Người Việt thích Mỹ và Trung Quốc không thể thay đổi điều đó

Nikkei Asia

Tác giả: Điền Lương

Trúc Lam chuyển ngữ

13-9-2021

Nỗ lực biến việc rút quân ở Afghanistan thành lợi thế của Bắc Kinh đã thất bại

Khi chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Hà Nội bị trì hoãn hồi tháng trước, Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã vội vàng tổ chức một cuộc gặp không báo trước với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Thứ Sáu tuần trước, hai tuần sau khi bà Harris rời Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tới Hà Nội để bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới khu vực, trong đó có thêm Hàn Quốc vào hành trình của ông ta.

Những nỗ lực ngoại giao liên tiếp như vậy hoàn toàn trái ngược với những trao đổi ngoại giao mờ nhạt giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong năm qua.

Đầu năm nay, Vương Nghị đã đến thăm tất cả các nước Đông Nam Á, ngoại trừ Việt Nam. Tháng 3 năm ngoái, Việt Nam không được mời tham dự cuộc họp cấp cao trong khu vực do Trung Quốc tổ chức tại tỉnh Phúc Kiến, nơi quy tụ các ngoại trưởng Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Vương Nghị đến Hà Nội, theo sau gót chân của [Phó tổng thống] Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, nói lên nhiều điều, cho thấy Trung Quốc cảnh giác như thế nào đối với cuộc tấn công quyến rũ Việt Nam do Washington tiến hành và cách Bắc Kinh cố gắng hành động như một kẻ cản đường.

Ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Phó Thủ tướng Thường trực Việt Nam Phạm Bình Minh thúc cùi chỏ tại Hà Nội ngày 10/9: Chuyến thăm của Vương Nghị cho thấy mức độ cảnh giác của Trung Quốc trước cuộc tấn công quyến rũ Việt Nam do Washington tiến hành. Nguồn: © VGP

 

Có thể hình dung rằng, thông điệp ‘không-quá-gần-với-Mỹ’ của Trung Quốc có thể cộng hưởng với các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người đã nhiều lần nhắc lại rằng, nước này sẽ không bắt tay với một nước này chống lại nước kia. Cuối cùng, Việt Nam phải cố gắng hòa đồng và đương đầu với Trung Quốc.

Vấn đề đối với Bắc Kinh là họ sẽ luôn đối mặt với một trận chiến khó khăn, tập hợp công chúng Việt Nam đứng về phía mình. Dấu hiệu mới nhất cho thấy, Trung Quốc gặp phải tình thế khó xử như thế nào khi cố gắng vẽ ra cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan và sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975.

Vào đêm 26/8, ngay sau khi bà Harris rời Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã đăng một bài cứng rắn trên trang Facebook của họ để đáp lại những phát biểu của bà Harris về việc Bắc Kinh “bắt nạt và yêu sách quá mức” ở Biển Đông. Bài viết có đoạn, “các nước trong khu vực sẽ không tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu“.

Trích dẫn sự sụp đổ của Afghanistan, đại sứ quán Trung Quốc hỏi, liệu Mỹ có đang “đánh thức” bóng ma về sự sụp đổ Sài Gòn bằng cách cử các chính trị gia Mỹ đến Việt Nam để “gieo mối bất hòa” giữa Trung Quốc và các nước láng giềng hay không.

Đại sứ quán Trung Quốc cũng gây chú ý với thực tế là Việt Nam vẫn còn đang dưỡng thương do chiến tranh với Mỹ gây ra. Kết luận với cảnh báo rằng, Washington không nên đánh giá quá cao sức mạnh và ảnh hưởng của mình, bài đăng trên Facebook – chỉ viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung – rõ ràng nhắm tới công chúng Việt Nam.

Không mất nhiều thời gian để người Việt Nam bình thường phản đối, một minh chứng cho thấy, các sự kiện ở Afghanistan đã thất bại trong việc xoay chuyển dư luận chống lại Washington.

Một phân tích về tình cảm công chúng trên mạng của Viện ISEAS-Yusof Ishak, của Singapore, cho thấy những nỗ lực liên kết việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan với sự sụp đổ của Sài Gòn hầu như không xuất hiện trong các cuộc thảo luận trên không gian mạng của Việt Nam, càng ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát trong khi chuyến thăm của bà Harris diễn ra.

Một phân tích dựa trên nội dung khác được thực hiện bởi cùng Viện này, cho thấy, chuyến thăm của bà Harris đã tạo ra phản ứng tích cực về mặt tổng thể, trên các tờ báo Việt Nam và trên mạng xã hội.

Cứ cho là các quan điểm được bày tỏ trên mạng có thể chứng minh là thoáng qua, thiếu suy nghĩ và thậm chí dễ bị thao túng. Nhưng những phản ứng tích cực như vậy rất có thể là biểu hiện tình cảm thân Mỹ đã có từ lâu trong thế hệ trẻ Việt Nam.

Với 2/3 dân số trong gần 100 triệu dân của đất nước được sinh ra sau Chiến tranh Việt Nam, thanh niên Việt Nam chiếm 1/4 tổng dân số. Chính những người đó là nền tảng của dư luận, một sự thật được chứng thực bởi nhiều cuộc thăm dò khác nhau, cho thấy sự ủng hộ không ngừng của người Việt đối với Hoa Kỳ.

Các nhà quan sát bên ngoài từ lâu đã phải vật lộn để hiểu được sự thiếu ác cảm với Hoa Kỳ trong giới trẻ Việt Nam, bất chấp một cuộc chiến tàn khốc đã gần như xóa sổ đất nước của họ. Nhưng đối với thế hệ sau chiến tranh, chính sách ngoại giao sức mạnh mềm của Mỹ và sức hấp dẫn văn hóa của những gì Chú Sam thể hiện, dường như đã thành công.

Trong khi đó, ý niệm về một cuộc xung đột hàng ngàn năm với Trung Quốc đã ăn sâu vào tâm lý người Việt, đến nỗi các nhà cầm quyền Việt Nam thường nhấn mạnh nó để truyền cảm hứng cho các phong trào dân tộc chống lại chủ nghĩa thực dân và những kẻ ngoại xâm khác. Thú vị thay, Việt Nam cũng sử dụng mối đe dọa từ Trung Quốc để đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nhà báo Ấn Độ Nayan Chanda từng kể lại rằng, trong khi máy bay chiến đấu của Mỹ vẫn ném bom ở Hà Nội vào thập niên 1970, thì những du khách nước ngoài đến thăm bảo tàng quốc gia của thành phố, đã được cung cấp các bài tường thuật lịch sử về các sự chiếm đóng khác nhau của Trung Quốc trên đất nước.

Noam Chomsky, nhà hoạt động chính trị hàng đầu của Mỹ cũng có trải nghiệm tương tự khi ông đến thăm Hà Nội trong thời gian gián đoạn ngắn do Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, lưu ý rằng, vào buổi sáng khi ông đến, ông được đưa đến bảo tàng chiến tranh để nghe các bài giảng dài về các cuộc chiến tranh của Việt Nam với Trung Quốc hàng thế kỷ.

Đối với nhiều người Việt Nam, thông điệp đó vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Không có bất hòa giữa thanh niên Việt Nam và các thế hệ lớn tuổi khi nói về nước láng giềng khổng lồ phương Bắc của Việt Nam: Mối đe dọa từ Trung Quốc chưa bao giờ biến mất.

______

Tác giả Điền Lương là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), Singapore.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đó là một “chân lý đó không bao giờ thay đổi” nhưng ác nghiêt thay một thỉểu số
    thống trị đã và đang tôn Tàu cộng làm quan thầy,làm cha nuôi,thậm chí cha đẻ …
    để tiếp tục “ăn trên ngồi trốc” và đó chính là đại họa cho đất nước và dân tộc !

Comments are closed.