Dù bất ổn chính trị, nhưng Việt Nam đáng mạo hiểm để làm ăn

Hill

Tác giả: Ted Osius

Trúc Lam, chuyển ngữ

1-2-2023

Hơn 1.000 năm trước, trong hai trận chiến khác nhau, quân Việt Nam đã sử dụng những chiếc cọc nhọn giấu dưới sông Bạch Đằng để đánh bại cuộc tấn công của hải quân Trung Quốc. Những sự biến động gần đây ở Việt Nam có thể khiến người ta nghĩ rằng, những cọc nhọn đó đang được tái sử dụng để loại bỏ các lãnh đạo chính trị.

Liên tiếp trong vài tuần qua, hai phó thủ tướng có năng lực và phục vụ lâu năm đã bị cách chức, một trong số đó là ủy viên Bộ Chính trị. Và trong một diễn biến chưa từng có, vào ngày 17 tháng 1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, một Ủy viên Bộ Chính trị khác và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đã từ chức chỉ sau hai năm cầm quyền, trong một nhiệm kỳ thường là 5 năm. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi bầu được người mới.

Sự xáo trộn này trong ban lãnh đạo đảng xảy ra khá đột ngột đối với bên ngoài, tuy nhiên những vụ từ chức này đã được phối hợp cẩn thận trong một thời gian và thậm chí có thể là một phần của nỗ lực chống tham nhũng sâu rộng hơn — và đã quá trễ — Tuy nhiên, ngay cả những ý định tốt nhất, như tìm đường đi của tham nhũng, cũng có thể gây ra những hậu quả không lường trước nếu bị các lợi ích nước ngoài hiểu sai là sự bất ổn.

Chiến dịch chống tham nhũng này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành lập vào năm 2016, khi ông Phúc nhậm chức thủ tướng. Kể từ năm 2021, Bộ Chính trị và đảng đã kỷ luật khoảng 70 quan chức, trong đó có 5 bộ trưởng và cựu bộ trưởng, trong số gần 5.000 người bị điều tra tham nhũng. Ông Phúc từ chức sau khi một số quan chức cấp cao bị phát hiện vi phạm liên quan đến bộ xét nghiệm COVID-19 và vụ bê bối trong các chuyến bay “giải cứu”.

Trách nhiệm giải trình của chính phủ, đặc biệt ở cấp cao nhất, là điều tốt. Người ta thậm chí có thể lập luận rằng, nước Mỹ có thể hưởng lợi từ trách nhiệm giải trình cấp cao hơn của cả hai bên. Tuy nhiên, sự phức tạp vốn có của chính phủ Việt Nam có thể khiến những hành động này trở nên đáng sợ đối với những người bên ngoài, gồm các nhà đầu tư nước ngoài không thích rủi ro.

Trong nhiều năm, ông Phúc là gương mặt đại diện của Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà ngoại giao trên toàn thế giới, đồng thời cải thiện quan hệ với Mỹ và giám sát một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2022, Việt Nam đánh dấu tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong 25 năm qua với tốc độ tăng trưởng GDP trên 8% và trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Hoa Kỳ.

Liệu các nhà ngoại giao và các tập đoàn phương Tây có tiếp tục được chào đón nồng nhiệt như những gì đã thu hút họ đến Việt Nam từ ban đầu? Ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với phương Tây? Câu trả lời nhanh và đơn giản lần lượt là ‘có’ và ‘không’.

Mặc dù mối quan ngại này có thể hiểu được đối với một người quan sát bình thường, nhưng với tư cách là một nhà ngoại giao 30 năm, với chuyên môn đặc biệt về Việt Nam, tôi nhận thấy một thông điệp rõ ràng về việc Việt Nam coi trọng mối quan hệ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sâu sắc như thế nào. Có vẻ như những chuyến ra đi gần đây đã được thiết kế cẩn thận để không phải là hình phạt cho việc thắt chặt quan hệ gần gũi hơn với phương Tây, cũng như thúc đẩy cải cách ở Việt Nam. Thay vào đó, các hình phạt nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình tốt hơn trong Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống chính trị của nó.

Khi nhiều nhà máy sản xuất chuyển sang Việt Nam, việc bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định và đáng tin cậy — cùng với trách nhiệm giải trình được cải thiện từ chính phủ — là điều mà các nhà đầu tư nên mong muốn từ ban lãnh đạo Việt Nam. Ngoài ra, giao tiếp tốt với chính phủ nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp để bảo đảm họ hiểu điều gì đang xảy ra và tại sao cũng không kém phần quan trọng.

Sẽ có nhiều thay đổi hơn trong chính phủ Việt Nam trong những tháng tới, gồm cả việc bầu chủ tịch nước mới. Các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho quá trình ra quyết định chậm hơn vào năm 2023 do thiếu kinh nghiệm của các nhân viên chính phủ, thận trọng hơn ở các vị trí mới.

Bất chấp những cơn gió ngược vào năm 2023, Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế lên tới 6,5% trong năm nay. Những thành tựu này không thể đạt được nếu không có thương mại và đầu tư quốc tế, đặc biệt là với phương Tây. Áp lực lớn nhất của đảng không phải từ bất kỳ thế lực bên ngoài hay nước láng giềng nào, mà từ nhu cầu nội bộ để tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng, vốn phụ thuộc vào thương mại và đầu tư nước ngoài. Đó là lý do tại sao Việt Nam tham gia một cách có hệ thống các hiệp định thương mại tự do khu vực, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (hiệp định kế thừa của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực không có Mỹ, và Hiệp định Thương mại EU-Việt Nam.

Câu ngạn ngữ xưa nói với chúng ta rằng “Rủi ro là cơ hội”. Cơ hội ở Việt Nam gần như vô tận, nhưng không phải không có rủi ro. Chính phủ sẽ khôn ngoan khi làm những gì có thể, để giảm rủi ro và tăng cơ hội. Khẩn trương phê duyệt quy hoạch điện được chờ đợi từ lâu là một bước mà đảng có thể thực hiện để báo hiệu cam kết của mình đối với đầu tư nước ngoài từ phương Tây và ổn định kinh tế cho người dân.

_______

Tác giả: Ted Osius là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN và là cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2014-2017.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây