Tổ chức và nhân sự: Thiếu thích hợp phải trả giá

Ngô Huy Cương

1-10-2021

Không muốn, nhưng nhiều người có một nhận định chung rằng: những đạo luật có nhiều sai sót và bất cập nghiêm trọng nhất là những đạo luật được làm ra và thông qua vào nhiệm kỳ Quốc hội từ năm 2011 đến 2016.

Rất đáng quan ngại! Những đạo luật sai sót và bất cập nhất lại là những đạo luật quan trọng nhất, nền tảng nhất của cả hệ thống pháp luật, điển hình là Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Doanh nghiệp 2014… Những đạo luật này làm ảnh hưởng tới hầu hết các đạo luật còn lại.

Ở nước ta theo thói thường, ít tổ chức nào có đánh giá hay được đánh giá nhiệm kỳ hoạt động của tổ chức đó thật sự nghiêm túc để rút ra bài học thực sự cho tương lai.

Sắp hết một nhiệm kỳ, tại mỗi tổ chức, người ta thường đánh giá công việc đã qua một cách hình thức, thổi phồng thành tích và làm “teo” tối đa các thiếu sót để cho một vài ai đó sẽ có một nhiệm kỳ mới tại vị hay leo cao hơn, hoặc để cho một vài ai đó nghỉ hưu được vui vẻ.

Nhìn từ góc độ cá nhân thì làm như vậy chẳng mất gì mà chỉ có được. Còn xét từ góc độ tập thể thì mất nhiều lắm. Thế nhưng ít ai quan tâm tới câu chuyện đó bởi họ cũng có thói quen hành xử như vậy để có thành tích và họ cũng đang lo cho cái ghế tương lai của mình, đang cần lá phiếu “danh nghĩa”, nên hơi đâu mà bới móc chuyện của người khác, rồi lại để người ta bới móc lại chuyện của mình.

Nhưng muốn hướng tới tương lai thực sự của đất nước nói chung hay của từng tổ chức nói riêng, thì cần phải nắm chắc những sai lầm của nhiệm kỳ và các nhiệm kỳ và tìm cho ra nguyên nhân để khắc phục.

Nhân sự luôn là một trong những nguyên nhân chủ yếu cần khắc phục. Ta thường chỉ chú ý tới “đồ chơi” của “nhân vật” để sắp xếp vào các vị trí mà ít chú ý tới khí chất của họ.

Một người mà thiếu quyết đoán, thiếu quyết liệt, thiếu tỉnh táo và không khẳng định nổi cá nhân mình thì không nên xếp vào vị trí lãnh đạo, chỉ huy hay quản lý của một tổ chức thành lập theo chế độ thủ trưởng chế.

Một người mà thiếu dung hòa, thiếu kiên nhẫn, thiếu kỹ năng thuyết phục và độc đoán thì không nên xếp vào vị trí chủ tịch của một tổ chức được thành lập theo chế độ hội đồng, ví dụ như Quốc hội, Hội đồng nhân dân,…

Ấy thế mà ở ta, công tác nhân sự có mấy vấn đề sau cần phải xem xét lại:

+ Thứ nhất, ta luôn muốn dễ dàng cho công việc quản lý của ta đối với các tổ chức cấp dưới, nên ta đề cao cá nhân “người đứng đầu”, có nghĩa là chỉ cần nắm lấy người đứng đầu đó là nắm được tổ chức đó.

Vì vậy các tổ chức theo chế độ hội đồng không phát huy được tác dụng thực sự của chúng trong xã hội, thiếu dân chủ để sáng tạo ra nhiều giải pháp cho thực tiễn xã hội. Như vậy sự lựa chọn các giải pháp của ta không có.

Hậu quả là có thể nhiều giải pháp trong luật lệ hay nghị quyết mang dấu ấn cá nhân hơn là giải pháp của xã hội.

+ Thứ hai, ta thường chỉ lựa chọn những nhân vật có đủ “đồ chơi” vào các vị trí gọi là “người đứng đầu” của các tổ chức theo chế độ hội đồng. Đồ chơi đó thường bao gồm: bằng cấp chuyên môn, bằng cấp lý luận chính trị, các thể loại chứng chỉ, vị trí quản lý đã từng kinh qua, các thể loại danh hiệu thi đua… Trong khi đó ta không chú ý tới sự phù hợp của tính cách, khí chất, kỹ năng, kinh nghiệm…

Trong chiến tranh mà ta dùng người như vậy là chỉ có thua.

Dùng người vào một vị có tính cách kỹ thuật đơn thuần, người ta cũng phải xét rộng hơn thế nhiều.

Tôi nhớ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) khuyến nghị rằng khi dùng người ở vị trí kỹ thuật quan trọng nhất định cần phải xét tới: Trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức, khả năng, kỹ năng, thể lực, trí lực và sự phù hợp về thể chất và tinh thần cho công việc.

Cái khó nhất của ta là mô hình tổ chức của ta không rõ ràng. Ví dụ: Ủy ban nhân dân và Chủ tịch ủy ban nhân dân là những gì cần cải cách.

Chúng ta đã bỏ mô hình Xô Viết, bỏ mô hình Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước để xây dựng chế định Chủ tịch nước, đồng thời bỏ mô hình Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để xây dựng các chế định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Vậy thì tại sao ta không bỏ nốt mô hình chính quyền địa phương hiện hành để xây dựng một mô hình mới?

Tuy nhiên Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải hoạt động cho đúng theo chế độ hội đồng thì mới có luật lệ tốt, nghị quyết tốt và tác dụng xã hội tốt!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ông Tổng Lú lúc nào cũng tự hào là công tác cán bộ quy hoạch đâu ra đó, lựa chọn được người có tài… Nhưng nhìn từ ông Thủ Tướng, Bộ trưởng Y tế làm loạn dịch, Bộ trưởng Công thương làm đứt gãy sản xuất, chuỗi cung ứng, ông Bộ trưởng Giáo dục đào tạo tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh với 3 không, không mạng, không máy tính, không có app
    Ngán ngẩm

  2. Ông Cương có thể muốn sửa, cải cách nhiều hơn, nhưng động tới 1 số nơi là có nguy cơ bị nguy hiểm, nên chỉ đề cập muốn sửa 1 số bộ phận của hệ thống. Vấn đề ở ta là LỖI HỆ THỐNG với rất nhiều vấn đề phải sửa, nếu theo 1 mô hình thế giới tối ưu của Thế giới!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây