Tính toán sai lầm và sự chia rẽ đã làm hỏng kế hoạch tấn công của Mỹ và Ukraine (phần 1)

Washington Post

Cù Tuấn, biên dịch

4-12-2023

Vào ngày 15 tháng 6, trong phòng họp tại trụ sở NATO ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, cùng với các chỉ huy hàng đầu của Mỹ, ngồi quanh bàn với người đồng cấp Ukraine, cùng với các trợ lý từ Kyiv. Căn phòng nặng trĩu một bầu không khí chán nản.

Austin, với giọng nam trung có chủ ý, đã hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov về việc Ukraine ra quyết định trong những ngày đầu của cuộc phản công được chờ đợi từ lâu, rằng tại sao lực lượng của Reznikov không sử dụng thiết bị rà phá bom mìn do phương Tây cung cấp để thực hiện một cuộc tấn công cơ giới hóa lớn hơn hoặc sử dụng khói để che giấu những bước tiến của họ. Austin cho biết, bất chấp tuyến phòng thủ dày đặc của Nga, quân đội của Điện Kremlin không phải là bất khả chiến bại.

Reznikov, một luật sư đầu trọc, đeo kính cận, cho biết các chỉ huy quân sự Ukraine là người đưa ra những quyết định đó. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các xe bọc thép của Ukraine đang bị trực thăng, máy bay không người lái và pháo binh Nga phá hủy trong mọi nỗ lực tiến lên. Ông nói, nếu không có sự yểm trợ của không quân, lựa chọn duy nhất là sử dụng pháo binh để bắn phá các phòng tuyến của Nga, sau đó bộ binh đi ra khỏi các phương tiện xe cơ giới và đi bộ.

Một quan chức có mặt cho biết: “Chúng tôi không thể điều động quân vì mật độ mìn dày đặc và các cuộc phục kích của xe tăng”.

Cuộc gặp ở Brussels này, chưa đầy hai tuần sau chiến dịch, cho thấy một cuộc phản công được tạo ra từ sự lạc quan đã thất bại trong việc tung ra một cú đấm như mong đợi, tạo ra xích mích và nghi ngờ giữa Washington và Kyiv, đồng thời đặt ra những câu hỏi sâu sắc hơn về khả năng của Ukraine trong việc chiếm lại một lượng lớn lãnh thổ có tính chất quyết định.

Khi mùa đông đến gần và chiến tuyến đóng băng, các quan chức quân sự cấp cao nhất của Ukraine thừa nhận rằng cuộc chiến đã đi vào bế tắc.

Bài kiểm tra phân tích về thời điểm dẫn đến cuộc phản công của Ukraine dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 30 quan chức cấp cao từ Ukraine, Mỹ và các quốc gia châu Âu. Nó cung cấp những hiểu biết mới và những chi tiết chưa được báo cáo trước đây về sự tham gia sâu sắc của Mỹ vào kế hoạch quân sự đằng sau cuộc phản công và các yếu tố góp phần gây ra sự thất vọng của nước này. Phần thứ hai của bài tường thuật gồm hai phần này, xem xét trận chiến diễn ra như thế nào trên thực địa trong mùa hè và mùa thu, cũng như những rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Washington và Kyiv. Một số quan chức phát biểu với điều kiện giấu tên, thảo luận về các cuộc thảo luận nhạy cảm.

Các yếu tố chính hình thành nên cuộc phản công và kết quả ban đầu bao gồm:

● Các sĩ quan quân đội Ukraine, Mỹ và Anh đã tổ chức tám trò chơi chiến tranh trên bàn lớn để xây dựng kế hoạch chiến dịch. Nhưng Washington đã tính toán sai về mức độ mà quân đội Ukraine có thể biến thành lực lượng chiến đấu kiểu phương Tây trong một thời gian ngắn – đặc biệt là khi không trang bị cho lực lượng không quân Kiev một phần không thể thiếu đối với quân đội hiện đại.

● Các quan chức Mỹ và Ukraine đôi khi bất đồng gay gắt về chiến lược, chiến thuật và thời điểm. Lầu Năm Góc muốn cuộc tấn công bắt đầu vào giữa tháng 4 để ngăn chặn Nga tiếp tục củng cố phòng tuyến của mình. Người Ukraine do dự, khẳng định họ chưa sẵn sàng nếu không có thêm vũ khí và huấn luyện.

● Các quan chức quân sự Mỹ tin tưởng rằng một cuộc tấn công trực diện cơ giới hóa vào phòng tuyến của Nga là khả thi với quân đội và vũ khí mà Ukraine có. Các mô phỏng kết luận rằng lực lượng của Kyiv, trong trường hợp tốt nhất, có thể tới Biển Azov và cắt đứt quân Nga ở phía nam trong vòng 60 đến 90 ngày.

● Mỹ chủ trương tấn công tập trung dọc theo trục phía nam đó, nhưng lãnh đạo Ukraine tin rằng lực lượng của họ phải tấn công vào ba điểm khác biệt dọc theo mặt trận dài 600 dặm, về phía nam tới cả Melitopol và Berdyansk trên Biển Azov và về phía đông tới thành phố đang bị vây hãm của Bakhmut.

● Cộng đồng tình báo Mỹ có cái nhìn bi quan hơn quân đội Mỹ, khi đánh giá rằng cuộc tấn công chỉ có cơ hội thành công 50-50 do hệ thống phòng thủ nhiều tầng, kiên cố mà Nga đã xây dựng trong mùa đông và mùa xuân.

● Nhiều người ở Ukraine và phương Tây đã đánh giá thấp khả năng của Nga phục hồi sau thảm họa chiến trường và khai thác những thế mạnh lâu năm của nước này: nhân lực, bom mìn và sự sẵn sàng hy sinh mạng sống ở quy mô mà ít quốc gia nào khác có thể sánh được.

● Khi thời điểm khởi động cuộc tấn công dự kiến đến gần, các quan chức quân sự Ukraine lo ngại rằng họ sẽ phải gánh chịu tổn thất thảm khốc – trong khi các quan chức Mỹ tin rằng con số thương vong cuối cùng sẽ còn cao hơn nếu không có một cuộc tấn công quyết định.

Năm 2023 bắt đầu với quyết tâm của phương Tây ở đỉnh cao, quân đội Ukraine rất tự tin và Tổng thống Volodymyr Zelensky dự đoán sẽ có một chiến thắng quyết định. Nhưng bây giờ, có sự không chắc chắn trên tất cả các mặt trận. Tinh thần chiến đấu ở Ukraine đang suy yếu. Sự chú ý của quốc tế đã chuyển hướng sang Trung Đông.

Ngay cả trong số những quốc gia nhiệt tình ủng hộ Ukraine, ngày càng có sự miễn cưỡng chính trị trong việc đóng góp nhiều hơn cho một mục tiêu bấp bênh. Ở hầu hết mọi điểm dọc theo chiến tuyến, những kỳ vọng và kết quả đã khác nhau khi Ukraine chuyển sang một giai đoạn tiến công siêu chậm chạp và chỉ chiếm lại được một phần nhỏ lãnh thổ.

Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press vào tuần trước: “Chúng tôi muốn có kết quả nhanh hơn. Xét từ góc độ đó, thật đáng tiếc là chúng tôi đã không đạt được kết quả như mong muốn. Và đó là sự thật.

Cùng nhau, tất cả những yếu tố này làm cho chiến thắng dành cho Ukraine khó có thể xảy ra hơn nhiều, thay vào đó sẽ là một cuộc chiến tiêu hao và tàn phá kéo dài hàng năm trời.

Những tháng đầu không thuyết phục và nản lòng của chiến dịch phản công đặt ra những câu hỏi nghiêm túc cho những người phương Tây ủng hộ Kyiv về tương lai, khi Zelensky – được đa số người Ukraine ủng hộ – thề sẽ chiến đấu cho đến khi Ukraine khôi phục lại biên giới được thiết lập sau khi nước này giành được độc lập năm 1991 khỏi Liên Xô.

“Việc này sẽ mất nhiều năm và tốn rất nhiều máu. Ukraine có sẵn sàng cho điều đó không? Việc chết đi rất nhiều người sẽ ảnh hưởng ra sao? Kinh tế sẽ ảnh hưởng thế nào? Hỗ trợ của phương Tây cũng sẽ thay đổi.”

Năm nay sắp kết thúc với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn hơn bao giờ hết, rằng ông có thể kiên trì chờ đợi sự suy giảm hỗ trợ của một phương Tây vốn hay thay đổi, và sẽ sáp nhập hoàn toàn lãnh thổ Ukraine đã bị quân đội của ông chiếm giữ.

Lập kế hoạch tác chiến

Trong một cuộc gọi hội nghị vào cuối mùa thu năm 2022, sau khi Kyiv giành lại lãnh thổ ở phía bắc và phía nam, Austin đã nói chuyện với Tướng Valery Zaluzhny, chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine và hỏi ông ta cần những gì cho một cuộc tấn công mùa xuân. Zaluzhny trả lời rằng, ông cần 1.000 xe bọc thép và 9 lữ đoàn mới, toàn bộ số tân binh này cần được huấn luyện ở Đức và phải ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

“Lúc đó tôi cứ gọi là mắt chữ a miệng chữ o”, Austin nói sau đó, theo một quan chức biết về vụ này. “Điều đó gần như không thể”, ông nói với các đồng nghiệp.

Trong những tháng đầu năm 2023, các quan chức quân sự từ Anh, Ukraine và Mỹ đã kết thúc một loạt cuộc tập trận tại căn cứ của Quân đội Mỹ ở Wiesbaden, Đức, nơi các sĩ quan Ukraine được giao nhiệm vụ chỉ huy mới thành lập chịu trách nhiệm hỗ trợ cuộc chiến của Kyiv.

Chuỗi tám cuộc tập trận cấp cao trên bàn đã tạo thành xương sống cho nỗ lực do Mỹ hỗ trợ nhằm trau dồi một kế hoạch chiến dịch chi tiết, khả thi và xác định những gì các quốc gia phương Tây sẽ cần cung cấp để tạo cho họ phương tiện thành công.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã tập hợp tất cả các đồng minh và đối tác lại với nhau và thực sự ép họ phải cung cấp thêm [cho Ukraine] phương tiện cơ giới hóa”.

Trong các cuộc mô phỏng, mỗi lần kéo dài vài ngày, những người tham gia được chỉ định đóng vai quân Nga – lực lượng có năng lực và hành vi đã được tình báo Ukraine và đồng minh thông báo – hoặc quân đội và chỉ huy Ukraine, những người có thành tích bị ràng buộc bởi thực tế rằng họ sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về nhân lực và đạn dược.

Những người lập kế hoạch thực hiện các cuộc tập trận bằng cách sử dụng phần mềm trò chơi chiến tranh chuyên dụng và bảng tính Excel – và đôi khi, chỉ đơn giản bằng cách di chuyển các quân cờ trên bản đồ. Các mô phỏng bao gồm các bài tập thành phần nhỏ hơn, mỗi bài tập trung vào một yếu tố cụ thể của cuộc chiến – các hoạt động tấn công hoặc hậu cần. Các kết luận sau đó được đưa trở lại vào kế hoạch chiến dịch đang phát triển.

Các quan chức hàng đầu bao gồm Tướng Mark A. Milley, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Đại tá Tướng Oleksandr Syrsky, chỉ huy lực lượng mặt đất Ukraine, đã tham dự một số cuộc tập trận mô phỏng và được thông báo tóm tắt về kết quả.

Trong một lần đến thăm Wiesbaden, Milley đã nói chuyện với các binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt của Ukraine – những người đang làm việc với lực lượng Mũ nồi xanh của Mỹ – với hy vọng truyền cảm hứng cho họ trước các hoạt động tại các khu vực do đối phương kiểm soát.

Theo một quan chức am hiểu sự kiện, Milley nói: “Không có người Nga nào đi ngủ mà không tự hỏi liệu mình có bị rạch cổ họng vào lúc nửa đêm hay không. Bạn phải quay lại đó và tạo ra một chiến dịch phản kháng đằng sau chiến tuyến.”

Các quan chức Ukraine hy vọng cuộc tấn công có thể tái lập thành công như mùa thu năm 2022, khi họ thu hồi được một phần vùng Kharkiv ở phía đông bắc và thành phố Kherson ở phía nam trong một chiến dịch khiến ngay cả những quốc gia ủng hộ lớn nhất của Ukraine cũng phải ngạc nhiên. Một lần nữa, trọng tâm của họ sẽ ở nhiều nơi.

Nhưng các quan chức phương Tây cho biết cuộc tập trận đã khẳng định đánh giá của họ rằng Ukraine sẽ có khả năng thành công tốt nhất bằng cách tập trung lực lượng vào một mục tiêu chiến lược duy nhất – một cuộc tấn công ồ ạt qua các khu vực do Nga nắm giữ đến Biển Azov, cắt đứt tuyến đường bộ huyết mạch của Điện Kremlin từ Nga đến Crimea.

Một cựu quan chức Mỹ cho biết, cuộc diễn tập đã giúp Mỹ có cơ hội nói với người Ukraine ở một số điểm rằng: “Tôi biết các bạn thực sự, thực sự, thực sự muốn làm điều này, nhưng nó sẽ không hiệu quả”.

Tuy nhiên, vào cuối ngày, Zelensky, Zaluzhny và các nhà lãnh đạo Ukraine khác sẽ đưa ra quyết định, cựu quan chức này lưu ý.

Các quan chức Mỹ đã cố gắng gán xác suất cho các kịch bản khác nhau, bao gồm cả việc Nga đầu hàng – được coi là “khả năng thực sự thấp” – hoặc một thất bại lớn của Ukraine sẽ tạo cơ hội cho một cuộc phản công lớn của Nga – cũng là một xác suất rất nhỏ.

Một quan chức Anh cho biết: “Sau đó, những gì bạn có là thực tế ở giữa, với các mức độ thành công”.

Kịch bản lạc quan nhất cho việc cắt đứt tuyến đường bộ trên đất liền là 60 đến 90 ngày. Theo các quan chức Mỹ, cuộc tập trận cũng dự đoán một cuộc chiến khó khăn và đẫm máu, với tổn thất về binh lính và trang thiết bị lên tới 30 đến 40%.

Các sĩ quan quân đội Mỹ đã chứng kiến thương vong thấp hơn nhiều so với ước tính trong các trận chiến lớn ở Iraq và Afghanistan. Họ coi những ước tính này là điểm khởi đầu cho việc lập kế hoạch chăm sóc y tế và sơ tán chiến trường để tổn thất không bao giờ đạt đến mức dự kiến.

Quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết những con số này “có thể rất đáng lo ngại”. “Nhưng chúng không bao giờ cao như dự đoán, bởi vì chúng tôi biết mình phải làm nhiều việc để đảm bảo rằng chúng tôi không bao giờ khiến tỷ lệ thương vong trên thực địa leo cao đến mức đó”.

Các quan chức Mỹ cũng tin rằng cuối cùng sẽ có thêm nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng nếu Kiev không tiến hành một cuộc tấn công quyết định và cuộc xung đột trở thành một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.

Nhưng họ thừa nhận sự tinh tế khi đề xuất một chiến lược có thể gây ra tổn thất đáng kể, bất kể con số cuối cùng là bao nhiêu.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: “Thật dễ dàng để chúng tôi nói với họ trong một bài tập trên bàn giấy rằng: ‘Được rồi, các bạn chỉ cần tập trung vào một chỗ và cố gắng hết sức’. Họ sẽ mất rất nhiều người và họ sẽ mất rất nhiều trang thiết bị.”

Quan chức cấp cao này cho biết những lựa chọn đó trở nên “khó khăn hơn nhiều trên chiến trường”.

Về điều đó, một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine đã đồng ý. Khi nhìn lại, quan chức này cho biết các trò chơi chiến tranh “không hiệu quả”, một phần là do công nghệ mới đang làm thay đổi chiến trường. Những người lính Ukraine đang tham gia một cuộc chiến không giống bất cứ điều gì lực lượng NATO đã từng trải qua: một cuộc xung đột thông thường lớn, với các chiến hào kiểu Thế giới I được máy bay không người lái có mặt tuần tra khắp nơi và các công cụ tương lai khác – và không có ưu thế trên không mà quân đội Mỹ có được trong mọi cuộc xung đột hiện đại mà họ đã từng chiến đấu.

“Tất cả những phương pháp đánh trận giả này… ông có thể xếp chúng gọn gàng lại và vứt vào sọt, ông hiểu không?” quan chức cấp cao người Ukraine nói về kịch bản của trò chơi chiến tranh. “Hãy vứt chúng đi, vì bây giờ chiến tranh không còn hoạt động như vậy nữa.”

2. Bất đồng về việc triển khai lực lượng

Người Mỹ từ lâu đã đặt câu hỏi về sự sáng suốt trong quyết định của Kyiv trong việc duy trì lực lượng xung quanh thành phố Bakhmut ở phía đông đang bị bao vây .

Người Ukraina lại nhìn nhận điều đó theo cách khác. “Giữ chắc Bakhmut” đã trở thành khẩu hiệu để thể hiện niềm tự hào về sự kháng cự quyết liệt của quân đội nước này trước một kẻ thù lớn hơn. Trong nhiều tháng, pháo binh Nga và Ukraine đã nghiền nát Bakhmut. Hàng nghìn binh sĩ đã bị giết và bị thương để tranh nhau từng khối nhà trong thành phố.

Thành phố này cuối cùng đã rơi vào tay Nga vào tháng 5/2023.

Zelensky, được sự hậu thuẫn của chỉ huy hàng đầu của mình, đã giữ vững quan điểm về sự cần thiết phải duy trì sự hiện diện lớn xung quanh Bakhmut và tấn công quân Nga ở đó như một phần của cuộc phản công. Để đạt được mục tiêu đó, Zaluzhny đã duy trì nhiều lực lượng gần Bakhmut hơn so với ở phía nam, bao gồm cả những đơn vị giàu kinh nghiệm nhất Ukraine, các quan chức Mỹ thất vọng nhận xét.

Các quan chức Ukraine lập luận rằng họ cần duy trì một cuộc chiến mạnh mẽ ở khu vực Bakhmut vì nếu không Nga sẽ cố gắng chiếm lại các phần của khu vực Kharkiv và tiến vào Donetsk – mục tiêu chính của Putin, người muốn chiếm toàn bộ khu vực đó.

Một quan chức cấp cao Ukraine cho biết: “Chúng tôi đã nói với [người Mỹ] rằng: ‘Nếu các bạn đảm nhận các vị trí tướng lĩnh của chúng tôi, các bạn sẽ thấy rằng nếu chúng tôi không biến Bakhmut thành một điểm nóng chiến sự thì [người Nga] sẽ làm như vậy’. Chúng tôi không thể để điều đó xảy ra.”

Ngoài ra, Zaluzhny còn hình dung rằng chiều dài 600 dặm đáng gờm của mặt trận sẽ trở thành một vấn đề đối với Nga, theo quan chức cấp cao của Anh. Vị tướng Ukraine muốn dàn trải lực lượng chiếm đóng lớn hơn nhiều của Nga – vốn không quen thuộc với địa hình và đang phải đối mặt với những thách thức về tinh thần và hậu cần – để làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của Nga.

Các quan chức phương Tây nhận thấy cách tiếp cận đó có vấn đề, điều này cũng sẽ làm giảm hỏa lực của quân đội Ukraine tại bất kỳ điểm tấn công nào. Học thuyết quân sự phương Tây chỉ đạo một nỗ lực tập trung hướng tới một mục tiêu duy nhất.

Tuy nhiên, người Mỹ cuối cùng đã nhượng bộ.

“Họ biết rõ địa hình. Họ biết rõ người Nga”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết. “Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi. Và chúng tôi đã phải nghe họ.”

3. Những vũ khí mà Kiev cần

Vào ngày 3 tháng 2, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, đã triệu tập các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của chính quyền để xem xét kế hoạch phản công.

Phòng họp kín dưới lòng đất của Nhà Trắng đang được cải tạo, vì vậy các quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, cùng với CIA, đã tập trung tại một phòng họp an ninh ở Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower liền kề.

Hầu hết đều đã quen với cách tiếp cận từ ba Bộ về các vấn đề của Ukraine. Mục tiêu là để các cố vấn cấp cao của Biden lên tiếng tán thành hoặc nói về những điều còn đang nghi ngại với nhau và cố gắng đạt được sự đồng thuận về lời khuyên chung của họ cho Tổng thống.

Một người tham dự cho biết những câu hỏi mà Sullivan đặt ra rất đơn giản. Đầu tiên, liệu Washington và các đối tác có thể chuẩn bị thành công để Ukraine xuyên thủng hàng phòng thủ kiên cố của Nga hay không?

Và sau đó, ngay cả khi người Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng, “họ thực sự có thể làm được điều đó không?”

Milley, với những bản đồ Ukraine luôn có sẵn, đã cho thấy các trục tấn công tiềm năng cũng như việc triển khai các lực lượng Ukraine và Nga. Ông và Austin giải thích kết luận của họ rằng “Ukraine, để thành công, cần phải chiến đấu theo một cách khác,” một quan chức chính quyền cấp cao tham gia chặt chẽ vào kế hoạch nhớ lại.

Quân đội Ukraine sau khi Liên Xô tan rã đã trở thành lực lượng phòng thủ. Kể từ năm 2014, nước này đã tập trung vào cuộc chiến khốc liệt nhưng ở cấp độ thấp chống lại các lực lượng được Nga hậu thuẫn ở khu vực phía đông Donbas. Để tổ chức một cuộc tiến công quy mô lớn sẽ đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu lực lượng và chiến thuật.

Kế hoạch kêu gọi đào tạo phương Tây rộng hơn và tốt hơn, cho đến thời điểm đó vẫn tập trung vào việc dạy các nhóm nhỏ và cá nhân cách sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp. Hàng nghìn binh sĩ sẽ được hướng dẫn ở Đức về đội hình đơn vị lớn và diễn tập chiến trường kiểu Mỹ, những nguyên tắc có từ Thế chiến thứ hai. Đối với quân đội Mỹ, quá trình huấn luyện trong các hoạt động được gọi là “vũ khí phối hợp” thường kéo dài hơn một năm. Kế hoạch của Ukraine đề xuất rút ngắn thời gian đó xuống còn vài tháng.

Thay vì bắn pháo, sau đó “tiến về phía trước” và bắn thêm nữa, quân Ukraine sẽ “chiến đấu và bắn cùng lúc”, với các lữ đoàn mới được huấn luyện tiến về phía trước với xe bọc thép và pháo binh yểm trợ “theo một kiểu giống như dàn nhạc giao hưởng vậy”, quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết.

Chính quyền Biden đã thông báo vào đầu tháng 1 rằng họ sẽ gửi xe chiến đấu Bradley; Anh đồng ý chuyển giao 14 xe tăng Challenger. Cuối tháng đó, sau thông báo miễn cưỡng của Mỹ rằng họ sẽ cung cấp xe tăng Abrams M1 hàng đầu vào mùa thu, Đức và các quốc gia NATO khác đã cam kết cung cấp hàng trăm xe tăng Leopard do Đức sản xuất để kịp thời phản công.

Một vấn đề lớn hơn nhiều là việc cung cấp đạn pháo 155mm, điều này sẽ giúp Ukraine có thể cạnh tranh với kho vũ khí pháo binh khổng lồ của Nga. Lầu Năm Góc tính toán rằng Kiev cần 90.000 viên đạn trở lên mỗi tháng. Dù rằng sản lượng đạn pháo của Mỹ ngày càng tăng, thì số đạn sản xuất ra mới chỉ bằng 1/10 con số được yêu cầu.

“Chỉ là toán học thôi mà,” cựu quan chức cấp cao Mỹ nói. “Tại một thời điểm nhất định, chúng tôi sẽ không thể nào cung cấp đủ số đạn.”

Sullivan đưa ra các lựa chọn. Hàn Quốc có số lượng lớn vũ khí do Mỹ cung cấp, nhưng luật pháp nước này cấm đưa vũ khí đến vùng chiến sự. Lầu Năm Góc tính toán rằng khoảng 330.000 quả đạn pháo 155mm có thể được vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển trong vòng 41 ngày nếu thuyết phục được Seoul.

Các quan chức chính quyền cấp cao đã nói chuyện với các đối tác ở Seoul, những người sẵn sàng đồng ý miễn là việc chuyển giao vũ khí này mang tính gián tiếp. Đạn bắt đầu được chuyển giao vào đầu năm, cuối cùng khiến Hàn Quốc trở thành nhà cung cấp đạn pháo cho Ukraine lớn hơn tất cả các quốc gia châu Âu cộng lại.

Giải pháp thay thế trước mắt hơn sẽ đòi hỏi phải khai thác kho vũ khí đạn pháo 155mm của quân đội Mỹ, vốn chứa đầy bom chùm chứ không giống như biến thể của Hàn Quốc. Lầu Năm Góc có hàng nghìn viên đạn như vậy, đã tích tụ bụi trong nhiều thập kỷ. Nhưng Ngoại trưởng Antony Blinken đã chùn bước.

Bên trong đầu đạn của những đạn chùm đó, được gọi chính thức là Đạn thông thường cải tiến mục đích kép, hay còn gọi là PPCM, là hàng chục quả bom nhỏ sẽ rải rác trên một khu vực rộng. Một số chắc chắn sẽ không phát nổ, và gây nguy hiểm lâu dài cho dân thường và 120 quốc gia – bao gồm hầu hết các đồng minh của Mỹ, ngoại trừ Ukraine hay Nga – đã ký một hiệp ước cấm chúng. Việc gửi các loại đạn này đi sẽ khiến Mỹ phải trả một số vốn dựa trên nền tảng đạo đức cao của cuộc chiến.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của Blinken, Sullivan đã đưa ra quyết định xem xét PPCM. Các loại đạn này sẽ không được giới thiệu đến Biden để phê duyệt, ít nhất là vào lúc này.

4. Ukraine có thể thắng?

Với việc nhóm đồng ý rằng Mỹ và các đồng minh có thể cung cấp những gì họ tin là vật tư và đào tạo mà Ukraine cần, Sullivan phải đối mặt với phần thứ hai của phương trình: Ukraine có thể làm được điều đó không?

Zelensky, trong lễ kỷ niệm năm đầu tiên của cuộc chiến vào tháng 2 năm 2023, đã khoe rằng năm 2023 sẽ là “năm chiến thắng”. Giám đốc tình báo của ông đã gợi ý rằng người Ukraine sẽ sớm đi nghỉ mát ở Crimea, bán đảo mà Nga đã sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Nhưng một số người trong chính phủ Mỹ lại không mấy tự tin.

Các quan chức tình báo Mỹ, hoài nghi về sự nhiệt tình của Lầu Năm Góc, đánh giá khả năng thành công không quá 50-50. Ước tính này khiến những người đồng cấp trong Bộ Quốc phòng của họ thất vọng, đặc biệt là những người ở Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ, những người đã nhớ lại dự đoán sai lầm của các điệp viên những ngày trước cuộc xâm lược năm 2022 rằng Kyiv sẽ rơi vào tay quân Nga chỉ trong vòng vài ngày.

Một số quan chức quốc phòng Mỹ nhận xét một cách cay đắng rằng sự lạc quan không có trong DNA của các quan chức tình báo – họ là những “Eeyores” của chính phủ Mỹ, cựu quan chức cấp cao này nói, và việc đặt cược vào thất bại luôn an toàn hơn.

Giám đốc CIA William J. Burns sau đó đã phản ánh trong một cuộc phỏng vấn: “Một phần nguyên nhân là do sức mạnh tuyệt đối của quân đội Nga. Với tất cả sự kém cỏi của mình trong năm đầu tiên của cuộc chiến, họ đã cố gắng phát động một cuộc huy động cục bộ một cách hỗn loạn để lấp đầy nhiều khoảng trống ở mặt trận. Ở Zaporizhzhia ” – tuyến then chốt của cuộc phản công nếu cây cầu trên bộ bị cắt đứt – “chúng ta có thể thấy họ đang xây dựng những hệ thống phòng thủ cố định thực sự khá ghê gớm, khó xuyên thủng, thực sự là tốn kém, thực sự là đẫm máu đối với người Ukraine.”

Có lẽ hơn bất kỳ quan chức cấp cao nào khác, Burns, cựu đại sứ tại Nga, đã tới Kyiv nhiều lần trong năm trước, đôi khi là bí mật, để gặp những người đồng cấp Ukraine, cũng như với Zelensky và các quan chức quân sự cấp cao của ông. Ông đánh giá cao vũ khí mạnh nhất của người Ukraine – ý chí chiến đấu chống lại mối đe dọa hiện hữu.

“Trái tim của bạn thuộc về họ,” Burns nói về hy vọng giúp Ukraine thành công. “Nhưng… đánh giá tình báo rộng hơn của chúng tôi cho thấy đây sẽ là một công việc thực sự khó khăn.”

Hai tuần sau khi Sullivan và những người khác trình bày với Tổng thống Mỹ, một báo cáo tình báo cập nhật, tối mật đã đánh giá rằng những thách thức của việc tập trung quân, đạn dược và trang thiết bị có nghĩa là Ukraine có thể sẽ “không đạt được” các mục tiêu phản công của mình.

Cho đến nay, phương Tây đã từ chối đáp ứng yêu cầu của Ukraine về máy bay chiến đấu và Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội, hay ATACMS, có thể tiếp cận các mục tiêu xa hơn phía sau phòng tuyến của Nga và Ukraine cảm thấy họ cần phải tấn công các địa điểm chỉ huy và tiếp tế quan trọng của Nga.

Một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây cho biết: “Bạn sẽ không thể biến một quân đội kế thừa thời hậu Xô viết mới nổi trở thành Quân đội Mỹ vào năm 2023 chỉ sau một đêm. Thật ngu ngốc khi một số người mong đợi rằng bạn có thể cho họ nhiều thứ và điều đó sẽ thay đổi cách họ chiến đấu.”

Các quan chức quân sự Mỹ không phủ nhận rằng đây sẽ là một cuộc chiến đẫm máu. Đến đầu năm 2023, họ biết có tới 130.000 quân Ukraine bị thương hoặc thiệt mạng trong cuộc chiến này, trong đó có nhiều binh sĩ giỏi nhất của đất nước này. Một số chỉ huy Ukraine đã bày tỏ sự nghi ngờ về chiến dịch sắp tới, với lý do số lượng lớn binh sĩ còn thiếu kinh nghiệm chiến trường.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng đã hợp tác chặt chẽ với quân đội Ukraine. Các quan chức đã chứng kiến họ chiến đấu dũng cảm và giám sát nỗ lực cung cấp cho họ một lượng lớn vũ khí hiện đại. Các quan chức quân sự Mỹ lập luận rằng các ước tính tình báo không tính đến hỏa lực của loại vũ khí mới được cung cấp cũng như ý chí chiến thắng của người Ukraine.

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết: “Kế hoạch mà họ thực hiện hoàn toàn khả thi với lực lượng mà họ có, đúng tiến độ mà chúng tôi đã hoạch định”.

Austin biết rằng có thêm thời gian để huấn luyện về chiến thuật và trang bị mới sẽ có lợi nhưng Ukraine không có được điều đó.

“Trong một thế giới hoàn hảo, bạn có quyền lựa chọn. Bạn cứ nói, ‘Tôi muốn mất thêm sáu tháng nữa để rèn luyện và cảm thấy thoải mái về điều này’,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi cho rằng họ không có lựa chọn nào khác. Họ đang phải chiến đấu vì mạng sống của mình.”

5. Nga đã sẵn sàng

Đến tháng 3, Nga đã mất nhiều tháng để chuẩn bị phòng thủ, xây dựng hàng dặm rào chắn, chiến hào và các chướng ngại vật khác trên khắp mặt trận đề phòng trước cuộc tấn công của Ukraine.

Sau những thất bại nhức nhối ở khu vực Kharkiv và Kherson vào mùa thu năm 2022, Nga dường như đã chuyển hướng. Putin đã bổ nhiệm Tướng Sergei Surovikin – được mệnh danh là “Tướng Armageddon” vì chiến thuật tàn nhẫn ở Syria – lãnh đạo cuộc chiến của Nga ở Ukraine, tập trung vào việc giữ chắc thay vì chiếm thêm lãnh thổ.

Ruslan Leviev, nhà phân tích và đồng sáng lập Nhóm Tình báo Xung đột, nhóm đã theo dõi hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine từ năm 2014, cho biết: “Trong những tháng sau cuộc xâm lược năm 2022, các chiến hào của Nga chỉ là những hố thẳng, dễ bị lũ lụt, có biệt danh là “các rãnh xác chết”.

Nhưng quân Nga đã thích nghi khi chiến tranh tiếp diễn, họ đã đào những chiến hào khô ráo hơn, ngoằn ngoèo hơn để bảo vệ binh lính khỏi bị pháo kích tốt hơn. Leviev cho biết, khi các chiến hào ngày càng phức tạp hơn, chúng tiến ra các khu rừng để cung cấp phương thức tốt hơn cho quân phòng thủ rút lui. Ông nói thêm rằng quân Nga đã xây dựng đường hầm giữa các vị trí này để chống lại việc Ukraine sử dụng rộng rãi máy bay không người lái.

Các chiến hào là một phần của hệ thống phòng thủ nhiều lớp bao gồm các bãi mìn dày đặc, các kim tự tháp bê tông được gọi là răng rồng và mương chống tăng. Nếu các bãi mìn bị vô hiệu hóa, lực lượng Nga sẽ có hệ thống tên lửa để gieo lại các bãi mìn này.

Không giống như những nỗ lực tấn công của Nga trong thời kỳ đầu chiến tranh, những biện pháp phòng thủ này tuân theo các tiêu chuẩn trong sách giáo khoa của Liên Xô. Một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây cho biết: “Đây là một trường hợp Nga đã thực hiện đúng học thuyết quân sự của mình”.

Konstantin Yefremov, cựu sĩ quan sư đoàn súng trường cơ giới số 42 của Nga, người đóng quân ở Zaporizhzhia vào năm 2022, nhắc lại rằng Nga có trang bị và sức mạnh cần thiết để xây dựng một bức tường vững chắc chống lại cuộc tấn công.

Yefremov nói trong một cuộc phỏng vấn sau khi chạy trốn sang phương Tây: “Quân đội của Putin đang gặp phải tình trạng thiếu nhiều loại vũ khí, nhưng theo đúng nghĩa đen thì họ có thể bơi trong mìn. Họ có hàng triệu quả mìn, cả mìn chống tăng và mìn sát thương.”

Sự nghèo đói, tuyệt vọng và sợ hãi của hàng chục nghìn lính Nga nhập ngũ đã khiến họ trở thành lực lượng lao động lý tưởng. “Tất cả những gì bạn cần là sức mạnh của đám nô lệ,” ông nói. “Và thậm chí còn hơn thế nữa, những người lính cấp bậc thấp của Nga biết rằng họ đang [xây dựng chiến hào và các tuyến phòng thủ khác] cho chính họ để cứu lấy mạng sống của họ.”

Ngoài ra, trong một chiến thuật được sử dụng trong cả Thế chiến I và II, Surovikin sẽ triển khai các đơn vị chặn phía sau quân Nga để ngăn họ rút lui, đôi khi phải chấp nhận cái chết.

Oleksandr Netrebko, chỉ huy lữ đoàn cảnh sát mới thành lập đang chiến đấu gần Bakhmut cho biết lựa chọn của quân Nga là “chết vì đạn của quân Ukraine chúng tôi hoặc của chính họ”.

Tuy nhiên, trong khi Nga có nhiều quân hơn, kho vũ khí quân sự nhiều hơn và điều mà một quan chức Mỹ nói là “sẵn sàng chịu đựng những tổn thất thực sự nghiêm trọng”, thì các quan chức Mỹ biết rằng Nga cũng có những lỗ hổng nghiêm trọng.

Các cơ quan tình báo Mỹ ước tính đến đầu năm 2023, khoảng 200.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương, bao gồm cả rất nhiều lính biệt kích được huấn luyện bài bản. Quân thay thế được đưa vào Ukraine còn thiếu kinh nghiệm. Việc luân chuyển các lãnh đạo hiện trường đã làm tổn hại đến khả năng chỉ huy và kiểm soát. Theo một tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ trên nền tảng trò chuyện Discord vào mùa xuân, tổn thất về thiết bị cũng đáng kinh ngạc: hơn 2.000 xe tăng, khoảng 4.000 xe chiến đấu bọc thép và ít nhất 75 máy bay.

Người ta đánh giá rằng lực lượng của Nga không đủ để bảo vệ mọi tuyến xung đột. Nhưng trừ khi Ukraine tiến hành tấn công nhanh chóng, Điện Kremlin có thể bù đắp thâm hụt trong vòng một năm hoặc ít hơn nếu nhận được nhiều sự trợ giúp từ bên ngoài từ các quốc gia thân thiện như Iran và Triều Tiên.

Các quan chức Mỹ lập luận rằng điều bắt buộc là Ukraine phải tấn công.

6. Thêm quân, thêm vũ khí

Vào cuối tháng 4 năm 2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có chuyến đi không báo trước tới gặp Zelensky ở Kyiv.

Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, đã đến thành phố này để thảo luận về việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 năm 2023, bao gồm cả việc Kyiv thúc đẩy gia nhập liên minh.

Nhưng trong bữa trưa làm việc với một số bộ trưởng và phụ tá, cuộc trò chuyện chuyển sang chủ đề chuẩn bị cho cuộc phản công – mọi việc đang diễn ra như thế nào và những việc còn lại phải làm.

Stoltenberg – dự kiến tới Đức vào ngày hôm sau để tham dự cuộc họp của Nhóm Liên lạc Phòng thủ Ukraine, một tập đoàn gồm khoảng 50 quốc gia cung cấp vũ khí và các hỗ trợ khác cho Kyiv – đã hỏi về nỗ lực trang bị và huấn luyện các lữ đoàn Ukraine vào cuối tháng 4, theo hai nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán.

Zelensky báo cáo rằng quân đội Ukraine dự kiến lực lượng lữ đoàn sẽ ở mức 80 hoặc 85% sẵn sàng vào cuối tháng. Điều đó dường như mâu thuẫn với kỳ vọng của Mỹ rằng Ukraine đã sẵn sàng phản công.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh quân đội của ông phải trấn giữ phía đông để ngăn Nga điều động lực lượng ngăn chặn cuộc phản công phía nam của Kyiv. Ông nói, để bảo vệ miền đông đồng thời tiến về phía nam, Ukraine cần thêm một lữ đoàn, hai người nhớ lại.

Các quan chức Ukraine cũng tiếp tục khẳng định rằng việc mở rộng kho vũ khí là yếu tố then chốt giúp họ có thể thành công. Mãi đến tháng 5, trước trận chiến, Anh mới tuyên bố sẽ cung cấp tên lửa Storm Shadow tầm xa hơn. Nhưng một điệp khúc cốt lõi khác của Ukraine là họ được yêu cầu chiến đấu theo cách mà không một quốc gia NATO nào có thể nghĩ tới – không có sức mạnh hiệu quả trên không.

Như một cựu quan chức cấp cao Ukraine đã chỉ ra, các máy bay chiến đấu MiG-29 cũ kỹ của nước ông có thể phát hiện mục tiêu trong bán kính 40 dặm và bắn ở cự ly 20 dặm. Trong khi đó, Su-35 của Nga có thể xác định mục tiêu ở khoảng cách hơn 90 dặm và bắn hạ chúng ở khoảng cách 75 dặm.

“Hãy tưởng tượng một chiếc MiG và một chiếc Su-35 trên bầu trời. Chúng ta không nhìn thấy họ trong khi họ nhìn thấy chúng ta. Chúng tôi không thể tiếp cận họ trong khi họ có thể tiếp cận chúng tôi”, quan chức này nói. “Đó là lý do vì sao chúng tôi chiến đấu hết mình để có được F-16”.

Các quan chức Mỹ chỉ ra rằng ngay cả một vài chiếc trong số những chiếc máy bay trị giá 60 triệu USD cũng sẽ ngốn hết số tiền có thể dùng để mua phương tiện, hệ thống phòng không hoặc đạn dược. Hơn nữa, họ cho biết, các máy bay phản lực sẽ không mang lại ưu thế trên không mà người Ukraine mong muốn.

Một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết: “Nếu bạn có thể huấn luyện một loạt phi công F-16 trong ba tháng, họ sẽ bị bắn hạ ngay trong ngày đầu tiên vì lực lượng phòng không của Nga ở Ukraine rất mạnh và rất có năng lực”.

Cuối cùng, Biden đã nhượng bộ vào tháng 5 và cấp giấy phép cần thiết cho các quốc gia châu Âu tặng máy bay F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Tuy nhiên, việc đào tạo phi công và cung cấp máy bay phản lực sẽ mất một năm hoặc hơn, quá lâu để tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến sắp tới.

7. Kiev tỏ ra lưỡng lự

Đến tháng 5, mối lo ngại ngày càng gia tăng trong chính quyền Biden và những người ủng hộ đồng minh. Theo kế hoạch, lẽ ra Ukraine đã phải triển khai các hoạt động phản công của mình. Đối với quân đội Mỹ, cánh cửa cơ hội đang thu hẹp lại nhanh chóng. Tình báo trong mùa đông đã chỉ ra rằng hệ thống phòng thủ của Nga tương đối yếu và phần lớn không có người điều khiển, đồng thời tinh thần của quân Nga xuống thấp sau những thất bại ở Kharkiv và Kherson. Tình báo Mỹ đánh giá các sĩ quan cấp cao của Nga cảm thấy triển vọng rất ảm đạm.

Nhưng đánh giá đó đã thay đổi nhanh chóng. Mục tiêu là tấn công trước khi Matxcơva sẵn sàng và quân đội Mỹ đã cố gắng từ giữa tháng 4 để thuyết phục quân Ukraine hành động. “Chúng tôi có ngày giờ. Chúng tôi đã được thông báo ngày tấn công rất nhiều lần”, một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết. “Chúng tôi được nghe các loại văn – tháng 4 thế này, tháng 5 thế kia, rồi tháng 6 thế nọ. Chiến dịch cứ bị trì hoãn mãi.”

Trong khi đó, hàng phòng ngự của Nga càng ngày càng dày đặc. Các quan chức quân sự Mỹ đã thất vọng khi thấy quân Nga sử dụng những tuần lễ trong tháng 4 và tháng 5 để gài một lượng đáng kể mìn bổ sung, một diễn biến mà các quan chức tin rằng cuối cùng đã khiến cho bước tiến của quân đội Ukraine trở nên khó khăn hơn đáng kể.

Washington cũng lo lắng rằng quân Ukraine đã đốt quá nhiều đạn pháo, chủ yếu xung quanh Bakhmut, mà sẽ là cần thiết cho cuộc phản công.

Khi tháng 5 tiếp tục trôi qua, người Mỹ có vẻ như Kyiv, hăng hái trong các cuộc tập trận và huấn luyện, đã đột ngột chậm lại – rằng có “một loại chuyển đổi nào đó trong tâm lý”. Người Ukraine đã đến ranh giới hành động “và sau đó tất cả đột nhiên họ nghĩ, ‘Chà, hãy kiểm tra lại ba lần cho chắc, đảm bảo rằng chúng tôi cảm thấy thoải mái’”, một quan chức chính quyền tham gia kế hoạch cho biết. “Nhưng họ đã nói với chúng tôi gần một tháng rồi… ‘ Chúng tôi sắp tiến công. Chúng tôi sắp đánh rồi.’”

Một số quan chức cấp cao của Mỹ tin rằng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy sự chậm trễ đã làm thay đổi cơ hội thành công của Ukraine. Những người khác nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng rằng Điện Kremlin đã khai thác thành công khoảng thời gian tạm thời để củng cố các điểm phòng thủ mà họ tin rằng sẽ là đường tấn công của Kyiv.

Ở Ukraine, một kiểu thất vọng khác đang hình thành. Một cựu quan chức cấp cao của Ukraine, người tham gia sâu vào nỗ lực này, cho biết: “Khi chúng tôi có một mốc thời gian được tính toán, vâng, kế hoạch là bắt đầu hoạt động vào tháng 5”. “Tuy nhiên, có nhiều chuyện đã xảy ra.”

Người Ukraine cho biết các thiết bị đã được phương Tây hứa hẹn đã được giao quá muộn hoặc không phù hợp để chiến đấu. Quan chức quân sự cấp cao của Ukraine cho biết: “Rất nhiều loại vũ khí sắp được đưa vào sử dụng, chúng đã được hứa hẹn vào năm ngoái”. Ông nói, điều quan trọng là họ chỉ nhận được 15% vật phẩm – như bệ phóng Dây rà phá mìn (MCLC) – cần thiết để thực hiện kế hoạch tạo ra từ xa các lối đi xuyên qua các bãi mìn.

Chưa hết, quan chức quân sự cấp cao Ukraine nhớ lại, người Mỹ vẫn tiếp tục cằn nhằn về việc khởi đầu bị trì hoãn và vẫn phàn nàn về việc Ukraine đã dành bao nhiêu quân cho Bakhmut .

Các quan chức Mỹ kịch liệt phủ nhận việc Ukraine không nhận được tất cả vũ khí như đã hứa. Người Mỹ thừa nhận, danh sách vũ khí mong muốn của Ukraine có thể lớn hơn nhiều, nhưng vào thời điểm cuộc tấn công bắt đầu, quân đội Ukraine đã nhận được gần hai chục MCLC, hơn 40 máy lăn và máy xúc mìn, 1.000 quả ngư lôi Bangalore và hơn 80.000 quả lựu đạn khói. Zaluzhny đã yêu cầu 1.000 xe bọc thép; Lầu Năm Góc cuối cùng đã giao được 1.500 chiếc.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: “Họ đã nhận được mọi thứ đã hứa, đúng thời hạn”. Các quan chức cho biết, trong một số trường hợp, Ukraine đã không triển khai các thiết bị quan trọng cho cuộc tấn công mà chỉ giữ chúng ở mức dự trữ hoặc phân bổ cho các đơn vị không tham gia cuộc tấn công.

Vấn đề tiếp theo là thời tiết. Tuyết tan và mưa lớn khiến nhiều vùng ở Ukraine trở thành các vũng bùn nhão vào mỗi mùa xuân đến muộn và kéo dài hơn bình thường.

Cựu quan chức cấp cao Ukraine cho biết vào giữa năm 2022, khi mọi người bắt đầu nghĩ đến một cuộc phản công, “không ai biết dự báo thời tiết cả”.

Điều đó có nghĩa là không rõ khi nào vùng đồng bằng bằng phẳng và đất đen trù phú ở phía đông nam Ukraine, nơi mà bùn đóng vai trò như chất kết dính giữ chặt ủng và lốp xe, sẽ khô ráo vào mùa hè. Người Ukraine hiểu được sự không chắc chắn này bởi vì họ, không giống như người Mỹ, đang sống ở đó.

Khi quá trình chuẩn bị được đẩy nhanh, mối lo ngại của các quan chức Ukraine ngày càng gay gắt, bùng phát tại cuộc họp tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức vào tháng 4 khi cấp phó của Zaluzhny, Mykhailo Zabrodskyi, đã đưa ra lời kêu gọi đầy xúc động để được giúp đỡ.

Theo một cựu quan chức cấp cao Ukraine, Zabrodskyi nói với Austin và các trợ lý: “Chúng tôi rất tiếc, nhưng một số phương tiện chúng tôi nhận được không phù hợp để chiến đấu” . Ông cho biết những chiếc Bradley và Leopards đã bị hỏng hóc hoặc bị đứt xích. Xe chiến đấu Marder của Đức thì thiếu bộ đàm; Ông nói, chúng chẳng khác gì những chiếc hộp sắt có bánh xích – hoàn toàn vô dụng nếu binh lính trong xe không thể liên lạc với đơn vị của mình. Các quan chức Ukraine cho biết các đơn vị tham gia cuộc phản công thiếu đủ phương tiện rà phá bom mìn và sơ tán.

Austin nhìn sang Tướng Christopher Cavoli, tư lệnh hàng đầu của Mỹ ở châu Âu và Tướng Antonio Aguto, người đứng đầu Nhóm Hỗ trợ An ninh-Ukraine, cả hai đều ngồi cạnh ông. Họ nói họ sẽ kiểm tra.

Lầu Năm Góc kết luận rằng quân đội Ukraine đã không xử lý và bảo trì đúng cách tất cả các thiết bị sau khi được nhận. Austin đã chỉ đạo Aguto làm việc chuyên sâu hơn với các đối tác Ukraine về vấn đề bảo trì.

Một viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ nói: “Ngay cả khi bạn giao 1.300 phương tiện đang hoạt động tốt thì kiểu gì cũng sẽ có một số chiếc bị hỏng trong khoảng thời gian bạn đưa chúng lên mặt đất cho đến khi chúng tham gia chiến đấu”.

Đến ngày 1 tháng 6, các cấp cao nhất tại Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ và Lầu Năm Góc đã thất vọng và cảm thấy như họ nhận được rất ít câu trả lời. Có lẽ người Ukraine đã nản lòng trước những thương vong có thể xảy ra? Có lẽ đã có những bất đồng chính trị trong giới lãnh đạo Ukraine, hoặc các vấn đề trong hệ thống chỉ huy?

Cuộc phản công cuối cùng đã bắt đầu diễn ra vào đầu tháng 6. Một số đơn vị Ukraina nhanh chóng đạt được những thắng lợi nhỏ, chiếm lại các làng vùng Zaporizhzhia phía nam Velyka Novosilka, 80 dặm từ bờ biển Azov. Nhưng ở những nơi khác, ngay cả vũ khí và huấn luyện của phương Tây cũng không thể bảo vệ hoàn toàn lực lượng Ukraine khỏi hỏa lực mang tính trừng phạt của Nga.

Khi quân của Lữ đoàn trinh sát 37 cố gắng tiến lên, họ cũng như các đơn vị khác ở nơi khác, ngay lập tức cảm nhận được sức mạnh chiến thuật của Nga. Ngay từ những phút đầu tiên tấn công, họ đã bị choáng ngợp bởi hỏa lực súng cối xuyên thủng xe bọc thép AMX-10 RC của Pháp. Hỏa lực pháo binh của họ đã không thành hiện thực như mong đợi. Những người lính phải bò ra khỏi những chiếc xe đang cháy. Trong một đơn vị, 30 trong số 50 binh sĩ bị bắt, bị thương hoặc thiệt mạng. Tổn thất thiết bị của Ukraine trong những ngày đầu bao gồm 20 xe thiết giáp Bradley và 6 xe tăng Leopard do Đức sản xuất.

Những cuộc chạm trán ban đầu đó xảy ra như một tiếng sét giữa các sĩ quan ở trung tâm chỉ huy của Zaluzhny, nung nấu một câu hỏi trong đầu họ: Liệu chiến lược này có thất bại không?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Lịch sử đang lập lại

    Nhưng như Jack Búa -as an hommage to Sáu Búa, i guess- đã nhận định U Cà hổng phải Ngụy . Bất cứ ai liên hệ Ngụy với U Cà thì quên đi, vì chỉ có những kẻ vô học như bọn ruồi muỗi mới nghĩ thế thui

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây