Quỹ Paul K. Feyerabend đánh giá cao việc làm của tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách

Quỹ Paul K. Feyerabend

Tác giả: Ben

Thục Quyên, lược dịch

7-1-2024

Lời giới thiệu: Quỹ Paul K. Feyerabend, thành lập Thụy Sĩ hồi tháng 3 năm 2006, khuyến khích và thúc đẩy việc trao quyền và phúc lợi cho các cộng đồng còn yếu kém. Bằng cách tăng cường tình đoàn kết nội bộ và giữa các cộng đồng, Quỹ nỗ lực nâng cao năng lực địa phương, thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và duy trì đa dạng văn hóa và sinh học.

Ngày 3-10-2023, Quỹ Paul K. Feyerabend có đăng bài viết: “Đặng Đình Bách: Tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết cộng đồng và câu chuyện buồn về sự bất công cần được khắc phục Việt Nam”. Trong bài, tác giả cho biết, Paul K. Feyerabend đã trao giải thưởng cho ông Đặng Đình Bách hồi năm 2023, nhằm đánh giá cao những công việc ông đã làm, như một tấm gương về tinh thần đoàn kết cộng đồng và với hy vọng các nhà chức trách Việt Nam thức tỉnh sẽ nhận ra rằng, những người như ông Bách và các tổ chức như Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (Law and Policy of Sustainable Development Research Center – LPSD) của ông là tài sản lớn cho bất kỳ quốc gia nào.

Sau đây là nội dung bài dịch:

Ảnh: Ông Đặng Đình Bách, bị bắt ngày 24-6-2021 và bị kết án 5 năm tù về cái gọi là tội “trốn thuế”. Nguồn: FB Đặng Đình Bách

 

Ông Đặng Đình Bách từng là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), trung tâm do chính ông đồng sáng lập năm 2007, nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Có trụ sở tại Hà Nội, LPSD có đường hướng hợp tác với chính phủ Việt Nam trong việc nghiên cứu và phân tích các vấn đề pháp lý và chính sách. Năm 2011, với những kinh nghiệm đạt được khi tham gia Mạng lưới Pháp luật Mekong, Bách trở thành giám đốc LPSD và tiến hành chuyển đổi trung tâm này thành một tổ chức pháp lý vì lợi ích công cộng đầu tiên ở Việt Nam.

LPSD đã hỗ trợ nhiều cộng đồng yếu kém tìm hiểu và thực thi các quyền của họ trong bối cảnh các dự án công nghiệp và phát triển gây tổn hại môi trường. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tận dụng các luật lệ, chính sách và thủ tục về môi trường tương đối chặt chẽ đã có của Việt Nam.

Trọng tâm mạnh mẽ Bách và LPSD muốn đạt được là sự tham gia trực tiếp của cộng đồng vào những vấn đề và công việc của chính họ.

Các mô hình phát triển kinh tế thông thường với những thiếu sót trong việc lưu tâm đến những tác động (tiêu cực) trên cộng đồng địa phương và môi trường, là những thách thức khiến công việc của LPSD rất cần thiết, đồng thời là một tham vọng.

Ở nhiều quốc gia, các cộng đồng phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực trên sức khỏe, sinh kế, nhà ở và môi trường địa phương, lại rất bị hạn chế trong việc tác động lên các kế hoạch của chính phủ nhằm bảo đảm các doanh nghiệp phải có trách nhiệm giải trình. Các phương pháp tiếp cận pháp lý vì lợi ích công cộng, là một trong số rất ít phương cách họ có thể sử dụng.

Bách đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ họ, bằng cách sử dụng những luật hiện hành, và đối thoại xây dựng với tất cả các bên liên quan, để tối thiểu tìm được một chút công nhận chính trị cho những quyền lợi của cộng đồng.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc thiếu nhận thức pháp luật, tình trạng tham nhũng và không gian hành động hạn chế của xã hội dân sự, thường kết hợp với nhau để cản trở việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường. Vì vậy, công việc của Bách đòi hỏi một cách tiếp cận lâu dài và kiên nhẫn. Các vụ việc phức tạp liên quan đến môi trường và đất đai thường có nghĩa là phải đối mặt với các lợi ích kinh tế và chính trị mạnh mẽ, và Bách đã hoạt động để xây dựng nhận thức và năng lực của cộng đồng và cả của các đồng nghiệp pháp lý của mình, đồng thời tham gia mang tính xây dựng với nhiều người khác có liên quan.

LPSD đã giúp các cộng đồng đàm phán với các doanh nghiệp cũng như với chính phủ, và giúp họ trong những cuộc tranh tụng tại tòa án. LPSD cũng thúc đẩy các công cụ pháp lý mang lại lợi ích công cộng, xây dựng mối quan hệ với các cấp chính quyền khác nhau (đặc biệt là các quan chức trẻ trung cấp) và đã phát triển một mạng lưới các luật sư vì lợi ích công cộng, tập trung vào các vụ việc liên quan đến vấn đề ô nhiễm.

Chậm nhưng chắc chắn, các cộng đồng bắt đầu tìm được tiếng nói riêng và hiểu được một số phương cách để khẳng định quyền lợi của mình.

Các chương trình hành động

Một trong những sáng kiến của LPSD là triệu tập và hỗ trợ “Nhóm Hành động vì Nạn nhân Ô nhiễm”, bằng cách cung cấp tư vấn pháp lý và khoa học, cũng như củng cố cộng đồng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Mạng lưới Môi trường Việt Nam (VEN), cung cấp cho các luật sư các mô hình kiện tụng liên quan. Nó cũng đã giúp các tổ chức trong nước và quốc tế hiểu được cách tốt nhất để sử dụng các phương pháp bảo vệ môi trường hợp pháp, hiện được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Vì LPSD cam kết hợp tác sâu rộng với cộng đồng nên họ hành động minh bạch và không khoa trương, tuy nhiên không chấp nhận thỏa hiệp (nhượng bộ) trong việc kêu gọi các cơ quan chức năng có bổn phận thực thi luật pháp và chính sách môi trường của Việt Nam, thậm chí còn cần cải thiện chúng.

LPSD giao tiếp với các cộng đồng bằng ngôn ngữ đơn giản và dành thời gian đáng kể cho họ. Cách làm việc này đã mang lại thành công trong việc xây dựng lòng tin, đoàn kết nội bộ, cũng như nhận thức và tăng kỹ năng vận động và giao tiếp.

Nhờ đó, các cộng đồng có thể gửi kiến nghị và kết nối với chính quyền địa phương của họ, để cố gắng thuyết phục chính quyền mời cộng đồng và LPSD nhập cuộc vào các cuộc điều tra về ô nhiễm. Thông qua công việc kiên nhẫn của LPSD, một vài chính quyền địa phương đã bắt đầu hiểu được những vấn đề cấp bách và mối quan tâm của cộng đồng họ.

Các cuộc họp liên cộng đồng cũng được tổ chức nhằm trao đổi hiểu biết, chiến lược và kỹ năng giải quyết vấn đề. Mặc dù thường xuyên thiếu kinh phí để thực hiện công việc đòi hỏi khắt khe và phức tạp mà cộng đồng yêu cầu, LPSD cũng tuyển dụng các sinh viên luật và giúp nhiều người phát huy quan điểm và kinh nghiệm về lợi ích công cộng.

Thí dụ về các trường hợp lợi ích công cộng lâu dài được Bách và LPSD đưa ra, gồm việc bảo vệ các cộng đồng trong Vụ Nicotex, khi hàng tấn thuốc trừ sâu hết hạn bị chôn vùi trái phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe [người dân] địa phương.  Hoặc các trường hợp mức độ ung thư cao trong cộng đồng có thể liên quan đến vấn đề ô nhiễm công nghiệp.

Vai trò dẫn đầu của Bách trong Mạng lưới Pháp lý Mekong cho lợi ích cộng đồng của Earth Rights International, bao gồm việc phát triển cơ chế khiếu nại và công cụ đánh giá tác động sử dụng đất cho các cộng đồng có tranh chấp đất đai.

Một phần của công việc này là, LPSD đào tạo các nhà tổ chức để hỗ trợ cộng đồng của họ, những người bị mất đất và sinh kế, do phải di dời trong vụ việc liên quan đến đập Sơn La.

Là thành viên của Liên minh Cứu Sông Mê Kông trong khu vực, Bách và LPSD đã giúp nâng cao nhận thức về tác động ở hạ lưu của các đập trên sông Mê Kông đối với cộng đồng, và trên hệ thống lương thực cùng môi trường của đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Trong công tác liên quan biến đổi khí hậu, họ giữ vai trò lãnh đạo trong Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), đặc biệt trong 17 ngày hoạt động hồi năm 2021, khi Liên minh đặt câu hỏi về sự phụ thuộc quá nhiều vào than của Việt Nam.

Ngoài ra, ông Bách còn là thành viên Ban điều hành của Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về EVFTA – một mạng lưới các tổ chức phát triển và môi trường được thành lập để giám sát việc chính phủ tuân theo các điều kiện lao động và bền vững trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Âu Châu (EU).

Tất cả những việc làm đó, có phải quá nhiều đối với một số nhà chức trách Việt Nam?

