Tâm lý nô lệ

Thái Hạo

9-8-2021

Chuyện nữ giảng viên đại học Duy Tân (Đà Nẵng) bị điều tra vì… nói thật và nói thật lòng, ngoài sự “im lặng là vàng” của giới giảng viên đại học trước bất công trên đầu đồng nghiệp và sự phi lý từ phía cơ quan nhà nước ra thì còn một điều nữa khiến tôi thấy thật khó hiểu: Có nhiều người trách cậu sinh viên đã post đoạn đối thoại ấy lên mạng, vì theo họ như thế là gài bẫy, là âm mưu, là xấu xa v.v.

Nếu một khi các bạn đã nghe/đọc mà thấy đó là những phát ngôn bình thường, lành mạnh thì tại sao các bạn còn chê trách cậu sinh viên kia và cho rằng cậu ta “gài bẫy”? Hay ý các bạn là dù nói sự thật và không vi phạm pháp luật nhưng cần phải giữ bí mật? Tại sao lại thế?

Các bạn cho rằng vụ ấy là một “âm mưu”, vậy đó chẳng phải là một âm ưu thất bại hay sao khi mà những lời cô giáo nói ra là hoàn toàn chính đáng? Post những lời ấy ra chốn công khai thì lý do gì mà cô lại có thể trở thành nạn nhân? Rõ ràng, ở đây việc trở thành nạn nhân hay không đâu phải do hành vi của cô mà là từ một ý chí vô pháp nào đó bên ngoài đấy chứ!

Rốt cuộc thì, các bạn đồng nghiệp và đồng bào của tôi, các bạn đang sợ điều gì? Sợ sự thật, sợ cường quyền hay sợ những điều tốt đẹp?

Từ câu chuyện của cô giáo Đà Nẵng, nhiều bạn còn tự nhắc nhở rằng phải cảnh giác, hết sức cảnh giác. Cảnh giác cái gì vậy? Cảnh giác rằng chớ nên nói thật nghĩ suy, xúc cảm của mình ư? Vậy các bạn đang trù tính là sẽ nói cái gì cho học trò nếu không phải là chân – thiện – mỹ? Tôi sợ cái sự “rút kinh nghiệm” này của các bạn.

Thực ra thì tôi hiểu, rằng các bạn đã tự chối bỏ quyền làm người của mình từ trước đó lâu rồi chứ không phải đợi đến khi sự việc này xảy ra. Cái phản ứng “bất mãn” tức thời của các bạn về cậu sinh viên kia cho tôi biết điều đó. Từ trong sâu thẳm, các bạn đã coi việc sống thẳng thắn, sống thật lòng là điều không chính đáng.

Khi các bạn nói đúng và nói thật các bạn phải tự hào và tự tin chứ! Theo tôi, đáng ra các bạn phải cầu mong rằng sẽ có thật nhiều người lan tỏa tiếng nói ấy cho mình chứ nhỉ? Khi các bạn chê trách người học trò kia, thì có phải đồng nghĩa với việc các bạn đang quay lưng lại với lương tâm của chính mình?

Tâm lý sợ hãi hình như đã ăn quá sâu vào tâm thức của một cộng đồng; nó khiến nhiều người không sao còn cảm nhận và phân biệt được cái gì là lẽ thường tình, là đúng sai phải trái, là được – mất, lấy – bỏ nữa thì phải…

So với sự thô bạo của phía bên kia, thì cái tâm lý của phía bên này còn đáng sợ hơn ngàn lần: Tâm lý nô lệ.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. ” các bạn đang sợ cái gì…”
    Sợ toang cái nồi cơm, sợ cháy cái sổ hưu, sợ mất tiền thương binh liệt sĩ, mẹ vn anh hùng…
    Thi thoảng mới có kẻ đi sau dám vỗ mặt bọn đi trước nhưng xét về vô cùng nhỏ thì
    bên kia + 0,000001= bên này = TÂM THẾ NÔ LỆ ( PHẦN MỒM VÀ LỖ TÍT PHÁT TRIỂN)

  2. “So với sự thô bạo của phía bên kia, thì cái tâm lý của phía bên này còn đáng sợ hơn ngàn lần: Tâm lý nô lệ”

    Vài điều . 1- Làm gì có sự khác nhau giữa “bên này” & “bên kia”. Sự “khác nhau” đó chỉ là ảo tưởng . Nhìn lại coi, bên kia là Đảng, là chế độ, và bên này là lo cho Đảng, cho chế độ . 2- “tâm lý nô lệ”, Hmm, lets see. Một nhà giáo dạy văn tin vào nền văn học cách mạng mà mình đã gắn bó suốt bao nhiêu năm nói về “tâm lý nô lệ”. No Star Where.

    “Tâm lý sợ hãi hình như đã ăn quá sâu vào tâm thức của một cộng đồng; nó khiến nhiều người không sao còn cảm nhận và phân biệt được cái gì là lẽ thường tình, là đúng sai phải trái, là được – mất, lấy – bỏ nữa thì phải…”

    Ngay cả tác giả cũng chỉ là 1 thành viên bình thường của cộng đồng, nghịch lý Epimenides thui .

    • Heheh nghe giọng biết ông bạn bò đỏ giả dạng liền. Nè người anh em bò đỏ viết bài gì hay ho coi đi. Làm thân phận muỗi buồn lắm.

      • Nope, hổng buồn chút nào cả . Yêu Đảng là yêu nước cũng là yêu chủ nghĩa xã hội . Tự hào quá chời luôn, hổng còn thời gian buồn . Làm thân phận muỗi sức mấy mà buồn . Simone de Beauvoir mà làm muỗi sẽ viết “Buồn ơi, chào vĩnh biệt mi”. Aurevoir chớ hổng phải Bonjour đâu .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây