Ngày 6 tháng 1 đã cho tôi thấy rõ điều gì

The Atlantic

Tác giả: Nancy Pelosi

Nguyễn Bình Phương, biên dịch

7-1-2024

Ảnh: Nancy Pelosi, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Nguồn: Wikimedia

Ngày 6 tháng 1 là ngày được luật pháp Hoa Kỳ quy định để Quốc hội kiểm phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống. Đây là một dịp đầy kịch tính với những yêu cầu cụ thể: Sự an toàn của những chiếc hộp gỗ chứa chứng chỉ Cử tri đoàn của các tiểu bang; thời điểm diễn ra phiên họp lưỡng viện Quốc hội, được triệu tập lúc 1 giờ chiều; các quy tắc chính xác quy định rằng cuộc tranh luận về sự phản đối việc kiểm phiếu nếu có, sẽ diễn ra “rõ ràng và chính xác”.

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, con gái tôi là Alexandra đã đưa hai cậu con trai đến Điện Capitol để chứng kiến sự kiện lịch sử chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa này. Các cháu ngoại tôi đã chứng kiến lịch sử ngày hôm đó, tiếc là không phải lịch sử mà mọi người mong đợi.

Cựu tổng thống từ lâu đã dự định hủy bỏ kết quả bầu cử, gieo rắc nghi ngờ về kết quả ngay cả trước khi những lá phiếu được bầu và rồi tranh tụng tại tòa về kết quả. Vì vậy, trước phiên họp chung, chúng tôi đã chuẩn bị cho khả năng xảy ra chuyện phản đối kết quả Cử tri đoàn của các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội. Rõ ràng là kết quả từ Arizona, Nevada, Georgia, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin sẽ là mục tiêu bị tấn công. Dân biểu Jamie Raskin của Maryland đã lên chiến lược với các thành viên Quốc hội từ các bang đó về cách chúng ta sẽ đối phó và đánh bại những phản đối tại Hạ viện, dựa trên dữ kiện và luật pháp.

Phiên họp chung ngày 6 tháng 1 được Phó Tổng thống triệu tập vào lúc một giờ. Sự phản đối đầu tiên của đảng Cộng hòa xảy ra với kết quả từ tiểu bang Arizona. Vào giữa cuộc tranh luận đó, vào khoảng 2:15 chiều, nhân viên an ninh của tôi chạy đến ghế Chủ tịch và nói với tôi rằng, tôi phải rời đi ngay lập tức. Chúng tôi rời đi quá nhanh đến nỗi thậm chí tôi không có thời gian mang theo điện thoại di động.

Thất bại trong việc lật ngược kết quả bầu cử tại tòa án hoặc tại Quốc hội, tổng thống đã dùng đến biện pháp dấy loạn tại Điện Capitol. Một đám đông bạo lực — bị kích động bởi cuộc biểu tình “Ngăn chặn Trộm cắp” (Stop the Steal) do cựu tổng thống tổ chức — đã kéo đến Điện Capitol, vượt qua hàng rào cảnh sát bên ngoài và tiến tới nhiều lối vào tòa nhà. Đập vỡ cửa sổ và phá cửa ra vào, họ xông vào bên trong, tìm cách cản trở quá trình chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa.

Hơn 2.000 kẻ bạo loạn đã tiến vào bên trong tòa nhà. Một số người trong đám đông đã hét lên “Hãy treo cổ Mike Pence” – tức giận vì phó tổng thống đã từ chối tuân theo mệnh lệnh quái đản của cựu tổng thống nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Cùng lúc đó, một đám đông khổng lồ tụ tập bên ngoài văn phòng của tôi và hô vang “Nancy, Nancy, Nancy”, thậm chí còn la hét muốn bắn một viên đạn vào đầu tôi.

Tôi rất nể phục lòng can đảm của Cảnh sát Điện Capitol và Cảnh sát Thủ đô, bảo vệ ngôi đền dân chủ của chúng ta và bảo vệ những người dân bên trong. Đáng buồn thay, 140 cảnh sát đã bị những kẻ bạo loạn gây thương tích. Nhiều người chịu những vết sẹo lâu dài về thể chất và tinh thần. Một số sĩ quan sau đó đã mất mạng.

Tôi lo sợ cho những anh hùng thực thi pháp luật đó, cũng như lo sợ cho các thành viên của mình, các nhân viên quốc hội, những nhân công làm việc tại Điện Capitol, giới báo chí và những người khác hiện diện ngày hôm đó. Những câu chuyện của họ thật đau lòng — và thể hiện lòng dũng cảm phi thường.

Vì COVID, không phải tất cả các thành viên đều có thể tham gia trực tiếp tại phòng họp của Hạ viện. Dân biểu Jason Crow của Colorado đang ở trong phòng trưng bày cùng một nhóm dân biểu và các nhà báo vào lúc tòa nhà bị xâm nhập. Từng là Biệt động quân, anh ta lập tức hành động, bảo họ bỏ lại đồ đạc, nằm rạp xuống sàn và bò về phía một ô cửa an toàn nơi có lối thoát. Khi đám đông bên ngoài đập cửa – một số người nói rằng nó nghe như tiếng búa nện – anh ta thậm chí còn chuẩn bị cho họ sử dụng những cây bút làm vũ khí nếu cần. Tất nhiên, Jason là người cuối cùng rời khỏi phòng trưng bày.

Tôi được nghe lại một cách chi tiết đến đau lòng về những gì nhóm nhân viên của riêng tôi đã phải chịu đựng vào ngày hôm đó. Những nhân viên trẻ này – một số người có tinh thần công dân và yêu nước nhất mà bạn có thể gặp – suýt phải đối mặt với những kẻ bạo loạn. Trong hai tiếng rưỡi, họ thu mình trong một phòng họp nhỏ sau cánh cửa khóa và vật chắn, đèn tắt và hoàn toàn im lặng. Khi những kẻ man rợ cố gắng xông vào, nhân viên của tôi buộc phải liên tưởng đến khả năng họ có thể không bao giờ gặp lại những người thân yêu của mình nữa.

Các lãnh đạo của Quốc hội được đưa đến Fort McNair. Khi rời Điện Capitol, tôi liên tục hỏi liệu Vệ binh Quốc gia có được triệu tập hay không, một thẩm quyền dành riêng cho nhánh hành pháp. Trong khi thống đốc của mọi tiểu bang có quyền huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia của riêng họ thì Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Thủ đô nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng — và tận cùng là của tổng tư lệnh.

Khi tôi đến Fort McNair, rõ ràng là chưa có ai triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến Điện Capitol. Khi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cùng tôi xem truyền hình đưa tin về cuộc nổi dậy đang diễn ra, chúng tôi bắt đầu thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp tới chính quyền.

Tôi đã liên lạc với Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy, và nhận ra ông quá sức bình thản. Đáp lại lời khẩn cầu tiếp cứu của chúng tôi, ông ta nói: “Thôi, tôi phải báo cáo với sếp. Điều đó cần có thời gian. Tôi không biết chúng tôi có thể làm gì”. Một câu trả lời thật kinh hoàng.

Trong khi Ngũ Giác Đài tỏ ra lề mề, Chuck, Dân biểu Steny Hoyer và tôi đã gọi điện cho các thống đốc tiểu bang Virginia và Maryland để yêu cầu họ giúp đỡ. Lực lượng công lực và Vệ binh Quốc gia Virginia bắt đầu đến Thủ đô vào khoảng 3:15 chiều, và Maryland cũng hợp tác.

Chuck, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, và tôi sau đó liên lạc với cấp trên của Ryan McCarthy, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, để xin thêm quân tiếp viện. Mitch khẩn khoản rằng Lực lượng Vệ binh Quốc gia “cần đến đó thật nhanh chóng, bạn hiểu không?” Tôi yêu cầu một câu trả lời: “Cứ giả dụ là Ngũ Giác Đài hoặc tòa Bạch Ốc hoặc một thực thể nào khác đang bị bao vây”. Tuy nhiên, Miller vẫn trì hoãn.

Vài giờ sau, Điện Capitol cuối cùng đã được phục hồi an ninh. Mặc dù có đề nghị rằng chúng tôi tiếp tục buổi chứng nhận kết quả bầu cử từ Fort McNair vì lý do an ninh, nhưng chúng tôi vẫn giữ mục tiêu là quay trở lại Điện Capitol vào đêm hôm đó để hoàn thành việc kiểm phiếu. Cả thế giới đã chứng kiến nọc độc “Stop the Steal” (“Ngăn chặn Trộm cắp”) hèn hạ mà tổng thống đang thúc đẩy và chuyện bạo động mà nó đã gây ra. Điều quan trọng là chúng tôi phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình tại Điện Capitol của Hoa Kỳ để người dân Mỹ, cũng như thế giới có thể nhìn thấy.

Khoảng 9 giờ tối, tôi quay lại ghế Chủ tịch, cầm búa (*) và ra lệnh cho Hạ viện tái họp. Tôi đọc một tuyên bố ngắn gọn: “Những kẻ đã hả hê tham gia vào việc xúc phạm ngôi đền dân chủ này của chúng ta… công lý sẽ được thực thi”. Và tôi đã thề rằng Quốc hội sẽ “là một phần của lịch sử cho thế giới thấy nước Mỹ được tạo nên như thế nào.”

Hạ viện tiếp tục tranh luận về sự phản đối trên kết quả của Arizona, đang diễn ra trước khi chuyện kinh hoàng kia ập đến. Ngay cả sau khi trải qua việc tự lập rào phòng thủ trong văn phòng của mình, trốn chui dưới bàn ghế và chứng kiến quá nhiều đau đớn và tổn thương, đại đa số đảng viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện vẫn bỏ phiếu chống lại kết quả bầu cử ở Arizona—bao gồm Kevin McCarthy và Steve Scalise, những người đã lắng nghe tại Fort McNair khi Mitch, Chuck và tôi cầu xin Lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Rất may, 303 Dân biểu Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại sự phản đối và nó đã thất bại. Bạn có thể tin được không, kế đến đảng Cộng hòa lại quyết định đưa ra thách thức đối với kết quả từ Pennsylvania. Thượng viện bác bỏ phản đối của Pennsylvania mà không cần tranh luận, nhưng Hạ viện phải trải qua thêm hai giờ tranh luận trước khi cuối cùng bỏ phiếu bác bỏ được phản đối đó.

Khuya hôm đó, Phó Tổng thống Pence chính thức ghi nhận số phiếu bầu từ tất cả các bang và tuyên bố Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Khi chúng tôi cùng đứng ở bục phát biểu tại Hạ viện trong phiên họp chung, tôi đã cảm ơn và khen ngợi Pence vì đã can đảm làm những điều đúng đắn, vì đã tôn trọng lời tuyên thệ nhậm chức của ông ấy là “ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ”. Tôi cũng ghi nhận lòng dũng cảm và sự cam kết của các thành viên và nhân viên, những người đã quay trở lại phòng họp vào đêm hôm đó và ở lại cho đến khoảng 4 giờ sáng, là lúc chúng tôi hoàn tất phiên họp ngày 6 tháng 1.

Tôi vẫn nhớ như in, lần đầu tiên tôi nhìn thấy Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Lúc đó tôi 6 tuổi và gia đình tôi đang trên đường tới Washington để chứng kiến bố tôi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm tại Quốc hội. Khi chúng tôi gần đến nơi, các anh trai tôi cười rạng rỡ khi nói: “Nancy, nhìn, nhìn kìa, Điện Capitol kìa!” Và nó đây: Một mái vòm trắng lộng lẫy, cao chót vót và uy nghi, tỏa sáng dưới ánh mặt trời.

Nhưng quan trọng hơn vẻ đẹp của tòa nhà là sự uy nghi của những gì nó thể hiện. Từ lâu được coi là biểu tượng của tự do và dân chủ trên toàn cầu, mái vòm Điện Capitol được xây dựng bởi Abraham Lincoln giữa cuộc Nội chiến. Khi một số người đề nghị ông dừng xây dựng để tiết kiệm thép và nhân lực cho chiến tranh, Lincoln đã nói không. Ông biết rằng việc hoàn thiện tòa nhà mái vòm sẽ thể hiện sức mạnh và quyết tâm của nước Mỹ.

Ngày 6 tháng 1 là một thời điểm hiểm nghèo khác đối với nền dân chủ của chúng ta. Đó không đơn thuần là một cuộc tấn công vào tòa nhà Điện Capitol mà còn vào tấn công vào Hiến pháp của chúng ta. Và một số người thực hiện cuộc tấn công dưới mái vòm của Lincoln đã mang theo lá cờ của Liên minh miền Nam. Nhưng trong đêm đen tối đó, Quốc hội lại một lần nữa thể hiện sức mạnh và quyết tâm của nước Mỹ. Bây giờ, ba năm sau, chúng ta được kêu gọi làm điều tương tự.

Mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta là có thật, hiện hữu và cấp bách. Dụ ngôn ngày 6 tháng 1 nhắc nhở chúng ta rằng, các thể chế dân chủ quý giá của chúng ta chỉ mạnh mẽ khi có lòng can đảm và sự dấn thân của những người được phó thác để gìn giữ chúng. Tất cả chúng ta đều có chung trách nhiệm bảo vệ nền dân chủ Mỹ, nền dân chủ mà Lincoln gọi là “niềm hy vọng tốt nhất cuối cùng trên trái đất”.

______

Ghi chú của Tiếng Dân: (*) Chiếc búa mà bà Pelosi nói tới trong bài, tương tự như chiếc búa của thẩm phán tòa án, là biểu tượng quyền lực của chủ tịch Hạ viện hay thẩm phán tòa án.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Khi có tin Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henri Kissinger được giải Nobel Hòa bình, một người Việt nam đã phát biểu danh hiệu Tiết Hạnh Khả Phong được trao cho một mụ tú bà ,

  2. Cư nghĩ đến cảnh điện Capitol trong ngày 6_1 2021 trên tivi , lai thấy lạ lùng , sao Trump không bị sử là tội phạm như bao người khác . Và la lùng hơn nữa là hắn còn mặt dày ra tranh cử và tròn miệng vận động cho bản thân mình .

    • Còn lạ lùng hơn nữa là, rất nhiều người dân Mỹ , công dân của một nước tự do, dân chủ bậc nhất trên thế giới, lại đi ủng hộ một gã tâm thần . Lúc nào cũng khoe khoang, Putin, Tập Cận Bình là bạn của tôi ??!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây