Việt Nam, Trung Quốc và việc chuyển hướng hàng hóa: Khi nhận thức quan trọng như thực tế

Fulcrum

Tác giả: Nguyễn Khắc Giang

Cù Tuấn, chuyển ngữ

26-11-2024

Tóm tắt: Thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam với Mỹ cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc sử dụng Việt Nam như một cửa sau để né thuế quan của Mỹ. Việc chuyển hướng hàng hóa như vậy thực sự thấp hơn so với tưởng tượng. Với nhận thức chi phối chính trị, Việt Nam có khả năng vẫn nằm trong tầm ngắm của chính quyền Trump.

Trước việc thuế quan của Mỹ tăng vọt đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, Trung Quốc đã tìm cách chuyển hướng xuất khẩu sang Mỹ thông qua Việt Nam. Việc Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ dường như nhấn mạnh sự đồng lõa của Việt Nam trong việc chuyển hướng hàng hóa giúp Trung Quốc. Mặc dù thực tế phức tạp hơn những gì người ta tưởng tượng, Hà Nội vẫn phải nỗ lực hết sức để thuyết phục chính quyền mới của Trump rằng, họ không hoàn toàn đồng lõa với Trung Quốc.

Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra vào năm 2018, Việt Nam đã nổi lên như một trong những nước hưởng lợi lớn nhất. Xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt, với thặng dư đạt 104 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023 — gần gấp ba lần mức 38 tỷ đô la Mỹ được ghi nhận vào năm 2017. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã vươn lên từ vị trí thứ sáu lên thứ ba trong danh sách các quốc gia có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Tuy nhiên, thành công này đã gây ra sự nghi ngờ. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng các công ty Trung Quốc đang lợi dụng Việt Nam như một cửa sau để trốn thuế, mà đã lên tới 25% đối với một số hàng hóa Trung Quốc, bằng cách dán nhãn lại những hàng hóa do Trung Quốc sản xuất như là hàng Việt Nam trước khi vận chuyển chúng đến Mỹ, một hoạt động được gọi là định tuyến lại hoặc chuyển hướng. Thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam với Mỹ và thâm hụt ngày càng tăng với Trung Quốc càng thúc đẩy nhận thức này.

Bằng chứng ban đầu về việc định tuyến lại đã xuất hiện vào năm 2019 khi chính quyền Việt Nam phát hiện hàng chục giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm giả và chuyển nhượng bất hợp pháp của các công ty tìm cách né tránh thuế quan của Mỹ. Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã làm tăng thêm sự nghi ngờ. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau, từng chỉ trích Việt Nam là “quốc gia lạm dụng tồi tệ nhất trong tất cả mọi quốc gia” vào năm 2019.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ Trường Kinh doanh Harvard và Đại học Duke lại đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn — việc định tuyến lại hàng hóa này dường như thấp hơn so với tưởng tượng.

Mặc dù việc chuyển hướng thương mại qua Việt Nam có xảy ra, nhưng quy mô của nó có khả năng nhỏ hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, vào năm 2021, khoảng 16,1% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ – khoảng 15,5 tỷ đô la Mỹ – có thể được phân loại là hàng hóa được chuyển hướng tiềm năng khi phân tích ở cấp độ sản phẩm. Nhưng khi các nhà nghiên cứu xem xét các công ty riêng lẻ – theo dõi các sản phẩm cụ thể chảy từ Trung Quốc qua Việt Nam đến Mỹ – con số này giảm xuống chỉ còn 1,8% , hay 1,7 tỷ đô la Mỹ.

Sự tương phản rõ rệt này làm nổi bật cách thống kê thương mại tổng hợp có thể gây hiểu lầm. Lượng nhập khẩu tăng của Việt Nam từ Trung Quốc và lượng xuất khẩu tăng của nước này sang Mỹ chủ yếu phản ánh các mô hình chuỗi cung ứng thông thường và đang mở rộng, chứ không phải là trốn thuế một cách cố ý. Các mô hình này bắt nguồn từ chiến lược “Trung Quốc cộng một” trước chiến tranh thương mại, trong đó các công ty đa dạng hóa sản xuất sang các quốc gia như Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất thấp hơn và cải thiện năng lực công nghiệp của họ. Sự tăng trưởng ổn định trong thương mại Việt – Mỹ cũng phản ánh sự củng cố rộng rãi hơn về quan hệ kinh tế song phương trong thập niên qua, được sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu thúc đẩy.

Việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đã đẩy nhanh những diễn biến này, thúc đẩy các nhà sản xuất hiện tại ở Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất và các công ty mới mở rộng hoạt động tại quốc gia này. Vì lý do đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng từ 28 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016, lên 68 tỷ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2024, trong khi thặng dư của Việt Nam với Mỹ tăng từ 30 tỷ đô la Mỹ lên 86 tỷ đô la Mỹ trong cùng thời gian.

Những sự gia tăng song song này phần lớn tuân theo các mô hình trước chiến tranh thương mại. Phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam bao gồm máy móc, nguyên liệu thô và linh kiện được sử dụng trong sản xuất hợp pháp giúp tăng giá trị cho sản phẩm, không chỉ đơn thuần là thực hiện hoạt động hậu cần là dán nhãn lại hàng hóa thành phẩm và tái xuất sang Mỹ.

Tuy nhiên, trong chính trị thương mại, nhận thức thường quan trọng hơn thực tế. Việt Nam đã học được bài học này vào năm 2019 khi Trump đe dọa áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam, khiến Hà Nội phải tránh các hình phạt bằng cách mua các mặt hàng có giá trị lớn của Mỹ, bao gồm đậu nành và máy bay. Ngày nay, thặng dư thương mại với Mỹ lớn hơn bao giờ hết, Việt Nam có thể thử chiến thuật tương tự, nhưng có khả năng những nhượng bộ như vậy sẽ là không đủ đối với Tổng thống Trump. Chính quyền Trump thứ hai có thể sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với các hành vi được cho là vi phạm thương mại. Vị thế của Việt Nam là một “quốc gia dao động”/ “quốc gia thích quay xe” trong chiến lược rộng lớn hơn về Trung Quốc của Mỹ (Mỹ sử dụng Việt Nam làm đòn bẩy chống lại Trung Quốc) có thể mang lại một số lợi thế cho Việt Nam. Nhưng như một cựu nhà đàm phán thương mại lưu ý, Trump tỏ ra không ngần ngại khi nhắm mục tiêu vào các quốc gia châu Á đã bị cáo buộc cung cấp cho Trung Quốc một cánh cửa sau để vào thị trường Mỹ, ngay cả khi điều đó làm suy yếu chiến lược kiềm chế Bắc Kinh của ông.

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với một hành động cân bằng tinh tế. Họ phải trấn áp việc định tuyến lại, tức là hạn chế việc ngụy trang hàng hóa do Trung Quốc sản xuất thành “Made in Vietnam” để trốn thuế của Mỹ, đồng thời bảo đảm rằng hoạt động thương mại hợp pháp vẫn không bị ảnh hưởng.

Chính quyền Việt Nam đã thể hiện thiện chí giải quyết vấn đề này, nhưng những rủi ro mới liên quan đến chính quyền Trump 2.0 đòi hỏi các biện pháp cứng rắn hơn. Việc nhắm mục tiêu vào các nỗ lực thực thi đối với các lĩnh vực có rủi ro cao, chẳng hạn như các sản phẩm công nghệ tiên tiến, nơi việc định tuyến lại phổ biến nhất, có thể là một điểm khởi đầu.

Việt Nam cũng cần tiến hành sàng lọc cẩn thận đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc để ngăn chặn việc Việt Nam bị sử dụng làm phương tiện trốn thuế. Điều này có thể đạt được thông qua việc tăng cường các quy trình phê duyệt đầu tư, tăng cường tuân thủ các quy tắc xuất xứ và giám sát chặt chẽ sau đầu tư đối với các công ty hoạt động trong các lĩnh vực có rủi ro cao.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định chặt chẽ hơn về chứng nhận xuất xứ để bảo đảm rằng “Made in Vietnam” thực sự phản ánh sản xuất của Việt Nam. Việc tăng cường hợp tác với các quan chức hải quan Mỹ để cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc có thể xây dựng thêm lòng tin.

Trong ngắn hạn, ngoại giao giao dịch có thể mang lại một số không gian tạm để thở. Vào tháng 10 năm 2024, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Tổ chức Trump đã ký một bản ghi nhớ để xây dựng một khu phức hợp trị giá 1,5 tỷ đô la Mỹ tại tỉnh Hưng Yên, quê hương của ông Tô Lâm, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho dù là động thái ngẫu nhiên hay mang tính chiến lược, việc này có thể giúp xoa dịu căng thẳng.

Tuy nhiên, giải pháp dài hạn nằm ở khả năng leo lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị của Việt Nam. Việc áp dụng nhiều năng lực sản xuất tiên tiến hơn ngoài lắp ráp và đóng gói lại, giúp tăng hàm lượng giá trị gia tăng tại địa phương và giảm sự phụ thuộc vào đầu vào của Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam ít bị tổn thương hơn trước các cáo buộc chuyển hướng.

Mọi người đều biết rằng Trung Quốc sử dụng Việt Nam cho các hoạt động sản xuất và đóng gói cấp thấp hơn, chẳng hạn như đóng gói hàng hóa xuất sang Mỹ ở Việt Nam trước khi gửi chúng đến Mỹ. Điều này đòi hỏi phải đầu tư liên tục vào cơ sở hạ tầng, kỹ năng lao động và đổi mới. Việc leo lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị sẽ giúp Việt Nam ít bị tổn thương hơn trước các công ty Trung Quốc chuyên chuyển hướng.

Bài học từ Việt Nam mở rộng ra ngoài biên giới của nước này. Khi một cuộc chiến thương mại tái diễn đang nổi lên, các quốc gia Đông Nam Á khác có số lượng lớn các công ty Trung Quốc và hưởng thặng dư thương mại với Mỹ có khả năng phải đối mặt với sự giám sát tương tự. Điều này bao gồm các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Campuchia. Các nhà hoạch định chính sách trên khắp khu vực này nên chú ý và cân nhắc các giải pháp chủ động để giải quyết những thách thức này.

Vấn đề định tuyến lại hàng hóa mà Việt Nam phải đối mặt có thể nhỏ hơn những gì các tiêu đề đưa ra. Tuy nhiên, trong một thế giới mà nhận thức định hình chính sách, thì vẻ bề ngoài cũng quan trọng như thực tế. Thách thức đối với Việt Nam là duy trì thành công xuất khẩu của mình trong khi chứng minh một cách rõ ràng rằng nhãn “Made in Vietnam” có ý nghĩa chính xác như vậy.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây