Bản tin ngày 22-3-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết: Ngày 20/3/2021, tàu hải cảnh TQ CCG 5304 đã thực hiện lần thâm nhập thứ 9 vào khu vực lô khai thác dầu khí 05.03. Vào lúc 5h28’ ngày 21/3, tàu CCG 5304 đã di chuyển đến địa điểm chỉ cách bờ biển tỉnh Trà Vinh khoảng 174 hải lý, nghĩa là tàu này đã đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Tàu hải cảnh TQ CCG 5304 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế VN, chỉ cách bờ biển tỉnh Trà Vinh khoảng 174 hải lý. Ảnh: FB Phạm Thắng Nam

Lực lượng đặc trách quốc gia (NTF) Biển Tây Philippines phát hiện hơn 200 tàu Trung Quốc tập trung ở một khu vực trên Biển Đông, báo Thời Đại dẫn tin từ Inquirer. NTF nhận được báo cáo của lực lượng tuần duyên Philippines về sự xuất hiện của 220 tàu TQ tập trung tại khu vực rạn san hô Julian Felipe, hay còn gọi là Whitsun, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Những chiếc tàu neo thành hàng, do các dân quân TQ điều khiển.

Tàu quân sự TQ neo đậu tại khu vực rạn san hô Whitsun ở Biển Đông vào ngày 7/3. Ảnh: Reuters/TĐ

NTF cũng bày tỏ lo ngại về khả năng các tàu “dân quân biển” TQ đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường, cùng với nguy cơ an ninh hàng hải. Nhưng thông tin từ hiện trường cho thấy, sự hiện diện của lực lượng dân quân TQ không phải để khai thác hải sản: “Bất chấp thời tiết thuận lợi vào thời điểm đó, các tàu Trung Quốc tập trung ở rạn san hô không có bất kỳ động thái đánh bắt nào và đã bật đèn trắng suốt đêm”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Lo ngại việc Trung Quốc ‘cải thiện đều đặn’ năng lực quân sự. Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật, thuộc Bộ Quốc phòng Nhật, báo cáo, nhận định TQ đang “cải thiện đều đặn” năng lực quân sự của mình nhằm chống lại các tàu của Hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương, như vụ TQ triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ khu vực đất liền, nhằm đẩy lùi tàu sân bay Mỹ khỏi vùng biển xung quanh.

Bản báo cáo của Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật cũng lưu ý, vụ TQ tiến hành quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp tại các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, cũng như nhiều lần điều các tàu tuần duyên đi vào vùng biển của Nhật gần quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Bẫy thông tin Biển Đông của Trung Quốc. Bài báo bàn về các thủ thuật tuyên truyền của TQ nhằm “gắp lửa bỏ tay người” ở Biển Đông, biến Mỹ và các nước đồng minh thành “thủ phạm” khiến tình hình căng thẳng, còn TQ chỉ là “nạn nhân” tìm cách tự vệ.  

Mời đọc thêm: ‘Đội tàu đánh cá’ lớn của Trung Quốc khiến Philippines quan ngại (BBC). – Philippines chính thức phản đối Trung Quốc về 220 tàu cá trên Biển Đông (GT). – Philippines yêu cầu hơn 200 tàu Trung Quốc rời khỏi vùng tranh chấp (VNN).

Tư lệnh Mỹ quyết dập tắt tham vọng quân sự của Trung Quốc (Zing). – Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ công du Ấn Độ để tăng cường hợp tác đối phó với Bắc Kinh — Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác quân sự về Đài Loan và tập trận chung ở Senkaku? (RFI). – Hai tiêm kích Đài Loan đâm nhau, lao xuống biển (VNE). – Ngoại trưởng Singapore thăm ba nước Đông Nam Á (VOA). 

Tin “đốt lò”

Trong các ngày 18,19 và 22/3/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 13 đã tiến hành kỳ họp thứ 2 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú. Theo thông báo kết quả kỳ họp, UBKTTƯ đề nghị Ban Bí thư khai trừ Đảng ông Tất Thành Cang, báo Thanh Niên đưa tin. Đề nghị này được đưa ra sau khi UBKTTƯ xem xét các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước liên quan tới một số doanh nghiệp quốc doanh ở thành Hồ.

Ông Tất Thành Cang bị đề nghị khai trừ đảng, do trong thời gian làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của đảng, pháp luật của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công tại Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO). 

Cũng liên quan tới sai phạm ở thành Hồ, UBKTTƯ quyết định kỷ luật cảnh cáo nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị SABECO Phan Đăng Tuất, theo báo Lao Động. Cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn bị kỷ luật vì sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1. 

Ông Phan Đăng Tuất, cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco bị kỷ luật cảnh cáo. Ảnh: LĐ

Về vụ án “đất vàng” ở quận 1, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” vào ngày 18/1 nhưng phải tạm dừng. Phiên tòa xét xử ông Hoàng đã phải tạm dừng đến 2 lần, đều vì lý do vắng mặt một số người liên quan.

Liên quan tới vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bổ nhiệm Phó GĐ Sở KH&ĐT mới 31 tuổi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Vĩnh Phúc thu hồi quyết định bổ nhiệm sai, VietNamNet đưa tin. UBKTTƯ nhận định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của đảng, nhà nước về bổ nhiệm cán bộ.

UBKTTƯ yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết sai quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Cá nhân “có liên quan” nhất là bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, mẹ của cô Trần Huyền Trang, một trong các Phó GĐ Sở trẻ nhất nước. 

Trước đó, cuối tháng 2/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phú khiến dư luận “dậy sóng” với quyết định bổ nhiệm bà Trang vào vị trí Phó GĐ Sở KH&ĐT của tỉnh Vĩnh Phúc khi bà chỉ 31 tuổi. Đến ngày 2/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra thông báo khẳng định, họ không phải chịu bất cứ “áp lực” gì trong vụ bổ nhiệm này, họ làm đúng theo “yêu cầu khách quan của thực tiễn và tiêu chuẩn, điều kiện, bổ nhiệm cán bộ theo quy định”. Như vậy, “thực tiễn” mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhìn thấy với “thực tiễn” trong mắt UBKTTƯ không giống nhau.    

VnExpress đưa tin: Cựu chánh án tỉnh Phú Yên bị đề nghị khai trừ Đảng. UBKTTƯ thông báo, cựu chánh án tỉnh Phú Yên Lê Văn Phước đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của đảng, pháp luật trong quản lý, sử dụng tài chính, trong thời gian làm Chánh án TAND tỉnh Phú Yên. Ông Phước đã phải ra tòa vào tháng 12/2019 về tội “Tham ô tài sản”. 

VTV có clip: Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật nhiều cán bộ

Mời đọc thêm: Toàn văn Thông cáo kỳ họp thứ 2 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (VOV). – Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị khai trừ Đảng nguyên Phó Bí thư TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang (Thanh Tra). – Đề nghị khai trừ Đảng ông Tất Thành Cang (Zing). Cảnh cáo nguyên Chủ tịch SABECO Phan Đăng Tuất, đề nghị khai trừ Đảng ông Tất Thành Cang (ANTĐ). – Cựu Chủ tịch Sabeco Phan Đăng Tuất bị kỷ luật cảnh cáo (TP). – Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có nhiều vi phạm trong công tác cán bộ (PT). – BVPL: Đề nghị thu hồi, hủy bỏ các quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ tại Vĩnh Phúc (BVPL). 

Tin đại án

TAND TP Hà Nội đã bắt đầu phiên tòa xét xử vụ thất thoát hơn 960 tỷ đồng tại GPBank, báo Tiền Phong đưa tin. Phiên tòa xét xử bị cáo Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Dầu khí (GPBank) và 12 đồng phạm, trong vụ án thất thoát hơn 960 tỉ đồng dự kiến kéo dài trong 7 ngày. Các bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, từ tháng 8 đến tháng 9/2011, bị cáo Phùng Ngọc Khánh, cựu Phó chủ tịch Công ty Sài Gòn One đã bàn với 2 đồng phạm là Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch Công ty Điện lực Sài Gòn và Kim Văn Bộ, Phó GĐ Công ty Điện lực Sài Gòn để lập khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ Dự án cao ốc Sài Gòn M&C với giá hơn 477 tỷ đồng. Nhóm 3 bị cáo này đã chiếm đoạt hơn 290 tỉ đồng của GPBank. 

Trang An Ninh Thủ Đô có bài: “Nhào nặn” hồ sơ vay vốn, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ ngân hàng hầu tòa. Bị cáo Phòng Ngọc Khánh đã nâng khống giá trị của 255.000 cổ phần của Công ty M&C từ hơn 14 tỷ đồng lên tới 510 tỉ đồng để dùng làm tài sản đảm bảo cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay 305 tỉ đồng của GPBank.

Đến nay, không thể xác định giá trị cổ phần Công ty M&C nên về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm, theo yêu cầu của GPBank là hơn 960 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc 305 tỉ đồng và nợ lãi hơn 656 tỉ đồng.

***

Sau 5 ngày tạm ngưng, TAND TP HCM đã mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, GĐ Công ty BĐS Diệp Bạch Dương và các đồng phạm liên quan đến vụ hoán đổi “đất vàng” ở số 57 Cao Thắng. Phiên tòa chuyển sang phần luận tội, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bị Viện KSND đề nghị mức án chung thân, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. 

Đại diện Viện KSND cho rằng, bị cáo Diệp có mục đích chiếm đoạt tài sản Nhà nước đến cùng trong vụ mua tài sản số 57 Cao Thắng để hoán đổi với tài sản số 185 Hai Bà Trưng. Vụ bị cáo Diệp không thông báo cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM biết tài sản 57 Cao Thắng đã thế chấp cho các khoản vay tại Agribank, thể hiện sự gian dối. Bà Diệp bị đề nghị án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Về người được cho là đồng phạm lớn nhất của bà Diệp: cựu Phó Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Tài bị đề nghị 5-6 năm tù, theo báo Đại Đoàn Kết. Ông Tài bị cáo buộc thiếu trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước, đã ký văn bản có nội dung chấp thuận phương án hoán đổi 2 khu đất. Ông Tài thừa nhận sai phạm, nhưng đổ tội cho cấp dưới, lấy lý do “hoàn cảnh phạm tội do bản thân quá tin tưởng vào bộ phận tham mưu”.

Zing có đồ họa: Mức án VKS đề nghị đối với ông Nguyễn Thành Tài và đồng phạm.

Phần luận tội đã kết thúc trưa nay. Đến chiều, phiên tòa chuyển sang tranh luận: Luật sư đề nghị trả tự do cho bà Diệp Bạch Dương, VnExpress đưa tin. LS Phan Trung Hoài lập luận, cả phía lãnh đạo thành Hồ và bà Diệp đều có nhu cầu đổi đất, quá trình hình thành chủ trương, triển khai thực hiện đến việc bàn giao tài sản, kéo dài hơn 5 năm, với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng và được chính sự chấp thuận của Chủ tịch UBND TP HCM lúc đó là ông Lê Hoàng Quân

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tự bào chữa trong phiên xử chiều nay. Ảnh: Hữu Khoa/VNE

Phần bào chữa của LS Hoài có nhiều lập luận, đi kèm các bằng chứng, nhưng đều xoay quanh trọng điểm: Một mình bà Diệp không thể lấy tay che trời, nếu ông Lê Hoàng Quân và nhóm thuộc cấp của ông ta không có ý bán “đất vàng” thu lợi, thì người dân như bà Diệp làm cách nào để ép buộc những kẻ nắm trong tay quyền lực phải theo ý bà?

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi nhạy cảm về vụ hoán đổi đất công: Ông Lê Hoàng Quân cùng cấp dưới phạm cùng một lỗi? LS Hoài lập luận: “Tất cả đơn vị, cá nhân tham gia giải quyết hoán đổi tài sản (trong đó có ông Lê Hoàng Quân) đều có chung lỗi, đó là không tiến hành xác định rõ điều kiện pháp lý tài sản 57 Cao Thắng. Lời khai này phù hợp với lời khai của một số bị cáo, người liên quan. Mặt khác, cơ quan chức năng không có căn cứ nói rõ điều kiện tiên quyết khi hoán đổi là tài sản không được cầm cố, thế chấp”. Trước đó, LS biện hộ cho bị cáo Tài cũng xác nhận, ông Tài thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo từ cấp trên là ông Lê Hoàng Quân.

Mời đọc thêm: 10 lãnh đạo, cán bộ GPBank hầu tòa do vi phạm quy định cho vay (Tin Tức). – 10 cựu lãnh đạo, cán bộ GPBank hầu tòa vụ vi phạm quy định cho vay gây thiệt hại 961 tỷ đồng (DNVN). – Cựu chủ tịch GPBank hầu tòa vụ lập khống hồ sơ dự án Sài Gòn M&C, chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng (ĐTCK). Mời đọc lại: Cựu chủ tịch và tổng giám đốc GPBank bị đề nghị truy tố vì gây thiệt hại 961 tỉ (TT). 

 – Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị mức án chung thân, ông Nguyễn Thành Tài 5-6 năm tù (DNVN). – Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tù chung thân (HNM). – Trên 70 tuổi, vì sao nữ đại gia Bạch Diệp vẫn bị đề nghị án chung thân? (NĐT). – Lập luận của luật sư bà Dương Thị Bạch Diệp (PLTP). – Vụ hoán đổi nhà đất công 185 Hai Bà Trưng: Bà Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục khẳng định bị Agribank lừa (SGGP). 

Tin nhân quyền

VTC đưa tin: Xâm phạm an ninh quốc gia, một bác sĩ ở Nghệ An bị bắt. Đó là BS Nguyễn Duy Hướng, vừa bị công an tỉnh Nghệ An thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

BS Hướng mở phòng khám tư nhân Duy Nhi tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành, bị cáo buộc sử dụng tài khoản Facebook “Bảo Kiếm” để thực hiện các hoạt động “xâm phạm an ninh quốc gia”, nhưng BS Hướng chỉ dùng FB cá nhân để đăng tải, chia sẻ các bài viết bất lợi cho chế độ. 

BS Nguyễn Duy Hướng lúc bị bắt giữ. Ảnh: CA/VTC

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên cho biết, nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương bị đưa từ nhà tù vào trại tâm thần. Hôm nay, bà Trịnh Thị Thảo, em gái ông Phương xác nhận, ông đã bị chuyển từ nhà tù đến Bệnh viện Tâm thần TƯ 1 để “phục vụ công tác điều tra”. Bà Thảo chia sẻ, gia đình bà không ngạc nhiên khi anh trai bà bị đưa đến trại tâm thần vì sau khi ông Phương bị bắt, vợ ông đi làm khai sinh cho đứa con mới chào đời, đã bị điều tra viên Nguyễn Thế Bắc hỏi rằng “lúc ở nhà, tâm lý anh Phương có ổn định không?”

Từ trái sang: Ông Trịnh Bá Tư, ông Trịnh Bá Phương và mẹ của hai người là bà Cấn Thị Thêu. Ảnh trên mạng

RFA có bài: Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị công an chuyển sang viện tâm thần do “giữ quyền im lặng”. Vợ ông Phương, bà Đỗ Thị Thu cho biết: “Họ cũng nói rằng trong quá trình điều tra thì anh Phương không trả lời và cũng không nhìn họ, anh lấy giữ quyền im lặng! Tháng 12 năm 2020, anh Phương cũng nhờ một người gọi điện ra cho em và người đó bảo rằng anh Phương sẽ giữ quyền im lặng cho đến khi gặp được luật sư và cũng nhắc nhở gia đình không phải nói gì hết bởi vì mình có quyền im lặng”.

LS Đặng Đình Mạnh bình luận: “Thật ra cái việc mà một người bị can không trả lời là cái quyền do Bộ luật tố tụng hình sự quy định sẵn rồi, cho nên anh rất là ngạc nhiên khi mà nói rằng là: ‘Không trả lời thì hóa ra có dấu hiệu về tâm thần để mà đưa đi giám định về vấn đề tâm thần’. Đại khái là nghe rất là lạ!”

Mời đọc thêm: Nhà tranh đấu Trịnh Bá Phương bị đưa vào bệnh viện tâm thần (NV). – Tòa án Phú Yên bất ngờ hoãn xử nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu (RFA). – Ân Xá Quốc Tế: Trung Quốc giam trẻ em Duy Ngô Nhĩ trong các “trại mồ côi”Biểu tình ở Mỹ và Canada chống kỳ thị người gốc Á (RFI). – Houston tưởng niệm nạn nhân Atlanta và lên án nạn kỳ thị người gốc ÁBiểu tình rầm rộ ở Atlanta, New York, Washington, DC chống kỳ thị gốc Á (NV).

Cập nhật tin Miến Điện

RFI có bài: Quân đội Miến Điện và những “đồng tiền máu”. 50 ngày sau vụ đảo chính quân sự 1/2, xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy, chính quyền quân phiệt Miến Điện đang thiếu tiền mặt. Ngân hàng TƯ Miến Điện đã cố gắng chuyển một tỉ Mỹ kim từ Ngân hàng Dự trữ liên bang New York, nhưng bị chính phủ Mỹ chặn lại. Sau đó, chính quyền quân phiệt định bán 200 tỉ kyat (142 triệu Mỹ kim) trái phiếu kỳ hạn 5 năm, nhưng không thành công. 

Trang Đầu tư Tài chính VN cập nhật số người bị bắn chết trong biểu tình Myanmar: Tiếp tục đổ máu, 250 người tử vong. Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị Miến Điện (AAPP) cho biết, số người chết trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người tham gia biểu tình tính từ ngày 5/2 – 21/3 đã tăng lên đến 250 người. Tổng số người bị bắt tính đến ngày 21/3 lên đến 2.665 người. AAPP khuyến cáo, cả số người thiệt mạng và số người bị bắt, trên thực tế cao hơn so với số liệu được thống kê, xác nhận. 

Mời đọc thêm: Myanmar: Số người thiệt mạng tăng, bác sĩ xuống đường biểu tình (NLĐ). – Bác sĩ, y tá Myanmar xuống đường biểu tình từ sáng sớm (VTC). – EU trừng phạt 11 người liên quan đến binh biến Myanmar (Zing). – Miến Điện: Châu Âu trừng phạt 11 sĩ quan đảo chính, dân biểu tình cả ban đêm — Miến Điện: Biểu tình tiếp diễn, ASEAN và EU rắn giọng với tập đoàn quân sự (RFI).

***

Thêm một số tin: World Bank: Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020 (VOA). – Bảo vệ nguồn nước ngầm khi ĐBSCL đang chìm (PLVN). – Kiểm toán Nhà nước điểm danh hàng loạt sai phạm tại Khu công nghiệp Nhân Cơ (DNVN). – Quân nhân say xỉn đỗ ôtô giữa đường để ngủ, bị nhắc nhở còn xô xát với cảnh sát (TT). – Hàng chục trụ điện ở TP Hồ Chí Minh bị bỏ ‘quên’ đe dọa người đi đường (Tin Tức). – Căng thẳng Mỹ – Trung và gợi ý chính sách cho Việt Nam (RFA). Trung Quốc mở phiên tòa xử người Canada thứ hai bị bắt giữ sau vụ Mạnh Vãn Châu (RFI).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cần hiểu quyền “im lặng” Việt Nam nói tới là quyền KHÔNG KHAI BÁO HAY TRÌNH BẦY VỀ NỘI DUNG BUỘC TỘI (HAY ĐỔ TỘI) ở các nước pháp quyền – chứ đứng trước nhân viên bên này họ vẫn nói, chứ không im lặng không nói câu nào. Nhưng nếu Phương hay ai ở Việt nam không nói, thì chính quyền không trách được họ mà đổ cho họ bệnh tâm thần thì bố láo quá, vì rõ ràng luật pháp Việt Nam nói như vậy. Tóm lại có mặt trước nhân viên điều tra ở các nước thì bất kỳ nghi phạm nào cũng phải được hướng dẫn về quyền này (song song với quyền được trình bầy, quyền có luật sư) – và Việt nam nên giải thích lại các cư xử với quyền này. Còn nhân viên điều tra nào không hướng dẫn nghi phạm mà lấy cung, lời khai bằng được, khi ra tòa bị cáo nói nhân viên điều tra không hướng dẫn, thì lời khai đó sẽ vô giá trị trước tòa ở các nước pháp quyền – trừ phi bị cáo nói tôi bảo lưu ý kiến khia đó dù không đúng thủ tục, thì tôi bây giờ vẫn khai như vậy, thì có thể Tòa mới sử dụng lời khai đó. Tất nhiên cần hiểu lời khai trước tòa mới là quyết định!

Comments are closed.