Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (Kỳ 5)

Nguyễn Thông

23-10-2023

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2kỳ 3kỳ 4

Thực ra, tôi cũng tham gia vào việc đánh tư sản, kìm hãm xã hội này, góp phần để cuộc sống vất vưởng đến tận bây giờ. Giờ kể ra, giống như tự chuyển hóa, tự diễn biến, suy thoái. Chả là hồi từ năm 1977 tôi vào Sài Gòn, suốt mấy năm các thầy cô giáo chúng tôi từ miền Bắc vào, được chính quyền huy động cho công cuộc long trời lở đất (xứ mình làm gì cũng long trời lở đất) đánh tư sản.

Cứ làm theo miệng cán bộ tuyên truyền, chúng tôi hăng hái lên án kịch liệt bọn “tư sản mại bản ôm chân đế quốc Mỹ” Lý Long Thân, Mã Hỷ, Hoàng Kim Quy, Trương Dĩ Nhiên, Mã Tuyên, Nguyễn Tấn Đời, Nguyễn Văn Hảo…, tham gia phong trào đấu tố “bọn bóc lột, đầu cơ tích trữ, phá hoại kinh tế”.

Chúng tôi cả tin rằng lưới thép (gọi là lưới B40) do nhà máy của Hoàng Kim Quy sản xuất, chủ yếu để bọn đế quốc Mỹ sử dụng ngăn đạn B40 của phe cách mạng; gạo xuất khẩu của Mã Hỷ là chiếm đoạt mồ hôi công sức nông dân đồng bằng sông Cửu Long, sắt thép do Lý Long Thân nhập về chủ yếu đúc súng đạn, phim ảnh do Trương Dĩ Nhiên nhập và phát hành để đầu độc thế hệ trẻ, xà bông Trương Văn Bền giàu là nhờ bóc lột sức công nhân…

Kết quả từ một nền kinh tế đang phát triển, hàng hóa phong phú, sự nghiệp cách mạng kinh tế đánh tư sản đã thành công khi nhanh chóng đưa xã hội trở lại mức “mua cái đinh cũng phải giấy”, miền Nam mau mắn hòa đồng với kinh tế nghèo nàn, thủ công, thiếu thốn, bao cấp ở miền Bắc, cùng dắt tay nhau đi trên con đường xã hội chủ nghĩa đói nghèo.

Gieo gì gặt nấy, chính chúng tôi không cần chờ đợi lâu, phải trệu trạo nhai hạt bo bo, củ sắn (mì) thay gạo suốt hơn chục năm trời, chịu cảnh phân phối từng cây kim, sợi chỉ, viên đá lửa, gói thuốc Vàm Cỏ khét lẹt, mảnh vải chỉ đủ may cái quần đùi…

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, đẻ khi “miền Bắc hoàn toàn giải phóng” hăm hở tiến lên chủ nghĩa xã hội, nên từ bé tí đã nghe tuyên truyền về tư bản giãy chết. Vừa căm thù vừa thương hại chúng, tức là bọn tư bản. Khi đi học, ăn sâu vào đầu là những bài về đấu tranh giai cấp. “Dù quần đẹp áo lành/ Anh vẫn là người xấu”. Mặc nhiên hiểu giai cấp tư sản rất ác, nhất là bọn tư sản mại bản. Chúng bóc lột, làm giàu trên mồ hôi nước mắt công nhân. Ngay cả những nhà tư sản có tinh thần dân tộc, biết giúp đỡ cách mạng và kháng chiến như Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, những chủ hãng Cự Doanh (dệt), Vạn Vân (mắm)… cũng cần phải được cải tạo để trở thành người… lao động.

Cách cải tạo phổ biến nhất là tịch thu tài sản, ban đầu núp dưới hình thức công tư hợp doanh, giao cho nhà tư sản chút chức vụ, sau khi nhà nước đã thâu tóm được hoàn toàn thì gạt họ khỏi bộ máy điều hành không thương tiếc. Rất nhiều nhà tư sản đã trở nên trắng tay bởi mưu mẹo mánh lới này của người cộng sản.

Tôi nhớ, từng đọc đâu đó lời chua chát của một người trong cuộc sau khi toàn bộ tài sản phải “tự nguyện hiến” hết cho nhà nước, rằng mấy ông bà cách mạng kháng chiến, sau khi giành được tự do, độc lập cho đất nước và dân tộc thì đã tiến hành cuộc cướp bóc vĩ đại, cào bằng xã hội, căm ghét người giàu, biến cách mạng thành công cuộc ăn cướp chưa từng có trong lịch sử loài người.

Công bằng mà nói, lúc ban đầu, đích tiêu diệt của người cộng sản xứ này không có chủ nghĩa tư bản, đối tượng bị thù hằn không có nhà tư sản. Tới tận thập niên 1950, tiến hành cải cách ruộng đất, mà họ gọi là cuộc cách mạng long trời lở đất, vẫn chỉ tập trung vào địa chủ – kẻ thù của cách mạng, chưa thấy bóng dáng nhà tư sản trong danh sách đen. Chỉ có điều, với người cộng sản Việt Nam, lòng căm thù phe “tư bản giãy chết” đã ngấm vào máu từ khi được Mác – Lê Nin giác ngộ, chỉ chờ dịp là bùng phát thành những cơn cuồng nộ.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây