Hồ Bạch Thảo
30-11-2021
Xem lại phần 1-63
64. Quân Minh xâm lăng
Đúng như kế hoạch đã định sẵn, mặc dù trở ngại về việc Tổng binh Chu Năng mất vào đầu tháng 10; Tân thành hầu Trương Phụ lên thay thế, tiếp tục chuẩn bị hành quân xâm lăng:
“Ngày 2 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [12/11/1406]. Chinh thảo An Nam quan Tổng binh Thành quốc công Chu Năng bị bệnh, mất tại Long Châu (1). Hữu Phó tướng quân Tân thành hầu Trương Phụ thay thế; điều toàn quân tiếp tục tiến và sai người về triều tâu”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 235).
Bảy ngày sau khi Chu Năng mất, Trương Phụ điều binh từ Bằng Tường, vượt ải Nam Quan xâm lăng nước ta. Sau khi chiếm Ải Lưu; Phụ thừa lệnh Minh Thái Tông, công bố tờ hịch gồm 20 điều kết tội cha con Hồ Quý Ly; việc làm này gây ảnh hưởng tâm lý rất mạnh, vì lòng người lúc bấy giờ không có cảm tình với chế độ nhà Hồ:
“Ngày 9 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [19/11/1406]. Ngày hôm nay bọn chinh thảo An Nam Hữu Phó Tướng quân Tân thành hầu Trương Phụ điều quân xuất phát từ Bằng Tường (2), vượt quan ải Pha Lũy hướng vào An Nam tế cáo sông núi nước này: ‘Giặc họ Lê giết vua, bạo ngược với dân, tội lớn như biển.’
Rồi sai Đô đốc Đồng tri Hàn Quan đóng quân tại quan ải; đôn đốc quan binh các xứ tại tỉnh Quảng Tây vận lương, sửa đường, chặt cây làm cầu. Lệnh du binh trinh sát, sai bọn Ưng Dương Dương Tướng quân Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị mang đạo quân tiền tiêu đến Ải Lưu. Chỗ này lực lượng giặc hơn 3 vạn tên dựa vào núi đóng trại, đào hào đắp lũy; chúng bắn tên độc, lăn đá, chặt cây cố thủ. Lữ Nghị đốc quân tiến công, dùng thuẩn để che, xông lên; chém 40 thủ cấp, bắt sống hơn 60 tên, số còn lại bỏ chạy. Đại quân vượt ải, rồi cho binh chiếm giữ. Trương Phụ lãnh ý Thiên tử, truyền hịch cho quan lại và quân dân An Nam như sau:
‘An Nam kề cận Trung Quốc, từ khi Hoàng khảo Thái tổ Hòang đế lãnh mệnh trời thống nhất đất nước, Vương nước này là Trần Nhật Khuê qui thuận trước tiên; được phong tước ban ân, đời đời truyền cho con cháu. Rồi nghịch tặc, cha con Lê Quí Ly làm đại thần phụ chính, chuyên quyền phản phúc, giết chúa soán ngôi. Quí Ly đổi tên họ là Hồ Nhất Nguyên, con Lê Thương đổi là Hồ Đê; mạo kết hôn nhân với họ Trần để thừa cơ gây uy phúc, giết chúa hãm hại suốt cả nhà; lăng loàn tàn bạo khắp nước, đến thảo mộc cầm thú cũng không được yên, trời đất quỉ thần đều chung lòng giận dữ.
Lúc Hoàng thượng mới lên ngôi, vốn rộng lòng quyến luyến kẻ xa xôi. Cha con giặc họ Lê bèn rắp mưu gian, sai sứ đến triều đình tâu rằng: con cháu họ Trần đã hết, y là cháu ngọai, xin tạm quyền việc nước. Triều đình vốn cả tin cho là có lòng thành, nên không nghĩ là dối trá. Rồi người cháu của Vương An Nam bị bách bức, chạy trốn sang Lão Qua, đến kinh sư tố cáo tội ác; lúc đầu triều đình chưa tin, sau nhân Sứ thần An Nam biết được đó là sự thực, không quên chủ cũ, vui buồn lẫn lộn, tìm cách ủy lạo; Thiên tử bèn ban tỷ thư (3), định hưng binh thảo phạt. Cha con giặc họ Lê biết quốc chúa hiện còn, lại lo thiên binh sắp tru phạt, nên sai Sứ xin tha tội và gian dối xin đón về nước để tôn lên làm vua.
Triều đình vẫn tin và không nghi, bỏ qua tội cũ, khen là biết đổi mới; rồi chấp nhận lời xin, sai Sứ giả mang 5000 quân hộ tống trở về nước. Nhưng cha con nhà họ Lê rắp mưu gây họa, dùng quân mai phục chống lại Thiên binh, cản trở Thiên sứ, bắt giết cháu của viên Quốc vương xưa. Sứ thần về tâu, Thiên tử hết sức giận dữ, bèn sai tướng mang 80 vạn quân tiễu trừ nghịch tặc. Phàm đạo quân trừ bạo, cần kê rõ ràng mọi tội lỗi:
1. Cha con Lê Quý Ly hai lần giết Quốc vương An Nam để chiếm nước này, đó là tội thứ nhất.
2. Chúng giết sạch con cháu nhà Trần, tội thứ hai.
3. Không tuân theo lịch Chính Sóc của triều đình, tiếm gọi tên nước Đại Ngu, xưng càn tôn hiệu kỷ nguyên là Nguyên Thánh; tội thứ ba.
4. Xem người trong nước như cừu thù, đặt hình pháp tàn bạo giết kẻ vô tội, vơ vét thuế má, trưng thu phiền hà; bóc lột không ngừng khiến dân đói khổ, hoặc chết vùi nơi ngòi rãnh, hoặc bỏ trốn nơi tha phương; tội thứ tư.
5. Chúng vốn họ Lê, bội phản tổ tông đổi sang họ khác; tội thứ năm.
6. Lấy cớ bà con với họ Trần, xưng tạm quyền quốc sự để lừa dối triều đình; tội thứ sáu.
7. Nghe tin cháu Quốc vương cũ tại kinh sư, giả dối xin đem về nước để tôn lên làm vua. Triều đình bỏ qua lỗi cũ, chấp nhận lời xin; rồi lập mưu gian, chống cự Thiên binh, cản trở Thiên sứ; tội thứ bảy.
8. Cháu Quốc vương An Nam bị bức bách trốn tránh, trải qua nguy hiểm trăm phần chết một phần sống; được Hoàng thượng thương xót tư cấp và cho hộ tống về nước. Cha con giặc họ Lê không biết cảm động hối hận, bèn dẫn dụ để giết. Việc làm nghịch với trời, hủy diệt đạo lý; tội thứ tám.
9. Châu Ninh Viễn đời đời triều cống Trung Quốc. Giặc họ Lê cậy mạnh chiếm 7 trại; rồi cai trị dân chúng, giết cả nam lẫn nữ; tội thứ chín.
10. Giết rể của Thổ quan Đèo Cát Hãn là Đèo Mãnh Mạn; bắt con gái y để dễ bề sai khiến, đòi nạp tiền, phục dịch trăm thứ; tội thứ mười.
11. Uy hiếp bức bách Thổ quan phục dịch, phát binh bắt bớ di dân khiến họ sợ phải bỏ trốn; tội thứ mười một.
12. Xâm chiếm đất thuộc phủ Tư Minh (4), Lộc châu, Tây Bình châu, trại Vĩnh Bình. Triều đình sai sứ đòi lại, thì dùng lời lẽ chống chế, chỉ trả lại không đến hai hoặc ba phần mười; tội thứ mười hai.
13. Sau khi trả đất, lại sai đồ đảng đến cướp giết mệnh quan của triều đình tại châu Tây Bình, cùng mưu cướp phá tại tỉnh Quảng Tây; tội thứ mười ba.
14. Trong lúc Quốc vương Chiêm Thành là Chiêm Ba Ðích Lại đang lo việc tang cha, bèn mang quân đến đánh các đất Cách Liệt, châu cũ của Chiêm Thành; tội thứ mười bốn.
15. Lại đánh 4 châu của Chiêm Thành tại Bản Đạt Lang Bạch Hắc, cướp bắt dân chúng và súc vật; tội thứ mười lăm.
16. Lại mang quân đến Chiêm Thành, bắt hơn 100 con voi, cùng chiếm các đất Chiêm Sa, Ly Nha; tội thứ mười sáu.
17. Chiêm Thành đã là Phiên thần của Trung Quốc, nhận ấn chương phẩm phục của triều đình. Giặc họ Lê lại tự chế ấn mạ vàng bạc, cửu chương, phẩm phục, dây đeo ngọc để ép ban cho; tội thứ mười bảy.
18. Quốc vương Chiêm Thành chỉ tôn kính nhà Minh, không tôn trọng An Nam. Vì lý do này nên một năm hai lần, mang binh đến đánh; tội thứ mười tám.
19. Thiên sứ cùng sứ Chiêm Thành đến nước này. Giặc họ Lê dùng binh cướp tại bến cảng Thi Côn Nại [Thi Nại, Qui Nhơn]; tội thứ mười chín.
20. Triều cống Trung Quốc không dùng Bồi thần. Sai những tội nhân giả mạo làm quan chức đi sứ, thái độ khinh mạn bất kính; tội thứ hai mươi.
Đó là những tội lớn, kỳ dư không cần nói thêm; chỉ riêng cha con nhà họ Lê không theo đạo quân thần đã là tội tầy trời, xét về lý không thể dung được. Dân trong nước lâm vào cảnh hà khắc, độc hại chất chứa từ năm này đến năm khác, tình cảnh thực đáng thương xót. Thiên binh đến để cứu dân bị khốn khổ, khôi phục con cháu họ Trần, nên đã nghiêm sức các tướng sĩ mảy may cũng không được xâm phạm; những nơi đi qua mọi người nên yên ổn như thường, chớ nên nghi ngờ sợ hãi. Những kẻ bị uy hiếp ra làm quan vẫn được giữ yên chức vụ, không bị bắt tội. Nếu cùng với kẻ ác hợp mưu; nay biết lỗi lầm, sửa theo điều thuận, được chấp thuận cho đổi mới và vẫn giữ quan chức như cũ. Những người tại nước khác đến kinh doanh buôn bán tại An Nam, hoặc bị câu lưu, hãy đến cửa quan tự trình bày để được hộ tống trở về nước; những kẻ muốn lưu lại buôn bán, cũng được chấp thuận. Nếu vì dân nước này làm phúc, bắt sống được cha con giặc họ Lê đem đến cửa quân sẽ được ban tước hậu thưởng. Kẻ dám hôn mê bất tuân, theo ác cự mệnh, Thiên binh một lần hươi qua lên, sẽ quét sạch không để sót. Đợi ngày cha con Lê Quí Ly bị bắt, sẽ hội họp bách quan, tướng, lại, kỳ lão trong nước tuyển cầu con cháu nhà Trần, nối lại Vương tước, rửa sạch mối oan khiên vùi xuống đất, cởi bỏ sự đàn áp hành hạ trong nước, trên xứng với lòng nhân của Hoàng thượng, dưới đáp ứng được nguyện vọng của các ngươi”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 235)
Toàn Thư ghi rằng bọn Phụ, Thạnh chép văn bản vào những tấm ván thả trôi theo dòng sông, quan quân ta đọc, vốn ghét sự hà khắc của nhà Hồ, cho là đúng nên không còn lòng dạ chiến đấu:
“Trước đó, nhà Minh sai Thái tử thái phó Thành quốc công Chu Năng làm tổng binh đeo ấn Chinh Di tướng quân đem quân xâm lược phương Nam. Năng đến phủ Thái Bình ở Quảng Tây thì chết. Trước đó Năng đã làm bảng văn kể tội họ Hồ, rêu rao là tìm người họ Trần cho khôi phục lại vương tước. Đến đây, bọn Phụ, Thạnh viết lời bảng văn ấy vào nhiều mảnh gỗ thả theo dòng. Các quân người nào trông thấy thì cho là đúng như lời trong bảng, hơn nữa lại chán ghét chính sự hà khắc của họ Hồ, không còn bụng dạ chiến đấu nữa”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 8.
Sau khi chiếm được Ải Lưu, vào ngày 20/11/1406 Thiêm sự Chu Vinh mang quân chiếm Kê Lăng, tức huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn:
“Ngày 10 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [20/11/1406]. Ngày hôm nay chinh thảo An Nam Phiêu Kỵ Tướng quân Đô đốc Thiêm Sự Chu Vinh mang quân đến quan ải Kê Lăng. Nơi này quân giặc xây trại, đào hào sâu, cắm chông xung quanh, chia binh 3 vạn phòng thủ, trang bị súng, cung nỏ để chống cự. Tuy nhiên tàn quân tại Ải Lưu chạy về truyền lời rằng đại quân thế mạnh không chống được; nên khi quân Chu Vinh tấn công giết hơn 60 tên, số còn lại bỏ vũ khí mà chạy. Quân tiếp tục tiến 40 dặm, đánh một quan ải nhỏ, giặc theo nhau bỏ chạy”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 240) .
Bốn ngày sau đại quân Trương Phụ tiến tới Cần Trạm, tức vùng Kép phía bắc tỉnh Bắc Giang; tại đây chia một cánh nhỏ, vượt sông Cầu, cho toán tiền tiêu đến tận Gia Lâm, Bắc Ninh. Riêng đại quân theo hướng tây đến Phúc Yên, Vĩnh Phúc, liên lạc với đạo quân Mộc Thạnh, cùng nhân dịp tiếp xúc với bọn Mạc Thúy ra hàng; bọn này lập công, chỉ điểm nội bộ quân tình nhà Hồ:
“Ngày 14 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [24/11/1406]. Hữu Phó Tướng quân chinh thảo An Nam Tân thành hầu Trương Phụ mang binh vào ải Kê Lăng, rồi trên đường đến Cần Trạm. Điệp báo cho biết hai bên đường tại Cần Trạm [Kép, Bắc Giang] đều có quân mai phục, bèn ra lệnh Ưng Dương Tướng quân Đô đốc Thiêm Sự Lữ Nghị, cùng Đô đốc Thiêm Sự Hoàng Trung mang quân tìm diệt; giặc phải bỏ trốn. Cho quân tiền tiêu đến Xương Giang [Thị xã Bắc Giang] và Thị Cầu, làm cầu nổi đóng đồn tại Thị Cầu, lại sai Ưng Dương Tướng quân Phương Chính, Du Kích Tướng quân Vương Thứ mang quân tuần thám đến huyện Gia Lâm, phía bắc sông Phú Lương [Hồng Hà]. Riêng đại quân dùng đường khác từ Cần Trạm theo hướng tây đến huyện Tân Phúc [Phúc Yên, Vĩnh Phúc] phủ Bắc Giang; rồi hay tin Phó Tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh đến Bạch Hạc [Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc], bèn sai Phiêu Kỵ Tướng quân Chu Vinh đến họp, Thạnh cũng sai Đô Chỉ huy Du Nhượng đến trại. Bọn Phụ tuân lệnh trên, răn thuộc cấp không được giết bừa, nên đến nơi nào dân cũng vui theo, các ngụy quan như Thiêm phán Đặng Nguyên; người châu Nam Sách, phủ Lạng Giang là Mạc Thúy, Mạc Viễn đến yết kiến. Bọn họ nói rằng:
‘Giặc dựa vào Đông Đô, Tây Đô; cùng sự hiểm trở của các sông Tuyên, sông Thao, sông Đà, sông Phú Lương. Đường huyết mạch từ phủ Tam Giang, qua bờ phía nam sông Đà, núi Tản Viên, đến phía nam sông Phú Lương, qua sông Ninh đi sang phía đông. Lại từ bờ bắc sông Phú Lương theo sông Hải Triều [sông Luộc, Hưng Yên], sông Hy, sông Ma Lao đến Bàn Than, núi Khốn Mai, dọc sông xây đồn. Ải Đa Bang (4) cho xây thêm thành đất, đồn trại nối tiếp liên hoàn dài hơn 900 dặm ; bắt hết dân các châu tại Giang Bắc trên 200 vạn, gồm nam phụ lão ấu vào, để trợ thanh thế. Phía nam sông Phú Lương đều đóng cọc gỗ; tập trung các thuyền bè trong vũng nước đằng sau cọc, các cửa sông cũng đóng cọc gỗ để đề phòng công kích. Giặc phòng bị nghiêm nhặt tại Đông Đô, thường bày voi trận, lính tráng dọc thành; rêu rao đông đến 700 vạn”.
Quân ta giới nghiêm tại bờ phía bắc để đợi; tuy nhiên giặc sợ hãi không muốn vượt sông, chỉ muốn giữ hiểm để làm nản lòng quân, nên ta cho chuyển quân từ huyện Tân Phúc đến chợ Cá Chiêu, châu Tam Đái (5) đóng thuyền để chuẩn bị tiến công. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 240)
Toàn Thư cho biết thêm, bọn Mạc Thúy bất mãn với nhà Hồ, đón quân Minh xin hàng, sau đó chúng được trọng dụng:
“Bọn Mạc Địch, Mạc Thúy, Mạc Viễn và Nguyễn Huân mạo nhận là họ Mạc đều là những kẻ bất đắc chí, đón hàng quân Minh, người Minh đều trao cho quan chức. Sau Thúy làm đến tham chính; Địch làm đến chỉ huy sứ; Viễn làm đến diêm vận sứ; Huân làm đến bố chinh”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 8.
Lúc này tình thế nằm trong giai đoạn quyết liệt, Minh Thái Tông cổ động tướng sĩ, lệnh chủ tướng ghi công, hứa hậu thưởng lúc khải hoàn:
“Ngày 4 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [14/12/1406]. Sắc dụ quan Tổng binh chinh thảo An Nam Chinh Di Tướng quân Tân thành hầu Trương Phụ, Tả Phó tướng Tây bình hầu Mộc Thạnh rằng các tướng sĩ tòng chinh được nuôi dưỡng lúc bình thời để dùng vào ngày hôm nay. Ai liều thân phấn đấu, phá quan ải giết tướng, xung đột đánh trận lập kỳ công, hãy ghi tên tuổi, đợi ngày quân về được thăng cấp, trọng thưởng để biểu dương công lao”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 244)
Vào tháng mười một tình hình ở thế dằng co, Minh Thái Tông sợ mắc vào kế trì hoãn của kẻ địch, nên thúc dục ra tay gấp, mong đánh dẹp xong vào tháng 2 năm sau:
“Ngày 26 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [5/1/1407]. Sắc dụ chinh thảo An Nam quan Tổng binh Chinh Di Tướng quân Tân thành hầu Trương Phụ cùng bọn Tả Phó tướng Tây bình hầu Mộc Thạnh:
‘Nghe rằng quân hiện nay đang giằng co với giặc, ý đồ của chúng là muốn trì hoãn để đợi chướng lệ gây khó khăn. Hãy phá mưu này ngay, để tháng hai năm sau dẹp giặc ban sư”.(Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 244)
Toàn Thư chép vào đầu tháng chạp [1/407] quân Minh chiếm được bờ sông Mộc Hoàn [sông Hồng vùng Việt Trì]; tướng Hồ Xạ phải rút quân về phía nam sông . Mấy ngày sau, quân Minh mang thuyền vượt sông tại hạ lưu, bị thua; những tên rút lui bị tử tội, nên chúng phải liều chết cố đánh:
“Tháng 12, ngày mồng 2, người Minh chiếm được Việt Trì, bờ sông Mộc Hoàn và chổ đóng cọc ở sông Bạch Hạc. Tướng chỉ huy quân Tả Thánh Dực Hồ Xạ không giữ nổi, phải dời hàng trận sang phía nam sông Cái”.
“Đêm mồng 7, người Minh cho khiêng thuyền ra bờ phía bắc bãi sông Thiên Mạc [hạ lưu sông Hồng]. Tướng quân Trần Đĩnh đánh bại quân Minh. Tướng Minh đem những tên thoát lui thi hành quân lệnh, binh lính chúng liều chết cố đánh, tự nguyện lập công” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 8.
Tại vùng Lâm Thao đối lũy với thành Đa Bang, đại quân Trương Phụ tấn công, làm cầu phao qua sông. Cùng lúc, sai Thiêm sự Chu Vinh mang quân khiêu khích vùng hạ lưu để đánh lừa:
“Ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [14/1/1407]. Ngày hôm nay Chinh thảo An Nam Tả Phó tướng Tây bình hầu Mộc Thạnh chiếm quân thứ Tuyên Giang, bờ phía bắc sông Thao, đối lũy với thành Đa Bang. Chinh Di Tướng quân quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ sai Hữu Tham tướng Vân Dương bá Trần Húc mang quân tấn công vùng sông Thao, cùng làm cầu nổi cho quân lính qua sông. Riêng bọn Phiêu Kỵ Đô đốc Thiêm sự Chu Vinh đánh bại giặc tụ tập tại bắc ngạn sông Gia Lâm [Hồng Hà].
Trước đó quan Tổng binh bàn định cho quân vượt sông tại thượng lưu, bèn sai quân kỵ đột nhập phía hạ lưu cách 18 dặm. Quân cách sông đối diện với giặc. Suốt ngày tiếp tục tăng quân để đánh lừa, lại sắm thuyền bè giả bộ muốn vượt sông. Giặc mang binh vượt sông để đoạt thuyền bè, bị bọn Chu Vinh đánh tan”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 244).
Dưới chân thành Đa Bang đất trống, có thể trú chân; đêm 19/1/1407 Trương Phụ phân công, ra lệnh chuẩn bị công cụ đánh thành. Vào canh tư, tức sau nữa đêm; Phụ cho thổi tù và làm hiệu, đồng loạt leo thang tấn công thành. Quân Minh xông vào thành, quân nhà Hồ dùng voi phản công nhưng thất bại, thành bị hãm:
“Ngày 11 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [19/1/1407].Chinh thảo An Nam bọn quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ chiếm được thành Đa Bang.
Trước hết Trương Phụ cho Cao Sĩ Văn cùng thủy quân lưu tại cửa sông chợ Cá Chiêu, để sẵn sàng tiếp ứng cho Chu Vinh tại Gia Lâm; riêng đích thân đốc suất đại quân cùng Phó Tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh phối hợp tấn công . Tại đây giặc làm hàng rào ra đến tận bờ sông, còn ngay dưới thành Đa Bang thì đất bằng có thể trú quân. Tuy nhiên thành đất xây cao dốc, dưới thành đào hào sâu, trong hào bố trí chông tre dày đặc, ngoài hào có rất nhiều hố ngầm cắm chông để làm cạm bẩy người, ngựa. Trên thành phòng bị nghiêm nhặt, giặc đông như kiến.
Sau khi đã hoàn tất dụng cụ đánh thành, bèn hạ lệnh trong quân rằng:
‘Giặc chỉ dựa vào thành này mà thôi; đại trượng phu báo đền quốc gia, công danh chính tại nơi này, ai leo lên trước không kể cấp bực cao thấp, lập tức được thăng thưởng.’
Do đó quân sĩ đều hăng hái liều mình. Ngày này bọn Trương Phụ hội ý phân công tại bãi cát, Phụ đánh thành phía tây nam, Thạnh đánh thành phía đông nam. Sau khi phân công xong, sai một số tướng sĩ nhắm cách mục tiêu định đánh khoảng 1 dặm, chuẩn bị dụng cụ để công thành gấp. Tối hôm đó dập tắt lửa, hẹn quân sĩ đến giờ trèo thành mới nổi lửa thổi tù và làm hiệu lệnh. Vào canh tư, Phụ sai Đô đốc Thiêm sự Hoàng Trung âm thầm mang công cụ vượt hào đến tây nam thành, dùng thang mây (6) dựa vào thành. Đô Chỉ huy Thái Phúc leo lên trước, dùng dao chém loạn xạ, bọn giặc kinh hoảng la báo động, trên thành lửa sáng rực, tiếng kèn, tù và huyên náo. Dưới thành quân sĩ hăng hái liều mình leo tiếp, bọn giặc kinh hoàng không kịp trở tay, gạch đá tên đạn không tung ra được, vội nhảy xuống thành bỏ chạy.
Quân ta tiến vào thành, tướng giặc từ thành nội dàn trận tiếp chiến, xua voi cho đi trước. Phụ sai Du kích Tướng quân Chu Quảng xua kỵ binh che hình nộm sư tử để ngăn voi, bọn Thần cơ Tướng quân La Văn bắn súng thần cơ yểm trợ. Voi sợ sệt, lại bị thương vì tên đạn nên chạy lui vào chổ giặc tụ tập, kiến bọn chúng hoảng loạn tan rã. Quan quân đuổi dài; giết bọn tướng giặc Lương Dân Hiến; Thái Bá Nhạc; truy kích đến núi Tản Viên, giặc dẫm đạp lẫn nhau hoặc bị giết không kể xiết; thu 12 thớt voi, còn khí giới đếm không xuể”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 244).
Toàn Thư mô tả việc tấn công thành vào rạng ngày 20/1/1207, tức ngày 12 tháng chạp năm Khải Đại thứ 4 như sau:
“Sáng ngày 12, người Minh là Trương Phụ dẫn đô đốc Hoàng Trung, đô chỉ huy Thái Phúc tiến công phía tây bắc thành Đa Bang. Mộc Thạnh dẫn bọn đề đốc Trần Tuấn, tiến công phí đông nam thành. Xác chết chất cao ngang với thành mà giặc vẫn tiến đánh, không tên nào dám dừng lại. Bọn Nguyễn Tông Đỗ, tướng chỉ huy quân Thiên Trường đào thành cho voi ra. Người Minh dùng hỏa tiễn bắn voi. Voi lui lại, người Minh theo voi đánh vào. Thành liền bị hạ. Các quân ở dọc sông đều tan vỡ, lui giữ Hoàng Giang hạ lưu sông Hồng”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 8.
_____
Chú thích:
1. Long Châu: vị trí gần biên giới Việt Nam, nay thuộc huyện Long Châu, Sùng Tả thị, tỉnh Quảng Tây.
2. Bằng Tường: nay thuộc huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, sát ải Nam Quan.
3. Tỷ thư: Thư của vua có đóng dấu ấn tỷ.
4. Theo Cương Mục vị trí thành Đa Bang tại xã Cổ Pháp, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây. Theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. (Đất nước Việt Nam qua các đời, tác giả Đào Duy Anh) hiện nay là huyện Quảng Oai, tỉnh Hà Tây.
5. Theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. châu Tam Đái gồm một phần tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hiện nay, nằm giửa hai sông Hồng và Lô.
6. Thang mây tức vân thê, là loại thang xếp đặt trên bệ, bệ được gắn 6 bánh xe để tiện di chuyển. Khi thang dựng và ráp dựa vào trục thẳng đứng với bệ, nên có thể leo lên từ bệ để quan sát trong thành, cũng có thể dựa vào thành để trèo vào. Vì thang cao trên mây nên gọi là vân thê.