“Phong tỏa” và “Sơ tán” cực đoan

Nguyễn Ngọc Huy

16-9-2021

Hôm qua trong một cuộc họp về ứng phó với Covid, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình chính quyền các cấp địa phương về vấn đề phong tỏa cực đoan. Ông nói nôm na là: Trong tổ dân phố có ca F0 là lập tức phong tỏa cả khu phố, có nơi phong tỏa luôn phường, cả xã, cả quận, huyện. “Nhưng phong tỏa rộng vậy để làm gì? Có hiệu quả gì hay không thì lại không biết?”, ông nói.

Đó chính là sự phong tỏa tùy tiện cơ học mà thiếu khoa học. Trước khi phong tỏa nhiều chính quyền địa phương đã không tính đến các phương án về cung cấp nhu yếu phẩm, về tổ chức giao thông trong trường hợp khẩn cấp như cứu thương và cứu hỏa chứ chưa nói đến điều xa xỉ là vừa tổ chức sản xuất vừa chống dịch. Nhiều nơi còn cực đoan mang cả các khối bêtong, dây thép gai, hàn khung thép cố định bít các con đường. Có nơi cực đoan tổ chức đội liên ngành đi “bắt F1”, có nơi khóa cổng các gia đình có F2. Việc phong tỏa tầng tầng lớp lớp như thiên la địa võng và chống dịch cực đoan vừa tốn kém, vừa tổn hại đến tinh thần người dân ghê gớm.

Năm nay nhiều vùng nông thôn không đủ máy gặt ra đồng bởi một máy gặt muốn ra đến ruộng phải thông được rất nhiều chốt chặn và phải mang theo mình đủ loại giấy thông hành. Có nơi còn quy định nông dân ra đồng phải có xét nghiệm âm tính. Cả vụ lúa 3 tháng người nông dân chỉ lấy công làm lãi được 500 ngàn đồng nếu không mất mùa. Giờ xét nghiệm một lần phải trả 300 ngàn đồng thì họ còn gì để sống? Người dân vì thế không còn động lực để làm người nông dân bởi cách chống dịch nhiêu khê và cực đoan hết sức.

Tôi muốn liên tưởng việc phong tỏa với việc sơ tán người trong thiên tai bão lũ.

Trong thiên tai, sơ tán người nhằm mục đích giảm nguy cơ thiệt hại về người. Việc đó là cách thực hành phổ biến trên toàn thế giới và từ cổ chí kim thời nào cũng áp dụng. Tuy nhiên sơ tán thế nào để không hoang mang và không tốn kém? Mỗi khi có bão đến chúng ta thường nghe đến con số hàng trăm ngàn người dân phải đi sơ tán. Sơ tán cả ở nơi bão đổ bộ và cả những nơi không hề có nguy cơ. Bão vào Bắc Trung Bộ thì sơ tán cả ở Trung Trung Bộ. Bão nhẹ chỉ vào Vịnh Bắc Bộ thôi nhưng cấm biển đến tận Mũi Cà Mau. Đi chống bão ở Cà Mau nhưng bão lại vào Khánh Hòa (cơn bão Damrey năm 2017 chẳng hạn)

Tôi hiểu rằng mọi phương án sơ tán người dân hay cấm biển đều phải dựa vào bản tin dự báo. Tùy vào mức độ nguy hiểm của thiên tai được dự báo, hay dịch bệnh được dự báo mà có phương án sơ tán hay phong tỏa phù hợp. Và vì vậy, để tối ưu hóa và tiết kiệm trong ứng phó thiên tai, dịch bệnh. Rất mong các nhà dự báo cụ thể hóa các kịch bản và bản tin kèm theo những khuyến cáo cụ thể. Và cũng rất mong các địa phương không quá dập khuôn theo công lệnh mà nên phân tích tình hình địa phương để áp dụng.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Mỗi khi có dự báo bão về, bất kể khả năng bị ảnh hưởng là vùng nào, ở Bắc hay Trung hay Nam bộ, các địa phương từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, các bộ ban ngành kể cả báo Nhân dân và TTXVN, đều nhận được công văn khẩn cấp của chính phủ yêu cầu khẩn trương thực hiện phòng chống bão.

    Nội dung các thông báo về cơn bão nào cũng giống cơn bão nào, năm nào cũng giống năm nào.

    Và chính phủ có thông báo thế, cho nó lành.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây