Chiến dịch “giải cứu” Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”

Đan Thanh

24-3-2024

Vụ án Vũ “nhôm” rúng động một thời đã khép lại từ lâu. Cơ quan điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ, chứng minh và Tòa án xét xử cũng đã chỉ ra từng chi tiết cụ thể. Cho dù tài sản thâu tóm có được “thay hình đổi dạng”, đứng tên công ty hoặc cá nhân khác, cũng không thể thay đổi bản chất vụ việc, đó là tài sản do Vũ “nhôm” cấu kết với các quan chức trung ương và địa phương để cướp từ nhà nước và nhân dân.

Bản án số 158/2020/HS-PT, ngày 12-05-2020, của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, tuyên bị cáo Phan Văn Anh Vũ mức án 30 năm tù; ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, Vũ còn phải bồi thường cho Nhà nước hơn 3.109 tỷ đồng.

Bản án buộc duy trì Lệnh kê biên đối với 28 tài sản ở thành phố Đà Nẵng để bảo đảm thi hành án. Thế nhưng gần đây, đang có chiến dịch “giải cứu” cho Vũ “nhôm”, nhằm giúp gia đình Vũ tẩu tán tài sản đã bị kê biên, trốn tránh thi hành án.

Chúng ta cùng tìm hiểu xem, những ai đang giúp “giải cứu” Vũ “nhôm”…

Ngày 20-3-2023, tại tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 21 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đã “nghẹn ngào” khi chất vấn Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình, về việc xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn bất nhất tại thời điểm phạm tội hay khởi tố.

Bà Thuý đặt nhiều câu hỏi, dẫn chứng Vũ “nhôm” mua Công viên An Đồn, mặt tiền đại lộ Ngô Quyền, diện tích 3264m2, giá 32 tỷ, nhà nước tính giá thiệt hại lúc bị bắt là 176 tỷ là “không phù hợp”. Tức Vũ “nhôm” và băng nhóm quan chức Đà Nẵng phạm tội nhỏ, thiệt hại ít hơn so với cách tính của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Có thể thấy, bà Thuý núp trong vỏ bọc đại biểu quốc hội, “nhân danh cử tri” để bảo vệ cho đám quan chức phạm tội, những kẻ đang thụ án tù, từng là chủ tịch Đà Nẵng như Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và cho cả Vũ “nhôm”.

Khi xưa, dân Cồn Dầu bị chính quyền cướp đất, đàn áp dã man, kỹ sư Lê Thanh Sơn bị đánh chết rồi những kẻ chủ mưu tạo hiện trường giả, rằng ông Sơn tự thiêu trước UBND TP Đà Nẵng, dân biểu Nguyễn Thị Kim Thuý có “nghẹn ngào” không?

Ảnh: Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, trong một buổi làm việc ở tỉnh Đắk Lắk hồi đầu năm nay. Nguồn: UBND tỉnh Đắk Lắk

***

Xin được nói sơ qua lai lịch của Nguyễn Thị Kim Thúy. Bà nghị Kim Thuý sinh năm 1967, quê Quảng Nam. Thuý vốn là cán bộ Đoàn tại Sở Tư pháp Đà Nẵng, được “thần tượng Đà Nẵng” rút về Hội đồng Nhân dân TP (HĐND TP). Nơi đây, Nguyễn Bá Thanh, vừa là bí thư Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội, kiêm Chủ tịch HĐND TP.

Ở Đà Nẵng, rất nhiều cán bộ công chức biết bà Thuý là “bồ nhí” của Nguyễn Bá Thanh. Chính Bá Thanh cơ cấu Thuý vào ngồi ghế trưởng một ban tại HĐND TP để dễ bề… “nâng đỡ trong sáng”!

Năm 2007, lúc Nguyễn Thị Kim Thuý 40 tuổi, Thuý được Bá Thanh đưa vào quy hoạch trúng cử đại biểu quốc hộ khoá 12, nhiệm kỳ 2007-2011. Những kỳ họp quốc hội kéo dài hàng tháng trời ngoài Hà Nội, họ bên nhau như hình với bóng. Nhờ đó, Thuý ngồi liên tục bốn khoá quốc hội từ khóa 12 đến khoá 15.

Ngoài ra, ở Đà Nẵng, cái tên Hồ Thị Diễm Phương và Nguyễn Thị Kim Thuý là hai trong số nhiều người tình, được “thần tượng Nguyễn Bá Thanh” ban cho nhiều đất đai, bổng lộc.

C01 Bộ Công an

Ngày 20-4-2023, Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ Vũ “nhôm”, cùng “hệ sinh thái” do Vũ “nhôm” thành lập là Công ty CP Xây dựng 79, Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C và Công ty CP Nhất Gia Phúc (đều có trụ sở tại Đà Nẵng), có đơn đề nghị Bộ Công an hủy bỏ tạm dừng các giao dịch tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng.

Vũ “nhôm” và vợ Nguyễn Thị Thu Hiền. Nguồn: CTV Tiếng Dân

Ảnh chụp lá đơn kêu oan và tố cáo của Vũ Nhôm. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân
Ảnh chụp đơn khiếu nại của Nguyễn Thị Thu Hiền, gửi Cục Thi Hành Án dân sự Đà Nẵng. Nguồn: CTV Tiếng Dân

Rất nhanh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã “tận tình” giúp đỡ.

Ảnh chụp 3 trang văn bản các cơ quan Trung ương “hồi âm” đơn thư, giúp vợ chồng Vũ “Nhôm”. Nguồn: CTV Tiếng Dân

Ngày 9-5-2023, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) lần lượt có công văn số 2030/C01-P4, gửi UBND thành phố Đà Nẵng và công văn số 2031/C01-P4, gởi UBND TPHCM, yêu cầu hủy bỏ tạm ngừng giao dịch tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, theo đơn của bà Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ Vũ “nhôm”.

Không lâu sau đó, Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ký văn bản số 2584/UBND-NC, ngày 22-5-2023 chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành liên quan phối hợp, thực hiện.

Ảnh chụp văn bản do ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ký chỉ đạo các cơ quan chính quyền Đà Nẵng giúp Vũ “nhôm”. Nguồn: CTV Tiếng Dân

Các tài sản ở TP Đà Nẵng bị hủy bỏ tạm dừng giao dịch là:

– Quyền sở hữu nhà đất, diện tích 198m2, tại số 32 Lê Hồng Phong, phường Phước Ninh, quận Hải Châu.

– Quyền sở hữu nhà đất, diện tích 445m2, tại số 318 Lê Duẩn, phườngTân Chính, quận Thanh Khê.

Ngày 22-5-2023, Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ đạo Văn phòng UBND TP ra công văn số 4875/VP-NCPC yêu cầu giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường và giám đốc Sở Tư pháp hủy bỏ tạm dừng giao dịch hai tài sản tại TPHCM gồm:

– Quyền sử dụng đất có diện tích 2.366m2 tại số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1.

– Quyền sở hữu nhà đất, có diện tích 1.297m2, tại số 8 Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành, quận 1.

Ngoài ra, công văn của C01 cũng đề nghị UBND TP HCM, Ngân hàng Nhà nước giải quyết đề nghị hủy bỏ phong tỏa tài khoản ngân hàng, hủy bỏ tạm ngừng giao dịch tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền.

Vì sao C01 lại nhanh nhẹn, “nhiệt tình” giải quyết cho gia đình Vũ “nhôm”, trong khi hàng ngàn lá đơn kêu oan của các tử tù, nạn nhân oan sai, bị hại khác… lại bị ném vào sọt rác, không có hồi âm?

Phải chăng một số “ông trùm” an ninh, còn vướng phần hùn trong khối tài sản ngàn tỷ của Vũ “nhôm”, đang ra tay giải cứu Vũ, cũng chính là giải cứu cho họ?

Uỷ ban Nhân dân TP Đà Nẵng

Mọi việc chưa dừng ở đó. Nhiều tài sản khác khi Cơ quan điều tra kê biên, thì sổ đỏ đứng tên Vũ “nhôm”, lúc Cơ quan Thi hành án thực thi bản án, thì bỗng dưng sổ đỏ đã được sang tên người khác: Nhà đất số 20 Bạch Đằng; nhà, đất số 7 Bạch Đằng; nhà đất số 37 Pasteur; nhà đất số 39 Pasteur… là số tài sản nằm trong số nói trên.

Hàng loạt bất động sản khác của Vũ “nhôm”, các thành viên gia đình nhảy vào tranh chấp, phân chia quyền sở hữu. Họ gởi đơn khắp nơi, tung hỏa mù, kêu oan, yêu cầu giám đốc thẩm, sửa bản án đã tuyên:

– Nhà đất số 22 Cô Giang, người đòi chia là Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ Vũ “nhôm”.

– Nhà đất số 02 Hải Phòng, người đòi chia là Ngô Minh Anh, Ngô Minh Phương, cả hai là con của chị gái Vũ “nhôm”.

– Nhà đất số 20 Bạch Đằng và số 34 Hoàng Văn Thụ, người đòi chia là Phan Anh Hạnh Trinh, em gái Vũ “nhôm”.

– Nhà đất 45 Nguyễn Thái Học, người đòi chia là Ngô Áng Hùng, giám đốc Công ty TNHH I.V.C.

– Nhà đất số 72 Nguyễn Thái Học, người đòi chia là Ngô Áng Hùng, giám đốc Công ty CP đầu tư Nhất Gia Phúc.

– Nhà đất 47 Nguyễn Thái Học, người đòi chia là Ngô Áng Hùng, giám đốc Công ty TNHH Phú Gia Compound.

Ngô Áng Hùng là ai mà đòi chia tới ba khu nhà đất kể trên? Hùng chính là anh rể Vũ “nhôm”, chồng của Phan Thị Anh Đài. Hùng đứng tên nhiều công ty của “hệ sinh thái”, tạo “quân xanh, quân đỏ”, hợp lệ hoá các phiên đấu giá công sản.

Ngô Áng Hùng cũng là nhân vật đã giúp sức đắc lực cho Vũ “nhôm” trong việc thâu tóm nhà, đất công sản ở Đà Nẵng. Hùng cũng là nhân vật đình đám, đứng ra chuyển nhượng hàng trăm bất động sản, dự án, thu lãi hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn đứng ngoài vòng tố tụng.

Tháng 12-2017, Vũ “nhôm” bị bắt giam, Hùng bị đưa vào tầm ngắm. Trước khi cơ quan công an triệu tập, Ngô Áng Hùng cùng vợ là Phan Thị Anh Đài đã đào tẩu sang Mỹ. Có tin cặp vợ chồng này hiện định cư ở San Jose, tiểu bang Califonia.

Ảnh chụp các văn bản của Cục Thi hành án bị “việt vị”, cùng giấy chứng nhận nhà, đất của Phan Văn Anh Vũ, tại địa chỉ 319 Lê Duẩn, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Nguồn: CTV Tiếng Dân

Cuối năm 2021, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng tổ chức bán đấu giá lô “đất vàng” A2 ba mặt tiền Phạm Văn Đồng, ven biển Đà Nẵng, diện tích 2.681m2 của Vũ “nhôm” để thu tiền cho nhà nước. Công ty cổ phần đầu tư Vạn Thành Phát, quận 1, TP.HCM là đơn vị thắng đấu giá và nộp đủ số tiền 293,5 tỉ đồng.

Ngay lập tức, Tập đoàn Viettel nhảy vào tranh chấp, đưa ra bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký với Vũ “nhôm”, được Phòng công chứng số 3, TP Đà Nẵng công chứng.

Nực cười ở chỗ, khi Bộ Công an kê biên tài sản, Bản án tuyên bố tịch thu tài sản Vũ “nhôm” công bố rộng rãi trên các cơ quan truyền thông cả nước, vì sao Tập đoàn Viettel không lên tiếng?

Trong khi đó, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng cho biết, lô đất A2 là một trong số các tài sản của Vũ “nhôm” bị cơ quan điều tra Bộ Công an kê biên từ năm 2018.

Khi chuẩn bị tổ chức bán đấu giá, cơ quan thi hành án đã xác minh, nhận được công văn của Sở Tài nguyên – Môi trường, xác nhận lô đất này đang đứng tên Phan Văn Anh Vũ. Vậy, ai đã làm “hồ sơ ma” và làm lúc nào?

Bọn mafia công chức đã vẽ “hồ sơ ma” vụ chuyển nhượng này, phổ biến ở Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn, nhằm mục đích phòng khi Vũ bị nhà nước tịch thu tài sản hay bị xã hội đen xiết nhà, thì nhờ người bên ngoài trưng “hồ sơ ma” ra để giải vây.

Giới buôn bán bất động sản Đà Nẵng còn biết rằng, đường dây làm “hồ sơ ma” tại Sở Tài nguyên Môi trường và Phòng công chứng số 3 – Sở Tư pháp Đà Nẵng có từ mấy chục năm nay. Chỉ cần ném tiền vào đường dây đó, hồ sơ mua bán được giải quyết nhanh, ngay tích tắc.

Dù đang ở trong tù, chẳng cần có mặt, nhưng cái tên Phan Văn Anh Vũ (cùng hai cái tên ma Trần Đại Vũ, Lê Văn Sáu) hay các chủ nhân khác vẫn được sang tên, chuyển nhượng bất động sản cho bất kỳ bên mua nào.

Đến nay, viện cớ tài sản bị kê biên vẫn còn đang tranh chấp, khiếu kiện, đã xây dựng kiến trúc trên đất và đang kinh doanh tốt, gia đình Vũ “nhôm” chống đối lệnh cưỡng chế thi hành án. Hệ quả tắc trách thi hành án đến nay, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng qua các thời kỳ. Vậy mà…

Ngày 20-3-2024, Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, thay mặt UBND TP Đà Nẵng, ký văn bản 11 trang gởi về Trung ương cầu cứu.  UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Tòa án Cấp cao Hà Nội xem xét, kiến nghị Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao xem xét, kháng nghị bản án, tháo gỡ tài sản cho Vũ “nhôm”.

Đến đây, xem ra những lời bàn tán xung quanh tài sản của Vũ “nhôm” là có cơ sở. Tài sản nổi của gia đình Vũ ở Đà Nẵng, tính sơ sơ lên đến chục ngàn tỷ. Dư luận cho rằng, Vũ “nhôm” đang sống như một ông hoàng trong các căn phòng sang trọng trong tù! Hàng tuần, Vũ “nhôm” đón vợ từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội, đến trại giam để hú hí.

Mặc dù đang ở trong tù nhưng Phan Văn Anh Vũ khi thì ngồi viết đơn kêu oan gởi khắp nơi; lúc thì ngậm xì gà, rung đùi điều hành qua điện thoại mọi hoạt động của “hệ sinh thái” bất động sản của Vũ “nhôm” như xưa, giống như khi ông ta chưa bị bắt. Thậm chí, có khi Vũ điều hành luôn cả đám quan chức của một số cơ quan công quyền từ Đà Nẵng tới Trung ương!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Thành Hồ có Trương Mỹ Lan “tung hoành” như chổ… không người trong khi Đà Nẵng
    có Vũ Nhôm làm vua “tham nhũng” một cõi và cứ thế mà suy ra các tỉnh khác ! Một
    bọn làm tiền câu kết với bọn có quyền coi dân như cỏ rác, do đó đất nước với rừng
    vàng biển bạc ngày càng bị khai thác kiệt quệ, dù phải nhờ vả hay nói thẳng thừng
    như tiến sĩ Lê Đăng Doanh là “ăn mày” bọn tư bản nước ngoài !
    Vấn đề là ai “chống lưng” cho bọn họ để đến nông nổi này ? Nhân sự hay thể chế ?

  2. Bài viết của tác giả ĐT quá rõ ràng, chứng cớ đầy đủ . Vậy lũ tham quan ô lại hãy lên tiếng ngụy biện, bao biện, thanh minh đi .
    Đồng chí Thúy, ĐBQH đã lộ ra từ đống rơm rồi nhá .
    Còn Vũ Nhôm thì cứ tiếp tục an dưỡng trong tù thêm vài mươi năm nữa cũng chẳng mất sợi lông chân nào . Ở tù mà vẫn điều hành được cả bộ máy công quyền thì sợ cái đếch gì . “Anh không chết đâu em” ( tên một bài hát )

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây