Người Việt hải ngoại có đầu hàng?

Yên Khê

19-2-2023

Rã rời

Cách đây hơn 30 năm, một người bạn tôi ở Mỹ, nhưng đi đi về về Việt Nam để làm ăn, nói với tôi rằng, tiếng Việt của người Việt ở Mỹ và người Việt ở Việt Nam đã bắt đầu cách xa nhau, có khi nói cũng không hiểu nhau.

Khi nghe nhận xét đó, tôi liên tưởng đến những người Quebec nói tiếng Pháp, nhưng khi phim ảnh của họ chiếu ở Pháp thì thường có phụ đề … Pháp ngữ.

Người Quebec vốn xuất phát từ nước Pháp, nhưng trải qua mấy trăm năm cách biệt, từ ngữ hai bên ngày càng xa nhau. Người Quebec một mặt thu vào nhiều từ tiếng Anh, vì họ lọt thỏm giữa môi trường Anh ngữ, mặt khác, họ cố gắng chống lại nguy cơ bị đồng hóa ngôn ngữ, nên cố gắng duy trì những từ vựng, cách nói cách nay mấy trăm năm. Ngược lại, tiếng Pháp ở cố quốc lại phát triển theo một kiểu khác, tự tin hơn trong sự pha trộn.

Ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ như vậy ở những người Creole sống ở các đảo thuộc địa Pháp, hay một số người… Mỹ ở Louisiana.

Tôi và anh bạn cứ nghĩ rằng tiếng Việt hải ngoại sẽ như tiếng … Quebec. Nhưng không ai ngờ đến sự xuất hiện của… mạng xã hội, và chính sách nhập cư của… Mỹ. Với sự nhập cư, dòng người Việt lớn lên trong nước sau 1975 ồ ạt đến Mỹ. Với mạng xã hội, sự cách biệt ngôn ngữ trở về … zero.

Tôi thấy hiện tượng này như cái bình thông nhau trong vật lý vậy. Với áp suất của gần 100 triệu người, ngôn ngữ và cả thói quen (tôi không dám dùng từ văn hóa) của họ sẽ thắng thế. Có vài hiện tượng gần đây cho thấy sự thắng thế đó.

Vào dịp Tết Quý Mão, tại các trung tâm người Việt ở Mỹ, chúng ta thấy rất nhiều người đàn ông mặc một loại áo dài trên đó vẽ nhiều kiểu khác nhau. Đây là một kiểu ăn mặc xuất hiện trong nước cách đây độ chục năm.

Một nhóm phụ nữ mặc áo dài, nhưng không quần, xuất hiện đâu đó tại khu Little Saigon. Đây cũng là kiểu đã xuất hiện tại Việt Nam cách đây khá lâu và bị báo chí chính thống của Đảng Cộng sản VN chỉ trích. Các phụ nữ tại Little Saigon cũng bị dư luận trên mạng xã hội chỉ trích.

Một số người làm truyện tranh cho trẻ em tại hải ngoại, dùng những kiểu vẽ những nhân vật lịch sử rất giống trong nước. Mà trớ trêu thay kiểu vẽ này lại mang dấu ấn Trung Hoa Cộng sản rất nhiều.

Về mặt ngôn ngữ, từ vựng, cái bình thông nhau hoạt động ngày càng mạnh. Không cần kể ra đây, bạn đọc cứ vào các trang báo hải ngoại, như VOA, Người Việt… có thể nhặt ra hàng hà sa số.

Những tiếng nói chỉ trích của giới người Việt lớn tuổi ở hải ngoại liên quan đến sử dụng cái họ gọi là “ngôn ngữ Việt cộng”, ngày càng ít đi.

Nhà cầm quyền trong nước rõ ràng là có lợi với cái bình thông nhau này để khuếch trương ảnh hưởng của họ, cộng với lợi thế chính trị trong quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Cần phải kể ra đây rằng sự khuếch trương “văn hóa” này còn đi theo một con đường rất mạnh nữa, đó là các nhà sư, linh mục, mục sư, từ trong nước. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người này có dính líu đến chính quyền cộng sản, nhưng họ mang theo ngôn ngữ, và cả thói quen. Điều này không thể tránh khỏi.

Các tổ chức chống đối chính quyền trong nước có lẽ lần lượt giải tán, hay đầu hàng, hay xa hơn nữa là họ muốn “nói chuyện” một cách vô vọng với nhà cầm quyền trong nước. Vô vọng vì họ không có thực lực gì để có thể “nói chuyện” với một nhà cầm quyền có cả một quốc gia sau lưng.

Hồi năm ngoái, một tổ chức từng chống Cộng rất triệt để, thậm chí là bạo động, đã tuyên bố là họ không đòi hủy bỏ cả điều bốn hiến pháp của nhà cầm quyền cộng sản (điều bốn này qui định sự độc tôn của đảng cộng sản tại VN).

Bi đát của văn hóa Việt Nam hiện tại

Với sự độc tôn cầm quyền của đảng cộng sản, sự tha hóa xã hội trong cuộc hôn phối giữa chế độ toàn trị và chủ nghĩa tư bản hoang dã, văn hóa, ứng xử xã hội,… trong nước ngày càng tệ hại. Dĩ nhiên đây là quan điểm chủ quan của tôi, có thể cũng có ai đó nói rằng, không sao đâu, và thậm chí là tốt hơn.

Trong tình hình như vậy, lẽ ra cộng đồng người Việt hải ngoại phải là nơi giữ vững sức mạnh văn hóa và xã hội của người Việt. Nhưng thực tế có lẽ không như thế.

Một mặt, với sức ép của cái bình thông nhau, văn hóa xã hội người Việt tại Mỹ không có gì khá hơn. Họ chịu trận trước sức tấn công của văn hóa xã hội trong nước.

Mặt khác, cũng không thể đổ lỗi hết cho cái bình thông nhau, chẳng hạn như trong vụ kéo cờ vàng đi làm loạn ở quốc hội Mỹ, chẳng có gián điệp cộng sản nào xúi giục được sự bậy bạ đó.

Nguyên nhân trong sự “chịu trận” của người Việt hải ngoại rất rõ ràng, đó là họ không có một sức mạnh nội tại, cả về tài chánh lẫn chính trị.

Theo con số của chính quyền cộng sản trong nước công bố, có đến 30% ngân sách của thành Hồ đến từ … kiều hối, tức là tiền của những người Việt, mà chủ yếu là ở Mỹ gửi về. Thoạt nhìn, tưởng rằng đây sẽ là lợi thế để gây sức ép của cộng đồng Việt hải ngoại, nhưng không phải thế, lượng tiền khổng lồ này được di chuyển qua cái bình thông nhau, mà người Việt hải ngoại chống chính quyền trong nước không thể kiểm soát.

Về mặt chính trị, dù có đến gần nửa thế kỷ sống ở Mỹ, cộng đồng Việt hải ngoại vẫn dường như đứng ngoài dòng chính của chính trị Mỹ. Nhân vật cao cấp nhất là bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) lên đến dân biểu liên bang, đã rút lui khỏi chính trường sau ba nhiệm kỳ Quốc hội (Trước đó là ông Cao Quang Ánh, cũng là dân biểu Quốc hội liên bang, duy nhất một nhiệm kỳ). Điều này làm cho cộng đồng Việt hải ngoại không có sức ép nào khả dĩ lên nhà cầm quyền trong nước cả.

Cái bình thông nhau

Trong một tiệm bán bành mì không xa thương xá Phúc Lộc Thọ, tôi nghe hai cô gái trẻ người Việt nói chuyện với nhau. Cả hai nói giọng miền Tây (Nam Bộ) rặt, áo thun Bebe, túi xách Michael Kors, quần “True Religion” … giống hệt các phụ nữ Việt Nam đâu đó trên khắp thế giới, Sài Gòn, Cần Thơ, Hà Nội, hay San Jose, Florida.

Họ nói chuyện về “xứ dừa Bến Tre”, một cụm từ phổ biến mạnh sau năm 1975 trong toan tính tuyên truyền về cái “nôi cách mạng” Bến Tre. Họ nói về chuyến đi sắp tới về Việt Nam sẽ đem bao nhiêu tiền… mặt, và bày nhau cách khai báo phúc lợi xã hội, giấu thu nhập (income) thực tế…

Cái bình thông nhau vẫn đang hoạt động hết công suất để nuôi… thành phố Hồ Chí Minh!

Bình Luận từ Facebook

9 BÌNH LUẬN

  1. “lẽ ra cộng đồng người Việt hải ngoại phải là nơi giữ vững sức mạnh văn hóa và xã hội của người Việt. Nhưng thực tế có lẽ không như thế.”
    Đồng ý với nhận định của tác giả. Vấn đề trong toàn cảnh hiện nay phức tạp hơn. Giới trẻ, dù sinh trưởng tại hải ngoại hay mới sang sau này, đã không còn quan tâm đến hiện tình đất nước. Giới trẻ có lý do biện minh là không có trách nhiệm với lịch sử và cũng không thể thay đổi được quá khứ. Do đó, các chủ đề về tội ác, hận thù, ký ức, hòa giải và xây dựng không cần thảo luận.
    Chuyện giải quyết các tồn đọng của quá khứ không ai còn lo âu, còn giới già thì sao? Các bậc cao niên không còn nhiều thời gian và sức lực để giúp đỡ cho giới trẻ để hiểu được hoàn cảnh lịch sử của đất nước trước đây và lý do tại sao phải ra đi. Không làm tỉnh thức được các ký ức tập thể là vấn đề chính. Nhưng Hà Nội tuyên truyền là người Việt phải khép lại quá khứ và xí xoá cho nhau. Hà Nội ca ngợi chiến thắng Mậu Thân, nhưng quên đi chuyện gây ra thảm sát người dân vô tội. Hà Nội ca ngợi Hiệp định Paris là một chiến thắng của lương tri nhưng không nhớ tới việc bội ước của mình. Lớp già đang cố tình nhắm mắt trước quá khứ hay học cách xí xoá kiểu Hà Nội thì giới trẻ tất nhiên sẽ mù về hiện tại.
    Khác với người Việt, người Do Thái có một đặc điểm cao quý là hồi tưởng và sẽ luôn hồi tưởng, cho dù họ sống bất cứ ở đâu, trong nước hay ngoài nước. Hồi tưởng là phần quan trọng trong đức tin của Do Thái giáo: “Muốn quên đi làm cho kéo dài đời sống lưu vong, và bí ẩn của cứu rổi chính là tưởng niệm.” Ký ức là nguồn gốc của niềm tin vào sự cứu rỗi. Kinh nghiệm này tạo ra niềm hy vọng.
    Người Việt hải ngoại đang đánh mất ký ức tập thể, không còn sức đấu tranh và cũng hết hy vọng. Tất cả sẽ lần lượt ra đi trong thầm lặng, không ai buốn nhắc tới, kể cả Cộng sản Việt Nam, chế độ đã còn sống sót đến ngày nay là nhờ tiền kiều hối. Một thảm kịch cho chúng ta.

  2. “có đến 30% ngân sách của thành Hồ đến từ … kiều hối, tức là tiền của những người Việt, mà chủ yếu là ở Mỹ gửi về … Cái bình thông nhau vẫn đang hoạt động hết công suất để nuôi… thành phố Hồ Chí Minh!”
    Tác giả quên một chi tiết quan trọng là 80 % tiền thu của TP HCM phải giao nạp cho ngân sách trung ương. Do đó, có thể kết luận là dân Việt ở Mỹ nuôi lãnh đạo Hà Nội qua cổng của TPHCM.

  3. Cám ơn tác giả Yên Khê về bài viết hay và đáng suy gẩm này. Các vấn đề nêu lên trong bài thật là đáng buồn cho những người Việt tại hải ngoại biết yêu thương Việt ngữ và quan tâm đến các sinh hoạt chung trong tương lai. Đây là quy luật đào thải của thời gian mà chúng ta không thể nào tránh được.
    Trong lĩnh vực ngôn ngữ, tình trạng suy đồi này trầm trọng. Giới trẻ không còn quan tâm, viết sai chính tả cũng là bình thường, nói ngọng viết ngọng không là vấn đề. Báo trong nước có các tiêu đề như “lóng lòng chờ hỗ trợ, cảm sút mừng ngày Phật đảng” là những chứng minh. Bảng chỉ dẫn trước trường Đại học có ghi là “ Đi lối lầy”, thì không còn gì để nói. Do đó, không phải là sự dị biệt ngôn ngữ miền Nam hay Bắc, trước hay sau 1975, trong hay ngoài nước mà nguyên nhân chính là do lối giáo dục của chế độ cộng sản làm ngu dân.
    Trên trang BTD có phần khá hơn, nhưng cũng có bình luận gia chuyên nghiệp làm tiêu biểu. Qua văn phong tôi đoán là trẻ và học trong mái trường XHCN, nay ra sống ở Mỹ mà có phần thông thạo Anh ngữ đường phố, nhưng siêng năng trong việc đã kích cá nhân trong nhiều chuyện không liên quan, viết lách pha trộn Anh và Việt ngữ thiếu trang nhã tối thiểu. Từ suy nghĩ ngọng ngịu, thiếu cẩn trọng khi chọn lọc ngôn ngữ cần thiết để giúp đở nhau khai dân trí và xướng nhân quyền như mục tiêu mà BTD đề ra. Vấn đề nội dung chuyển tải quan trong, nhưng chúng ta hy vọng BTD sẽ là trang mạng cuối cùng để chúng ta gặp gở nhau và thể hiện tinh thần yêu thương ngôn ngữ Việt .

  4. Con thiêu thân lao vào ánh đèn mất mạng, con người thời cũng vậy thôi, trước mắt thấy cái gì dễ kiếm lợi thì lao vào, còn hậu quả xét sau.

  5. Báo người việt cộng hải ngoại thì nói gì nữa, đăng nguyên xi bài trong nước và để cả núi sạn ấy như thi gan cùng tuế nguyệt, trêu ngươi độc giả bốn phuong.

  6. Hai vật chất hay hai môi trường khác nhau, một thuần khiết trong lành (tự do dân chủ), một ô nhiễm hôi thối ( độc tài cs) phải tách biệt. Nếu hoà trộn thì thành một hỗn hợp khó ngửi đừng nói đến phải uống vào! Phải chấp nhận cái nguyên lý này. Bản thân chất trong sạch không có vi khuẩn độc hại; và chất ô nhiễm thì đầy dãy vi khuẩn nhất là vi khuẩn cộng sản độc tài!

  7. Cái bình thông nhau như thế này.
    Đầu tiên là sự phản bội của người Mỹ bắt tay với vc để bức tử những người đấu tranh cho tự do dân chủ ở miền Nam. Kế đến số người sống sót còn lại bỏ trốn ra nước ngoài và một số bị tù đày. Những người có đủ tinh thần nhiệt huyết chống cs đã dần hao mòn mất đi sau bao năm tháng, một số ít oi còn lại làm gì? Thế hệ con cháu giờ không còn quan tâm chỉ lo cho cuộc sống hiện tại được an toàn nơi xứ Mỹ. Trong khi những kẻ cs thắng cuộc trong nước có nhiều lợi thế từ đầu và sự gian manh để phát triển lợi dụng tư bản làm giàu và sự độc tài cs làm vòng kim cô chăn dắt người dân, họ như con tắc kè hoa sống giữa chế độ độc tài và dân chủ và rất biết lợi dụng cơ hội để củng cố quyền lực và tiền của thậm chí nuôi dạy một thế hệ trẻ bằng một nền giáo dục dối trá về lịch sử, đầu độc về tư tưởng nên họ càng ngày càng thắng thế và phe kia như những gì bất lợi như trên thì tàn lụi là đúng logic rồi. Một tất yếu đau đớn cho những người từng đấu tranh cho dân chủ tự do cho dân Việt!

  8. Đã lâu tôi không vào Tiếng Dân nhưng phải công nhận là TD vẫn còn dùng Tiếng Việt của Người Việt Quốc gia ở Miền Nam. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì người dân ở Miền Nam đã bị ành hưởng của Tiếng Việt của Việt cộng ở Miền Bắc đã bị ảnh hưởng của Tiếng Tàu.
    Đa số trong 2.5 triệu người Việt ở Miền Nam đã qua Mỹ tỵ nạn cộng sản từ năm 1975 vẫn còn dùng Tiếng Việt Quốc gia nhưng gần đây những người đến Mỹ từ Miền Bắc đã đem Tiếng Việt của Việt cộng vào báo chí, cơ quan truyền thông. Điễn hình là VOA-Tiếng Việt đã dùng nhiều con, cháu bác Hồ nên hoàn toàn dùng tiếng Việt của Việt Cộng. Thực tế thì có thể thì có thể nói nó là VOA-Tiếng Việt Cộng

  9. Cái gọi là cộng sản ở Việt Nam bây giờ là một khối kiến trúc kỳ quặc.
    Thượng tầng là một thứ giả mác-lenin trộn với hủ nho.
    Hạ tầng là một nền kinh tế tư bản hoang dã lưu manh mang nặng lợi ích phe nhóm ,mạnh về đầu cơ, chụp giật, cướp bóc đất đai, giả dối, bịp bợm.
    Tất nhiên nó sinh ra một lối sống không-văn- hóa xô bồ, với nền tảng đạo đức đạo lý bị băng hoại.
    Lối sống ấy như một thứ bệnh dịch, lan tràn khắp cộng đồng người Việt cả trong và ngoài nước.
    Và nó định hình một nước Việt Nam hiện tại, và trong tương lai gần.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây