19-1-2024
CHÍ KHÍ VIỆT LẪM LIỆT TRÊN SÓNG BIỂN HOÀNG SA
6 giờ sáng 19-1, hải đoàn Việt Nam Cộng hòa chia hai phân đoàn: Phân đoàn Một gồm hai tàu tốt nhất HQ-4, HQ-5 đổ bộ các nhóm biệt hải, hải kích (tấn công biển) tái chiếm đảo Quang Hòa (HQ-4 chỉ huy); phân đoàn Hai gồm HQ-10, HQ-16 yểm trợ hải pháo, ngăn chặn tàu địch (HQ-16 chỉ huy).
Theo thượng sĩ giám lộ tàu HQ-4 Lữ Công Bảy, “Khi đến gần đảo Quang Hòa, bằng ống dòm và mắt thường, chúng tôi phát hiện doanh trại mới toanh có cờ Trung Quốc. Ở phía bắc đảo, hàng trăm quân Trung Quốc đổ bộ ào ạt lên. Chúng núp sau các tảng đá chĩa súng vào các biệt đội… Và rồi quân Trung Quốc đã nổ súng. Lúc 8g30, đại liên và cối 82 bắn thẳng vào đội hình nhóm hải kích Việt Nam. Họ đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm. Hai binh sĩ Việt Nam tử thương, hai bị thương”.
Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San yêu cầu: Tất cả sĩ quan, binh lính sẵn sàng quân trang, quân dụng chiến đấu với nón sắt, áo giáp, áo phao, giày không cột dây… 9g15. Hai bên phát tín hiệu tiếp tục đòi chủ quyền. Theo hồi ký của ông Bảy, lúc ấy hạm trưởng San tức giận, “đỏ mặt quát ầm ĩ và đưa nắm đấm sang hướng tàu địch tỏ vẻ căm giận. Ông ra lệnh cho chúng tôi không nhận tín hiệu nữa và thốt lên: “Bọn bố láo”. Đúng kiểu nói Bắc 54.
Khoảng gần 10g, đại tá Ngạc muốn pháo lên đảo để hỗ trợ việc tiếp tục đổ bộ. Hạm trưởng San không thống nhất chuyện này. Lúc đó, theo ông Bảy, “Hạm trưởng San tức tối liệng tổ hợp nghe xuống sàn đài chỉ huy chiến hạm. Ông phân bua với thuộc cấp trên đài chỉ huy: Mấy thằng kia nó để cho mình yên à?!”. Vì theo ông: “Muốn đổ bộ lên chiếm đảo trước mắt phải tiêu diệt lực lượng trên biển rồi sau đó mới tính đến việc đổ quân. Hiện nay tàu địch gấp đôi tàu ta, quân địch đã đổ bộ từ sáng tới giờ đầy trên đảo, ta chỉ có hai trung đội thì làm sao thành công được”.
Ông San nói: “Tôi là quân nhân. Tôi chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc nhưng chuyện này hết sức vô lý“. Rồi ông cúp máy và ra lệnh: “Tất cả các khẩu súng nhắm thẳng vào tàu địch“, không chấp hành lệnh bắn vào bờ. Thông tin liên tục báo ngay về Trung tâm hành quân ở Đà Nẵng. Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại phát quân lệnh: “Tùy nghi khai hỏa!”.
* 10G20 SÁNG LỊCH SỬ 19-1-1974, ĐẠI TÁ HẢI QUÂN HÀ VĂN NGẠC, CHỈ HUY HẢI CHIẾN PHÁT QUÂN LỆNH: “KHAI HỎA!”
Bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 rùng rùng tác xạ mãnh liệt vào các tàu chiến Trung Quốc. Soái hạm HQ-5 bắn trúng Kronstadt 274 ngay loạt đạn đầu tiên. Nó lảo đảo và phản pháo nhưng không gây thiệt hại cho HQ-5.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng HQ-4 là soái hạm nên cả hai tàu Kronstadt 271, 274 đều tập trung vào đây. Hồi ký của ông Bảy ghi: “Như đã chuẩn bị trước, Hạm trưởng San ra lệnh “bắn”, đồng thời ông cũng ra lệnh (lúc đó máy tàu đang ở vị trí stop) hai máy tiến full (bỏ qua thông lệ tiến 1, tiến 2, tiến 3); hết tay lái sang phải. Chiến hạm chồm lên phía trước và nghiêng mình sang phải nên đã tránh được loạt đại bác đầu tiên của địch.
Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung bần bật vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa. Hạm trưởng San ra lệnh hai máy tiến blanch hết tay lái sang trái, chiến hạm chạy uốn lượn như con rắn, hết phải rồi hết trái tránh được đạn đại bác của địch. Đạn nổ, âm thanh hỗn độn, các cột nước bốc lên chung quanh tàu, tiếng đạn rít lên sau thân tàu, trước mũi tàu, mạn trái, mạn phải ù… vèo vèo… ầm”.
Năm 2014, kể lại giây phút ấy với báo Tuổi Trẻ, trung úy Roa, người có mặt trên đài chỉ huy HQ-4 cho biết: Chính nhờ hạm trưởng San cho tàu vận chuyển linh hoạt nên tránh được một trái pháo của tàu đối phương bắn vào đài chỉ huy, tuy nhiên nó lại bay vào ống khói. Mảnh đạn văng vào đài chỉ huy trúng ngay chân trung úy Roa. Các mảnh đạn khác cũng phá sụp chân màn hình radar làm nó không hoạt động. Tuy nhiên, trung úy Roa vẫn trụ vững ở vị trí theo dõi tàu địch. Dây liên lạc sĩ quan hải pháo với các khẩu đội đã bị mảnh đạn cắt đứt, không liên lạc được.
Phía bên kia, trong làn đạn 76,2 ly của HQ-4 Trần Khánh Dư, chiếc Kronstadt 271 bị trúng đạn bốc cháy dữ dội. Xạ thủ 85 ly của tàu Trung Quốc Vương Tuấn Minh, trên Ordinance (tờ báo nghiên cứu vũ khí của Trung Quốc) kể: “Lúc 271 và 274 cận chiến với HQ-4, chính ủy và hạm phó tàu anh (274) bị bắn chết. 274 không điều khiển nổi. Còn soái hạm 271 trúng đạn, Tằng Đoan Dương chết…”.
Ở phân đoàn Hai, theo hạm trưởng Lê Văn Thự, HQ-16 “quay ngang tàu đưa phía hữu mạn của tàu hướng về ba tàu Trung Quốc. Với lợi thế là sử dụng được tối đa hỏa lực nhưng cũng có bất lợi là hứng đạn nhiều hơn”. Các khẩu pháo của HQ-16 bắn liên tục. Thật kỳ diệu, dù là tàu nhỏ nhất, lại hư một máy, nhưng ngay sau lệnh khai hỏa, các khẩu đội pháo trên chiếc HQ-10 Nhựt Tảo cũng trực xạ vang rền.
Trục lôi hạm 389 của Trung Quốc phát nổ, bốc cháy. Trục lôi hạm 396 gần đó cũng trúng đạn, hệ thống lái bị hư hại toàn toàn, liêu xiêu trên biển. Các báo cáo của Hải quân Trung Quốc sau đó cũng thừa nhận hai chiến hạm 389 và 396 của mình đã trúng đạn ngay từ phút đầu: “Trong lúc chiếc hộ tống hạm HQ-10 bị trọng thương, trục lôi hạm 389 cũng bị chiến hạm Việt Nam bắn hư hại nặng. Đài chỉ huy hoàn toàn bị tiêu hủy. Thủy thủ đoàn nhiều người chết, bị thương. Hầm chứa đạn bị bắn thủng một lỗ lớn… Hầm máy cũng bị bắn trúng nên cháy dữ dội khiến tàu vô nước, bị nghiêng, không còn dưỡng khí khiến cơ khí phó và năm cơ khí viên tử thương tại chỗ”.
Tuy nhiên, ngay tình thế đang áp đảo, khẩu đội pháo chính phía trước chiến hạm HQ-10 Nhựt Tảo lại kẹt đạn. Khẩu 20 ly đôi cũng kẹt đạn do bắn dồn dập. Máy tàu yếu khiến tàu không xoay chuyển kịp để dùng pháo phía sau. Trong nhựt ký trận Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu, sĩ quan phụ trách khẩu 20 ly và cối 81 ly phía sau tàu, kể đang lúc ác liệt thì đến khẩu 20 ly đôi cũng kẹt đạn.
Cả hai trục lôi hạm 389 và 396 của Trung Quốc tận dụng cơ hội này trả đũa. Chuẩn úy Tất Ngưu kể ông và đồng đội đang cố gắng tác xạ phía sau thì bất ngờ nghe tiếng rầm. HQ-10 Nhựt Tảo và chiếc 389 đụng nhau. Từ đài chỉ huy, đại úy hạm phó Nguyễn Thành Trí dùng súng M16 bắn xối xả sang tàu đối phương. Có người cho rằng vì cả hai máy tàu lúc này đều bị bắn hư nên chúng tự trôi vào nhau…”.
Tàu HQ-16 cũng trúng đạn ở hầm đạn 127 ly phía trước mũi nên nước biển tràn vào mỗi khi tàu chúc xuống. Tàu bị nghiêng dần sang một bên. Hỏa lực chính hết tác xạ được, mất khả năng chiến đấu. Trung tá Thự cho tàu tạm lùi khỏi lòng chảo Hoàng Sa.
Tàu chiến hai bên đều tơi tả. Đến lúc này, số thương vong hai bên ngang ngửa nhau. Cách đó vài chục hải lý, hai tàu chống ngầm 281, 282 còn nguyên vẹn lực lượng, khí tài quân sự đang tiến sát khu vực chiến sự. Hàng chục tàu khác từ đảo Hải Nam được chuẩn bị từ trước cũng sẵn sàng tiến ra.
Các tàu Việt Nam Cộng hòa được lệnh triệt thoái. Trong khu vực hải chiến chỉ còn lại tàu HQ-10 Nhựt Tảo không còn khả năng di chuyển. Thân tàu chi chít vết đạn. Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà trúng thương ngay cổ đã hy sinh lẫm liệt ngay trên tay lái tàu.
Đại úy hạm phó Nguyễn Thành Trí kêu anh em lên boong, yêu cầu rời tàu. Ông Trần Văn Hà, thủy thủ cơ khí nhớ lại: “Một số anh em như Lê Văn Tây, Ngô Văn Sáu… nhất quyết đòi ở lại với tàu. Đó là những người đã bị thương nặng và cả một số pháo thủ chưa bị gì”.
“Thôi, chiến hữu xuống bè đi, để chúng tôi ở lại” – họ vừa nhắn nhủ lời chia tay vừa xem cơ số đạn còn lại. Trong Nhật ký Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu, sĩ quan phụ trách các khẩu đội pháo phía sau chiến hạm Nhựt Tảo, kể ông là một trong những người nhảy xuống biển sau cùng. Trước khi nhảy, ông gọi hạ sĩ Lê Văn Tây rời tàu. Viên hạ sĩ này trả lời dứt khoát: “Tôi ở lại ăn thua đủ với bọn Tàu”.
Hai tàu chống ngầm 281, 282 đã đến, bắn xối xả trả thù vào chiếc Nhựt Tảo. Đứng từ đảo Hữu Nhật, trung sĩ Trịnh Văn Quý, thuộc nhóm đổ bộ của HQ-4 đã chứng kiến cảnh chiếc Nhựt Tảo oằn mình dưới lửa đạn của hai tàu chiến Trung Quốc mới đến còn nguyên vẹn. Thật kỳ lạ, đến 8g sáng 20-1, trung sĩ Trịnh Văn Quý mới thấy Nhựt Tảo chìm hẳn, gần đảo Hữu Nhật.
Những người lính Việt trên HQ-10 Nhựt Tảo chỉ còn 21 người. Chiến hạm HQ-10 Nhựt Tảo đã nằm lại dưới đáy biển Hoàng Sa cùng hạm trưởng Ngụy Văn Thà (ở Houston, bang Texas, khu Bellaire Blvd có tên đường Ngụy Văn Thà), hạm phó Nguyễn Thành Trí và anh em binh sĩ của mình.
Trong đó, có hai người lính Ông Tạ và cùng xứ Tân Chí Linh của tôi. Một là Hải quân trung úy Vũ Đình Huân, gia đình ở khu Cầu Sạn – Ông Tạ, sau đó riêng anh về khu nhà thờ Hầm ở Thăng Long, Phú Thọ (anh Huân vừa đính hôn xong, chuẩn bị sau khi đi trận về sẽ làm lễ cưới). Hai là Hải quân trung sĩ điện tử HQ-10 Nguyễn Quang Xuân, trong nhà và hàng xóm gọi là Sinh.
Nhà anh Xuân trên đường tới nhà thờ Tân Chí Linh xứ tôi. Anh là con trai ông bà Tờ, cháu nội cụ chánh trương Sổ của xứ Tân Chí Linh. Nhà anh đối diện nhà cụ Tú hớt tóc, bố của ông Cử, chủ phở Phú Vương sau này. Đi ngang nhà lúc đó, tôi nhớ mang máng trên bức tường chính của ngôi nhà có chân dung anh và hình một chiến hạm bên cạnh, là HQ-10 Trần Khánh Dư?
Họ đã sống những giây phút cuối cùng lẫm liệt, bi tráng vì Tổ quốc – Giang sơn – Dân tộc Việt.
P/s: Danh sách các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong Hải chiến Hoàng Sa 1974 – Báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/danh-sach-cac-quan-nhan-viet-nam-cong-hoa-hi-sinh-trong-hai-chien-hoang-sa-1974-1855655.htm
NHÀ THƠ NHÂN DÂN, TBT.
Sắp đến Ngày Thống Nhất,
Dâng thêm một bó hoa,
Thắp thêm nén hương nữa
Nhớ người lính Cộng Hòa.
Họ cũng con dân Việt,
Cùng máu mủ, đồng bào,
Như người lính Miền Bắc,
Đã ngã xuống năm nào.
Không hận thù, giai cấp,
Người Việt vốn hiền lành,
Thế mà nhiều người chết
Vì hận thù, chiến tranh.
Mong các anh siêu thoát,
Những người lính Cộng Hòa.
Không ai chết vô ích.
Chúng ta, con một nhà.
PS
Xin cúi đầu đứng lặng,
Thêm một phút lặng im
Nhớ các nhà dân chủ
Đón Tết trong xà lim.
Những người con ưu tú,
Xã thân vì nước nhà,
Họ đang bị tù tôi.
Tù tội thay cho ta.
Nguồn Mạng