Các khiếm khuyết của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương

Lowy Institute

Tác giả: Henry Storey

Đỗ Kim Thêm, dịch

24-10-2021

Từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2021, Tồng thống Mỹ Joe Biden chưa thăm viếng bất cứ nhà lãnh đạo Đông Nam Á nào (White House/ Adam Schutz/ Flickr)

Khi Washington bắt đầu hình thành chủ trương xoay trục sang châu Á, việc phô diễn cá nhân xuất hiện và bắt đầu đàm phán sẽ là những yếu tố quyết định cho các thỏa thuận.

Tính cho đến nay, ngoại trừ Ấn Độ, mối dây liên kết chung của Hoa Kỳ về Ấn Độ-Thái Bình Dương và chiến lược rộng lớn  đối với Trung Quốc đã tập hợp được các đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ.

Các cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Moon Jae-in với cựu Thủ tướng Yoshihide Suga đang bắt đầu có kết quả. Hàn Quốc đang bắt đầu tăng cường việc can dự vào khu vực. Nhật Bản ngày càng nghiêm túc hơn trong việc bảo vệ Đài Loan.

Dự đoán của Trung Quốc rằng thỏa thuận trong Bộ tứ (Quad) giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ “tan biến như bọt biển” chỉ là ước vọng. Ngay cả hiện nay, khi khía cạnh quân sự của Bộ tứ (Quad) bị hạn chế, nó sẽ làm phức tạp đáng kể cho kế hoạch phòng thủ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Lời tái cam kết quyên tặng một tỷ liều vắc xin Covid-19 cho Đông Nam Á của Bộ tứ (Quad) là một ví dụ đáng hoan nghênh Hoa Kỳ trong việc đẩy mạnh cung cấp các mặt hàng có tiện ích công cộng. Nhìn xa hơn, các Hội nghị Thượng đỉnh G7 và NATO trong năm nay là chưa từng xảy ra trước đây, khi hai tổ chức này tập trung cho chuyên đề khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Cuối cùng, khối AUKUS, mối quan hệ đối tác quốc phòng chiến lược giữa Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đã được báo trước là sự thực hiện muộn màng  trong việc xoay trục sang châu Á của Obama. Giả sử như có một giải pháp ngăn chặn khẩn cấp hiệu quả để có thêm tàu ngầm cho Úc trước cuối thập niên 2030, phải thừa nhận là một khả năng khá lớn nếu vào thời điểm hiện tại, khối AUKUS sẽ dẫn đến sự cân bằng quyền lực thuận lợi đáng kể hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, cho đến nay, có một lỗ hổng ngay trong trung tâm chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đó là thiếu điều gì đó ngoài các nỗ lực hời hợt để can dự với Đông Nam Á.

Theo đánh giá qua các Bảng Tuyên bố và Thông cáo Báo chí của Nhà Trắng, gần chín tháng trong nhiệm kỳ của mình, Biden vẫn chưa nói chuyện với một nhà lãnh đạo Đông Nam Á nào. Cho đến tháng 7, Ngoại trưởng Antony Blinken mới chính thức tham gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sau khi có trục trặc kỹ thuật làm hỏng hội nghị thượng đỉnh được dự kiến vào tháng 5. Các nhiệm sở đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, Brunei (chủ tịch hiện tại của ASEAN), Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vẫn bị bỏ trống. Tuy nhiên, không có người được đề nhiệm nào cho các nhiệm sở ở ASEAN, Philippines hoặc Singapore.

Ít nhất, gần đây, Hoa Kỳ đã cải thiện vị thế của mình, khi Blinken tổ chức các cuộc đàm phán qua mạng với các đối tác ASEAN trong 5 ngày liên tiếp vào tháng 8. Cho dù các cuộc đàm phán diễn ra trên mạng, nhưng có ảnh hưởng quan trọng trong khu vực, cũng như khi đối diện trực tiếp.

Trong khi các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Phó Tổng thống Kamala Harris tới Singapore và Việt Nam (và chuyến thăm của Austin tới Philippines) hiển nhiên là được hoan nghênh, họ đã gửi những thông điệp trái chiều.

Tại Bangkok và Jakarta, cả hai có lý do chính đáng khi cảm thấy bị đối xử lạnh nhạt. Ít nhất, không giống như Kuala Lumpur, cả hai thủ đô đều được Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman bảo đảm rằng, sẽ trở lại thăm vào cuối tháng 5  đầu tháng 6.

Việt Nam đã rất kiên cường trong việc chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi Singapore và Philippines, (ở mức độ thấp hơn, thậm chí trong thời Tổng thống Rodrigo Duterte), đã làm nhiều việc để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Với ưu tiên rõ ràng của mình đối với các nước này, Hoa Kỳ mạo hiểm gửi đi thông điệp rằng họ nhìn Đông Nam Á chủ yếu qua lăng kính cạnh tranh an ninh với Trung Quốc.

Mặc dù ngay cả trong lĩnh vực an ninh, cho đến nay, phương cách của Biden vẫn tỏ ra thiếu sót. Các tài liệu ngân sách tháng 5 chỉ đánh dấu là có 179 triệu đô la Mỹ dành tài trợ quân sự cho toàn bộ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trung Đông đạt 5,46 tỷ triệu đô la. Mặc dù có đề cập đến Singapore và Việt Nam, Tài liệu Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của chính quyền đã bỏ qua các đồng minh trong hiệp ước Philippines và Thái Lan, một cách đáng ngạc nhiên.

Tất nhiên, bức tranh này không giúp được gì ngoài việc bất lực của Washington khi đào sâu hơn các mối liên kết thương mại với khu vực. Những bất đồng giữa các quan chức trong chính quyền được báo cáo là đã làm chậm lại các đề xuất về một hiệp định thương mại kỹ thuật số do Hoa Kỳ dẫn đầu.

So với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một con đường thứ ba rõ ràng, thì một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số sẽ dễ đạt được. Nếu khối AUKUS thực sự là sự xuất hiện được báo trước từ lâu của trục xoay, thì nó đang thiếu một thành tố kinh tế.

Thực tế đáng thất vọng ở đây là về các số liệu chính, Hoa Kỳ không thua xa Trung Quốc ở Đông Nam Á như nhiều người giả định. Năm 2019, so với Hoa Kỳ, Trung Quốc chỉ là thị trường xuất khẩu lớn hơn một chút trong các nước ASEAN. Trong hầu hết các năm kể từ năm 2015, đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN đã bỏ xa đầu tư của Trung Quốc.

Điểm mà Hoa Kỳ thiều sót là không có chính sách rõ rệt về ngoại giao kinh tế  Ở đây, có thể bắt chước trong sách vở Trung Quốc. Mặc dù các tiến bộ đã chậm lại kể từ khi G7 công bố, nhưng chương trình Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (Build Back Better Worl, B3W) có thể là một nỗ lực để thực hiện việc này.

Bắc Kinh không ngủ quên trên chiến thắng của mình. Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao không biết mệt mỏi của Trung Quốc, đã tiếp đón các đồng nghiệp từ các nước ASEAN hai lần trong năm nay và vào tháng 9 đã có chuyến công du trong khu vực. Sau khi tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Trung Quốc hiện đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP trong một nỗ lực có vẻ nghiêm túc hơn dự đoán của nhiều nhà quan sát.

Sự cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc có tính chất toàn cầu. Tuy nhiên, vì các lý do cơ bản về kinh tế, địa lý và lịch sử, Đông Nam Á luôn là tâm điểm của cuộc thử thách này. Nhóm Quad, NATO, G7 và AUKUS  phải có nhiều đóng góp đáng kể. Nhưng họ không thể thay thế cho sự tham gia thực tế trong khu vực. Nếu xử lý vụng về, các sáng kiến của họ có thể giống như những áp đặt ngoại lai. Lời hứa vào cuối tháng 9 của Blinken với các nhà lãnh đạo ASEAN về việc đưa ra một chiến lược toàn diện cho khu vực tập trung vào Đông Nam Á đã quá hạn từ lâu.

* Tựa đề bản dịch là của người dịch

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. ” VN. đã rất kiên cường trong việc chống lai sự xâm lấn của Trung Quốc ở
    Biển Đông…” ? Kiên cường thường mô tả hành động nhưng trong bài này,
    tác giả lại gán cho những tuyên bố lặp đi lặp lại như vẹt chăng ?
    Phải chăng ý đồ của tác giả là nịnh như thế này sẽ làm CsVN. thức tỉnh ?
    Bài viết này nặng về ngoại giao để thuyết phục hơn là phê phán các khiếm
    khuyết trong chính sách của Mỹ về châu Á,dù cũng có lời chê trách rất nhẹ
    nhàng chính quyền Mỹ đã có những “nỗ lực hời hợt”…

    • Thật ra, “kiên cường” là do dịch giả xử dụng,chứ không phải tác giả,nghịa
      như siêng năng,chuyên cần trong tiếng Anh là “assiduous” nhưng dịch giả
      chuyển ngữ có vẻ gượng ép, không chính xác.
      “Nỗ lực hời hợt” cũng còn đở hơn. Đúng nhất là chiếu lệ (từ perfunctory),
      nỗ lực chiếu lệ, làm qua quýt cho có gọi là…

Comments are closed.