Hồi tháng 6 năm 2021, Bách bị bắt vì tội trốn thuế và LPSD bị buộc phải đóng cửa.

Bách không phải là người duy nhất. Trong hai năm qua, bốn nhà bảo vệ môi trường và khí hậu khác đã bị bắt và bị bỏ tù với tội danh tương tự. Các chuyên gia nhân quyền đã bày tỏ quan ngại về mô hình luật thuế mơ hồ và được thi hành một cách tùy tiện ở Việt Nam. Những luật như vậy có thể dễ dàng được vũ khí hóa để bịt miệng những người bảo vệ môi trường và những người chỉ trích chính sách của chính phủ, cũng như việc thực thi chính sách đó.

Sau một quá trình xét xử khiếm khuyết và bị từ chối xét xử công bằng, Bách bị kết án 5 năm tù, một mức án khắc nghiệt hơn nhiều so với mức bình thường đối với những người bị truy tố liên quan tới thuế má.

Khi chúng tôi viết những dòng này vào năm 2023, Bách còn đang ở trong tù. Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện (Working Group on Arbitrary Detention WGAD) của Liên Hiệp quốc nhận định rằng, việc giam giữ Bách là tùy tiện và vi phạm luật pháp quốc tế. Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền tự do hội họp ôn hòa và lập hội cũng lưu ý rằng, luật thuế dùng để bỏ tù Bách và những người hoạt động môi trường khác, không phù hợp với các quyền biểu đạt chính trị, ngôn luận và lập hội.

Kể từ khi Bách bị bắt, Liên Hiệp quốc đã đưa ra một số phát hiện về mô hình đàn áp những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Mục tiêu rõ ràng nhắm vào Bách chứng tỏ cho nhiều người thấy công việc mà ông và LPSD đang thực hiện rất quan trọng và có tác động như thế nào.

Việc ông tiếp tục bị giam giữ là điều vô cùng đáng quan ngại và quan trọng hơn bao giờ hết, chính quyền Việt Nam cần xét lại vụ việc và nhận ra những mối bận tâm chính đáng mà vụ án của ông [Bách] và các vụ án tương tự khác đã tạo ra ở cả hai cấp quốc gia và quốc tế.

Bảo đảm rằng các luật hiện hành được thực thi hợp pháp và công bằng, vì lợi ích của cả môi trường và các cộng đồng yếu thế, là một nhu cầu cấp thiết ở Việt Nam, cũng như ở tất cả các quốc gia khác. Các mạng lưới mà LPSD hỗ trợ trong và ngoài Việt Nam vẫn tiếp tục công việc của mình, mặc dù trong môi trường rất hạn chế và bức bách.

Cho đến nay, Bách đang cố gắng hết sức để không rơi vào tuyệt vọng và tiếp tục khẳng định mình vô tội, nhưng không thành công. Mùa hè năm 2023, ông đã tuyệt thực trong một thời gian dài để kêu gọi chú ý đến sự bất công của những cáo buộc chống lại ông.

Trong thông điệp gửi gia đình, ông gửi tình yêu thương đến muôn loài và con người “vượt qua mọi khác biệt về không gian, thời gian, quốc gia, sắc tộc và tôn giáo” và hy vọng nhân loại sẽ thức tỉnh “để bảo vệ Đất Mẹ, bảo vệ tự do và sự sống”. Đây là điều mà ông có thể “sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời mình”.

Giải thưởng Paul K. Feyerabend năm 2023 được trao cho Bách để nêu cao công việc ông làm, như một tấm gương về tinh thần đoàn kết cộng đồng và với hy vọng rằng các nhà chức trách Việt Nam thức tỉnh sẽ nhận ra rằng, những người như Bách và các tổ chức như LPSD là tài sản lớn cho bất kỳ quốc gia nào.

Chỉ những người và những tổ chức như vậy mới có thể giúp phát triển cơ chế kiểm soát – cân bằng và nhận thức cộng đồng cần thiết cho bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển thịnh vượng.

Và không bao giờ quá muộn để mọi người nhận ra và hỗ trợ công việc khó khăn và luôn bị bức bách—nhưng quan trọng—của họ.

Vì hoàn cảnh đặc biệt, Giải thưởng Quỹ Paul K. Feyerabend năm 2023 không mang theo phong bì tài chính, nhưng sự ngưỡng mộ và đoàn kết dành cho ông Đặng Đình Bách và LPSD của Quỹ càng được nhân lên gấp bội.

Quỹ Feyerabend hy vọng rằng, việc xem xét tích cực trường hợp của ông Bách sẽ giúp ông trở lại với gia đình và công việc, một điều rất quan trọng cho tương lai Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây