Cho — Nhận con nuôi và những tai họa rình rập

Thái Hạo

19-1-2024

(Trên đường đi tìm sự thật sau bản án 23 năm tù vì bán con ở Trà Vinh)

Hôm qua, nói chuyện với mấy người bạn về vụ án 23 năm tù dành cho đôi vợ chồng bị kết án “bán con” lấy 18 triệu đồng ở Trà Vinh, tuy chưa tìm thử nhưng tôi đã đoán một cách quả quyết rằng, chắc chắn trên mạng sẽ có rất nhiều trang hoặc nhóm “cho và nhận con nuôi”. Và đúng thế, đến khuya, khi đã thư thả hơn, tôi gõ mấy từ khóa ấy vào thanh tìm kiếm trên Facebook thì lập tức nó sổ ra một loạt kết quả với nhiều trang lên đến hàng chục ngàn thành viên.

Các Trang (Page) thì cứ thế vào xem nhưng hầu hết Nhóm (Group) thì phải bấm nút “tham gia” để làm thành viên thì mới đọc được các bài đăng. Tôi vào, kéo xuống đọc một hồi, thấy có muôn vàn hoàn cảnh và lý do để người ta cho và nhận con nuôi, ngay cả những lý do khó tưởng tượng nhất. Tôi không muốn trích ra đây vì sẽ làm bài viết trở nên quá dài, các bạn chỉ cần gõ từ khóa và tự vào xem, nếu quan tâm.

Nhìn cách mà một phần khá lớn các status đăng tin tìm người cho hoặc nhận con nuôi, thấy viết rất lộn xộn, cả chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, dấu câu…, chứng tỏ không ít người trong số họ là dân lao động, ít tiếp xúc với học hành, chữ nghĩa.

Có một chi tiết đáng chú ý là, có cả những người tham gia ẩn danh đăng bài với tư cách người môi giới trên các trang này. Rồi có một số người đăng tìm người cho hoặc nhận con nhưng mở ngoặc ngay là “không thông qua môi giới”, “không tiếp môi giới”, “môi giới miễn”… Như vậy, chứng tỏ hoạt động cho và nhận con nuôi diễn ra rất “sôi động” trên mạng và dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tôi chú ý đến một bài đăng ẩn danh trên Nhóm “Hội các cha mẹ cho và nhận con nuôi miền Bắc” post ngày 24/10/2023, có nội dung đặc biệt, đó là cảnh báo các rủi ro pháp lý do thực hiện việc cho và nhận con nuôi thông qua đối tượng môi giới. Trích “ĐỪNG NGHE LỜI MẤY ĐỨA MÔI GIỚI LÀM GIẤY CHỨNG SINH GIẢ HAY CHỈ LÀM GIẤY CHO NHẬN CON KHÔNG CÓ CÔNG CHỨNG CỦA CÔNG AN (TẤT CẢ GIẤY TỜ ĐÓ LÀ GIẢ, THÊM TỘI LÀM GIẤY TỜ GIẢ NỮA). Lỡ có trục trặc gì thì tụi môi giới với LÀM GIẤY TỜ TỤI NÓ TRỐN MẤT. NẶNG HƠN GIẢI QUYẾT KHÔNG KHÉO THÌ CÒN MANG THÊM TỘI BUÔN BÁN TRẺ EM”. Rất ngạc nhiên, tất cả những nhắc nhở này đều thấy cặp vợ chồng ở Trà Vinh đã bị dính cả.

Tác giả bài viết này còn nhắc, những cha mẹ có ý định cho hoặc nhận con nuôi rằng: “ĐỪNG NHỜ TỤI MÔI GIỚI KIẾM GĐ MÀ HÃY TỰ KIẾM, HOẶC TÌM TRUNG GIAN CÓ TÂM (THẬT LÒNG THƯƠNG MẤY BÉ KẾT NỐI). DẤU HIỆU MÔI GIỚI LÀ NÓ SẼ ĐÒI 10-20TR TIỀN TRONG SỐ TIỀN BD [Bồi Dưỡng]”.

Về dấu hiệu nhận biết bọn môi giới, bài viết cho hay: “DẤU HIỆU CỦA TỤI MÔI GIỚI, KINH DOANH TRÊN THÂN TRẺ SƠ SINH LÀ TỤI NÓ SẼ ĐÒI GĐHM [gia đình hiếm muộn] 30-50TR NÓI LÀ MẸ BÉ ĐÒI NHƯNG THẬT CHẤT MẸ CHO BÉ CHỈ CÓ ĐC 10-20TR CÒN LẠI TỤI NÓ LẤY”.

Các bạn có thể đọc đầy đủ bài đăng ở đây, có rất nhiều thông tin bổ ích: https://www.facebook.com/groups/1751780925058285/permalink/3749898851913139/?mibextid=Nif5oz

Tôi có mấy suy nghĩ thế này:

1. Với thực tế cho và nhận con nuôi đang diễn ra trên không gian mạng một cách phổ biến và rầm rộ, thì có khi nào chính đôi vợ chồng ở Trà Vinh đã rơi đúng vào kịch bản mà bài cảnh báo nói trên đã chỉ ra: Tham gia vào một trong những trang hoặc nhóm để tìm người nhận nuôi con, bị môi giới hoặc gia đình hiếm muộn lừa… Để rồi, phải chăng lời “đăng tin tìm người nuôi con” như nhan nhản các bài đăng khác trên mạng mà đôi vợ chồng này đã được các cơ quan tố tụng và báo chí gọi là “lên mạng rao bán con”?

2. Nếu lần theo các tài khoản đăng tin tìm người cho, người nhận con nuôi trên rất nhiều trang mạng kia thì có bao nhiêu người sẽ đi tù vì đã làm thủ tục hành chính không đúng quy định? Lưu ý, có rất nhiều người không được học hành nhiều, họ soạn một vài dòng chữ còn chưa nên hồn thì việc thiếu hiểu biết về pháp luật để dẫn đến sai phạm hoặc bị môi giới lừa cũng không phải điều gì khó hiểu lắm.

3. Như nội dung trong bài viết đã dẫn, và nhiều bài khác, chúng ta thấy trong việc cho và nhận con nuôi thì việc gia đình NHẬN con sẽ “bồi dưỡng” cho gia đình CHO con một khoản tiền nhất định là điều gần như đã thành thông lệ. Hình như mức phổ biến [theo như bài đăng đã dẫn) mà họ nhận được thường là khoảng từ 10 đến 20 triệu. Con số 20 triệu này khá trùng khớp với tình tiết đôi vợ chồng ở Trà Vinh “bán con”.

4. Cũng bài viết trên đã cho biết, môi giới sẽ dùng những chiêu trò bất nhân để đòi và lừa tiền cả 2 bên (cho và nhận con). Câu hỏi đặt ra là bị can Nguyễn Hữu Dương (người mua) trong vụ án ở Trà Vinh mà tòa đã kết luận là đang bị một căn bệnh dẫn đến “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” và được “tạm đình chỉ điều tra” để đi chữa bệnh, là ai? Y có phải chính là kẻ môi giới không?

Với thực tế đang diễn ra về tình trạng cho và nhận con như đã phác họa sơ qua, và với những cảnh báo về tình trạng các bên dễ bị vướng vào lao lý do bị bọn môi giới bất lương lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các cặp vợ chồng mà gây nên, thiết nghĩ, rất cần một cái nhìn điềm tĩnh, sát thực tế và có tính nhân văn để điều tra và xử án, tránh tạo ra những bản án sai lầm, có thể hủy hoại nhiều cuộc đời, nếu chỉ cần một sự cẩu thả dù nhỏ trong thi hành công vụ.

5. Rõ ràng, không gian mạng là một nơi rất thuận lợi để các gia đình bước đầu kết nối được với nhau trong việc cho và nhận con nuôi. Tuy nhiên chừng ấy là chưa đủ, họ cần tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định, và chính ở đây là chỗ sẽ phát sinh các rủi ro. Vì thế, một mặt nhà nước cần chú ý tuyên truyền, phổ biến kiến thức và giúp người dân cập nhật tình hình; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với những kẻ môi giới vụ lợi và bất lương.

Là một công dân và cũng là một người làm cha, điều lớn nhất tôi tha thiết là tất cả cha mẹ và con cái họ trên cuộc đời này đều được sống bên nhau trong hơi ấm của tình yêu thương – cái tình yêu thương không chỉ trong gia đình mà còn cả trong một xã hội biết thấu hiểu và giàu tính nhân văn.

Một lần nữa, tôi cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trà Vinh cần xem xét lại vụ án, điều tra và làm sáng tỏ những điểm còn mâu thuẫn hoặc chưa rõ ràng. Nếu là hành vi mua bán vô nhân đạo thì xử thích đáng, còn nếu đó chỉ là việc cho và nhận con nuôi nhưng do thiếu hiểu biết các thủ tục rồi dẫn đến thực hiện sai thì phải thay đổi phán quyết. Không thể để cho sự vô cảm trở thành cái ác trên số phận người dân.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Không thể để cho sự vô cảm trở thành cái ác trên số phận người dân.”
    Đây là quyền tuyệt đối của “thanh kiếm lá chắn cho đảng” kiếm ăn làm sao họ bỏ được, 😎 ăn và cúng cho các anh trên 😎 là công việc chính của cái hệ thống pháp luật 😜mình có thế nào thì người ta mới đối lại với mình như thế chứ😜

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây