Lộ trình độ tiếng Việt

Nguyễn Thông

29-6-2023

Chưa bao giờ trình độ tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ) của người Việt kém như bây giờ. Kém nhất lại chính là những người hằng ngày sử dụng tiếng Việt để làm phương tiện kiếm sống, trong đó có đám nhà báo.

Nhiều sai, nhiều lỗi lắm, tôi đang bận nên chỉ đề cập tới cuộc thi tốt nghiệp diễn ra hôm qua 28.6.

Rất nhiều báo ngày 28.6 đưa tin “lộ đề thi môn văn”, “lộ đề thi môn toán”. Mới đọc, ai cũng thấy rất nghiêm trọng. Thi quốc gia mà hết lộ này tới lộ khác thì thi làm quái gì. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu sự chuẩn bị suốt cả năm chả nhẽ vứt hết. Ngành giáo dục làm ăn như vậy thì nên giải tán, v.v…

Thấy thiên hạ ồn ào, báo chí xăng xái, tôi để ý, đọc kỹ, hóa ra không phải. Oan cho ông thượng thư giáo dục Nguyễn Kim Sơn, dù từ khi nhậm chức tới nay, ông chưa chứng tỏ được mình có gì hay hơn, giỏi hơn mấy lão tiền nhiệm, chỉ đỡ hơn không nói ngọng.

Không phải “lộ” đề, mà là “lọt” đề. Như thế mới chính xác. Nghĩa của hai từ ấy rất khác nhau, khác hẳn về bản chất. Thôi, không cần tra từ điển, giải thích vòng vo làm gì, cứ ngắn gọn thế này.

Đề thi, khi chưa được chính thức công bố, còn đang chịu sự bảo quản, bảo vệ cẩn mật, chưa thi, mà thiên hạ đã biết, đã trao đổi, đã hé chỗ này chỗ kia, thì đó là lộ. Xứ này vốn rất nặng về thi cử, từng không ít lần lộ đề. Khi đề bị lộ, những đương sự liên quan gồm người ra đề, người in đề, người duyệt đề, người bảo quản-vận chuyển đề, và cao nhất là bộ trưởng giáo dục. Cứ sờ lần, thế nào cũng tòi ra thủ phạm. Báo chí mà viết “lộ đề thi” khác gì khởi đầu một vụ án hình sự nghiêm trọng tầm quốc gia.

May mà không phải thế, chỉ tại bọn báo chí ngu dốt. Có nhẽ chính họ cũng nhận ra sự ngu dốt ấy nên sang ngày hôm sau nhiều báo đều đổi thành “lọt đề”, nhưng Gu gồ nó lưu cả rồi, cãi cũng chẳng lại nó.

Khi đề thi đã được giao tới tận nơi thi (phòng thi), được chính thức công bố, khai mở, giám thị đã phát cho thí sinh, bản thân thí sinh lúc ấy mới biết nội dung đề, ở ngoài phòng thi vẫn chưa tỏ, thì không có gì lộ cả. Chỉ sau đó, đứa thí sinh (thậm chí giám thị) táy máy bằng cách nào đó gửi bản chụp đề ra ngoài, thì đó là đề bị lọt, lọt ra ngoài, từ trong lọt ra ngoài.

Vụ vi phạm này xác định dễ ợt, nhất là thời buổi công nghệ tinh vi. Người ta đi bất cứ đâu còn bị… vợ/chồng/công an biết, huống hồ việc chụp đề gửi ra ngoài phòng thi.

Hồi xưa, khi chưa có công nghệ tiên tiến, các bậc phụ huynh đáng kính phải bắc thang leo vào khu vực thi nhận đề, thí sinh phải giả vờ đi đái để lén gửi đề ra, chứ bây giờ cả phụ huynh lẫn sĩ tử chỉ cần ngồi một chỗ. Nhà chức việc nghiêm cấm đem điện thoại, máy móc vào phòng thi, chính vì vậy.

Chuyện xảy ra chỉ có thế, mà tranh nhau viết “lọt đề” thành “lộ đề” thì thấy trình độ tiếng Việt của ký giả thời nay thảm hại vô cùng.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. For those Phúc Kđinh up tiếng Việt beyond recognition, tớ kính trọng họ . Mọi người cũng nên kính trọng họ, vì trong số họ có nhiều người mọi người vốn đã kính trọng rùi

    Nhưng được cái, họ có Phúc tiếng Việt tới cỡ nào đi chăng nữa, họ vẫn viết đúng chánh tả . Very, very IMPORTANT

  2. Bổ sung: Từ vựng Tiếng Việt có một điều rất đặc biệt là tuân theo ngôn ngữ gốc của loài người:
    1. Tuân theo quy luật KHÔNG THỜI GIAN (Vũ Trụ): Trước sau, Trên dưới, Ngoài trong….
    2. Vì thế, TỪ TRONG RA NGOÀI (không được phép) được gọi là LỘ, còn, TỪ NGOÀI VÀO TRONG (có phép hoặc không được phép) được gọi là LỌT đấy nhé!

  3. Hề… hề… Nguyễn Thông lại cố tình ĐỂ LỌT từ điển Tiếng Việt rồi:
    1. LỘ: Để cho người ngoài thấy được, biết được.
    2. LỌT: Qua được chỗ hẹp để LỌT vào bên trong (khác với LỌT RA NGOÀI…hê…hê…)

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây