật có lẽ đam mê hơn vì thiết thực hơn.
    ” để đi nhanh hơn thì nên đi 1 mình. Để đi xa hơn, hãy đi cùng mọi người”

Comments are closed.