Vì sao Việt Nam không muốn nhìn nhận Quan Kế Huy

BBC News

Cù Tuấn, dịch

16-3-2023

Trong bài phát biểu nhận giải đầy xúc động sau khi giành giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Oscar, Quan Kế Huy kể về hành trình của một cậu bé trên thuyền từ Việt Nam, qua trại tị nạn ở Hồng Kông, đến California.

“Tôi đã trải qua một năm trong trại tị nạn và bằng cách nào đó tôi đã đến đây, trên sân khấu lớn nhất của Hollywood”, anh nói. “Họ nói những câu chuyện như thế này chỉ xảy ra trong phim. Tôi không thể tin rằng nó đang xảy ra với mình. Đây là giấc mơ Mỹ”.

Anh là người gốc Việt đầu tiên đoạt giải Oscar, và là một trong hai người được đề cử năm nay – người còn lại là Hồng Châu trong The Whale, gia đình cô cũng trốn khỏi Việt Nam trên một chiếc thuyền.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, phản ứng chính thức khá trầm lắng. Các bài báo trên các phương tiện truyền thông, hầu như đều do nhà nước kiểm soát, đã nói rất ít về Quan Kế Huy hoặc lý lịch của anh.

Một số người đã nhấn mạnh đến nguồn gốc người Hoa của nam diễn viên hơn là nguồn gốc Việt Nam của anh. Anh sinh ra ở thủ đô Sài Gòn của miền Nam Việt Nam vào năm 1971, gia đình anh thuộc cộng đồng người Hoa thiểu số thành công về mặt thương mại, loại hình thường thấy ở nhiều thành phố Đông Nam Á. Không ai đề cập đến việc ra đi của Quan Kế Huy rời khỏi Việt Nam với tư cách là một người tị nạn, trong cuộc di cư ồ ạt của các “thuyền nhân”.

Tờ Thanh Niên chỉ viết rằng, “Quan Kế Huy sinh năm 1971 trong một gia đình người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh [tên chính thức của Sài Gòn] và sau đó chuyển đến Mỹ vào cuối thập niên 1970″.

Tuổi Trẻ viết: “Quan Kế Huy sinh năm 1971 tại Việt Nam trong một gia đình gốc Hoa, có mẹ là người Hong Kong và cha là người Trung Quốc đại lục”.

VN Express viết rằng, nam diễn viên “có cha mẹ là người Hoa ở khu vực Chợ Lớn“, khu thương mại của Sài Gòn, là nơi truyền thống sinh sống của người gốc Hoa.

Không ai trong chính phủ Việt Nam nói bất cứ điều gì, mặc dù điều đó có lẽ ít gây ngạc nhiên hơn nếu từ Đảng Cộng sản có thói quen ít nói. Tại sao lại miễn cưỡng chấp nhận một diễn viên thành công và hiện đã được công nhận trên toàn cầu, người đã công khai thừa nhận nguồn gốc Việt Nam của mình?

Cuộc di cư của thuyền nhân trong thập niên 1970 và 1980 là một trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Hơn 1,5 triệu người đã rời đi, hầu hết là người gốc Hoa, trên những chiếc thuyền ọp ẹp băng qua Biển Đông.

Theo UNHCR, khoảng 200.000 đến 400.000 người đã chết, một số dưới bàn tay của những tên cướp biển tàn nhẫn. Đối với một Đảng cộng sản vào thời điểm đó vừa đánh bại sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, và gần đây đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, thì đó là một giai đoạn mà họ thà quên đi. Giải Oscar của Quan Kế Huy đang mang tất cả trở lại.

Việc ra đi đầy bi thảm của các thuyền nhân cũng là một lời nhắc nhở về mối quan hệ căng thẳng của Việt Nam với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Hai quốc gia cộng sản đã chính thức rất thân thiết trong những năm hình thành sau Thế chiến thứ hai, với số lượng lớn viện trợ của Trung Quốc dành cho miền Bắc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại trước tiên là người Pháp, và sau đó là người Mỹ.

Nhưng vào thời điểm chiến thắng của miền Bắc Việt Nam vào tháng 4 năm 1975 và thống nhất đất nước, quan hệ ngày càng căng thẳng. Điều này xảy ra khi giới lãnh đạo cộng sản của Việt Nam đứng về phía Liên Xô trong vấn đề chia rẽ Trung-Xô và việc Trung Quốc nối lại quan hệ với Hoa Kỳ.

Đông đảo người Hoa gốc Hoa, chủ yếu ở Chợ Lớn, trong đó có gia đình Quan Kế Huy, đã bị cuốn vào việc này. Họ đã chịu áp lực từ những người cộng sản chiến thắng với tư cách là nhóm tư bản chính ở miền Nam Việt Nam, bị nghi ngờ là trung thành với chế độ cũ. Nhiều người đã bị gửi đến các trại cải tạo.

Nền kinh tế Việt Nam ở trong tình trạng tồi tệ trong nhiều năm sau chiến tranh, bị ảnh hưởng bởi những thiệt hại to lớn mà nó phải gánh chịu, sự cô lập quốc tế và bởi các chính sách xã hội chủ nghĩa cứng rắn của chế độ mới. Vì họ thường có tiền để hối lộ các quan chức và thuê thuyền, người gốc Hoa bắt đầu ra đi với số lượng lớn vào tháng 9 năm 1978.

Cuộc di cư này đã tăng tốc sau cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam vào tháng 2 năm 1979, thời điểm tâm lý chống Trung Quốc dâng cao. Việc này tiếp tục trong hơn một thập kỷ.

Mối quan hệ đầy rắc rối với Trung Quốc vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, mặc dù không còn mâu thuẫn nhiều với người gốc Hoa. Nhiều Việt kiều, cách gọi mới của những người chạy trốn, đã có thể trở về Việt Nam và làm ăn phát đạt.

Nhưng sự phẫn nộ trước các chính sách hung hăng của Trung Quốc đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông, và ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, đã thúc đẩy tâm lý chống Trung Quốc mạnh mẽ trong dân chúng Việt Nam.

Anh ấy [Quan Kế Huy] không phải là người gốc Việt, anh ấy chỉ là người Việt gốc Hoa và sinh ra ở Việt Nam. Chúng ta phải làm rõ điều đó“, một người viết trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt.

Họ nên viết rất rõ ràng rằng anh ấy là người Mỹ gốc Hoa, rằng anh ấy từng có quốc tịch Việt Nam! Tôi không thấy “gốc Việt” nào ở đây cả” – một người khác nêu ý kiến.

Nhưng một người khác lại viết rằng “chúng ta nên nói Quan Kế Huy là người Việt Nam, vì anh ấy sinh ra ở Việt Nam và là người gốc Hoa“.

Từ TP.HCM, nhà văn Trần Tiến Dũng gợi ý trên Facebook rằng thân phận của Quan Kế Huy là người “Sài Gòn-Chợ Lớn”: “Với tôi, Quan Kế Huy lấy năng lượng từ nơi sinh ra ở Sài Gòn – Chợ Lớn, và nổi tiếng từ khi lớn lên ở Mỹ. Vì vậy, tôi muốn chúc mừng anh ấy và chia sẻ niềm vui với công chúng trên mạng xã hội“.

Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư y khoa tại Đại học New South Wales ở Sydney, và cũng là một cựu thuyền nhân, nói: “Tôi nghĩ cách truyền thông nhà nước đã bỏ qua lịch sử thuyền nhân của Quan Kế Huy là điều đáng tiếc“.

Câu chuyện thuyền nhân tị nạn những năm 1970, 1980 là một chương bi thảm trong lịch sử dân tộc. Phần lớn người Việt tị nạn đến Mỹ thời đó, dù là người gốc Hoa hay “thuần Việt” đều rất nghèo. Họ không nói được tiếng Anh, nhưng họ vẫn tồn tại và phát triển“.

Thế hệ Việt Nam ngày nay không thể tưởng tượng được những gian khổ của người tị nạn lúc bấy giờ, một phần vì họ không được dạy về giai đoạn lịch sử đau buồn đó”.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Nạn kiều khác, vượt biên trốn đi khác.
    Việc bài xích Hoa kiều, ai về đại lục thì đi đường bộ. Ai không muốn về đại lục thì tập trung mua tàu của nhà nước, nhà nước cho tài công chạy tàu ra hải phận quốc tế, sau đó tự lái, đi đâu là việc của chúng mày. Những người may mắn đến được Hương Cảng, Indo … hoặc được tàu tư bản vớt, đưa vào trại tỵ nạn, Liên hợp quốc sẽ bố trí đến nước thứ 3.

  2. Trên mạng internet có những diễn đàn của DLV. thì không hề viết một ai đó là người
    đi tỵ nạn mà là di cư qua Mỹ, Pháp, Úc v.v. dù người đó thực sự là người tỵ nạn chạy
    trốn CS. nên mới được các nước tây phương nhận cho cư trú ỏ nước họ.
    Không phải ngẫu nhiên mà các diễn đàn đều tránh né 2 chữ “tỵ nạn” nhưng đó là từ
    kép làm người Cs. cảm thấy “nhột” ( nhạy cảm). Theo lời lẽ tuyên truyền của họ thì
    những người chạy khỏi nước VN.là vì bị Mỹ “cưỡng ép”, chứ không phải TỰ NGUYỆN
    rời bỏ đất nước mình ! Đòn nguỵ biện của CS. thì không ai địch nổi (vô địch) !
    Ngay đến bia tưởng niệm người tỵ nạn vượt biển đến các nước Đông Nam Á như Phi,
    MãLai, Indonesia v.v. đều bị nhà nước CS. áp lực nước sở tại phải đục bỏ, nếu muốn
    vào VN. làm ăn buôn bán hay đấu thầu xây dựng một công trình gì đó…

  3. Quan Kế Huy đã may mắn thoát khỏi ách thống trị của cộng sản và trưởng thành trên đất Mỹ, nhờ đó anh mới có hôm nay.

    Nếu còn ở Việt Nam, giỏi lắm anh cũng chỉ nổi tiếng cỡ Xuân Bắc, Xuân Hinh, Xuân Phúc mà thôi. Có mơ cũng không dám nghĩ đến giải Oscar danh giá này được.

Leave a Reply to Mai Cuốc Xẻng Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây