Gia Định báo – 158 năm buồn vui, thăng trầm

Lê Nguyễn

21-6-2023

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, ít có tờ báo nào từng chứa đựng khá nhiều điều mâu thuẫn và mơ hồ như Gia Định Báo, từ văn kiện cho ra đời tờ báo, ngày phát hành số báo đầu tiên, những nhân vật tiếp nối nhau quản lý tờ báo, đến ngày chính thức đình bản tờ báo. Số lượng báo còn lưu trữ không nhiều, nhất là mất hẳn mấy số báo đầu tiên, và tình trạng thiếu thốn tư liệu khiến cho trong một thời gian dài, Gia Định Báo là một thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu.

I) GIA ĐỊNH BÁO TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI

NHỮNG NĂM ĐẦU THẬP NIÊN 1860

Có thể nói trong thời kỳ đầu tiên của chế độ thuộc địa Pháp tại Nam kỳ, một trong những công cụ được sử dụng sớm nhất là báo chí. Ngay đầu năm 1862, khi hòa ước Nhâm Tuất (5.6.1862) công nhận quyền thống trị của Pháp tại Sài Gòn và ba tỉnh miền Đông Nam kỳ chưa ra đời, họ đã phát hành tờ công báo bằng tiếng Pháp đầu tiên, có tên Bulletin officiel de l’expédition de Cochinchine (Nam kỳ viễn chinh công báo: BOEC).

Trang đầu của tờ báo nêu rõ: ”Tờ Nam kỳ viễn chinh công báo đăng những văn kiện chính của ông Tổng tư lệnh, sẽ phát hành mỗi tuần một lần; nó bao gồm các nghị định, quyết định và thông cáo có liên quan đến các giới chức dân sự và quân sự và cư dân nước ngoài thuộc lục địa châu Á sống tại Nam kỳ, trong những tỉnh đặt dưới thẩm quyền của nước Pháp.

Các quảng cáo và lời rao thương mại được đăng ở một trang riêng kèm theo tờ công báo…” (LN tạm dịch).

Ảnh tư liệu

Cuối trang, chính quyền thực dân cũng thông báo cả việc phát hành song hành một tờ Bulletin des Communes (Tập san hàng xã) in bằng chữ Hoa, cũng với những mục đích tương tự.

Tờ BOEC có khổ 14 cm x 21,5 cm, đăng hầu hết những văn kiện lập qui (nghị định, quyết định) cùng quân lệnh của viên Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Nam kỳ. Tờ báo tồn tại một năm rưởi, không phải kéo dài đến năm 1888 như có tài liệu đã nhầm lẫn. Đầu tháng 7.1863, nó được thay thế bằng tờ Bulletin officiel de la Cochinchine française (Công báo Nam kỳ thuộc Pháp: BOCF), với nội dung và hình thức hầu như không có gì thay đổi.

Năm 1888, tờ BOCF được sáp nhập vào tờ Bulletin officiel de l’Indo-chine française (Công báo Đông Pháp: BOIF), trở thành phần thứ nhất (première partie: Cochinchine-Cambodge) của tờ công báo này. Đến năm 1902, nó lại được tách ra khỏi tờ BOIF và trở lại là một tờ báo riêng với cái tên mới: Bulletin administratif de la Cochinchine (Tập san hành chánh Nam kỳ: BAC).

Ngày 1.1.1864, Pháp lại cho ra đời tờ Courrier de Saigon (Tây cống nhật báo). Báo ra nửa tháng một kỳ, nội dung gần gũi với báo chí đời thường hơn, vì ngoài phần công vụ, còn có các mục nghị luận, khảo cứu, quảng cáo…

Cũng trong năm 1864, một cơ quan quan trọng được thành lập có tên là Direction de l’Intérieur (Nha Nội vụ), ngôn ngữ thời đó gọi là Dinh Thượng thơ hay Dinh Hiệp lý. Viên chức đứng đầu cơ quan này (Directeur de l”intérieur: Giám đốc Nội vụ) thường được người dân thời đó gọi là quan Lại Bộ thượng thơ, có quyền hạn bao trùm toàn bộ bộ máy cai trị đương thời.

Ngày 7.12.1865, Thống đốc De La Grandière ký nghị định cho ra đời tờ Bulletin de la Direction de l’Intérieur (Tập san Nha Nội vụ – BDI), cũng có chức năng như tờ BOCF, nhưng trong một tầm mức hạn hẹp hơn, chủ yếu đăng những quyết định, thông báo của Giám Đốc Nha Nội vụ, nhằm phổ biến cho bộ máy hành chánh trong phạm vi thẩm quyền để thi hành.

Cần trình bày dài dòng như trên để thấy rằng, chỉ trong chưa đầy 5 năm nắm quyền thống trị phân nửa lãnh thổ Nam kỳ, sau khi cho ra đời đủ loại báo bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Hoa, việc thực dân Pháp phát hành một tờ báo bằng chữ quốc ngữ là một biện pháp tất yếu nhằm kiện toàn bộ máy cai trị của họ. Và Gia Định Báo đã góp mặt vào sinh hoạt báo chí những năm đầu Pháp thuộc trong bối cảnh như thế.

II) GIA ĐỊNH BÁO VÀ NHỮNG ĐIỂM CẦN LÀM SÁNG TỎ

Căn cứ vào nội dung Gia Định Báo những năm đầu tiên đặt dưới sự điều hành của một người Pháp tên Ernest Potteaux, có thể thấy nó chỉ đơn thuần là bản dịch có chọn lọc của tờ công báo BOCF. Đến ngày 16.9.1869, Thống Đốc Nam Kỳ G. Ohier đã ký quyết định số 189 bổ nhiệm cụ Trương Vĩnh Ký phụ trách biên tập tờ Gia Định Báo. Toàn văn văn kiện này được tạm dịch như sau:

Quyết định:

Kể từ hôm nay, việc biên tập tờ Gia Định Báo được giao phó cho ông Pétrus Trương Vĩnh Ký, người với tư cách là chánh tổng tài của tờ này, sẽ được lãnh một khoản lương hàng năm là 3000 đồng quan Pháp.

Tờ báo tiếp tục ra mỗi tuần.

Nó sẽ được chia ra làm hai phần: một phần chính thức gồm các văn kiện, quyết định của ông Thống Đốc và nhà cầm quyền với tài liệu bằng tiếng Pháp do Nha Nội vụ cung cấp và được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ; phần khác, không chính thức, sẽ gồm có những bài viết bổ ích và vui về những đề tài lịch sử, những sự kiện về luân lý, thời sự v.v… để có thể đọc được trong các trường học bản xứ và khiến cho công chúng Việt Nam quan tâm đến.

Trước khi phát hành, việc trao đổi sẽ thực hiện tại Nha Nội vụ.

Giám Đốc Nha Nội vụ lãnh thi hành quyết định này; quyết định sẽ được vào sổ và phổ biến ở những nơi xét thấy cần thiết” (hết trích).

Từ thời điểm này, tờ báo có những thay đổi quan trọng, mở đầu với lời kêu gọi của Chánh tổng tài (từ ngữ dùng để chỉ trưởng ban biên tập hay chủ bút thời đó) Trương Vĩnh Ký trên tờ Gia Định Báo số 11 phát hành ngày 8.4.1870:

“Lời cùng các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập vân vân đặng hay:

Nay việc làm Gia Định Báo tại Sài Gòn, ở một chỗ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở, như:

Ăn cướp, ăn trộm,

Bệnh hoạn, tai nạn.

Sự rủi ro, hùm tha, sấu bắt.

Cháy chợ, cháy nhà; mùa màng thể nào.

Tại sở nghề nào thạnh hơn vân vân

Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ, đem vô nhựt trình cho người ta biết, viết rồi thì phải đề mà gởi về cho Gia Định Báo Chánh tổng tài ở Chợ quán…”

Có thể nói, từ thập niên 1870, ngoài phần dịch các văn kiện hành chánh của Soái phủ Nam kỳ, Gia Định Báo đã đi vào sinh hoạt đời thường với những mẩu tin do nhiều nguồn cung cấp, nhằm phản ánh cho người đọc những chuyển biến trong cuộc sống. Xin đơn cử mẩu tin sau trong số báo phát hành ngày 8.3.1870:

“ …Có một người tên là Thiện, nhà ở gần chợ Hóc môn. Tối 12 tháng giêng nầy người ấy xuống ghe mà ngủ, còn vợ con thì để ngủ ở nhà. Vừa đặng một hồi kế lửa phát lên, thím Thiện chạy ra la, làng xóm chạy đến, khuân đồ giùm đặng phân nửa, rồi nhà cháy trụm đi, chú Thiện có tật điếc, vợ kêu, la làng trốc trôn lồi đít, làng xóm khuân đồ tở mở, lửa cháy đùng đùng, mà chờ lọt vào tai va thì nhà cửa, tài vật đã ra tro rồi…” (trích từ bài viết “Các công trình văn học quốc ngữ miền Nam” của Huỳnh Ái Tông, trang web vinhnghiem.org)

Đến thập niên 1880, với sự cộng tác thường xuyên của Thế Tải Trương Minh Ký, một trong những học trò xuất sắc của học giả Trương Vĩnh Ký, và Ernest Potteaux, nguyên Chánh tổng tài Gia Định Báo, trong mục “Thứ vụ” ở phần cuối tờ báo, người ta đọc thấy những câu chuyện ngụ ngôn dịch từ truyện nước ngoài và các vấn đề thường thức về khoa học còn khá mới lạ đối với cư dân Nam kỳ thời đó.

III) NHỮNG VẤN ĐỀ TỪNG ĐƯỢC ĐẶT RA VỀ GIA ĐỊNH BÁO

A) VĂN KIỆN CHO RA ĐỜI TỜ BÁO

Như đã trình bày ở trên về hoạt động của tờ Công báo BOCF, không ai thấy trong BOCF một văn kiện lập quy nào (cụ thể là quyết định) về việc cho ra đời tờ Gia Định Báo. Nếu có thì ít ra trong những văn kiện liên quan đến việc điều hành tờ báo đều phải tham chiếu văn kiện này. Cũng chính vì điều này mà phát sinh vấn nạn thứ hai, đó là:

B) NGÀY PHÁT HÀNH SỐ GIA ĐỊNH BÁO ĐẦU TIÊN

Chi tiết này cũng gây sự hoang mang cho giới nghiên cứu trong một thời gian dài. Vào thập niên 1940, học giả Đào Trinh Nhất trong bài “Thử tìm long mạch của tờ báo ta” đăng trên tờ Trung Bắc chủ nhật (1942) cho rằng, số Gia Định Báo đầu tiên phát hành năm 1867. Một số tác giả khác cho là ngày 1.4.1865, nhưng không ai viện dẫn được một chứng cứ cụ thể nào.

Điều này cũng dễ hiểu, vì ngay từ thập niên 1960, tại Thư viện quốc gia, Sài Gòn (nay là Thư viện tổng hợp TP HCM) chỉ còn lưu trữ các số Gia Định Báo từ thập niên 1880 trở đi. Căn cứ vào dòng chữ in “năm thứ 16” trên trang đầu một số báo phát hành năm 1880, nhiều người trừ lùi thời gian lại để có con số 1865.

Gần đây, thời điểm được hầu hết giới nghiên cứu chấp nhận về sự ra đời số Gia Định Báo đầu tiên là ngày 15.4.1865, căn cứ vào chứng liệu duy nhất tìm thấy là một văn thư đề ngày 9.5.1865 do Thống đốc Nam Kỳ G. Roze gửi cho Bộ trưởng bộ Hải quân và thuộc địa Pháp, trong đó có nhắc đến việc tờ Gia Định Báo “phát hành vào ngày 15 tháng 4 vừa qua…” (Huỳnh Văn Tòng – Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 – NXB Thành phố Hồ Chí Minh – trang 59-60). Tác giả Huỳnh Văn Tòng cũng tìm thấy tờ Gia Định Báo số 4, phát hành ngày 15.7.1865 tại Trường Sinh ngữ Đông phương, Paris (Pháp); điều này đã phủ nhận thời điểm do học giả Đào Trinh Nhất đưa ra (1867).

* GIA ĐỊNH BÁO TỒN TẠI TRONG BAO LÂU?

Trong các tài liệu nghiên cứu phổ biến tại miền Nam trước năm 1974, chi tiết này hoặc dựa vào sự suy đoán hoặc không được đề cập đến. Căn cứ vào những số báo còn lưu trữ tại Thư viện và năm mất của học giả Trương Vĩnh Ký, một vài tác giả, trong đó có nhà báo Nguyễn Ngu Í trên tạp chí Bách Khoa số 217, phát hành vào tháng 1.1966, đã suy đoán là tờ báo đình bản vào năm 1897. Tập “Mục lục báo chí Việt ngữ trong 100 năm (1865-1965)” của Lê Ngọc Trụ cũng ghi thời gian tồn tại của Gia Định Báo là 1865-1897. Đến thập niên 1970, các số Gia Định Báo phát hành năm 1909 do tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng tìm được tại Pháp đã gián tiếp phủ nhận những suy đoán sai lạc trên (sách đã dẫn). Tuy nhiên, vào thập niên 1970, ông Tòng cũng không xác định được cụ thể thời điểm đình bản của tờ báo.

Tháng 10.1974, nhờ một phát hiện tình cờ, trên giai phẩm Bách Khoa số 416 (trang 73-74), tác giả bài này có dịp công bố một chi tiết tìm thấy trong một văn kiện in trên tờ Tập san hành chánh Nam kỳ năm 1909, trang 3464. Đó là nghị định ngày 21.9.1909 của Thống Đốc Nam kỳ Gourbeil ấn định ngày chính thức đình bản tờ Gia Định Báo là 1.1.1910. Như vậy, có thể xác định thời gian tồn tại của Gia Định Báo là trên 44 năm (15.4.1865 – 31.12.1909) và từ tháng 10.1974, các số liệu này không còn gì phải tranh cãi nữa.

* BỘ MÁY QUẢN LÝ GIA ĐỊNH BÁO

Cho đến nay, trong các tài liệu nghiên cứu đã được công bố, vẫn còn nhiều điểm mơ hồ và mâu thuẫn nhau liên quan đến thành phần nhân sự chịu trách nhiệm quản lý tờ Gia Định Báo. Đa số các tác giả đều khẳng định sự đóng góp tích cực của ít nhất ba cây bút người Việt trong việc sắp xếp nội dung, dịch các văn kiện hành chánh của Soái phủ Nam kỳ và biên soạn các bài viết nhằm phục vụ cho nhu cầu hiểu biết và giải trí của người dân bản xứ. Đó là Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký, Thế Tải Trương Minh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của. Song nhiều vấn nạn đặt ra chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng, tiêu biểu là thời gian học giả Trương Vĩnh Ký giữ trách nhiệm Chánh tổng tài kéo dài bao lâu (kể từ ngày 16.9.1869) và những ai là người kế tục cụ trong cương vị này, vào những thời điểm nào.

Điều khó khăn là không như thông lệ của báo chí ngày nay, các số Gia Định Báo còn lưu trữ đều không ghi tên ban biên tập.

Ngoài việc tìm ra ngày đình bản của tờ Gia Định Báo (1.1.1910), người viết bài này còn có may mắn tìm ra người quản lý cuối cùng của tờ báo này. Đó là ông Diệp Văn Cương, theo nội dung nghị định ngày 20.9.1908 của quyền Thống Đốc Nam kỳ Outrey đăng trên Tập san hành chánh Nam kỳ, trang 2864, với nội dung tạm dịch như sau:

”….Ông Diệp Văn Cương, thông ngôn hạng nhất ngạch châu Âu được giao trách nhiệm biên tập tờ Gia Định Báo kể từ ngày 21.5.1908, thay thế ông Nguyen Van Giau (có lẽ là Nguyễn Văn Giàu – LN) được giao nhiệm vụ khác. Với cương vị này, đương sự sẽ được lãnh phụ cấp 250 đồng (piastre) dự liệu tại nghị định ngày 27.12.1901”.

Ông Diệp Văn Cương thì hầu như ai cũng biết tiếng, là người chủ trương tờ Phan Yên Báo những năm 1898-1899 (nhiều tài liệu ghi nhầm là 1868), là một thông ngôn giỏi trong chính quyền thuộc địa, đồng thời là chồng người cô ruột của vua Thành Thái. Riêng ông Nguyễn Văn Giàu thì gần như xa lạ hoàn toàn với giới nghiên cứu. Trong Gia Định Báo ngày 5.2.1882, chúng tôi đọc thấy nghị định cùng ngày tháng năm có liên quan đến một viên chức tên Nguyễn Văn Giàu là “thông ngôn thí sai nhứt hạng ở Cần Thơ”, rất có thể hai tên trên thuộc về một người và khi bàn giao nhiệm vụ biên tập tờ Gia Định Báo vào năm 1908, có nhiều khả năng ông Giàu ở vào một ngạch trật cao hơn ông Diệp Văn Cương, vì khi ông Giàu đang là “thông ngôn nhứt hạng” thì ông Cương còn là một du học sinh đang học tập ở Alger.

* Với những cứ liệu trên, nếu cần phải vạch ra một danh sách những người chịu trách nhiệm điều hành tờ Gia Định Báo vào những thời điểm kế tiếp nhau, có thể đề xuất tạm thời một thời gian biểu như sau để từ đó, các nhà nghiên cứu tìm thêm cứ liệu cụ thể và chính xác để đính chính hay bổ sung:

– Từ 4.1865 đến 9.1869: Ernest Potteaux

– Từ 9.1869 đến 1872 (hay 1873): Trương Vĩnh Ký

– Từ 1872 (hay 1873) đến 1881: J. Bonet

– Từ 1881 đến 1897: Trương Minh Ký

– Từ 1897 đến 1908: Nguyễn Văn Giàu

– Từ 1908 đến 1909: Diệp Văn Cương.

IV) GIA ĐỊNH BÁO VÀ SỰ PHÁT TRIỂN BÁO CHÍ THỜI KỲ ĐẦU PHÁP THUỘC

Nhìn qua quá trình lịch sử những thế kỷ 17, 18, 19, có thể nhận thấy trên một khía cạnh nào đó, có sự tương đồng giữa sự ra đời của chữ quốc ngữ và vai trò của Gia Định Báo trong đời sống dân tộc. Lúc khởi thủy, chữ Việt la tinh hóa chỉ được các giáo sĩ phương Tây sử dụng như một công cụ truyền giáo của họ, nhưng sau hàng trăm năm, những biến chuyển lịch sử đã biến nó thành chữ quốc ngữ của ta.

Gia Định Báo cũng thế. Xét về bản chất, nó chỉ là một công cụ truyền thông được thực dân Pháp sử dụng trong mục tiêu kiện toàn bộ máy cai trị của họ, song nhờ vào cái tâm của những người Việt Nam tuy cộng tác với Pháp nhưng vẫn có tấm lòng hướng về dân tộc mà nó trở thành gần gũi với đời sống tinh thần của người Việt ta.

Việc phiên dịch các văn kiện hành chánh của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã đành là một công tác thuộc phạm vi trách nhiệm do Pháp giao, song không thể nói là không có tác dụng hữu ích về mặt khách quan đối với đời sống cư dân Việt lúc bấy giờ. Với một kiến thức ít người sánh kịp, hai nhà học giả đã làm phong phú vốn ngôn ngữ Việt còn ở trong thời kỳ phôi thai, tạo được sinh khí cho việc học tập chữ quốc ngữ qua nội dung hấp dẫn của những câu chuyện ngụ ngôn do Trương Minh Ký biên dịch, những bài viết về khoa học thường thức mới mẻ do Ernest Potteaux biên soạn trên từng số báo. Nhờ Gia Định Báo, người dân biết thế nào là “điển khí” (điện năng), núi lửa, động đất ra sao, được hướng dẫn “…ở ăn cho được mạnh khỏe” thế nào (báo ngày 11.1.1882), thấm nhuần tính nhân văn trong các truyện dân gian Nhị thập tứ hiếu, Lục súc tranh công,…

Có thể khẳng định là sự ra đời của những cơ quan ngôn luận do người Việt đứng ra thành lập hoặc giữ vai trò chủ nhiệm, chủ bút vào thời kỳ đầu Pháp thuộc như Thông loại khóa trình (1888-1889), Phan Yên Báo (1898 -1899), Nông cổ mín đàm (1901-1924), Lục tỉnh tân văn (1907-1943)… không thể không có ảnh hưởng của Gia Định Báo trong đó. Người ta tìm thấy bóng dáng của nó ở những bài viết có tính thiết thực trong Nông cổ mín đàm như “thương cổ luận” (bàn việc bán buôn), hướng dẫn việc trồng và chăm sóc cây cối….

Đáng nói hơn nữa là trong khi những tờ báo ra đời mấy mươi năm sau còn đầy rẫy lỗi chính tả (như Nông cổ mín đàm), thì ở Gia Định Báo, họa hoằn mới tìm ra một lỗi. Điều này cũng dễ hiểu, vì Huỳnh Tịnh Của chính là tác giả bộ từ điển quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam có tên “Đại Nam quấc âm tự vị” xuất bản năm 1896.

Công lao của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã được giới nghiên cứu nói đến nhiều, song dường như công luận chưa có sự quan tâm đúng mức đối với Trương Minh Ký, người đã có những đóng góp to lớn cho Gia Định Báo cho đến ngày qua đời (1900). Để thể hiện sự công bằng, có lẽ cần phải đề cao hơn nữa công lao của ông trong việc phát triển tờ Gia Định Báo nói riêng và công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ cho cộng đồng người Việt nói chung.

Và cũng vì sự công bằng của lịch sử, không thể bỏ qua công lao của Ernest Potteaux, người quản nhiệm đầu tiên của Gia Định Báo, là tác giả của nhiều bài viết khoa học có tác dụng nâng cao trình độ hiểu biết của người dân thuộc địa, giúp họ giũ bỏ được phần nào những thói tục mê tín dị đoan còn hằn sâu trong xã hội. Lãnh vực văn hóa không có chỗ cho sự phân biệt chủng tộc hay nguồn gốc xuất thân, làm việc này, chúng ta chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, người Việt Nam là một dân tộc biết trọng đạo nghĩa, không quay lưng lại với những ai đã làm điều tốt đẹp cho mình.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây