Tổng tư lệnh Ukraine nói về bước đột phá cần thiết để có thể đánh bại Nga

Economist

Cù Tuấn, biên dịch

7-11-2023

Tóm tắt: Tướng Valery Zaluzhny thừa nhận cuộc chiến Ukraine đang lâm vào bế tắc.

Năm tháng sau cuộc phản công, Ukraine chỉ tiến được có 17 km. Nga đã chiến đấu trong mười tháng xung quanh Bakhmut ở phía đông “để chiếm một thị trấn kích thước 6 x 6 km”.

Chia sẻ đánh giá toàn diện đầu tiên về chiến dịch với The Economist trong một cuộc phỏng vấn tuần này, Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, nói rằng chiến trường Ukraine khiến ông nhớ đến cuộc xung đột lớn cách đây một thế kỷ. Ông nói: “Giống như trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chúng ta đã đạt đến trình độ công nghệ khiến chúng ta rơi vào bế tắc”. Vị tướng này kết luận rằng sẽ cần một bước nhảy vọt về công nghệ để phá vỡ thế bế tắc. “Rất có thể sẽ không có đột phá nào đủ sâu và đẹp cả”.

Diễn biến của cuộc phản công đã làm suy yếu hy vọng của phương Tây, rằng Ukraine có thể sử dụng nó để chứng minh rằng cuộc chiến là không thể thắng được đối với Nga, buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đàm phán. Nó cũng làm suy giảm giả định của Tướng Zaluzhny, rằng ông có thể ngăn chặn Nga bằng cách tiêu diệt quân đội của nước này. “Đó là sai lầm của tôi. Nga đã mất đi ít nhất 150.000 người. Ở bất kỳ quốc gia nào khác, số thương vong như vậy sẽ chấm dứt chiến tranh”. Nhưng giả định đó là không đúng với Nga, nơi giá trị sinh mạng rẻ mạt và là nơi mà ông Putin đã từng nhắc đến với hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, trong đó hàng chục triệu người Nga đã chết.

Một đội quân theo tiêu chuẩn của Ukraine lẽ ra phải có thể di chuyển với tốc độ 30km mỗi ngày khi chọc thủng phòng tuyến của Nga. “Nếu bạn nhìn vào sách giáo khoa của NATO và các phép toán mà chúng tôi đã làm, thì 4 tháng lẽ ra là đủ thời gian để chúng tôi đánh đến Crimea, chiến đấu ở Crimea, quay trở về từ Crimea và lặp lại điều này nhiều lần”, Tướng Zaluzhny nói với giọng châm biếm. Thay vào đó, ông chứng kiến quân đội của mình mắc kẹt trong các bãi mìn trên đường tiếp cận Bakhmut ở phía đông, các thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp cho ông bị pháo binh và máy bay không người lái của Nga tấn công.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở mũi tấn công chính ở phía nam, nơi các lữ đoàn Ukraine thiếu kinh nghiệm, ngay lập tức gặp rắc rối. “Đầu tiên tôi nghĩ có điều gì đó không ổn với các chỉ huy của chúng tôi nên tôi đã thay đổi một số người trong số họ. Sau đó, tôi nghĩ có lẽ binh lính của chúng tôi không phù hợp với mục đích sử dụng nên tôi đã xáo trộn và điều động binh lính đến một số lữ đoàn”, Tướng Zaluzhny nói.

Khi những thay đổi đó không tạo ra được sự khác biệt, vị tướng bảo binh sĩ của mình đi tìm một cuốn sách mà ông từng xem khi còn là sinh viên. Tiêu đề của nó là “Phá vỡ các tuyến phòng thủ kiên cố”. Cuốn sách này được xuất bản năm 1941, tác giả là thiếu tướng Liên Xô, P.S. Smirnov, người đã phân tích các trận chiến trong Thế chiến thứ nhất.

Và thậm chí trước khi tôi đi được nửa chặng đường, tôi đã nhận ra rằng, đó chính xác là tình huống hiện nay bởi vì cũng giống như lúc đó, mức độ phát triển công nghệ của chúng ta ngày nay đã khiến cả chúng tôi và kẻ thù của chúng tôi rơi vào tình trạng kẹt cứng”.

Ông nói, luận điểm đó đã được chứng minh khi ông thị sát tiền tuyến ở Avdiivka, cũng ở phía đông, nơi Nga gần đây đã tiến thêm vài trăm mét trong vài tuần, bằng cách tung hai đội quân của mình vào cuộc chiến. “Trên màn hình giám sát ngày tôi ở đó, chúng tôi thấy 140 xe cơ giới của Nga bốc cháy – bị phá hủy trong vòng bốn giờ sau khi lọt vào tầm bắn của pháo binh của chúng tôi”. Những xe cơ giới chạy trốn bị truy đuổi bởi máy bay không người lái “góc nhìn thứ nhất”, được điều khiển từ xa và mang theo chất nổ mà người điều khiển chỉ cần lao thẳng vào kẻ thù.

Bức tranh tương tự diễn ra khi quân Ukraine cố gắng tiến lên. Tướng Zaluzhny mô tả, một chiến trường trong đó các cảm biến hiện đại có thể xác định bất kỳ sự tập trung lực lượng nào và với vũ khí chính xác hiện đại có thể tiêu diệt các nhóm quân đó. “Thực tế đơn giản là chúng tôi nhìn thấy mọi việc kẻ thù đang làm và họ thấy mọi việc chúng tôi đang làm. Để phá vỡ sự bế tắc này, chúng ta cần một thứ gì đó mới mẻ, chẳng hạn như thuốc súng mà người Trung Quốc đã phát minh ra, và cho đến nay vẫn là thứ mà hai bên vẫn đang sử dụng để giết hại lẫn nhau”, ông nói.

Tuy nhiên, lần này, yếu tố quyết định sẽ không phải là một phát minh mới, mà nó sẽ đến từ việc kết hợp tất cả các giải pháp kỹ thuật hiện có, ông nói. Trong một bài báo được viết riêng cho The Economist của tướng Zaluzhny, cũng như trong một bài tiểu luận được chia sẻ với tờ báo, ông kêu gọi sự đổi mới về máy bay không người lái, chiến tranh điện tử, khả năng chống pháo binh và thiết bị rà phá bom mìn, cũng như trong việc sử dụng robot.

Các đồng minh phương Tây đã quá thận trọng trong việc cung cấp cho Ukraine công nghệ mới nhất và vũ khí mạnh hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra các mục tiêu khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga: Bảo đảm rằng Ukraine không bị đánh bại và Mỹ không bị lôi kéo vào cuộc đối đầu với Nga. Điều này có nghĩa là vũ khí do phương Tây cung cấp đủ để duy trì Ukraine trong cuộc chiến, nhưng không đủ để giúp nước này giành chiến thắng. Tướng Zaluzhny cũng không phàn nàn: “Họ không có nghĩa vụ phải cung cấp cho chúng tôi bất cứ thứ gì, và chúng tôi rất biết ơn vì những gì chúng tôi đã có, nhưng tôi chỉ nói ra sự thật”.

Tuy nhiên, bằng cách hạn chế cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa và xe tăng, phương Tây đã cho phép Nga tập hợp lại quân đội và xây dựng hệ thống phòng thủ sau cuộc đột phá bất ngờ ở khu vực Kharkiv ở phía bắc và ở Kherson ở phía nam vào cuối năm 2022. “Những hệ thống tên lửa này phù hợp nhất với chúng tôi vào năm ngoái nhưng chúng chỉ mới xuất hiện trong năm nay”, ông nói. Tương tự như vậy, các máy bay phản lực F-16, được dự kiến ra mắt vào năm tới, hiện tại ít hữu dụng hơn, một phần vì Nga đã cải thiện khả năng phòng không của mình: Một phiên bản thử nghiệm của hệ thống tên lửa S-400 có thể có tầm bắn vươn xa hơn thành phố Dnipro, ông cảnh báo.

Theo Tướng Zaluzhny, sự chậm trễ trong việc giao vũ khí, mặc dù gây khó chịu, không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khó khăn của Ukraine. Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải hiểu rằng cuộc chiến này không thể giành chiến thắng bằng vũ khí của thế hệ trước và các phương pháp lỗi thời. Chúng chắc chắn sẽ dẫn đến sự chậm trễ và hậu quả là thất bại”. Thay vào đó, công nghệ sẽ mang tính quyết định, ông lập luận. Vị tướng này rất hào hứng với những cuộc trò chuyện gần đây với Eric Schmidt, cựu giám đốc điều hành của Google, và nhấn mạnh vai trò quyết định của máy bay không người lái, cũng như cách chiến tranh điện tử có thể ngăn cản chúng bay.

Đánh giá của Tướng Zaluzhny rất nghiêm túc: Không có dấu hiệu nào cho thấy một bước đột phá về công nghệ, dù là về máy bay không người lái hay chiến tranh điện tử, sắp đến gần. Và công nghệ cũng có giới hạn của nó. Ngay cả trong Thế chiến thứ nhất, sự xuất hiện của xe tăng vào năm 1917 cũng không đủ để phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường. Phải mất một loạt công nghệ và hơn một thập kỷ đổi mới chiến thuật, mới tạo ra được cuộc tấn công chớp nhoáng của Đức vào tháng 5 năm 1940. Điều này hàm ý rằng Ukraine đang bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh kéo dài – một cuộc chiến mà ông thừa nhận Nga có lợi thế. Tuy nhiên, ông khẳng định, Ukraine không có lựa chọn nào khác ngoài việc giữ thế chủ động bằng cách tiếp tục tấn công, ngay cả khi nước này chỉ lấn được có vài mét mỗi ngày.

Vị tướng này tin rằng Crimea vẫn là điểm yếu lớn nhất của ông Putin. Uy tín của ông Putin dựa trên việc đưa bán đảo này trở lại Nga vào năm 2014. Trong vài tháng qua, Ukraine đã tấn công vào bán đảo này, nơi vẫn rất quan trọng đối với công tác hậu cần cho cuộc xung đột. “Người dân Crimea phải biết rằng, họ là một phần của Ukraine và cuộc chiến này đang diễn ra ở đó”. Vào ngày 30 tháng 10, Ukraine lần đầu tiên tấn công Crimea bằng tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp.

Tướng Zaluzhny đang cố gắng hết sức để ngăn chặn cuộc chiến chuyển thành việc đấu súng trong các chiến hào. Ông nói: “Nguy cơ lớn nhất của một cuộc chiến tiêu hao là nó có thể kéo dài nhiều năm và làm suy yếu nhà nước Ukraine”. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chính trị đã can thiệp trước khi công nghệ có thể tạo ra sự khác biệt. Bốn đế chế đã sụp đổ và một cuộc cách mạng đã nổ ra ở Nga.

Ông Putin đang trông chờ vào sự suy sụp tinh thần của Ukraine và sự xói mòn việc ủng hộ của phương Tây. Tướng Zaluzhny không nghi ngờ gì rằng một cuộc chiến kéo dài sẽ có lợi cho Nga, quốc gia có dân số gấp ba lần và nền kinh tế lớn gấp mười lần Ukraine. “Thành thật mà nói, đó là một nhà nước phong kiến, nơi tài nguyên rẻ nhất là mạng sống con người. Và đối với chúng tôi…thứ đắt giá nhất mà chúng tôi có là con người”, ông nói.

Hiện tại, ông Zaluzhny đang có đủ binh lính. Nhưng chiến tranh càng kéo dài thì càng khó duy trì. “Chúng tôi cần tìm kiếm một giải pháp, chúng tôi cần tìm ra một loại thuốc súng mới, nhanh chóng làm chủ nó và sử dụng nó để giành thắng lợi thần tốc. Bởi vì sớm hay muộn chúng tôi cũng sẽ nhận ra rằng đơn giản là chúng tôi, [Ukraine] không có đủ người để chiến đấu”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thôi thừa nhận thua xong đi tị nạn chính trị nhanh còn kịp chứ đà này thua còn bị xử tử theo nghĩa đen . Nga nó đang nhử mồi để cả đám Âu Châu bò vào nhưng bọn nó khôn lắm , bọn nó chống Nga đến người dân Ukraina cuối cùng . Xóa xong lại ngồi chia bánh

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây