Vladimir Putin đang phải nhận hậu quả từ những đánh giá sai lầm của chính mình

Financial Times

Cù Tuấn, dịch

26-6-2023

Tóm tắt: Tổng thống Nga đứng vững trong một cuộc binh biến kỳ quặc, nhưng quyền hành của ông có vẻ đã suy yếu hơn.

Vladimir Putin đã thoát khỏi mối đe dọa quyền lực nghiêm trọng nhất của mình trong hai thập kỷ với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Nga. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy do Yevgeny Prigozhin và lực lượng bán quân sự Wagner do ông ta lãnh đạo đã phơi bày sự điên rồ hoàn toàn của cuộc chiến mà Putin đã phát động chống lại quốc gia hàng xóm của mình.

Điện Kremlin bị sa lầy trong một cuộc xung đột mà họ không thể thắng, và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của nền kinh tế, biến Nga thành kẻ gây hấn đối với các nước phương Tây và đẩy quân nổi dậy có vũ trang tiến đến cách Matxcơva trong vòng vài giờ lái xe. Nguồn gốc của cuộc binh biến hôm thứ Bảy và “thỏa thuận” sau đó dường như đã xoa dịu và che đi các mâu thuẫn. Nhưng có thể kết luận rằng, quyền lực Putin đang bị suy yếu.

Cuộc chiến chống lại Ukraine ngay từ đầu đã là một tính toán sai lầm và ngạo mạn. Show diễn hoành tráng kiểu chủ nghĩa đế quốc mới của Putin đã khiến ông đánh giá quá cao khả năng của quân đội Nga, đánh giá thấp quyết tâm của quân đội Kyiv ra sức bảo vệ quê hương bằng xương máu của họ và của các nền dân chủ quốc tế trong việc trừng phạt Nga về kinh tế, cùng với việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga đã mắc sai lầm bằng cách giao một phần cuộc chiến cho một đội quân tư nhân, do một cựu tù nhân lãnh đạo. Một khi căng thẳng bùng nổ giữa vị thủ lĩnh hung hãn của Wagner với quân đội nhà nước Nga và sự lãnh đạo bất cẩn của nó, điều này đã gây tác động trở lại cá nhân Putin.

Một thuyết âm mưu ở Nga cho rằng, các sự kiện diễn ra vào cuối tuần có thể là một màn kịch rất khôn khéo nhằm cho phép Putin thể hiện quyền lực và dụ dỗ các đối thủ tiềm năng khác chui ra khỏi vỏ bọc. Điều này có vẻ còn xa mới thành sự thật. Tổng thống Nga dường như đã công khai đối đầu với một đồng minh cũ.

Trong một bài phát biểu khó khăn trên truyền hình, Putin coi cuộc nổi dậy như là một cú đâm sau lưng và so sánh những điểm giống nhau nổi bật giữa thực tại với sự sụp đổ của đế quốc Nga vào năm 1917. Prigozhin bị thuyết phục rời Nga đến Belarus, có lẽ là do bị đe dọa hoặc mua chuộc. Tuy nhiên, điều này cần sự can thiệp của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người mà Putin trong quá khứ thường xuyên thể hiện sự khinh miệt của mình.

Cuộc binh biến của Prigozhin đã phá vỡ điều cấm kỵ khi ông thách thức nhà lãnh đạo kiểu mafia của Nga, và xuyên thủng bức màn bất khả xâm phạm của Putin. Lãnh đạo dựa trên sự sợ hãi và tiêu diệt tất cả các đối thủ tiềm năng trong giới tinh hoa của Matxcơva, Putin là thủ lĩnh với tư cách là trọng tài cuối cùng giữa các phe phái – người có thể giữ mọi phe chịu làm việc với nhau, trong khi vẫn giữ được sự ủng hộ của người dân Nga.

Hơn nữa, cho đến gần đây Prigozhin được coi là một anh hùng dân tộc chủ nghĩa, vạch trần toàn bộ câu chuyện của Điện Kremlin đằng sau cuộc chiến Ukraine trong một video đầy giận dữ hôm thứ Sáu 23/6. Prigozhin cho biết, Nga không phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp từ Ukraine khi Putin phát động cuộc xâm lược nước này hồi năm ngoái, và những người Nga ở miền đông Ukraine hiện đang bị quân Nga giết hoặc đuổi khỏi nhà của họ.

Kyiv nói, rằng hầu như không có gián đoạn chiến đấu nào đối với đội quân xâm lược của Matxcơva vào cuối tuần qua. Nhưng nỗ lực quân sự của Nga có thể bị hủy hoại do mất đi Wagner, với tư cách là một lực lượng chiến đấu tàn bạo – kể từ bây giờ không có Prigozhin độc tài ở đó để tập hợp họ, và các lực lượng của Wagner sẽ bị phân tán hoặc hòa nhập vào quân đội chính quy. Sự bất ổn trong nước Nga có thể làm tinh thần binh sĩ Nga bị suy yếu và tạo cơ hội cho cuộc phản công của Ukraine.

Phản ứng của Putin có thể quay lại với các chiến thuật khủng bố đã từng được các nhà lãnh đạo Liên Xô và Nga sử dụng trong nhiều thế kỷ: Đẩy mạnh việc đàn áp như dập tắt các phương tiện truyền thông độc lập và trục xuất các nhân vật đối lập nổi tiếng vào các trại cải tạo thời hiện đại. Tình trạng bất ổn hồi cuối tuần qua cũng là một lời nhắc nhở rằng, nếu Putin bị ai đó lật đổ, thì người đó có thể là một trong những người đi theo đường lối chiến tranh cứng rắn hơn, quyết tâm đi đến cùng cuộc chiến ở Ukraine theo cách còn ác độc hơn.

Tuy nhiên hiện tại, một tổng thống từng được coi là đã dẫn dắt nước Nga thoát khỏi tình trạng hỗn loạn của quá trình chuyển đổi hậu Xô Viết đang phải nhận hậu quả từ những đánh giá sai lầm tai hại của chính mình.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây