Kể thêm sự khủng khiếp trong vụ án đứa trẻ dưới 18 tuổi ở Bình Tân – Vĩnh Long (Phần 5)

Lê Ngọc Luân

25-11-2021

Tiếp theo phần 3phần 4

Ngoài việc Thân chủ của chúng tôi là đứa trẻ dưới 18 tuổi kêu oan vì không biết bị hại là ai, không tham gia, hoàn toàn không biết sự việc và cháu tố Công an xã đe doạ bắt viết bản tường trình từ trưa đến chiều không được ăn, chỉ uống nước. Khi muốn gặp cha thì em khai bị dọa bắt luôn cả cha, tay đưa lên mặt dọa đánh nên em phải viết một bản tường trình nhận tội. Vụ án này còn có một em khác khai cũng bị công an đe dọa, may sau đó em ấy khai lại.

Điều nguy hiểm nhất là cả Thủ trưởng CQĐT và Phó Viện trưởng VKS huyện Bình Tân phê chuẩn lệnh bắt giam Bị can chưa thành niên (dưới 18 tuổi) mà pháp luật quy định cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt như: bỏ trốn, cung cấp tài liệu gian dối… Bộ Luật Tố tụng quy định thành một chương ghi rõ là “Thủ tục tố tụng đặc biệt” dành cho người dưới 18 tuổi, tinh thần chủ đạo là xử lý nhằm giáo dục không vì mục đích triệt hạ vì các cháu dưới 18 tuổi là đối tượng có tâm sinh lý đang trong giai đoạn phát triển.

Tuy nhiên, lệnh bắt trái pháp luật (tôi khẳng định là trái 100% không phải 99%) đã được CQĐT và VKS cùng phối hợp ban ra. Các luật sư khiếu nại thì Thủ trưởng viện dẫn quy định trái luật để cho rằng hai bị can khác (nhận tội) dưới 16 tuổi nên được tại ngoại, còn Thân chủ tôi trên 16 không được. Sau đó chúng tôi khiếu nại lên Viện trưởng VKS cùng cấp, Viện trưởng VKS bỏ qua chi tiết này, không đề cập mà trả lời là “hồ sơ đã chuyển qua toà”, quả bóng được đẩy qua toà trong khi nhiệm vụ rất quan trọng của VKS ngoài chức năng công tố thì còn giám sát hoạt động điều tra của công an, xét xử của toà án. VKS đọc văn bản của luật sư thấy rõ việc bắt giam đứa trẻ 17 tuổi trong 7 tháng trời là trái pháp luật nhưng không sửa sai.

Khi qua toà, chúng tôi có Đơn yêu cầu thay đổi biện pháp ngăn chặn, gửi đến lần thứ 2 thì Chánh án toà huyện Bình Tân mới trả lời cho rằng “Bị can thay đổi lời khai nên không cho tại ngoại” vì ngay cả Chánh án cũng lỡ gia hạn lệnh tạm giam trái pháp luật. Lập tức chúng tôi tiếp tục khiếu nại, phân tích với lời lẽ hết sức nhẹ nhàng và nêu chắc nịch các quy định pháp luật chứng minh việc bắt giam, gia hạn tạm giam là trái luật, chúng tôi còn trích dẫn điều luật, Thông tư liên ngành của BCA, VKSTC, TANDTC… ra luôn. Trong văn bản luật sư khẳng định việc không thay đổi biện pháp tạm giam là trái luật bởi lý do cháu kêu oan chứ không phải là “không thành khẩn như chánh án đề cập, không có bất kỳ điều luật nào quy định khi bị thay đổi lời khai thì không được tại ngoại, mặt khác việc bắt giam của Công an, VKS là vi phạm nghiêm trọng”.

Hồ sơ chuyển ngược lại về Công an, tháng 10/2021 ngay trước mặt ĐTV, VKS, luật sư và cha của cháu (sau 4 tháng mới gặp lại vì dịch) thì cháu oà khóc, hoảng loạn tinh thần, không đứng được thì mới biết cháu bị giam nên chân có dấu hiệu bị teo, tiêu chảy… lập tức luật sư yêu cầu ĐTV, KSV đề nghị lãnh đạo thay đổi biện pháp tạm giam kẻo chết con người ta. Cả ĐTV và KSV gật đầu, sau đó im lặng không phản hồi.

Gia đình phát hiện cháu nằm ở bệnh viện, nguyên một ngày các luật sư, gia đình gọi điện chạy lên công an để yêu cầu cho gặp cháu nhưng ậm ừ cho xong.

Hồ sơ một lần nữa chuyển qua toà, luật sư tiếp tục khiếu nại yêu cầu Chánh án Toà huyện Bình Tân, Viện VKS và Chánh án tỉnh Vĩnh Long thay đổi biện pháp ngăn chặn nhưng tất cả đều im lặng. Gia đình lên gặp VKS tỉnh yêu cầu thì tiếp dân bảo 26/11 này xử rồi chờ đi.

Theo luật, dù còn một phút, một giây thì phải sửa đổi ngay việc làm sai, đặc biệt đó là đứa trẻ nhưng tất cả không làm. Người Cha nói với công an, nếu cháu có tội cứ xử lý nghiêm, không có tội phải minh oan nhưng dù có tội hay không thì cần phải đối xử nhân đạo, nó chỉ là một đứa trẻ, nói xong bật khóc lúc ngồi bóp xoa chân cho con khi ĐTV lấy lời khai. Quá khủng khiếp!

Các luật sư và các bạn nhân sự tại GOLD KEY đọc hồ sơ hoảng hốt nói “26/11 này toà mà dám tuyên án thì tụi em chắc bỏ nghề luôn vì hồ sơ vi phạm rất nghiêm trọng”.

Tôi nghe và nói “Cả CQĐT, VKS, Toà án ra lệnh bắt giam và gia hạn tạm giam trái luật nên rất cao họ sẽ tuyên án để bảo vệ cho các lệnh giam trái luật đó, nếu trả hồ sơ điều tra thì không khác gì tự thừa nhận chính Toà đã vi phạm nghiêm trọng trong việc ra lệnh gia hạn tạm giam, làm nghề này có những điều đau đớn mà luật sư phải đón nhận nhưng không được phép buông tay, cần có bản lĩnh…”

P/S: Làm nghề tôi luôn đưa ra nhận định không sai bao giờ nhưng lần này cầu mong dự đoán của tôi là SAI. Hình ảnh trong bài viết này là một em khác khai bị công an xã đe dọa phải nhận tội sau đó thay đổi lời khai nên không bị khởi tố. May cho em và gia đình.

Câu em ấy khai như sau: “Lời khai ngày 28/4/2021 của tôi với công an xã Tân Lược là không đúng, tôi không biết và không có liên quan gì cả. Do hôm đó công an xã nói tôi có đi cùng, công an xã nói có bằng chứng buộc tội tôi, tôi lo sợ và lo lắng không biết trình bày thế nào. Lời khai ngày 28/4/2021 là do tôi tự nghĩ ra rồi khai không đúng sự thật”.

Lời khai 28/4/2021 là nhận tội “Công an xã nói có bằng chứng buộc tội…”. Mọi người xem đó mà tự rút cho mình và con cháu bài học!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây